Nhạc sĩ Huy Du (1926-2007)

Nhạc sỹ Huy Du sinh ngày 1/21/1926 tại Tân Chi – Tiên Sơn - Bắc Ninh (Hà Bắc), còn có Bút danh Huy Cầm (ảnh: Nguyễn Đình Toán - Tiền Phong).

Nhiều ca khúc của ông được công chúng yêu và hát đến tận hôm nay như Sẽ về thủ đô, Tình em (phổ thơ Ngọc Sơn), Bế Văn Đàn sống mãi (phổ thơ Trinh Đường), Anh vẫn hành quân (phổ thơ Trần Hữu Thung), Bạch Long Vĩ đảo quê hương, Có chúng tôi trên hải đảo xa xôi, Cùng anh tiến quân trên đường dài (phổ thơ Xuân Sách), Nổi lửa lên em (phỏng thơ Giang Lam), Đường chúng ta đi (phổ thơ Xuân Sách), Trên đỉnh Trường Sơn ta hát, Đêm Trường Sơn, Việt Nam ơi! mùa xuân đến rồi...

Ông đã từng là Tổng thư ký Hội nhạc sỹ Việt Nam khoá III, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội khóa VIII...

Năm 2000, Nhạc sĩ Huy Du được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật cho các tác phẩm: Bế Văn Đàn sống mãi, Đường chúng ta đi, Anh vẫn hành quân, Cùng anh tiến quân trên đường dài, Nổi lửa lên em.

Sau một thời gian lâm bệnh hiểm nghèo, nhạc sỹ Huy Du đã mất tại Bệnh viện Hữu nghị hồi 20h50 ngày 17/12/2007.

Theo Mai Trung Kiên (VNN)

Huy Du và những bài hát còn mãi với thời gian

Còn nhớ cái lần ông ghé 59 Tràng Thi ngồi với chúng tôi nói chuyện bâng quơ. Khi chỉ còn lại ít người trong phòng, nhạc sĩ Huy Du nói với tôi: “Hôm nay mình đi chữa răng ở Việt Đức, trong lúc chờ đợi mình ghé đây thăm bạn, hôm nào xuống nhà nhé, mình mới vẽ mấy bức. Dạo này mê vẽ quá”.

Câu chuyện còn lang bang sang thù lao tác quyền (ngày đó ta chưa gia nhập Công ước Bern), ông bảo: “Hôm nay chữa cái răng mất đứt cả tháng lương. Còn nhuận bút thì... vẫn còn quan niệm rằng đã ăn lương Nhà nước thì tác phẩm làm ra là của tập thể. Nhưng lương Nhà nước mà chữa cái răng theo kiểu Nhà nước chu cấp thì cái răng đau thêm, mình nghĩ nó chưa hợp lý thế nào ấy...”.

Rồi, ông cười nói thêm: “Một lần mình đi lớ ngớ thế nào chạm đúng vạch đèn đỏ. Cậu công an tuýt còi. Phạt. Trong túi mình chỉ có vài đồng, nộp phạt rồi, về hết xăng thì chết. Mình ngẩn ra. Một lúc, mới nói: Này ông, thôi tha cho tớ, tớ là nhạc sĩ Huy Du đây”. Cậu ấy bảo: Tôi chẳng biết Huy Du là ai hết. Tớ bảo, cậu có nghe trên đài hát bài Đường chúng ta đi bao giờ không? Nổi lửa lên em nữa. Đấy. Tớ viết những bài hát ấy đấy. Chứng minh thư của tớ đây... Thế là cậu ấy xin lỗi mình: Vâng bây giờ cháu mới biết bác. Thôi. Bác đi ạ, bác đi cẩn thận nhé... Đi rồi, mình nghĩ, thôi thì nhận tác quyền ở những chỗ như thế này cũng được...”.

Bây giờ, nhớ lại, nhìn ảnh ông gầy yếu nhưng trên môi vẫn nở nụ cười trên màn hình của mấy tờ báo điện tử, tôi chợt nhận ra và thấm thía về đức chấp nhận của một lớp người. Tôi bật volum để nghe Doãn Tần hát "Việt Nam trên đường chúng ta đi, nghe gió thổi đồng xanh quê ta đó. Nghe sóng biển ầm vang xa tận tới chân trời...”.

Có lẽ, không một người Việt nào thời nay lại không một lần muốn tự mình hát lên bài hát đó. Bài hát không chỉ đem lại cho tâm hồn người nghe một niềm say mê, hào sảng, lãng mạn mà đem lại sức sống mãnh liệt cho người hát, thổi vào trái tim người hát tình yêu cao rộng.

Tôi nghĩ giọng hát của nghệ sĩ Doãn Tần đã hay nhưng phải đến Đường chúng ta đi mới hay đến đỉnh của nó. Những giọng hát đã chinh phục khán giả như Đăng Dương, Trọng Tấn, Việt Hoàn cũng phải có những bài hát của Huy Du thì khán giả mới thêm một lần bị chinh phục.

Rồi những dàn hợp xướng, nếu thiếu đi bài hát của Huy Du thì ấn tượng để lại về nghệ thuật hợp xướng cũng sẽ mỏng manh.

Nhạc sĩ Huy Du không chỉ viết ca khúc, những ca khúc tồn tại và tươi mới trong thời gian. Hôm vừa rồi, khi nghe trên sân khấu tốp nam hát Anh vẫn hành quân, lúc đầu tôi nghĩ, sao bây giờ vẫn còn chọn hát bài hát này? Vậy mà chỉ hát cùng tốp nam đến hết bài tôi mới nhận thấy cái có lý của lựa chọn.

Tinh thần hành quân ở một đất nước luôn có nguy cơ ngoại xâm như nước ta là không bao giờ được ngơi nghỉ. Hơn nữa, hành quân mà tâm hồn lãng mạn cùng “trăng non hé đỉnh đồi” thì những cuộc hành quân ấy không phải là sự hiếu chiến mà là phòng bị, là ngăn ngừa nếu có những dã tâm.

Ca khúc của ông dù là "Chưa hết giặc ta chưa về” đầy tính chiến đấu nhưng lại mượt mà phảng phất âm hưởng lời ru. Những giai điệu đẹp, giản dị tự nhiên của ông đọng lại sâu lắng trong tâm hồn nên cứ có dịp là lại cất lên và thời gian nào, không gian nào cũng là phù hợp.

18 tuổi ông đã viết Sóng nước ngọc tuyền, bài hát mà một người Việt đã có tuổi sống ở Mỹ còn hát để hỏi thăm về ông. Bà nói, ngày còn ở phía bên kia bờ Bến Hải bà đã nghe đến tên ông vì bài hát đó. Sau này, nghe nhiều bài hát của ông, bà hiểu rằng thành công của bên này Bến Hải có sự đóng góp của những văn nghệ sĩ trong đó có ông.

Bà vốn là một người chơi vĩ cầm. Bà bảo, hồn nhạc của ông có tiếng du dương của cây đàn mà những người như bà vẫn dùng. Tôi nói với bà, ông có viết cả khí nhạc, mặc dù không nhiều: Miền Nam quê hương ta ơi cho violon, Kể chuyện sông Hồng cho piano-violon và cello. Tôi nói, ông sống ở Nam Thành Công, bây giờ ông thích vẽ, tường nhà, ông treo tranh của chính mình. Màu và nét không chuyên nghiệp nhưng biểu lộ nhiều cảm xúc thực.

Tôi kể cho bà nghe ông từng là đại tá quân đội, là Trưởng đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị, Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa III, đại biểu Quốc hội khóa VII... Ông đã được tặng nhiều huân chương và xuất bản nhiều tập nhạc...

Cả gia đình bà nghe chăm chú. Rồi bà bảo, quý ở chỗ âm nhạc của ông coi sự đẹp là trên hết, có người thích cái đẹp buồn, như Chopin chẳng hạn. Nhưng Huy Du thuộc hệ những người yêu cái đẹp hào sảng, cái đẹp làm bừng sáng tâm hồn.

Theo Trần Thị Trường (SK&ĐS)