Nhà phê bình Hoài Thanh (1909-1982)

Tên khai sinh là Nguyễn Đức Nguyên (ngoài ra ông còn sử dụng các bút danh khác như Văn Thiên, Le Nhà Quê). Ông là một trong những nhà phê bình văn học hàng đầu của Việt Nam trong thế kỷ 20. Cùng với em trai là Hoài Chân, ông là đồng tác giả cuốn Thi nhân Việt Nam 1932-1941.

Quê ông ở xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Hồi nhỏ ông là học sinh của trường Quốc học Vinh. Trước 1945, ông tham gia viết văn, làm báo, dạy học và được coi là người đứng đầu trường phái phê bình văn học Nghệ thuật vị nghệ thuật. Ông từng gia nhập Tân Việt cách mạng Đảng, tham gia Tổng khởi nghĩa cướp chính quyền ở Huế tháng 8/1945.

Sau 1945 ông lần lượt giữ những chức vụ: Chủ tịch Hội văn hóa cứu quốc, Huế (tháng 9 năm 1945); cán bộ giảng dạy tại Đại học Hà Nội (từ 1945 đến 1946); công tác tại Đài tiếng nói Việt Nam (từ 1947 đến 1948); ủy viên Ban thường vụ Hội Văn nghệ Việt Nam(1950); Trưởng tiểu ban Văn nghệ Ban Tuyên huấn Trung ương (1950-1956); Vụ trưởng Vụ nghệ thuật và giảng dạy tại Khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội (1958). Trong khoảng 10 năm 1958-1968 ông trở thành đại biểu Quốc hội khóa 2, làm Tổng thư ký Hội văn học nghệ thuật Việt Nam; tham gia Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa 1 và 2. Từ 1959-1969 ông giữ chức Phó viện trưởng Viện Văn học kiêm Thư ký tòa soạn Tạp chí Nghiên cứu văn học của Viện. Từ 1969 đến 1975 ông giữ chức Chủ nhiệm tuần báo Văn nghệ.

Sau khi mất ông được Nhà nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Tác phẩm đã xuất bản

Văn chương và hành động (1936)
Thi nhân Việt Nam 1932-1941 (1942)
Có một nền văn hóa Việt Nam (1946)
Quyền sống con người trong Truyện Kiều của Nguyễn Du (1949)
Nói chuyện thơ kháng chiến (1951)
Xây dựng văn hóa nhân dân (1950)
Phê bình và tiểu luận tập 1 (1960), tập 2 (1965), tập 3 (1971)
Phan Bội Châu (1978)
Chuyện thơ (1978)
Di bút và di cảo (1993)
Hoài Thanh toàn tập (4 tập, 1998)