Quang Dũng (1921-1988)

Quang Dũng tên thật là Bùi Đình Dậu, tức Bùi Đình Diệm, sinh năm 1921, quê ở ven sông Đáy: làng Phượng Trì, huyện Đan Phượng, tỉnh Sơn Tây, nay thuộc ngoại thành Hà Nội.

Tiểu sử

Sau khi học Trường sư phạm tại Hà Nội, Quang Dũng làm nhạc công gánh hát rong và làm gia sư tại Hà Nội. Ông bắt đầu làm thơ vào năm 16 tuổi với bài “Chiêu Quân”. Các bài thơ tình kế tiếp là “Cố quận”, “Suối tóc”, “Buồn êm ấm” …

Nhưng rồi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, như hầu hết trai trẻ thời đó nhà thơ đã đáp lời non sông lên đường chiến đấu. Năm 1947 ông là một đại đội trưởng của Trung Đoàn Thủ Đô. Ông cũng từng là trưởng phòng văn nghệ Liên khu III. Quang Dũng đã viết rất nhiều truyện ngắn xuất bản và viết kịch, cũng như đã triển lãm bức tranh sơn dầu "Gốc bàng" và sáng tác bài hát "Ba Vì". Sau 1954, ông làm biên tập viên báo Văn nghệ, sau chuyển về Nhà xuất bản Văn học. Ông bị gửi đi chỉnh huấn sau vụ Nhân Văn - Giai Phẩm, rồi lui về ẩn thân trong nghèo nàn và bệnh tật. Nhà thơ qua đời lặng lẽ ngày 13.10.1988 tại Hà Nội.

Tác phẩm

Các tác phẩm thơ chủ yếu của Quang Dũng gồm có: "Một chặng đường", "Gương mặt hồ Tây", "Hoa lại vàng tháng Chạp", "Nhà đồi", "Phiên chợ Bắc Hà", "Mùa chim ngói dưới chân núi Ba Vì", "Đôi mắt người Sơn Tây", "Mây đầu ô", "Tây Tiến"... Nhiều bài rất nổi tiếng và được đông đảo bạn đọc yêu thích đến thuộc lòng. Một số bài thơ của ông đã được phổ nhạc như Tây Tiến (Phạm Duy), Đôi mắt người Sơn Tây (Phạm Đình Chương phổ từ hai bài thơ Đôi bờ và Đôi mắt người Sơn Tây), Kẻ Ở (Cung Tiến phổ nhạc). Đặc biệt bài thơ Em mãi là 20 tuổi được 3 nhạc sĩ phổ nhạc khác nhau (Việt Dzũng, Phạm Trọng Cầu, Khúc Dương).

Cuối tháng 11 năm 2001, Nhà nước trao giải thưởng Văn học Nghệ thuật cho thi sĩ Quang Dũng. Chính phủ Thụy Điển cũng tặng 25 triệu đồng để đúc tượng đồng đặt ngay tại trường học, chỗ nhà ông.

Một người thân thiết với ông thời kháng chiến là nhạc sĩ Trịnh Hưng, kể lại:
“...(Quang Dũng) là một thanh niên yêu nước ghê gớm lắm! Sang Tàu học, đỗ trường Hoàng Phố ra. Việt Minh khởi nghĩa mới nhận anh ấy vào làm Đại Đội trưởng. Anh ấy quân sự giỏi mà cầm kỳ thi họa đủ hết. Tài ba nhiều thứ lắm, mà người cao lớn, đẹp trai. Thời kháng chiến, người ta nhìn anh ấy là một thần tượng vì vẻ đẹp nam nhi hùng tráng, có nhiều tài mà nói chuyện có duyên nữa. Được mọi người coi là thần tượng nhưng anh ấy là người đứng đắn, tử tế...

...Mẹ ông ấy họ Trần, ông ấy cũng thấy cụ Trần Hưng Đạo là người anh hùng, nên lấy họ Trần. Bây giờ phải thêm tên đệm, ông ấy nghĩ mãi ra cái tên “Quang” nên lấy tên là “Trần Quang Dũng”. Có tên Quang Dũng từ khi ông ấy ở bên Tàu...”

"...Ba Vì là quê ông ấy. Quang Dũng làm xong bản nhạc thì đem đến Văn công, tập cho Kim Ngọc hát đầu tiên. Về sau, Kim Ngọc cứ hát bài đó mà nổi tiếng. Cô này hát ở Điện Biên Phủ cho các chiến sĩ bị mổ mà không cần thuốc tê! Cô ấy đứng hát không à..."

Nhưng trước hết Quang Dũng là một nhà thơ, một hồn thơ trung hậu, yêu tha thiết quê hương, đất nước. Các món khoái khẩu của Quang Dũng, như nhà văn Thanh Châu nhớ lại, là "khoai lang hàng bà cụ phố Tuệ Tĩnh, kẹo vừng ông lão ngồi cửa chợ Hôm, quán cơm đầu ghế bất kể chợ nào, quán nước chè tươi nấu bằng nước mưa, nước sông Hồng truyền thống"...

Trong thơ của ông có cái tôi hào hoa, thanh lịch, giàu chất lãng mạn, lại hồn nhiên, bình dị và chân thật. Có khả năng cảm nhận và diễn tả một cách tinh tế vẻ đẹp thiên nhiên và tình người, phải chăng vì thế mà khối óc của thi sĩ cứ muốn ở lại mãi cùng mảnh đất Việt Nam? Người bạn đời của Quang Dũng - bà Bùi Thị Thạch kể:
"Lúc bốc mộ nhà tôi, mọi người đều thấy khối óc cứng lại, không tan. Tôi nhớ đến ông vua trong truyện xưa, chết chôn xuống đất mãi rồi mà quả tim không tan"... [1]

Tác phẩm đã xuất bản

  • Mùa hoa gạo (1950)
  • Bài thơ sông Hồng (1956)
  • Đường lên châu Thuận (1964)
  • Làng Đồi đánh giặc (1976)
  • Mây đầu ô (1986)
  • Quang Dũng - Tác phẩm chọn lọc (1988)

Đôi mắt người Sơn Tây

Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì.
***
Vầng trán em mang trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây phương
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em đã bao ngày em nhớ thương?
***
Mẹ tôi, em có gặp đâu không
Bao xác già nua ngập cánh đồng
Tôi nhớ một thằng con bé nhỏ
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông!
***
Từ độ thu về hoang bóng giặc
Điêu tàn ôi lại nối điêu tàn!
Đất đá ong khô nhiều suối lệ
Em đã bao ngày lệ chứa chan?
***
Đôi mắt người Sơn Tây
U ẩn chiều lưu lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây
***
Tôi gửi niềm nhớ thương
Em mang giùm tôi nhé
Ngày trở lại quê hương
Khúc hoàn ca rớm lệ
***
Bao giờ trở lại đồn Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngắm lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn quanh Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng
***
Bao giờ tôi gặp em lần nữa
Ngày ấy thanh bình chắc nở hoa
Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ
Còn có bao giờ em nhớ ta?

Quang Dũng 1949

Mời các bạn xem tiếp bài thơ "Tây Tiến" hào hùng, bi tráng và lãng mạn, đã được đưa vào sách giáo khoa trung học phổ thông và mới được bình chọn năm 2006 trong "100 bài thơ hay nhất Việt Nam thế kỷ XX".