Nhân sinh quan khởi từ nguồn gốc của bi kịch (1)

Triết lý của Nietzsche, không như nhiều ngộ nhận, là một triết lý lạc quan, tích cực, nhấn mạnh trên tiềm lực thăng tiến cá nhân của mỗi nhân vị như một chủ thể độc lập và tự do: tự do trong mọi lựa chọn về tư duy, luân lý và sáng tạo nghệ thuật v.v… Những kẻ cầu an hay an phận bằng lòng mãn nguyện với truyền thống, uớc lệ tiêu cực của xã hội hay dưới áp lực nó, chỉ là hành xử theo bản năng “bầy đàn”. Nietzsche gọi họ là “kẻ cuối cùng”.

"Con trẻ thì không biết tới hạnh phúc" - ( Aristotle)

Nội dung

I. Đau khổ - khởi điểm của tiền đề

II. Nietzsche vô thần hay giả định về Thượng đế

1. Thượng đế chết và Nietzsche cũng chết

2. Giả định Thượng đế

III. Nền tảng bản thể luận

1. Đông là Đông và Tây là Tây

2. Thế giới thực và thế giới biểu hiện

3. Mô hình chuyển trục

IV. Nhân sinh quan hay phản ứng của Nietzsche

1. Apollo và Dionysus

2. Tự do và định mệnh

3. Đau khổ và hư vô

V. Hạnh phúc - biện chứng của cuộc đời


I. Đau khổ - khởi điểm của tiền đề

Cuộc đời là khổ lụy. Đau khổ là sự kiện hiển nhiên của kiếp người. Nhưng phải chăng đó là nguồn gốc hay căn nguyên của mọi triết lý bi quan, yếm thế vốn bàng bạc trong các văn hoá, triết học hay tôn giáo ? Thậm chí phủ định đời sống hiện sinh, khước từ cuộc đời ? Hay cuộc đời là cơn bệnh trầm kha như Socrates và Shopenhauer quan niệm ? Câu trả lời khẳng định ngắn gọn của Nietzsche là “không” - bất luận cảnh đời nào, trong tình huống hay thân phận nào. Triết lý của Nietzsche, không như nhiều ngộ nhận, là triết lý lạc quan, tích cực, nhấn mạnh trên tiềm lực thăng tiến cá nhân của mỗi nhân vị như một chủ thể độc lập và tự do: tự do trong mọi lựa chọn về tư duy, luân lý và sáng tạo nghệ thuật v.v… Những kẻ cầu an hay an phận bằng lòng mãn nguyện với truyền thống, uớc lệ tiêu cực của xã hội hay dưới áp lực nó, chỉ là hành xử theo bản năng “bầy đàn”. Nietzsche gọi họ là “kẻ cuối cùng” (last man) [1].

Nietzsche kêu gọi ta hãy can đảm trong cuộc sống hiện sinh với thái độ tích cực. Qua triết thuyết qui hồi vĩnh cửu (eternal return), Nietzsche muốn ta khẳng định cuộc sống. Nhưng làm thế nào để ta có thể yêu đời, khẳng định cuộc sống trước những biến loạn và đau khổ chồng chất, tồn tại trong cuộc đời này ? Nhất là nổi lo sợ trước sự kiện không thể tránh của cái chết rình rập, chờ sẵn cho mỗi cá nhân ? Đâu là ý nghĩa của cuộc đời ? Nói khác đi, phải chăng đời đáng sống ?

Đặt nghi vấn như thế đã hàm ngụ rằng đây là những tiền đề triết học bao quát và phổ cập, nhằm vào khả năng lý giải những khó khăn, mâu thuẫn và nghịch lý của biện chứng cuộc đời nói chung ở kiếp làm người. Nói là bao quát, vì những chủ đề liên quan tới cả triết học, luân lý và tôn giáo; phổ cập vì đây là những đề tài “muôn thuở”, cập nhật tính và siêu việt trên mọi văn hoá, thế hệ và thời đại. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là trình bày một mớ “lý thuyết suông”, trừu tượng. Cuộc đời cô đơn (phần lớn do sự lựa chọn của Nietzsche) và đau đớn kinh niên về thể chất (nhức đầu, đau bao tử, ói mửa v.v..) [2] của Nietzsche đã giúp ông có cơ hội và thời giờ để phản tỉnh, tự thức về mình (Freud sau này nhận xét đại để rằng, hiếm hay hơn bất cứ ai trong đương đại cũng như mai hậu, sẽ có người ý thức và biết rõ về mình hơn Nietzsche biết về bản thân ông); đồng thời, tìm đường giải thoát cá nhân vốn dĩ quằn quại bởi những bệnh hoạn nan y; những đau khổ khắc khoải về tinh thần trước những mất mát, bi kịch định mệnh của bản thân và gia đình (Nietzsche mồ côi cha và năm sau mất luôn cả đứa em trai sơ sinh khi ông mới lớn khoảng sáu tuổi).

Làm thế nào để Nietzsche có thể sống một cuộc sống an nhiên tự tại, chưa kể tới sự nghiệp văn chương và triết lý vĩ đại, đầy tính sáng tạo của triết gia, khi mà suốt cả cuộc đời của Nietzsche được đặc trưng hoá là những chứng nghiệm hằn học với đau khổ và hệ lụy ?

Bài khảo luận dưới đây là nỗ lực nhằm vào việc luận giải và tích hợp những tư tưởng và nhân sinh quan của Nietzsche cũng như sự phát triển của nó song hành với quá trình sáng tạo của triết gia này, khởi đầu bằng tác phẩm đầu tay Nguồn Gốc của Bi Kịch (The Birth of Tragedy) và kết thúc bằng thuật ký tự sự Đây là Người (Ecce Homo) [3] trước khi xảy ra biến cố thác loạn thần kinh của Nietzsche. Nhưng muốn thấu hiểu cặn kẽ, đầy đủ nhân sinh quan của Nietzsche, cần phải trưng dẫn, phân tích về bối cảnh lịch sử triết học, thế giới quan, trên căn bản của bản thể luận và siêu hình học - một tổng thể của hơn 2000 năm truyền thống văn hoá phương Tây. Nói cách khác, đó là phản ứng của ông trước những định chế và giá trị của truyền thống triết lý và tôn giáo mà Nietzsche kế thừa, trong nỗ lực tìm kiếm giải thoát đau khổ của cá nhân, của cuộc đời. Và tại sao Nietzsche “quay lưng” lại với truyền thống của mình, tìm kiếm giải pháp nơi văn hoá triết lý cổ đại Hi Lạp tiền-Socrates ?

Tôi cần mở ngoặc lớn ở đây trước khi tiến hành khai triển nội dung chủ đề của bài viết. Đó là nói về vài ngộ nhận tiêu biểu về triết gia này. Chẳng hạn, Nietzsche bị lên án là triết gia vô thần nên đáng bị gạt bỏ qua, không xứng đáng để ta đọc ; Nietzsche là người cổ vũ hay tiền thân của chủ nghĩa phát-xít, tàn bạo, vô nhân, Nietzsche là kẻ “thác loạn thần kinh” nên tư tưởng rối loạn, v.v…

Theo tôi, đây là những ngộ nhận nghiêm trọng – dù vô tình hay hữu ý với âm mưu của một “hidden agenda”, nhưng đó là nguyên cớ cản trở cho việc tìm hiểu và tiếp cận tư tưởng của Nietzsche. Sự kiện này khả dĩ giải thích lý do tại sao Nietzsche bị từ chối trong thế giới Anh ngữ (đặc biệt ở Anh quốc và Mỹ) vì động cơ chính trị, tôn giáo và thời điểm bối cảnh lịch sử (sau Thế chiến thứ hai). Nhưng từ thập niên 1960 trở đi, nhờ công lao và nỗ lực của học giả kiêm giảng sư Walter Kaufmann, tư tưởng triết lý của Nietzsche đã được lồng vào trong giáo trình của môn triết học ở các đại học Mỹ. Mặt khác, bản thân Nietzsche cũng đã là nhân tố đóng góp cho việc hình thành những ngộ nhận ở trên. Nietzsche là một tư tưởng gia phức tạp (a complex thinker). Triết học của ông thuộc loại phi-hệ thống (non-systematic); Nietzsche coi nhẹ vai trò quyết định của lý tính (rationality), của luận lý học kinh điển (formal logics); luôn tìm kiếm những mâu thuẫn và hoài nghi về mọi giả định (assumptions) hay tiền đề triết học tồn tại, trên cơ sở của diễn dịch luận (deduction) - một truyền thống triết học duy lý khởi sinh từ thời Socrates cho tới nay. Theo Nietzsche, “Triết học là nghệ thuật đọc cho kỹ: thấu hiểu sự kiện chứ không xuyên tạc chúng bằng sự diễn giải” (A 52). Về mặt bút pháp, lối hành văn châm biếm, dí dỏm cũng như mức độ sử dụng nhiều những biểu tượng (metaphors), điển tích (đặc biệt Kinh thánh) và đoản ngôn (aphorism) đã khiến cho việc ngộ nhận trở thành phổ thông hơn.

Vài dẫn chứng: “Tất cả triết gia đều bị luận lý bạo hành” (HH 6), “Trên tối thượng, những sự thật của con người là gì ? Đó chỉ là những sai lầm không thể phủ nhận” (GS 265); hay trong phần mở đầu tiền ngôn độc thoại (prologue) của Bên Kia Cõi Thiện và Ác (Beyond Good and Evil), Nietzsche viết: “Giả như sự thật là đàn bà, rồi thì sao ? Phải chăng bạn ắt sẽ có lý do hoài nghi rằng mọi triết gia, cho đến nay, đều chỉ là những kẻ giáo điều, kém hiểu biết về phụ nữ.” Quả là “lý luận” phi kinh điển, phi ước lệ của Nietzsche so với truyền thống diễn ngôn lý giải triết học tiêu chuẩn - ngôn ngữ trực tiếp ! Sự thật là đàn bà ? Phải chăng sự thật giống như đàn bà là biểu tượng của nét đẹp, kiều diễm, duyên dáng và quyến rũ mà các triết gia ám ảnh, say mê theo đuổi, chinh phục (will to truth) ? Nhưng với đầu óc định kiến, giáo điều (tưởng mình với khả năng của lý tính) chắc mãn sẽ khám phá và quán triệt sự thật. Trên thực tế, Nietzsche kết luận, bằng lối văn so sánh, châm biếm, bóng gió rằng họ chỉ là mộng du, kém hiểu biết về đàn bà. (Điều này có lẽ áp dụng luôn cho cả bản thân Nietzsche - một người vốn e thẹn về phụ nữ, Lou Salomé, chẳng hạn).

Về phương diện tri thức luận, Nietzsche nổi danh với phương pháp tra vấn triết học (philosophical inquiries) rất khai phóng mà tôi tạm gọi là phả hệ luận, khi điều tra, đánh giá các phạm trù triết học về nhân văn chẳng hạn như luân lý, niềm tin tôn giáo, lý tưởng chính trị, siêu hình học v.v… Phương pháp đó như thế này: thay vì xem xét, thẩm định nội dung của tiền đề, Nietzsche tìm kiếm những nghi vấn về nguồn gốc, động cơ và tư cách của tác giả của câu nói, nhận định hay tuyên ngôn; tức là tìm hiểu lý do và điều kiện nào để tác giả nảy sinh ra tư duy hay lập luận như thế. Đây là một phương pháp tân kỳ, đầy tính sáng tạo và gần như vô tiền khoáng hậu – xét trên căn bản lịch sử triết học. Chẳng hạn, khi Khổng tử cổ vũ “đạo lý trung thần”, qua lăng kính của Nietzsche, ông sẽ ít bận tâm tới nội dung của nó (Thế nào là trung thần ? Tại sao phải trung thần mới được coi là “đạo đức” ? v.v…) Thay vì thế, Nietzsche tra hỏi về bản thân cá nhân Khổng tử là ai ? Động cơ là gì, và những điều kiện xã hội, văn hoá và chính trị đặc thù nào khả dĩ phát sinh một luân lý hay triết lý như vậy ? Phải chăng kẻ phát biểu một nhận thức như thế (Khổng tử trong trường hợp này) có xung
đột quyền lợi (hưởng “ơn mưa móc” của chế độ vua chúa phong kiến chẳng hạn) ? Tóm lại, bằng một phả hệ luận như thế Nietzsche khiến ta hoài nghi, ngờ vực về giá trị tự tại và khách quan của nó. Paul Ricoeur, triết gia Công giáo của Pháp, người mới qua đời gần đây, khi thẩm định về Nietzsche, đã gọi ông là “quân sư về hoài nghi” (a master of suspicion). Cuốn Phả Hệ của Luân Lý (The Genealogy of Morals) xuất bản năm 1887 của Nietzsche là chứng từ trưng dẫn phương pháp này.

Đã có quá nhiều ngộ nhận về triết gia này. Vì khuôn khổ hạn định của bài viết, tôi chỉ lược giải và chú tâm vào vài ngộ nhận quan trọng liên quan tới nội dung chủ đề thảo luận ở đây. Vả lại, nhiều ngộ nhận không đáng để ta biện giải vì ngây ngô, phi lý, ngụy tạo, thiếu căn bản lập luận - mang tính cách vu khống hay "chụp mũ" nhằm biện minh cho lập trường tôn giáo, chính trị cố hữu của mình. Chẳng hạn như qui trách tư tưởng của Nietzsche (thuyết thượng nhân, "mãnh thú vàng kim" (blond beast) v.v...) gây ra thảm kịch Holocaust của Đức quốc xã. Nietzsche qua đời năm 1900 trước khi chủ nghĩa phát-xít xuất hiện; ngay cả phong trào Đức quốc xã đã thừa nhận là "hiểu lầm" triết lý của Nietzsche. Cũng như Karl Marx không thể chịu trách nhiệm cho chính sách và hành động của Stalin trong chế độ cộng sản ở Nga, Nietzsche cũng vậy. Kẻ đáng lên án nhất đó chính là triết gia Heidegger - người đã trực tiếp tham dự và đồng hành với chế độ và phong trào Đức quốc xã trong tư cách là viện trưởng phân khoa triết học. Khi chế độ này sụp đổ, Heidegger chưa hề một lần công khai bày tỏ hay nhìn nhận sai lầm của mình cho tới khi qua đời.

Còn Nietzsche "thác loạn thần kinh", không có gì nghiêm trọng để cống hiến ? Đây là ngụy luận ad homimen (tấn công cá nhân), thay vì luận giải hay phê phán nội dung tư tưởng của Nietzsche. Sự thật là sự thật: 2 + 2 = 4, dù là đó là phát biểu của người phu quét đường hay bạo chúa Hitler tuyên bố. Với số lượng tài liệu, bài viết và những tác phẩm nghệ thuật phim ảnh chịu ảnh hưởng triết lý của Nietzsche, tự chúng, đã đủ chứng từ cho sự kiện sáng tạo và khai phóng trong tư duy của Nietzsche.

Phần lớn những giới phê phán, lên án và chỉ trích Nietzsche đều thuộc tôn giáo (nhất là Kitô giáo, cách riêng Công giáo) và nhóm cực hữu tân bảo thủ (right-wing, neo-Conservativism). Thái độ cực đoan, mù quáng tấn công của họ, không chỉ không nói hơn được điều gì cả về bản thân Nietzsche, nhưng đã phơi bày, biểu hiện nhiều về động cơ và tư cách trí thức của họ. Nietzsche được nhiều người nhìn nhận là một trong số ít những người có ý thức cao độ về đức thành thật; tôn trọng sự thật. Phải chăng Nietzsche có can đảm dám nói sự thật hơn cả những kẻ luôn tuyên giảng "Thượng đế là sự thật" nhưng kém thành thật ? Phải chăng mọi nền tảng luân lý, đạo lý phải bắt đầu bằng sự thành thật (honesty) ? Jesus Christ đã từng tuyên bố: "Sự thật sẽ giải phóng bạn." (The truth shall set you free) ?

II. Nietzsche vô thần hay giả định về Thượng đế

1. Thượng đế chết và Nietzsche cũng chết

Nietzsche nổi tiếng (hay đúng hơn là khét tiếng) qua tuyên ngôn: “Thượng đế đã chết.” Đây là câu nói thường được trích dẫn hay đăng tải rải rác và phổ thông trên mạng Internet hay báo chí v.v… Một lỗi lầm chung: trích dẫn câu văn trên ra khỏi văn mạch (context) của nó – dù vô tình hay hữu ý, nhằm biện minh cho cứu cánh và lập trường nhất định của người trưng dẫn. Đâu là bối cảnh, điều kiện và chủ định của Nietzsche qua “lộng ngôn” này ?

Hãy thử áp dụng phương pháp trên cho chính tác giả của nó. Nhiều người đã sẵn sàng luận tội, lên án Nietzsche là kẻ “phạm thượng” (blasphemous). Nhưng họ quên đi rằng ở mọi thời điểm trong lịch sử, không thiếu những người (nhất là lãnh tụ tôn giáo) giáo điều lạm dụng và nhân danh Thượng đế; cũng như hiện tượng “thương mại hoá” qua những dịch vụ tôn giáo. Đối với họ, Nietzsche tự hỏi họ thủ đắc những thuộc tính hay giá trị gì mà ta không thủ đắc (GM, Preface 3); phải chăng đó chỉ là lầm lẫn hay cố tình đồng hoá quyền lực và suy tưởng của mình với Thượng đế ?

Trở lại vấn đề trích dẫn ngoài văn mạch ở trên, dưới đây sẽ là toàn bộ đoản ngôn do tôi mạn dịch, gồm ngụ ngôn (parable) có phụ đề “Gã điên” (The Madman), đoản ngữ 125, được Nietzsche giới thiệu đầu tiên trong Minh Triết Hân Hoan (The Gay Science), và sau đó trong đại tuyệt phẩm Zarathustra Đã Nói Như Thế (Thus Spoke Zarathustra) :

Bạn có nghe kể về một gã điên, cầm đèn giữa lúc bình minh rực sáng, tìm đến phố chợ, và rồi liên tục gào thét lên rằng: “Tôi tìm Thượng đế ! Tôi tìm Thượng đế !” - Đang khi những kẻ bàng quan vô thần đứng chung quanh, hắn càng làm cho họ cười ngạo nghễ hơn. Gã bị lạc hả ? một người hỏi. Phải chăng hắn lạc đường giống như con trẻ ? kẻ khác hỏi thêm. Hay hắn đang ẩn núp ? Có phải hắn sợ chúng ta ? Hắn đang trên đường lữ hành ? Di tản ? — Thế rồi đám đông reo hò và cười rộ.

Gã điên nhảy xổm vào giữa đám đông và quắc mắt nhìn họ. “Thượng đế ở đâu ?” gã gào lên; “tôi nói cho các người rõ. Chúng ta đã giết ngài - bạn và tôi. Tất cả chúng ta đều là kẻ sát thần. Nhưng làm thế nào để ta hành động như thế ? Làm sao để ta uống cạn đại dương ? Ai sẽ cho ta bông thấm lau khô cả bầu trời ? Sẽ làm gì đây khi mà mình cởi trói trái đất khỏi mặt trời ? Giờ thì nó (trái đất) vận hành tới đâu ? Cả chúng ta nữa ? Ly tán khỏi mọi mặt trời ? Phải chăng ta đang nghiêng ngửa liên tục ? Hướng sau, hướng ngang, hướng trước, từ muôn hướng ? Còn gì là hướng lên hay xuống nữa không ? Có phải ta đang lênh đênh như trôi dạt vào cõi hư không bất tận ? Ta không cảm nhận được tiếng thở than của không gian rỗng tuếch hay sao ? Phải chăng trời đất đã trở nên băng giá hơn ? Màn đêm đã liên tục phủ kín lấy ta ? Ta còn cần phải thắp đèn sáng giữa lúc bình minh nữa không ? Sao ta cứ tưởng như chưa nghe thấy tiếng ồn ào của kẻ đào mồ chôn táng Thượng đế ? Không ngửi mùi dường như tan rã của thần thể ? Mọi Thượng đế, rồi cũng tan rữa. Thượng đế đã chết. Thượng đế sẽ mãi chết. Và chúng ta đã giết ngài.

“Làm thế nào để ta an ủi mình, những kẻ sát hại của mọi tên sát hại ? Những gì thần linh và mãnh lực nhất trên đời mà thế gian từng có đã rỉ máu tới chết qua bàn tay của ta: ai sẽ lau sạch cho ta máu lệ này ? Nước gì tẩy sạch cho ta ? Có hội hè sám hối, trò chơi linh hiển nào để ta có thể phát kiến thêm ? Phải chăng hành vi vĩ đại này thì quá lớn lao cho ta ? Tại sao ta không thể lên ngôi thành thượng đế cho mình xứng bậc với nó ? [Thế gian] chưa từng bao giờ có một hành vi vĩ đại như thế; và kể cả bất cứ ai sinh sau đẻ muộn sau chúng ta — bởi chính hành vi thế đó mà hắn sẽ thuộc về một lịch sử cao hơn so với mọi lịch sử cho tới nay.”

Giờ thì gã điên trở nên im lặng và vói nhìn lại đám đông; và cả họ nữa cũng im lặng và dõi mắt chằm nhìn vào hắn bằng sự sửng sốt, kinh ngạc. Sau cùng, gã điên ném lồng đèn xuống đất, và nó bể tan tành thành mảnh vụn, rồi dập tắt. Đoạn hắn tự nhủ “Tôi tới sớm quá,” “chưa phải là thời điểm của tôi.” Biến cố cực đại này vẫn đang trên đường khai mở, vẫn du hành; nó chưa đạt tới lỗ tai con người. Sấm sét cần thời gian; ánh sáng của vì sao cần thời gian; sự việc, tuy đã hoàn tất, nhưng vẫn cần thời gian để mục kích và lắng nghe. Hành vi trên vẫn còn xa xôi cho họ hơn cả những vì sao trên trời – song chính họ đã làm việc cả thể đó.

Trong cùng ngày, người ta được liên hệ thêm rằng gã điên đã cưỡng bức vào vài thánh đường và đập phá tấm bia “requiem aeternam deo” (bỏ thêm ngoặc là của người viết vì cả đoản văn đã in nghiêng. Nguyên văn bằng tiếng La tinh, có nghĩa là “Chúc tụng Đấng hằng hữu”). Người ta dẫn độ hắn ra khỏi nhà thờ và đòi hắn giải thích [hành vi], nhưng theo thuật lại, hắn không nói gì cả, ngoại trừ: “Cho cùng thì những thánh đường này sẽ là gì nếu không là những nấm mộ và chổ hài cốt của Thượng đế ?”

Đó là toàn bộ nguyên văn (dĩ nhiên, qua bản dịch) của tuyên ngôn trên. Một ấn tượng đầu tiên khi đọc đoản ngôn ở trên là Nietzsche đã sử dụng biến cố thập tự giá của Jesus trong Tân Ước (New Testament) làm hậu cảnh bố cục mà người đọc có kiến thức về Kinh thánh của Kitô giáo không thể không nhận ra. Thậm chí Nietzsche trích dẫn nguyên văn từ Kinh thánh. Chẳng hạn, “chính họ (dân Do thái) đã làm việc cả thể đó”, hay “màn đêm đã liên tục phủ kín lấy ta” – gợi ý, nhắc nhở về chi tiết trong Kinh thánh rằng sau khi Jesus chết trên thập tự, trời đất xoay chuyển, sấm sét, màn đêm phủ kín.

Phải hiểu thế nào về ngụ ngôn trên và những hàm ngụ luân lý và siêu hình học của nó ?

Nietzsche bằng bút pháp đặc thù với âm hưởng của Kinh thánh đã mô tả những quan sát, chẩn đoán và phản ứng của mình trước những hiện tượng suy thoái tinh thần và niềm tin của con người thời đại. Qua đó là thông điệp tối hậu của biến cố lịch sử (Thượng đế đã chết dưới bàn tay của chúng ta) và cảnh giác tâm thức thời đại về thái độ vô thần tiêu cực, ngây ngô: coi thường tính chất nghiêm trọng và ý nghĩa của biến cố này trước vực thẳm của hư không - do hệ quả trên tác động.

Trước tiên, theo văn mạch, cần phải khẳng định rằng đây không phải là một biến cố vật lý (physical event): làm thế nào để ta giết (theo nghĩa đen) Thượng đế ? Đúng hơn, đó là một biến cố văn hoá (cultural event): ở thời điểm của thế kỷ 19 của Nietzsche, con người (mà biểu tượng là đám đông vô thần trong xã hội (phố chợ ở trên) đã đánh mất hay không còn niềm tin vào Thượng đế nữa. Gã điên - người cảnh giác tính nghiêm trọng của biến cố, thực sự là trực diện với đám đông vô thần. Hình ảnh linh động, quái gở "cầm đèn giữa lúc bình minh rực sáng", “lạc đường giống như con trẻ” đã nói lên sự châm biếm của tình huống vô định hướng của đám đông vốn đã không còn niềm tin.

Nhưng rồi, đây là thông điệp tối thượng mà gã điên nghiêm trọng công bố, "tôi nói cho các người rõ. Chúng ta đã giết ngài - bạn và tôi.” Và hệ quả: giống như trái đất ly tâm khỏi mặt trời, thế gian không còn niềm tin để
bám víu, đã trở nên mất định hướng (chao đảo tứ bề - hướng trước hướng sau, hướng lên hướng xuống) ; cuộc đời băng giá và vô nghĩa; cuộc sống như "trôi dạt vào cõi hư không bất tận"; biết lấy gì làm cứu cánh cho cuộc đời; lấy gì để điền vào nỗi trống vắng mênh mang khi mọi lý tưởng, niềm tin cao cả đã sụp đổ trước mắt ta; mọi hành vi chắp vá ngụy tạo sau đó, phải chăng chỉ là nỗ lực phi lý "thắp đèn giữa lúc bình minh" ? Sự sụp đổ niềm tin và hệ quả của chủ nghĩa hư vô là tiến trình tự nhiên và "hành vi vĩ đại", là sự việc "cả thể" đánh dấu một khúc quanh lịch sử của một "lịch sử cao hơn" so với quá trình lịch sử tiến hoá của con người, của nhân loại. Hư vô là hệ quả tất nhiên nhưng lấy gì thay thế hay đúng hơn, cần phải sáng tạo những giá trị mới thay thế chúng ? Dù đã mất niềm tin, con người thời đại vẫn chưa sẵn sàng hay chuẩn bị đối phó với hậu quả khủng hoảng tinh thần, trước ngưỡng cửa và viễn tượng của lịch sử mới này. "Tôi đến sớm quá !" , gã điên thất vọng.

Tính chất nghiêm trọng là ở chỗ đó ? Gã điên không công bố sự thật mới lạ nào cả - đám đông vốn đã vô thần rồi !

Căn bản nội dung của ngụ ngôn, có lẽ là thế. Những gì mà Nietzsche không bày tỏ ở trên, những hạm ngụ về hệ quả của biến cố "sát thần", có lẽ còn quan trọng hơn.

2. Giả định Thượng đế

Vấn đề về sự hiện hữu hay không của Thượng đế là nan đề phức tạp và tiền đề quan trọng: không chỉ đơn thuần ở tôn giáo nhưng còn phổ quát và bàng bạc trong mọi văn hoá, và là ý niệm nảy sinh từ ngàn xưa trong tiến trình phát triển ý thức và văn hoá của loài người. Hãy lấy trường hợp văn hoá Việt Nam làm dẫn chứng. Trong ngôn ngữ Việt những câu như "trời mưa, trời nắng", "trời phạt", "ông trời có mắt" v.v... đã là ngôn ngữ tự nhiên, thông dụng của mọi người - dù vô thần hay hữu thần. Đó là chưa kể tới kho tàng huyền thoại, những tập tục, văn chương truyền khẩu mê tín dị đoan lưu truyền trong dân gian hay những tác phẩm văn chương, thi phú như truyện Kiều (thuyết hồng nhan bạc phận) chẳng hạn. Như vậy, ý niệm về một thực tại siêu việt (Thượng đế, Ông trời) đã ăn sâu, bám rễ trong tư duy, tâm thức của con người: không thể xoá bỏ ! (nỗ lực phi lý – có chủ định, như thay thế hai chữ "thiên nhiên" bằng "tự nhiên" - chỉ là gượng ép và vọng tưởng ! Cũng vậy, dự án và tham vọng của Nietzsche để giải thoát con người khỏi mọi vòng cương tỏa của thần thể quả là công việc "đội đá vá trời", nếu không muốn nói là bất khả thể. Nietzsche ý thức rõ được điều này: ý niệm Thượng đế đã ăn sâu, bám rễ vào ngôn ngữ của con người (mọi ngôn ngữ), cách riêng ở mặt văn phạm. “Tôi e rằng chúng ta sẽ không loại bỏ được Thượng đế bởi chúng ta vẫn còn tin vào văn phạm” (TI, Reason in Philosophy 5). Âu đó cũng là phần nào lý do Nietzsche trở nên điên loạn. Lý do đơn giản: ý niệm thần thể đã là "nền" trong "psyche" của ta, của điều kiện và thân phận là người. Hủy diệt ý niệm là tự hủy diệt như có câu châm biếm: "God is dead. God remains dead ! Nietzsche is dead. Nietzsche remains dead !")

Vậy đã rõ, Thượng đế là nền tảng cho sinh hoạt của con người: bao gồm cả cả văn hoá, ngôn ngữ, tôn giáo, triết lý, luân lý, văn chương, chính trị và xã hội. Nền tảng vì rằng mọi giá trị khai triển của các phạm trù trên đều đặt cơ sở trên ý niệm về Thượng đế. Không chỉ thế, nó còn là nguyên lý để sinh hoạt, phối trí mọi cơ cấu và trật tự trong xã hội. Sự kiện này càng chính xác hơn trong truyền thống văn hoá, xã hội Tây phương của 2000 năm qua với sự khai sinh của Kitô giáo và sự bành trướng ảnh hưởng toàn cầu của nó.

Nietzsche có lần nói đại để rằng những gì mà nền tảng lung lay, nên đẩy nó qua một bên. Như vậy, dự án hay tham vọng của Nietzsche là xây dựng một bình minh mới cho nhân loại trong bối cảnh hay giả định của một kỷ nguyên mới hậu Thượng đế - trên cơ bản rằng con người không còn niềm tin nơi Thượng đế nữa. Nhưng ông biết rõ rằng đây là dự án thế kỷ lâu dài, tiệm tiến; không thể nào ý thức và thành tựu được trong hạn kỳ của trăm năm: "Sấm sét cần thời gian; ánh sáng của vì sao cần thời gian". Vậy, đó không phải lỗi của Nietzsche. Có chăng, Nietzsche coi đó là tiến trình tự nhiên và đã đồng vọng và đồng hành với nó. Nhưng trên tối hậu, ai là thủ phạm của hành vi sát thần ở trên ?

Bằng hình thức của một câu hỏi, Nietzsche đã “hé mở” cho ta câu trả lời: “Tại sao ta không thể lên ngôi thành thượng đế cho mình xứng bậc với nó ?” (Nhiều người đọc vội vã câu này hẳn sẽ vội kết luận là Nietzsche “phạm thượng !”) Đây không chỉ là nhận thức sắc bén của Nietzsche, nhưng nó còn là “lời tiên tri” của ông giải đoán tâm thức của thời đại mình và của tương lai: con người đã và đang “playing God” ; những gì từ lâu vốn là “mythos”, được thay thế bằng những giải đáp khoa học; con người không chỉ thụ động chịu đựng và tiếp nhận nhưng đã tận lực sử dụng năng lực của lý tính (rationality), lý trí (reason) của mình biểu hành trong các khoa học để cải tạo, chinh phục và giải đoán những hiện tượng thiên nhiên; thay thế tư duy diễn dịch luận bằng qui nạp luận trên căn bản khoa học thực nghiệm (do Aristotle khai sáng nhưng từ lâu bị quên lãng hay bị hạn chế bởi tôn giáo). Thật vậy, ở thế kỷ 19 của Nietzsche, cuộc cách mạng kỹ nghệ và khoa học đã phát triển đến cao độ và thái quá (tới mức độ “tha hoá” con người và xã hội – gây ra phản ứng triệt để của Karl Marx). Xã hội và chính quyền trở nên thế tục hoá (secularization), thay vì chia sẻ hay xung đột giữa thế quyền và thần quyền do hệ quả từ cuộc Cách mạng ở nước Pháp và cuộc cách mạng mệnh danh “Cuộc cải cách” (Reformation) của Martin Luther ở thế kỷ 16, phong trào Ánh sáng (thức tỉnh) ở thế kỷ 18.

Mặt khác, tương quan giữa khoa học và tôn giáo đã đảo nghịch chức năng và vai trò. Cả hơn ngàn năm trước đó, những khám phá khoa học là để làm “sáng danh Chúa” (như trường hợp của Isaac Newton được giáo hoàng La mã thời đó ca ngợi) hay để biện minh cho những tín lý tôn giáo; nay ngược lại: mọi kiến thức hay khám phá của khoa học áp đặt tôn giáo phải “điều chỉnh”, cập nhật hoá hay tái diễn giải học thuyết, tín lý của nó (như trường hợp “scandal” của Galileo khi phản chứng quan niệm thần học cổ điển (dựa theo Aristotle) cho rằng trái đất phẳng, cố định và là trung tâm điểm của vũ trụ mà Nietzsche đề cập ở trên) v.v...

Tóm lại, khoa học đã giết Thượng đế; lý tính của con người đã giết Thượng đế. Nhưng oái ăm thay, chính nền tảng khoa học thực nghiệm ở trên đã là hệ quả phát triển tiệm tiến lâu dài của truyền thống triết học duy lý kinh điển mà Socrates và Plato sáng lập.

Phân tích cho cùng, chính Socrates là thủ phạm và khởi điểm của hành vi sát thần mà Nietzsche khám phá ở trên. Nietzsche cho rằng truyền thống văn hoá phương Tây phát xuất từ đó là “mục nát” hay “suy mạt” ; phê phán thái độ độc đoán của Socrates coi lý tính như mô thức độc nhất của tư duy thay vì bao gồm cả trực giác như Heraclitus. Socrates đã giết Thượng đế; và cả chúng ta nữa (bằng việc sử dụng lý trí) như Nietzsche cảnh cáo qua ngụ ngôn trên: “tất cả chúng ta đều là kẻ sát thần”.

Thượng đế mà Nietzsche ám chỉ là Thượng đế của Kitô giáo - một Thượng đế được nhân cách hoá (a personal God). Thượng đế đó là một Thượng đế siêu việt, quan phòng, toàn năng, toàn trí và toàn thiện; một Thượng đế hành xử giống con người ngoại trừ tự hữu, bất tử và tuyệt hảo và toàn hảo. Theo Cựu Ước (Sáng Thế Ký), con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa. (Nhưng ngược lại, theo Aristophanes hay Feuerbach, Thượng đế được dựng nên theo hình ảnh của con người, do con người phóng chiếu (projected). Khi nói "Thượng đế đã chết", phải được hiểu theo văn mạch này. Nietzsche mặc nhiên kết luận: “niềm tin vào Thiên Chúa của Kitô giáo đã trở nên bất khả tín” (GS 343). Tại sao ? Nietzsche đã có Epicurus làm hậu thuẫn (i.e. “do the work”). Epicurus, người mà Nietzsche ngưỡng mộ, đã có câu trả lời, ở hình thái của một vấn nạn, phản chứng định nghĩa về khái niệm (tôi nhấn mạnh hai chữ “khái niệm”) của một Thượng đế nhân cách hoá ở trên. Đó là nếu Thượng đế toàn năng nhưng không muốn ngăn cản sự ác, thì ngài không toàn thiện; nếu toàn thiện mà không thể làm, thì không toàn năng. Nếu vừa toàn năng và toàn thiện, tại sao tồn tại mọi sự ác trên thế gian ? Tiền đề mâu thuẫn và tiến thoái lưỡng nan này trong triết học, được mệnh danh là “nan đề về sự ác” – the problem of evil !

Về tính siêu việt của Thượng đế (transcendent God), Kierkegaard – không chỉ là triết gia hữu thần nhưng còn là một tín đồ Kitô giáo tận hiến (tới mức phi thường), nhiệt tâm đã cho là “shocked” khi các thần học gia đặc trưng hoá một Thượng đế như thế. Nếu đã là một Thượng đế siêu việt - đứng ngoài thực tại không gian và thời gian, thì ngài không thể hoá thân nhập thể như Jesus lịch sử được, tức là có sinh ra (không gian) trong một thời điểm nhất định (thời gian). Kierkegaard coi đó là một nghịch lý !

Nietzsche không đưa ra một luận cứ siêu hình luận (metaphysical proofs) nào cả để phủ bác cái gọi là thực tại tuyệt đối (Thượng đế) - khách quan và độc lập với nhận thức của con người. Nietzsche viết: “Sự kiện rằng ta không tìm thấy Thượng đế - dù trong lịch sử hay trong nhiên giới – đó không phải sự khác biệt giữa chúng ta” (A 47). Vấn đề sự hiện hữu hay không hiện hữu của Thượng đế là sự thật quan trọng nhưng tại sao Nietzsche không bận tâm tới như câu nói trên ?

Ở điểm này, Nietzsche đồng ý với Kant rằng khả năng lý tính của con người có giới hạn; có những sự thật hay thực tại mà con người không thể thấu hiểu nổi. Tính bất khả tri đó thường được Nietzsche dùng biểu tượng so sánh như một văn bản không có bản gốc (original text); tức là thực tại hay sự thật tuyệt đối. Tri thức của ta chỉ là những bản “copies”; hay chính xác hơn, đó là những suy tưởng diễn dịch của ta mà Nietzsche gọi là nhãn quan luận (perspectivism). Trên bình diện tri thức luận, đây là điểm khác biệt tương phản giữa Nietzsche và Plato với ý niệm tri thức tiên nghiệm
(prior knowledge)
. Theo Plato, Sự Thật (viết hoa) có thể được khám phá qua tiến trình hồi tưởng (đọc cuốn Menu của Plato). Nietzsche từng tuyên bố nổi tiếng: “không có sự thật nào cả, chỉ có những diễn giải mà thôi.” Nói cách khác, có quá nhiều sự thật (viết thường) và những sự thật đó là gì ? Nietzsche giải thích: “[Đó là] một đội quân của những biểu tượng, biểu ngôn và sự thể nhân cách hoá (tạm dịch từ anthropomorphisms) — tóm lại, đó là tổng thể của những tương quan con người, vốn được tăng cường, chuyển dịch, và đánh bóng qua thi phú và diễn thuyết, và qua thời gian sử dụng lâu dài, [chúng] đương nhiên trở thành ổn định, chính bản (canonical), và được áp đặt [lưu truyền] cho cả dân tộc: sự thật là ảo tưởng mà qua đó người ta đã quên đi rằng nó chỉ là vậy” (OTL, t.46-7, The Viking Portable Nietzsche, Walter Kaufmann). Chẳng hạn, những tượng Phật hay Chúa được lưu hành lâu đời, khiến ta mặc nhiên công nhận như đó là hình ảnh thực sự của Phật (Buddha) hay Chúa (Jesus), dù đó chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng (ở những thời điểm đó, chưa có máy chụp hình hay quay phim v.v…). Đó là cái gọi là “sự thật”, theo phả hệ luận của Nietzsche.

Theo tinh thần của phương pháp phả hệ luận, phải chăng Nietzsche muốn ta hoài nghi những “sự thật” mà thế gian vốn tuyên nhận ? (Phải hiểu sự thật trong văn mạch của tri thức học hay triết học).

Vậy Nietzsche là vô thần hay hữu thần ? Nietzsche có lẽ sẽ trả lời, tại sao phải hỏi ngớ ngẩn như thế ? Giống như Nietzsche, trong tác phẩm Đây là Người, tự châm biếm mình bằng câu hỏi: “Tại sao tôi quá khôn ngoan ?” Hay như có đệ tử hỏi Phật, niết bàn là gì ? ngài trả lời rằng đó là một câu hỏi không chính đáng !

Nietzsche không trả lời; Phật không trả lời. Vấn nạn về Thượng đế vẫn còn đó. Nhiều người sẽ không mãn nguyện. Tôi sẽ miễn cưỡng trả lời cho câu hỏi trên (thay cho Nietzsche) bằng lập luận dựa theo Kierkegaard như sau. Giả sử rằng Thượng đế hiện hữu, ta không thể tìm cách phản chứng rằng không có Thượng đế; ngược lại, nếu Thượng đế không có, không thể chứng minh rằng Thượng đế hiện hữu. Làm thế là nghịch lý ! Phân tích cho cùng, không có một luận chứng nào để chứng minh (Thượng đế hiện hữu) hay phản chứng (Thượng đế không hiện hữu) vấn đề nan giải này. Mọi kết luận, dù ở lập trường nào (vô thần hay hữu thần) cũng chỉ là hệ quả khai triển từ diễn dịch luận (deduction argument), thay vì qui nạp luận trên cơ sở bằng chứng của thực nghiệm. Đó là lý do tại sao, Nietzsche cho rằng tham vọng của những triết gia vô thần (Hume, Feuerbach v.v…) chỉ là nỗ lực hoài công để phản chứng; Nietzsche so sánh công việc đó như “chùi dĩa không sạch”. Thay vì lý luận, Nietzsche sử dụng phả hệ luận để giải thích lý do và nguồn gốc dẫn tới việc hình thành những niềm tin như thế về Thượng đế:

Lúc trước, người ta tìm cách chứng minh Thượng đế không hiện hữu. - Thời nay người ta trưng dẫn vì sao nảy sinh một niềm tin như thế rằng có Thượng đế, và cách nào để niềm tin đó có sức nặng và tầm quan trọng: như thế, sự phản chứng rằng không có Thượng đế trở thành ngụy tạo. - Lúc trước, người ta bác bỏ những “luận cứ chứng minh sự hiện hữu của Thượng đế,” khi được viện dẫn, sẽ luôn gặp phải những ngờ vực rằng có thể sẽ có những bằng chứng khả tin hơn theo sau, so với cái đã phủ bác trước đó: ở thời điểm đó, kẻ vô thần chưa biết cách lau sạch dĩa (D 95).

Truy nguyên hơn, một niềm tin như thế, theo Nietzsche, (a) bắt nguồn từ tâm lý sâu xa của con người rằng vì bản năng sinh tồn, ham sống sợ chết, muốn duy trì cuộc sống cá nhân vĩnh viễn, cho nên mới vọng tưởng như vậy. (b) Là kết quả “sai lầm của việc giải thích các hiện tượng thiên nhiên nào đó” (GS, 151). Sự vọng tưởng vào một cõi hạnh phúc vĩnh hằng ở “thế giới bên kia” - thế giới thực mà Plato nói tới, cũng như của Kitô giáo đặt căn bản trên bản thể luận này (Nietzsche đặc trưng hoá Kitô giáo chỉ là “chủ nghĩa (triết lý) Plato cho đại chúng” (hàm ngụ mộc mạc, ít trừu tượng và thực tiễn - đó là ý niệm "thiên đàng"), trên thực tế, hoàn toàn không có gì là tương ứng với thực tại cả. Cuộc sống đích thực nằm ở kinh nghiệm ngay ở thế giới biểu hiện mà chủ nghĩa Plato cho là tạm bợ, giả tạo và ảo ảnh (đọc Plato: Cave, trong bộ Cộng hoà).

Nhìn vào sinh hoạt tâm linh của con người và xã hội, Nietzsche khẳng định niềm tin như vậy đã và đang băng hoại, tha hoá con người và cuộc sống. Nietzsche muốn ta sống trọn vẹn với thân phận mình; khẳng định cuộc sống trần gian; “hãy trung thành với mặt đất” như ngôn sứ Zarathustra của Nietzsche từng tuyên bố; hãy dồn mọi nỗ lực của mình để sống một cuộc sống phong phú, mãn nguyện – dù rằng cuộc đời là thách thức, tranh đấu hay cuộc đời là bể khổ. Đây là phương án “Tái định giá mọi giá trị” (project of Revaluation of all values) của Nietzsche nhằm vào việc kiến tạo một nhân sinh quan mới, một cuộc sống mới – nhân bản, hiện sinh dựa trên những giá trị mới (về đạo lý và tinh thần) thay thế cho mô hình trục chuyển kiếp của chủ thuyết Plato vọng tưởng và mục nát; Nietzsche tự giao cho mình sứ mệnh và trách nhiệm “đảo hoán” các giá trị luân lý cổ truyền của Kitô giáo (thể hiện qua nhân sinh quan chay tịnh, khắc kỷ) mà theo ông đã bị suy thoái không còn hiệu năng. Nhưng hệ quả của quá trình tái thẩm định các định chế hay giá trị như thế, cũng như biến cố lịch sử “Thượng đế đã chết” sẽ dẫn đến tình trạng hư không chủ nghĩa mà Nietzsche lo sợ. Song, đó (chủ nghĩa hư không) chỉ là giai đoạn hay tình trạng lâm thời trước khi một xã hội mới với những giá trị mới được hình thành.

Đại để, đó là nhân sinh quan và phản ứng của Nietzsche đối với truyền thống tôn giáo và triết học của mình (sẽ được bàn thảo chi tiết ở phần cuối).

III. Nền tảng bản thể luận

1. Đông là Đông và Tây là Tây

Mặc dù, ngay từ khởi thủy, cả hai nền triết học của cả Đông và Tây đều chia sẻ một mẫu số chung về vũ trụ qua giả định rằng, chỉ có một thực tại hay bản thể (substance) duy nhất tự hữu; và bản thể đó qua quá trình tự phát, tự biểu hiện, nảy sinh ra một thế giới của những thực tại trừu tượng, vô hình (thế giới siêu hình); và rồi từ đó, những thực tại này tiếp tục biểu hiện hay hiện thực hoá thành một thế giới của những thực tại cụ thể, hữu hình, chuyển động, biến hoá và đa dạng (những sinh vật thể vật lý đa dạng của thế giới hiện tượng). Chẳng hạn, Đông phương với ý niệm “Đạo” (Tào) trong Đạo đức kinh; “Vô thể” (Sunyata) trong Phật thuyết; còn phương Tây có “Thần trí” (Logos) của Heraclitus, “Nhất thể” (số Một) của toán học gia/triết gia Pythagore (số 1 là khởi đầu cho những con số theo sau 2,3,4… khai triển tới vô cực); “Tĩnh động thể” (Unmoved Mover” của Aristotle, “Tinh thần tuyệt đối” (Absolute Spirit) của Hegel; “Ý chí” (the Will) của Shopenhauer; “Ý chí cường lực” (Will to Power) của Nietzsche v.v…

Đây là một cuộc hành trình triết học trong nỗ lực nhằm vào việc tìm kiếm một nguyên lý phổ quát và hợp nhất (unified principle / theory of everything) khả dĩ lý giải cho vấn nạn tại sao vũ trụ xuất hiện và hiện hữu như hiện trạng.

Tuy nhiên, xét về bản thể luận, có một vài căn bản rất khác biệt, nếu không muốn nói là đối cực hay phản đề, giữa hai truyền thống phương Đông và phương Tây. Và việc đặc trưng hoá hay tóm tắt không phải là công việc khó khăn. Triết Tây thì “động” (dynamic); ngược lại, triết Đông “tĩnh” (static). Trong triết học phương Tây, thực tại đặt bản hệ trên khái niệm “hữu thể” (being) làm nền tảng cho mọi phương án triết lý; trong khi đó, triết Đông lấy khái niệm “Đạo” hay “Vô thể” (Nothingness, Emptiness, Sunyata) làm nền tảng triết lý. Từ những khác biệt căn bản trên đã dẫn tới những hàm ngụ và hình thái diễn ngôn về mặt tư duy, ngôn ngữ, cũng như vũ trụ quan (do vậy nhân sinh quan) duy nhất và đặc thù giữa hai truyền thống.

Hãy nói về ngôn ngữ diễn tả tư duy triết lý, nhất là về tri thức luận và hiện tượng luận (khoa học nghiên cứu về sự nhận thức thế giới khách quan của con người qua kinh nghiệm của cảm thức). Khởi đầu từ triết học của Aristotle, đối với phương Tây, để biết một sự vật (thực tại, hữu thể) là có thể định nghĩa chính xác (qua ngôn ngữ), định vị thể tính, và mô tả hoặc đặc trưng hoá nó (thuộc tính). Đông phương không coi trọng về định nghĩa, ngôn ngữ dùng để diễn tả; chữ nghĩa chỉ để gọi ý, gợi cảm về thực tại. Trong khi Tây phương chú trọng tới cái trừu tượng, phổ quát và siêu việt từ kinh nghiệm cụ thể; Đông phương đảo nghịch tiến trình này. Nói cách khác, triết Tây tìm cách siêu việt lên khỏi thế giới hiện tượng của kinh nghiệm để hướng tới một nguyên lý trừu tượng, phổ quát; triết Đông khởi đi từ cái phổ quát, trừu tượng nhưng muốn bám rễ vào thế giới thực nghiệm của kinh nghiệm.

Trong phần mở đầu của Đạo đức kinh, Đạo được “nhận diện” như sau (không phải là “định nghĩa” theo như triết Tây):

Đạo (Tào) mà có thể mô tả, nó không còn là Đạo hằng hữu;

Cái vô cực, vô biên thì không thể có tên gọi;

Cái được gọi bằng tên không là tên hằng cửu

(tức là mọi vật thể cụ thể được mô tả bằng danh từ)

Đấng Vô danh là căn nguyên của Trời Đất càn khôn

Cái có tên gọi là mẹ của vạn sự.

Triết Đông là thế. Có lẽ, sự kiện này giải thích tại sao người Á Đông ít chú trọng tới định nghĩa khi bày tỏ, thảo luận, mô tả. Và tại sao, người Tây phương tiến bộ vượt bực về lãnh vực khoa học - chính xác và thực nghiệm. Nhưng đây không phải là bài tiểu luận tỉ giảo (so sánh) về Đông và Tây. Chủ đích lược khảo, chỉ là để cung cấp bối cảnh bản thể luận nhằm phục vụ chủ đề bài viết. Phần luận giải về bản thể luận của Tây phương sẽ được nhấn mạnh và khai triển rộng hơn vì nó liên quan tới nhân sinh quan của Nietzsche.

Heidegger có lần tuyên bố rằng triết lý của Nietzsche là tổng tích hợp của 2500 năm triết học và siêu hình học của truyền thống phương Tây. Quả đúng như thế. Nietzsche với thân phận cô đơn ngút ngàn (nói tới Nietzsche là phải nói tới nỗi cô đơn), không chỉ đối thoại
với người đương thời nhưng ông còn “đàm đạo” hay tranh luận với các nhân vật lịch sử, cách riêng là những triết gia, của truyền thống văn hoá của mình. Sự kiện này bàng bạc, rải rác khắp nơi trong các tác phẩm của Nietzsche, và biểu chứng rõ nét nhất trong cuốn Hoàng Hôn của Những Thần Tượng (Twilight of the Idols).

2. Thế giới thực và thế giới biểu hiện

Truyền thống triết học Tây phương phân chia thực tại thành nhị nguyên thể: thế giới hiện tượng hay biểu hiện (apparent world) và thế giới thực (real world). Thế giới biểu hiện là thế giới hữu hình khả nghiệm, ảo ảnh của thực tại; thế giới thực là thế giới siêu hình mà thực thể, theo Plato là tuyệt hảo của chân-thiện-mỹ được gọi là bản thể hay “dạng thức” (form) .

Mặc dù Plato hay Socrates [4] khai sinh ra nền triết học lưỡng phân, nhị nguyên như thế, nhưng trên thực tế, chính Parmenides là người thiết lập hữu thể học mà Plato lấy làm nên tảng. Về mặt hữu thể học, triết học của Parmenides là phản đề của Heraclitus: giữa hữu thể (being) và dịch thể (becoming), giữa tĩnh năng (static) và động năng (dynamic), giữa vô thường (impermanent) và thường hằng (permanent).

Mô hình thực tại mà Nietzsche khả dĩ biểu đồng tình là mô hình nhất thể luận của Heraclitus – triết gia Hy Lạp được truyền thống triết sử phận loại là “tiền-Socrates” (pre-Socrates). Heraclitus vốn được mệnh danh là “hiền triết tăm tối” (hàm ý huyền bí, khó hiểu); là người nổi tiếng với tuyên ngôn bất hủ “không ai tắm trên cùng một dòng sông”(đọc The Art and Thought of Heraclitus, bản dịch của Charles Kahn). Đối với Heraclitus, vạn thể, tất cả là một cuộc sống hỗn loạn (life in flux), thay đổi, chuyển dịch; không có thực tại nào ở dạng thức tĩnh (static) cả. Thế giới là dịch thể (becoming); “con đường đi xuống hay đi lên chỉ là một; đêm và ngày chỉ là một”; “vạn thể yên tĩnh (ổn định) qua biến dịch” - everything rests by changing (chẳng hạn như tính ổn định, bảo hoà của mọi vật thể ở trạng thái tĩnh, qua sự chuyển động, giao thoa của các cơ cấu nguyên tử của nó – thuyết nguyên tử) v.v...tất cả tùy thuộc vào nhãn quan hay tại điểm nhất định của chủ thể. Chẳng hạn tôi đang ở Mỹ bây giờ là đêm nhưng đối với người ở bên kia Thái bình dương (Việt Nam chẳng hạn), đó là ngày.

Heraclitus là triết gia đầu tiên phát kiến tư duy biện chứng ở phương Tây nhưng cùng thời điểm (khoảng thế kỷ thứ sáu trước Công nguyên), ở Đông phương cũng xuất hiện một tư duy biện chứng tương tự - như của Lão tử trong Đạo đức kinh. Nietzsche viết: “Lấy dịch thể làm nền móng, đó là thể tính của hiện hữu - là ý chí cường lực tối thượng” (WP 567).

Như đã nói ở trên, Parmenides là triết gia quán quân (champion) về hữu thể học (tương tự như Heidegger, 2500 năm sau, cống hiến mọi nỗ lực của mình cho vấn nạn hữu thể qua tác phẩm Hữu Thể và Thời gian, dựa vào phương pháp hiện tượng luận của Husserl). Với Parmenides, vũ trụ duy nhất chỉ có một thực tại (hữu thể) thực tồn (real, existing) và vô thể (non-being) là khái niệm bất khả thể - không ai có thể suy tưởng mà không có đối tượng (khách thể) tức là suy nghĩ về điều không hiện hữu, không có. Thực tại duy nhất đó bất động (unmoving) và bất biến (unchanging); thế giới hiện tượng biến dịch chỉ là biểu thể của thực tại này mà Heraclitus lầm lẫn coi đó là thực tại.

Làm thế nào để lý giải giữa hai quan điểm trái ngược và mâu thuẫn ở trên về thực tại, giữa Heraclitus và Parmenides ?

Câu giải đáp đến theo sau một thế hệ: Socrates và Plato cho rằng cả hai luận thuyết của Heraclitus và Parmenides đều phiến diện, nếu không muốn nói là cực đoan. Đối với Plato, cần phải có giải pháp dung hoà giữa hai thái cực trên. Plato khẳng định rằng có sự tồn hữu của cả hai thực tại ở trên - hữu thể và dịch thể (becoming, coming to be). Tuy nhiên, Plato nhấn mạnh rằng cần phải phân biệt bản chất và nguồn cội của hai thực tại do Heraclitus và Parmenides trưng dẫn: thực thể (real beings - ontos onta) là bản thể đích thực, tự hữu, thường hằng (Plato gọi đó là dạng thức, ý tưởng (ideas), qua đó, đã phát sinh ra mọi thực tại khác vô thường, chuyển động và biến dịch (dịch thể). Hữu thể, theo Plato, có thể được khám phá và lãnh hội qua lý tính (logos); dịch thể chỉ là đối tượng của tư kiến (doxa) khai triển từ cảm thức (aisthesis).

Qua sự dung hoà này, Plato đã khai tử nền triết học nhất nguyên luận ở trên. Thay vào đó là nền triết học nhị nguyên luận, phân chia thế giới thành hai cõi: thế giới thực và thế giới biểu hiện. Truyền thống kinh điển duy lý của phương Tây khởi nguyên từ đó; theo sau, Descartes khẳng định; Kant củng cố; và Kitô giáo (qua thần học) duy trì, phổ biến và bảo vệ.

Việc phân chia thế giới thành thế giới ‘thực’ và biểu hiện, dù theo cách thức của Kitô giáo hay cách thức của Kant (cho cùng, đó là tiểu xảo của một tín đồ xảo trá -) chỉ là bạt mục nát - một triệu chứng của đời sống suy đồi, thoái hoá (TI, Reason in Philosophy, 5).

Nietzsche kết luận:

Cái thế giới thực đó là điều không thể có, bất khả chứng minh, không thể nào được hứa hẹn, song cho cùng đó chỉ là một ý tưởng của sự an ủi, một nghĩa vụ, một mệnh lệnh (TI, History of an Error).

Và đề nghị:

[Nếu] ta đã khử bỏ cái thế giới thực đó: còn lại thế giới gì ? thế giới biểu hiện chăng ? Nhưng không ! loại bỏ thế giới thực cũng chính là loại bỏ luôn cả thế giới biểu hiện (TI, History of an Error).

Tóm lại, đối với Nietzsche sự phân chia đó của Plato chỉ là ngụy cấu, tưởng tượng, nếu không muốn nói là “vô nghĩa”, “phỉnh gạt” và “phản nghịch lại đời sống” (TI, Reason in Philosophy, 6). [5]

Như đã viết, Nietzsche ca ngợi Heraclitus – “cách riêng tôi rất tôn kính danh nhân Heraclitus” (TI, Reason in Philosophy, 2), và đã biểu đồng tình với mô hình nhất thể luận của Heraclitus rằng chỉ có một thực tại, một thế giới duy nhất; thế giới đó là động loạn (in flux), xung đột, biện chứng, biến dịch, trở nên (coming to be); rằng “chiến tranh là phổ thông và xung đột là công lý, và mọi sự đến rồi qua đi căn cứ theo xung khắc, mâu thuẫn đó” (The Art and Thought of Heraclitus, aphorism LXXXIII, bản dịch của Charles Kahn). [6]

Nguyễn Thanh Giản

(Nguồn: http://www.diendan.org)

Tham khảo

The Art and Thought of Heraclitus, Charles H. Kahn (Cambridge University Press, 1970)

Nietzsche The Man and His Philosophy, Revised Edition, R.J. Hollingdale (Cambridge University Press, 2001)

Nietzsche, Richard Schacht (London and New York, 1992)

Tác phẩm của Nietzsche

Ghi chú : Để cho việc liệt kê, trích dẫn nhanh chóng, gãy gọn, nguồn tham khảo những tư tưởng hay câu văn từ những tác phẩm của Nietzsche, tác giả sử dụng trong bài này những tên viết tắt theo biểu đồ tham chiếu sau đây:

A - Anti-Christ, bản dịch của R.J. Hollingdale (Penguin Books, 1990)

BGE - Beyond Good and Evil, bản dịch của Walter Kaufmann (New York: Viking Press, 1954)

BT - The Birth of Tragedy, bản dịch online của Ian Johnston

http://records.viu.ca/~johnstoi/Nietzsche/tragedy_all.htm

D - Daybreak, bản dịch của R.J. Hollingdale (Cambridge: Cambridge University Press, 1982)

EH - Ecce Homo, bản dịch của Walter Kaufmann (New York: Vintage Books, 1967)

GM - On the Genealogy of Morals, bản dịch của Walter Kaufmann (New York: Vintage Books, 1967)

GS - The Gay Science, bản dịch của Walter Kaufmann (New York: Vintage Books, 1974)

HH - Human, All Too Human, bản dịch của R.J. Hollingdale (New York: Cambridge, 1996)

OTL- On Truth and Lies in a Nonmoral Sense, bản dịch của Walter Kaufmann (The Viking Portable Nietzsche)

PTA - Philosophy in the Tragic Age of the Greeks, bản dịch online của Maximillian A. Mügge

http://users.compaqnet.be/cn127103/Nietzsche_various/philosophy_during_the_Tragic_Age.htm

TI - Twightlight of the Idols, bản dịch của R.J. Hollingdale (Penguin Books, 1990)

WP - The Will to Power, bản dịch của Walter Kaufmann và R.J. Hollingdale (New York: Vintage Books, 1968)

Z - Thus Spoke Zarathustra, bản dịch của Clancy Martin (New York: Barnes and Noble Classics, 2005)

[1Khác với Hegel cho rằng “kẻ cuối cùng” là mẫu người ổn định tương lai trong tiến trình vận hành lịch sử chính trị và xã hội loài người – lịch sử kết thúc bằng một chế độ dân chủ tự do; ngược lại, kẻ cuối cùng của Nietzsche mẫu người an phận, thụ động và mãn nguyện với mọi ước lệ xã hội. Với Nietzsche, loại người như thế đã tồn tại ngay trong xã hội hiện tại.

[2Đọc Nietzsche The Man and His Philosophy của học giả R.J. Hollingdale

[3Nietzsche đã sử dụng nguyên văn câu nói của Pontius Pilate khi giới thiệu Jesus Christ trong Tân Ước.

[4Khó có thể phân biệt giữa con người lịch sử Socrates và nhân vật Socrates trong các tác phẩm của Plato – người đã sử dụng thầy (Socrates) làm ngôn sứ cho triết lý của ông.

[5Ngay cả Aristotle, đồ đệ “ruột” của Plato, cũng triệt để phủ bác sự phân biệt giả tạo trên.

[6Khác với quan niệm trong Nguồn Gốc của Bi Kịch với sự hài hoà của hai nguyên lý Apollo và Dionysus, Nietzsche sau này trong tác phẩm Đây Là Người sau cùng, thiên về tinh thần Dionysus triệt để hơn.