Nhà văn của nhân dân

Nhân ngày nhà văn Nguyên Ngọc tròn 80 tuổi (5/9/1932-5/9/2012)

Đầu năm 2002, tôi có nhờ anh Văn Thành ở tạp chí Tia Sáng và anh Dương Trung Quốc ở Hội Khoa học lịch sử Việt Nam giúp tổ chức cuộc Hội thảo về cư sĩ Phật giáo Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha, một nhà văn hóa tài năng và một nhân cách lớn của dân tộc ta. Anh Thành chẳng những vui vẻ nhận lời và còn giới thiệu tôi đến gặp anh Nguyên Ngọc để nhờ viết tham luận.

Lần đầu tiên đi gặp nhà văn mình ngưỡng mộ từ hồi còn học phổ thông, tôi không khỏi hồi hộp. Đất nước đứng lên là một trong vài cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất thời hòa bình mới lập lại. Hồi ấy tối nào bọn chúng tôi cũng cùng nhau nghe đọc tiểu thuyết hay. Câu chuyện người thật việc thật của nhân vật Núp được ngòi bút tác giả khéo léo dựng lại rất có sức lôi cuốn, chúng tôi lắng nghe như nuốt từng lời. Ngày còn bé, khi lần đầu tiên được đọc tác phẩm văn học, tôi đã vô cùng ngưỡng mộ các nhà văn ; khi lớn lên tôi càng hiểu nghề viết văn là một trong những nghề cao quý nhất và khó nhất. Các nhà văn nổi tiếng là đại diện bất tử của một dân tộc, một quốc gia. Thế mà bây giờ chính tôi lại sắp có vinh dự gặp riêng một nhà văn nổi tiếng nước mình đây !

Nguyên Ngọc - một "già làng" của Tây Nguyên

Chủ nhân căn hộ nhà E7 khu tập thể quân đội phố Lý Nam Đế tươi cười ra mở cửa mời vào. Anh thân mật nghe tôi trình bày lý do xin gặp và vui vẻ nhận lời viết tham luận. Khi ra về tôi khấp khởi mừng thầm, tin chắc những tài liệu mình sưu tầm được về cuộc đời và tác phẩm của Thiều Chửu, đặc biệt sự thật về vụ án oan « Mạc tu hữu » mà vị Bồ Tát Sống này phải chịu do sai lầm của Đội Cải cách ruộng đất huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên khiến ông phải quyên sinh, sẽ tìm được sự rung cảm ở nhà văn, những người làm cái nghề giàu tính nhân văn nhất này.

Một tuần sau, khi nhận và đọc bài tham luận « Đôi suy nghĩ nhỏ về một nhân cách lớn » anh Nguyên Ngọc viết, tôi vô cùng phấn khởi, xúc động.

Ai đó từng nói rất đúng rằng khả năng khái quát là phẩm chất quý nhất của nhà văn. Nguyên Ngọc rất giỏi khái quát, điều đó thể hiện rõ trong các tác phẩm của ông. Chẳng hạn từ những câu chuyện người thật việc thật rất bình dị của Đinh Núp, ông đã khái quát nói lên được lòng yêu nước cao quý và có sức mạnh vĩ đại của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Bài tham luận ông viết nói trên chỉ có hai trang, không trích dẫn (như cách viết tham luận của nhiều người), không một lời ca ngợi thông thường, nhưng đã đưa ra sự đánh giá đúng đắn có tính khái quát cao về Thiều Chửu. Tham luận này được đọc ngay sau lời khai mạc của anh Dương Trung Quốc trong Sinh hoạt lịch sử tưởng niệm 100 năm sinh Thiều Chửu-Nguyễn Hữu Kha tổ chức ngày 21 tháng 6 năm 2002 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội.

Nguyên Ngọc đã có một phát hiện vô cùng độc đáo về vị cư sĩ này khi ông viết :

Thiều Chửu quan niệm « Phật chính là nhân dân !... Sự giải phóng của nhân dân, hạnh phúc của nhân dân phải là mục đích cuối cùng, mãi mãi của chúng ta… Nhân dân không chỉ là mục đích tối thượng của lý tưởng Phật giáo mà còn nhất thiết phải là động lực duy nhất, mạnh nhất để có thể cải tạo thứ Phật giáo mà Thiều Chửu cho là đã bị tha hóa. Phải trao cái quyền cải tạo, làm trong sạch lại lý tưởng đó cho Dân. Một bộ máy, một cơ chế — như cách nói quen thuộc ngày nay — đã bị tha hóa thì không bao giờ có thể tự nó cải tạo, tự nó chấn hưng lại được. Chỉ có Nhân Dân mới làm được công việc thanh đạo đó. Và Nhân Dân chỉ có thể làm được sự nghiệp vĩ đại ấy khi họ thật sự được trao quyền… Ngày này nhìn lại, thật đáng kinh ngạc về tư tưởng sâu sắc và mạnh mẽ đến dường ấy của Thiều Chửu về Nhân Dân, về mối quan hệ giữa lý tưởng Phật giáo với vai trò của Nhân Dân… Đó thật sự là một tư tưởng xã hội có tầm sâu và cao, rất đáng để ngày nay chúng ta tiếp tục chiêm nghiệm. Và cũng là một vấn đề thật hiện đại, bởi tính thời sự của nó hầu như vẫn còn nguyên trong công cuộc phấn đấu gian nan của chúng ta ngày nay cho một xã hội tiến bộ, dân chủ, công bằng và văn minh. »

Giờ đây khi trích lại đoạn văn kể trên, tôi bỗng giật mình tự hỏi tại sao cách đây 10 năm Nguyên Ngọc đã có thể đưa ra một ý tưởng đúng đắn và ăn nhập như thế với tình hình nước ta hiện nay, khi một bộ phận không nhỏ đảng viên đã tha hóa, Trung ương yêu cầu chấn chỉnh Đảng và nói cần có sự tham gia của nhân dân. Rõ ràng sự nghiệp chấn chỉnh Đảng chỉ có thể hoàn thành khi nhân dân được tham gia, nghĩa là khi họ được thật sự làm chủ đất nước.

Câu trả lời thực ra không khó: vì Nguyên Ngọc là nhà văn, tức thuộc giới nhân vật chép sử của dân tộc; những người trọn đời gánh nổi trọng trách cao quý này sẽ được nhân dân mãi mãi ghi nhớ. Họ cũng có khả năng dự báo tương lai đất nước. Chẳng phải các nhà Tiên tri của dân tộc Do Thái trong Cựu Ước đều là nhà văn nhà thơ đấy ư ?

Dường như tư tưởng của vị Bồ Tát Thiều Chửu-Nguyễn Hữu Kha đã gây ra sự cộng hưởng ở Nguyên Ngọc, Hai con người bình dị ấy thuộc vào số không nhiều người thực sự hiểu được sức mạnh của nhân dân, thực lòng yêu quý tin tưởng nhân dân, và tận hiếu với nhân dân bằng mọi cách. Trong sự rung cảm sâu sắc của hai trái tim cùng nhịp đập, khi viết về Thiều Chửu, rất có thể Nguyên Ngọc không biết rằng ông đang viết về tư tưởng của chính mình.

Cuộc đời và các tác phẩm của Nguyên Ngọc đã chứng tỏ ông là nhà văn chân chính của nhân dân, là người lấy sự gắn bó máu thịt với nhân dân, quên mình phụng sự nhân dân, dũng cảm nói lên tiếng nói của nhân dân làm niềm vui duy nhất của mình. Chính vì thế chỗ đứng vững chắc từ lâu của ông trong lòng dân tộc ta sẽ chẳng bao giờ có thể bị lay chuyển.★

Nguyễn Hải Hoành
Ngày Quốc khánh 2/9/2012