Nhật ký Xã hội 2005 (3)

Đến những đồng tiền Âm Phủ cũng giả

18-7

Nghĩ lại thì thấy thua cuộc như tôi quả cũng đáng. Số là do quá tin ở lý luận, tôi cãi bằng được rằng hàng giả chỉ xuất hiện ở những nền sản xuất nhỏ, và người ta chỉ làm giả những thứ hàng tàng tàng, chứ làm hàng cho thật xịn xem, liệu ai đủ công sức làm giả bao giờ. Nhưng tôi đã nhầm to. Dẫn chứng mới toanh vừa lấy ra từ một tờ báo điện tử: hàng năm, 500. 000 ( tức năm trăm ngàn, tức nửa triệu ) xe Honda giả được bán ra ở các cửa hàng, và tình trạng giả mỗi ngày một tăng. Chỉ có điều chế tài xử phạt ở ta không nghiêm nên hàng giả vẫn cứ lưu hành, và chính chủ cũng phát ngán không muốn đi kiện nữa.

19-7

Đọc cuốn V iệt sử xứ đàng trong của Phan Khoang tôi nhặt được một chi tiết: Do nhu cầu của thị trường lúc ấy, các chúa Nguyễn phải cho tư nhân đúc tiền kẽm. Tiền kẽm đúc ra lần đầu dày cứng, tiêu dùng rất tiện. Song cũng lập tức có nạn tiền giả. Người ta trộn thêm chì vào. Tiền mỏng có thể bẻ gãy được nên bị người ta chê. Trước một đồng tiền kẽm ngang giá một đồng tiền đồng, sau ba đồng mới ăn một.

22-7

Trước cảnh mỗi mùa thi đại học cả xã hội rộn rập mất ăn mất ngủ, một anh bạn thạo về giáo dục bảo tôi: ở nhiều nước như T i những ai có bảng điểm cao, tự nhiên sẽ hạn chế được số thí sinh tham dự ngay. Hẳn anh biết bên thuỷ lợi người ta thường phân lũ để khỏi vỡ đê. Kinh nghiệm ấy hoàn toàn có thể áp dụng cho chuyện thi cử. Chỉ có điều muốn thế, việc đánh giá học sinh phải chặt chẽ ngay từ các lớp dưới. Chứ công khai gian lận bằng cách chín mươi chín phần trăm tốt nghiệp, thì đến trời cũng chịu.

23-7

Hàng hoá giả. Người giả. Giấy tờ giả. Văn bằng giả. Quy hoạch giả. Công ty giả. Kết quả các trận đấu bóng giả. Mà tuổi của các cầu thủ cũng là tuổi giả. Quả thật nghĩ mà sợ, hầu như sự giả đã tràn lan, cái gì người ta cũng làm giả được.

Hồi còn sống nhà văn Triệu Bôn có lần cười nhạt bảo tôi: “Tôi đã thấy những tờ giấy báo để nguyên đặt giữa xếp tiền âm phủ người ta bán cho mẹ Hằng nhà tôi về đốt ngày giỗ. Tức là có hàng giả của hàng giả. Thế thì ông tính còn cái gì người ta không tính chuyện bịp nữa “.

Nhưng những lần chúng tôi cùng được cười như vậy hơi … bị hiếm. Đã đinh ninh người đang sống lẫn với ma, song người bị lừa thường vẫn bực mình, thậm chí điếng người đau xót. Mà ai cũng vậy thôi, một lần da đến ruột. Thành thử tôi ngờ các thảm cảnh này kéo theo một hiệu ứng phụ, tức là từ đó người ta dễ tặc lưỡi, — thế thì tội gì mình phải đứng đắn nữa, mình cũng sẽ đi làm hàng giả cho chúng nó chết !

Trong hoá học, người ta gọi là phản ứng dây chuyền.

Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo

25-7

Tôi xin hết lòng (truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan) kể về một người đàn bà xoen xoét cái miệng thương hại cô gái ốm, và nhận thức đêm trông cô, chỉ vì quá mê bộ tóc của cô bé. Và lấy cớ giúp cho cái đầu cô bé khỏi vướng víu, bà ta đã đang tay cắt trộm mái tóc.

Kết luận, hoá ra ở đời này chẳng có ai tốt với ai cả !

Nhưng hôm nay tôi muốn lưu ý một khía cạnh khác: lời nói đã trở thành công cụ cho người ta kiếm ăn, khi đó nó trở nên hàm hồ, tuỳ tiện lăng nhăng không thể tin nổi, một thứ sản phẩm của “ lưỡi không xương nhiều đường lắt léo “ như các cụ xưa vẫn nói.

Thiên truyện thường trở lại trong đầu tôi khi hàng ngày chứng kiến cảnh người ta lừa nhau trên đầu cầu Chương Dương. Những chiếc xe khách chở người các vùng quê về chưa kịp đỗ đã có hàng loạt xe chờ sẵn. Mỗi hành khách xuống xe lập tức trở thành con mồi để đám xe ôm xô đến tỏ lòng từ thiện. Lời nói bao giờ cũng ngọt xớt. Người ngoài nghe thấy mà rùng mình, sự thực là họ đang lừa nhau để bên này bùi tai thì bên kia chém. Đại khái cũng giống như các chương trình khuyến mãi của các công ty bất chính. Họ lấy ngay tiền người mua hàng để làm phần thưởng. Của người phúc ta. Nói ra rả hàng ngày, mà không ai thấy chướng.

26-7

Có cái ác là nhiều khi biết người ta nói dối đấy mà không sao vạch mặt ra được. Chẳng hạn nhiều khi có việc cần đến một cơ quan thì thấy đập vào mắt tấm bảng viết cẩu thả “ Cơ quan chúng tôi xin được phép nghỉ sáng nay để họp “. Cùng là cán bộ nhà nước cả, nên mặc dầu biết tỏng là nhiều khi người ta chẳng họp hành già cả mà chỉ kéo nhau đi chơi, tôi cũng chẳng giận làm gì. Nhưng đau là đau ở khía cạnh khác: cái sự nói dối trắng trợn. Người ta coi thường và làm hỏng hết công việc của chúng tôi, nhưng lại nhũn nhặn xin phép, ra cái điều sợ chúng tôi lắm.

28-7

Một lần lẩn mẩn tra từ điển tiếng Việt, tôi bắt gặp đâu đến vài chục từ ghép đi liền với chữ nói, tạm ghi ra như sau: nói bóng nói gió, nói cạnh nói khoé, nói chơi, nói chua, nói cứng, nói dóc, nói dối, nói điêu, nói gần nói xa, nói gở, nói hớt, nói khoác, nói lảng, nói láo, nói leo, nói lửng, nói mát, nói mỉa, nói ngoa, nói ngang, nói phách, nói phét, nói quanh, nói ra nói vào, nói suông, nói thách, nói thánh nói tướng, nói trạng,nói trống không, nói vơ, nói vụng, nói vuốt đuôi … Trong số này, trên chín chục phần trăm là những từ mô tả sự nói với nghĩa xấu.

30-7

Trên một tờ báo chuyên về văn hoá hôm nay, có thư của một bạn đọc than phiền vì những sự hứa hươu hứa vượn. Một bộ phim quảng cáo là phim kinh dị “made in Việt Nam “ và có tới 69 bài viết trên các báo lăng xê, sẽ không bao giờ bấm máy. Một bộ phim khác được giới thiệu là có đến hai diễn viên Hàn quốc tham gia hoá ra … treo đầu dê, bán thịt chó, bởi chẳng có công ty nào của Hàn quốc phối hợp cả.

Sau hư hỏng là vô cảm

1-8

Một trong những điều lý thú người ta thấy được qua đợt phát hành các cuốn sách Mãi mãi tuổi hai mươi và Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm mấy tuần nay: Hoá ra dân mình vẫn ham đọc. Là người đứng tên biên tập cuốn sách thứ hai, nhiều ngày tôi nhận được điện nhờ bảo giùm xem bây giờ mua sách ở chỗ nào. Thay cho cái đĩa, cuốn băng, một số bạn bè tặng nhau sách. Có những đơn đặt hàng từ Mỹ từ Pháp gửi về. Nghe nói đã bắt đầu xuất hiện những cuốn sách in giả, nó là bằng chứng của một mặt hàng trong “ tình trạng cháy chợ “.

Nhưng quan trọng hơn là sau khi đọc sách, nhiều người rung cảm thực sự. Những giọt nước mắt chân tình ứa ra trên những khuôn mặt tưởng đã hoàn toàn lì lợm vì kiếm tiền. Người ta cảm thấy lâu nay mình đã giàu lên và xấu đi bao nhiêu so với cái tuổi trẻ thánh thiện bốn chục năm trước.

3-8

Trong cơ quan tạp chí Văn nghệ quân đội, anh Xuân Thiều nổi tiếng là một trong những người “ giữa đường thấy sự bất bằng mà tha.” Hồi chiến tranh, một cái xe đạp quý lắm. Vậy mà theo Nguyễn Minh Châu kể với tôi thì có lần, thấy người ta đuổi bắt một đứa bé móc túi, Xuân Thiều đang ngồi hàng nước đã đứng lên, lao thẳng chiếc xe đạp vào thằng ăn cắp ấy để chặn hắn lại.

Nhưng cái chuyện này xảy ra với Xuân Thiều hồi đầu chiến tranh, còn thời điểm Nguyễn Minh Châu kể cho tôi nghe là mấy năm 1973-74, tức cuối chiến tranh. Tác giả Dấu chân người lính tỏ ý than phiền mới mấy năm trời mà con người đã xấu đi bao nhiêu, bây giờ không ai làm như Xuân Thiều nữa.

Giá còn sống đến hôm nay, không biết Nguyễn Minh Châu còn bình luận gì thêm?

4-8

Không che giấu nữa mà trên mặt báo bây giờ ngày càng xuất hiện nhiều những tin nói về cảnh ăn chơi truỵ lạc của đám thanh niên lắm tiền. Tôi thường chỉ thắc mắc: sao không có ai đứng ra nghiên cứu xem đám thanh niên lao mình vào ăn chơi đó thường là con cái nhà ai.

Hỏi vậy bởi theo tôi, những người giàu có do mồ hôi nước mắt mà có, thường sống đúng mức, thậm chí thanh đạm và con cái họ thường ngoan. Nếu tôi không lầm thì ăn chơi xả láng bậc nhất bây giờ là đám con cái các quan chức tham nhũng. Họ ăn cướp quá dễ dàng nên con cái mới phải tìm cách khơi cho tiền của nơi họ khỏi bị ứ đọng. Nói rằng nhiều người “ đi lừa được cả thiên hạ mà không lừa được con cái “ là với nghĩa ấy.
Âu cũng là niềm an ủi cho những gia đình tử tế.

6-8

Hết than phiền vì tình trạng học sinh chán ngán học văn, nay người ta lại chưng ra đủ loại bằng chứng hãi hùng vì tình trạng học sinh dốt sử. Nghĩa là trong các bài thi vào đại học, hàng ngàn học sinh nhận được điểm một điểm hai, thậm chí điểm không.

Tình trạng kém cỏi này nảy sinh do đâu là chuyện báo chí đang bàn. Nhưng chắc chắn đây cũng là một biểu hiện của tình trạng vô cảm. Thứ vô cảm với quá khứ còn nan giải hơn nhiều so với các thứ vô cảm khác.

Cười và khóc

8-8

Đưa tin các trường công bố điểm trúng tuyển và kết quả tuyển sinh, có tờ báo giật cái tít đọc lên nghe đau điếng “ Hơn nửa triệu thí sinh đã trượt đại học “.

Chắc là lúc này khối cô cậu khóc đây.

Lại nhớ câu thơ Tàu cổ: “Khốc như nữ tử vu quy nhật - Tiếu tự văn nhân lạc đệ thì“ (ai đó đã dịch thoát thành “Cười như sĩ tử hỏng thi - Khóc như cô gái sắp đi lấy chồng“).

So với người xưa, nỗi cơ cực của đám người “ lỡ hẹn với đời sinh viên “ đời nay nhiều khi còn ê chề hơn. Các ngành đào tạo nghề nghiệp cổ lỗ non yếu. Cơ quan xí nghiệp chỗ nào béo bở đã lấp đầy người. Rồi biết đi đâu xin việc để có thể hoà nhập vào xã hội? Bảo rằng họ đang bị vứt ra lề đường cũng không phải là nói ngoa.

10-8

Khi tôi kể lại nỗi buồn nho nhỏ trước đám sinh viên “ nhỡ tàu “ thì anh M. bạn tôi không giấu được cảm giác buồn cười. Cậu đa sự thật, anh bảo. Có phải hôm nay họ mới biết đâu. Cái chuyện các trường chỉ lấy được độ 40% số dự thi, ngoài ra 60% chắc chắn thuộc khu vực thi trượt, đó là chuyện “bánh đúc bày sàng” mọi người đã biết ngay từ những ngày đổ nhau đi nộp đơn. Rộng ra mà xét, cái việc thanh niên lớn lên không sao tìm được chỗ đứng hợp lý trong xã hội thực tế hàng ngày vẫn đang kéo dài. Bao giờ toàn ngành giáo dục được tổ chức lại, cả xã hội được tổ chức lại, thì cái chuyện cứa vào lòng người như thế này mới hết.

Để giúp tôi hoàn toàn thanh thản, anh khái quát một câu xanh rờn “ thời buổi
cảm thương qua rồi “. Các nhân viên y tế nhất định không xử lý các vụ cấp cứu nếu gia đình nạn nhân không đưa tiền. Các giáo viên rút bớt chương trình dạy ở lớp để kéo học sinh đến nhà học thêm. Đấy, với hai nghề nhân đức như nghề y và nghề giáo mà người ta còn cư xử theo nguyên tắc “ tất cả vì tiền “ như thế, nữa là các nghề khác. Tức cũng có nghĩa là loại người mau nước mắt thời nay đã tuyệt chủng, sụt sùi là chuyện cổ lỗ lắm rồi !

11-8

Có tin ở TP Hồ Chí Minh, có một cây cầu gọi là cầu chợ Cầu xây mấy năm nay không xong. Dân phản ứng quá, công ty xây cầu phải làm bảng thông báo, ghi rõ lời xin lỗi trước nhân dân. Chỉ có điều sau đó đâu vẫn hoàn đấy, công việc ì ạch đến mức mọi người cảm thấy như mình bị lừa.

Gọi đây là vô trách nhiệm là gian trá cũng được, nhưng tôi thấy nó còn là một chứng minh tuyệt vời cho cái tình trạng cạn kiệt mọi giọt nước mắt thương cảm. Anh M. đã đúng.

13-8

May quá, sự đời không phải hoàn toàn đáng bi quan như vậy. Một phóng viên trẻ làm bên VTV1 tâm sự với tôi là cô hơi xấu hổ khi khóc sưng cả mắt vì đọc nhiều trang Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm. Tôi bảo với cô, bạn ơi không có gì đáng xấu hổ cả, những giọt nước mắt của bạn giúp tôi lấy lại niềm tin ở tuổi trẻ đấy ! Cám ơn bạn !

Dập dềnh trôi theo làn sóng

15-8

Cuốn sách ấy bàn tới một vấn đề khá cấp bách: toàn cầu hoá là gì? Chúng ta sẽ sống sao trong thời đại toàn cầu hoá? Để thích ứng với nó chúng ta phải có một nhận thức như thế nào? Phải cái, sách không chỉ có cái tên hơi khó hiểu: Chiếc Lexus và cây ô liu, mà lại quá dày ( trên 700 trang ) và nội dung quá nặng, ngay với một số nhà chuyên môn cũng đã nặng. Giá kể có ai đọc kỹ rồi tóm tắt lại, diễn giải lại cho mọi người thì hay biết mấy.

Chỉ có điều bây giờ chả ai sẵn lòng làm việc này cả.

Tôi ghi lại một câu được dẫn trong sách: “ Ngày nay không một đất nước nào có thể khoá kín bản thân không tiếp xúc với truyền thông toàn cầu, hoặc những nguồn tin từ bên ngoài. Những khuynh hướng xuất hiện ở một nơi có thể được nhân lên đại trà ở nhiều nơi khác. “

17-8

Từ tháng 6- 2004, giá xăng đã tăng 7000đ/l, từ tháng 3-05 là 8.800đ và từ 18h chiều nay là 10.000đ/l. Suốt buổi chiều dân Hà Nội đổ đi xếp hàng mua sớm, tránh cho mỗi lít hơn đồng bạc. Nhưng từ mai thì họ sẽ được sống theo mức giá tiêu thụ của thế giới.

Thế là cái điều mà ký giả của báo New York Times (tác giả cuốn Chiếc Lexus và cây ô liu nói ở trên) thông báo, đã có ngay minh chứng.

18-8

Giải thích chuyện tăng giá xăng, các cơ quan có trách nhiệm không quên nói ngay là tại xăng trên thị trường thế giới là thế, mình tránh không nổi, và nghe ra ai cũng hiểu. Chỉ đau một nỗi: ở các nước người ta dự đoán được tình hình rồi tìm cách ngăn chặn và giảm khó khăn cho dân, còn ở mình thì nước đến chân mới …đứng nguyên, và hò nhau ráng chịu. Lại nhớ có lần ai đó đã ví nền kinh tế mình như chiếc nút bấc trôi nổi trên thị trường thế giới, và bị chao đảo bởi bất cứ hiện tượng nào. Đã gọi là nút bấc thì lành lặn mãi sao được !

20-8

Không kể sản xuất chắc chắn có khó khăn mà đời sống mỗi người dân thường cũng bị ảnh hưởng. Thịt ở các chợ Hà Nội tăng trung bình khoảng 5.000đ một kg. Gửi xe nhiều chỗ đã lên 2.000 đ. Trước sau cái gì cũng lên hết ! Thế nhưng khi tôi tỏ ý lo ngại không biết mai đây ra sao thì một người bạn thuộc dân giáo viên cấp hai đã cho mấy câu ráo hoảnh:

- Dào ôi, có mà lo bò trắng răng ! Người ta tăng giá thì mình cũng tăng giá lại. Bà bán phở tăng giá bát phở thì vợ tôi bán thuốc tăng giá thuốc, còn tôi phải quát học phí con các ông các bà cao hơn. Rồi chắc chắn giá mua bằng rởm lớn hơn, tiền chồng cho mỗi vụ chạy quyền chạy chức nhiều hơn. Rồi từ người tham nhũng đến thằng ăn cắp sẽ bớt phân vân khi hành sự. Rồi còn là tiếp tục chặt phá rừng với lại lấn chiếm đất công để kiếm chác. Chả ai chết cả, còn như đất nước có xơ xác hơn, thì đã có cách … cùng nhắm mắt lại, coi như không có, thế là xong chứ gì !

Ùn tắc nơi nơi ùn tắc hàng ngày

22-8

Mùa thu năm nay đến rất đúng hẹn. Sáng mồng một tháng bảy âm lịch, bắt đầu thấy se se một thoáng gió lạnh. Nắng ít đi và đã đỡ gay gắt. Trời lúc nào cũng đầy mây. Có cả những cơn mưa lai rai, như trong câu thơ của Nguyễn Du, “ tiết tháng bảy mưa rầm sùi sụt “, lẫn cả những cơn mưa rào theo kiểu mùa hè còn sót lại. Rạng sáng hôm nay mười tám ta thì trời đổ một cơn kinh khủng. Đến thời điểm các viên chức phải tới sở, nhiều quãng đường còn ngập nước. Anh Ân ở cơ quan tôi kể mọi khi đi từ nhà tới sở mất khoảng 25 phút thì hôm nay mất đúng tiếng rưỡi. Là bởi đồng thời với nạn đường ngập là nạn đường tắc, ngoài các quãng đường tắc vốn có là những quãng đường tắc vừa xuất hiện ngay cạnh đường ngập, có kêu giời thì giời cũng chịu.

23-8

Thật ra không còn đợi đến những cơn mưa lớn, hai chữ ùn tắc mới xuất hiện trong đầu óc mọi người. Mà hàng ngày người ta đã bắt gặp nó nơi nơi. Các giấy tờ khiếu nại ùn tắc ở các bàn giấy. Máy điện thoại của đoàn trưởng các đoàn kiểm tra đất đai ùn tắc vì người gọi đến quá đông. Công việc nào béo bở thì ùn tắc người tới xếp hàng. Thậm chí có một hồi mấy quán phở ngon trên đường Lê Văn Hưu cũng gây ùn tắc vì quan chức các tỉnh về Hà Nội họp rủ nhau đánh xe đến ăn. Vâng thời buổi này, hàng họ đầy ra đấy nhưng kiếm cho được một cửa hàng làm ăn ngon lành cũng khó khăn lắm, có phải chen chúc một chút có gì là đáng ngại !

24-8

Nói tiếp chuyện ùn tắc trên phương diện giấy tờ. Nghe nói là mặc lời nhắn nhủ từ cấp trên, có nơi hàng ngàn cuốn sổ đỏ vẫn còn nằm trong tủ các cơ quan công quyền, tại sao? Người ta dự đoán chẳng qua mấy ông cán bộ chỗ ấy tự nhủ chẳng lẽ phát không cho dân, mà mình lại không được sơ múi tí gì?

Nghĩa là có cái ùn tắc do kém cỏi nhưng có cái ùn tắc do người ta quá thông minh ; có cái ùn tắc định gỡ mà không gỡ nổi, nhưng có cái ùn tắc do người trong cuộc cố tình tạo ra để kiếm chác.

Nên chú ý là về mặt tâm lý mà xét thì ai cũng thế thôi, trong cảnh ùn tắc có mệt, nhưng ra khỏi thì sướng lắm. Hoặc có khi chỉ nhìn người khác mắc cạn mà mình thong dong đứng ngoài cũng đã thấy sướng. Bà chị họ tôi có lần thật thà kể một câu chuyện nhỏ như sau: trong cảnh thiên hạ đứng chồn chân chờ mua vé, bà nhờ có thằng cháu cầm giấy Uỷ ban ra mua ngay được cái vé ưu tiên ; lúc ấy bất ngờ trong đầu óc bà không khỏi thoáng qua cái ý nghĩ là bến ga phải ùn tắc thế thì thiên hạ mới biết có cháu làm quan sướng như thế nào !

26-8

Nếu đi từ A. đến B theo con đường quen tuy ngắn mà chịu nhiều ùn tắc thì bao giờ tôi cũng tính để chọn cho mình một con đường xa hơn mà đi lại dễ chịu hơn. Đó là nguyên tắc của tôi trong việc đi lại thời nay trên đất Hà Nội. Nhưng thật khốn khổ, những phương án để tôi lựa chọn ngày một ít dần chỉ có những con đường thật đông với những con đường đỡ đông hơn, chứ còn đường vắng thì giờ đây hoàn toàn không có !

Chỗ giống nhau giữa lúa và...người

29-8

Theo một số chuyên gia nông nghiệp thì lúa lai tuy cho năng xuất cao song đòi hỏi rất nhiều phân, thuốc trừ sâu. Nó ăn hại đất, làm đất thoái hoá rất nhanh. Và điều quan trọng nhất: nó chỉ cho một thứ gạo loại xoàng, người dân những vùng nghèo cũng không muốn ăn nói chi đến việc xuất cảng (ở nhiều nước nó được trồng một ít chủ yếu dành cho súc vật ).

Thế nhưng nhiều cấp chính quyền vẫn thích đổ tiền để tăng diện tích lúa lai, tại sao? Tôi dự đoán: lý do duy nhất chính là ở chỗ nó cho năng xuất cao, do đó các ông ấy dễ xập xí xập ngầu, báo cáo lên cấp trên về thành tích của tỉnh mình huyện mình, còn như chất lượng lúa ra sao, các ông ấy giấu biệt. Bảo rằng tư duy chất lượng đang còn khá xa lạ với cách làm ăn của nhiều người, cũng không phải oan.

30-8

Trở lại với chính tờ báo Nông thôn ngày nay của chúng ta, thì trong số ra ngày hôm nay, tôi thấy có bài nói là các nhà khoa học và cán bộ quản lý nông nghiệp đang còn tranh luận về cả mặt lợi lẫn mặt hại của lúa lai. Là người ngoại đạo, tôi không có lý gì để tham gia thêm, song bằng vào kinh nghiệm trong nhiều chuyện làm ăn khác, thấy cái sự sợ cho sự phát triển của lúa lai có vẻ dễ nghe hơn.

1-9

Đi sâu vào “ cái tổ con tò vò “, lại có người cho báo chí biết, còn một lý do nữa khiến lúa lai phát triển. Đây là giống ta chưa làm ra được mà phải nhập từ Trung quốc. Các công ty chuyên doanh về giống rất thích việc nhập này. Trước tiên, họ nhờ bên xuất hàng ghi hoá đơn đội giá lên cao để về kiếm chác chia nhau cái đã. Thứ hai, về nước, họ muốn quát giá nào các tỉnh cũng chịu, vì chỉ có họ được độc quyền cung cấp, và nếu tỉnh nào ngần ngừ một chút thì họ có tiền lót tay cho các quan chức, thế là xong ngay tắp lự.
Câu chuyện này tôi mới nghe một vài người nói, còn chờ xác minh, nhưng trong bụng nghĩ nếu đúng như thế cũng không có gì là lạ. Chuyện xảy ra ở nhiều ngành khác rồi mà,lẽ nào ngành nông nghiệp lại là ngoại lệ. Cái sự kiếm ăn thời nay, không cần ai dạy, người ta học nhau nhanh lắm !

3-9

Thú thực, câu chuyện lúa lai sở dĩ hấp dẫn với tôi, cái chính là vì những đặc tính của giống lúa ấy rất giống đặc tính của một loại người lâu nay được đào tạo. Loại người này bề ngoài có vẻ được việc, đáp ứng được nhu cầu về số lượng, nhưng nhìn kỹ thì “ ăn tàn phá hại “ và chỉ tạo ra những sản phẩm hạng nhì hạng ba gì đấy. Chắc chắn họ không thuộc về tương lai. Nhưng hiện tại họ có đáp ứng được một ít nhu cầu nào đó, nên được tin dùng, thế mới chết !

Lại sắp đến ngày khai giảng năm học mới, lòng chợt nhói lên cái ý nghĩ chẳng phải là “loại người lúa lai “ đó đang được các trường sản xuất hàng loạt và tính rộng ra đó mới là một quả đắng không bao giờ tiêu hoá nổi. Có đúng thế không, liệu ai là người trả lời câu hỏi ấy cho tôi bây giờ?!

Lịch sử nhàm chán ư? Nói gì kỳ vậy !

5-9

Trần Khánh Dư thường được biết tới như một trong những công thần trong
cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông. Có điều ông cũng rất giỏi tham lam vơ vét. Khi làm trấn thủ Vân Đồn, tục ở đấy quần áo đồ dùng còn bắt chước người Trung quốc, ông ra lệnh cho quân không được đội các nón kiểu phương bắc mà phải đội nón của một làng gần đấy gọi là nón ma lôi để phân biệt. Nghe thì có vẻ rất nghiêm. Có biết đâu, trước đó ông đã sai người nhà mua sẵn nón về bán, mỗi chiếc giá đắt gần bằng một tấm vải, nhờ thế cũng có được một chiến công tưng bừng trên phương diện kiếm lợi riêng.

Câu chuyện trên không thấy ghi trong bộ sử nào, kể cả Việt nam sử lược cũng không, tôi chỉ biết được nhờ mấy hôm nay buồn tình lấy bộ Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú ra đọc. Đến khi tìm lại Đại việt sử ký toàn thư thì thấy có thêm một chi tiết tương tự: Có lần người dân đã kiện Trần Khánh Dư đến tận triều đình, nhưng ông không sợ mà còn công khai tuyên bố: “Tướng là chim ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ?“

7-9

Câu chuyện về Trần Khánh Dư trước tiên mang lại cho tôi một sự an ủi, hoá ra nhiều chuyện đời nay chỉ là phóng chiếu những chuyện đời xưa.

Đây là cách nói của Nhà triết học B. Russel do giáo sư Hà Văn Tấn trích lại: “ Đọc sử để biết những ngu xuẩn của quá khứ nhờ thế người ta có thể chịu đựng tốt hơn những ngu xuẩn của hiện tại “.

8-9

Câu chuyện về Trần Khánh Dư còn giúp tôi có thể giúp tôi tham gia vào một câu chuyện thời sự. Số là sau khi phát hiện nhiều bài thi vào đại học ăn điểm 1 với điểm 0 trong môn sử thì nhiều tờ báo thường xuyên có bài trao đổi về chuyện “ làm sao để trò ta khỏi chán sử ta?“. Điều kỳ cục là nhận thức về môn sử của một số cây bút tham gia thảo luận. Có người dám viết rằng đã gọi là lịch sử thì bao giờ cũng nhàm chán khô khan, khó hiểu, lặp đi lặp lại. Không ít người tính chuyện tăng tính hấp dẫn của môn sử bằng tranh vẽ với lại phim ảnh, bởi tin rằng chỉ các biện pháp kỹ thuật thật xịn ấy mới cứu cho cái môn học bắt buộc ấy khỏi làm mọi người đỡ ngấy. Nếu chúng ta biết rằng ở các nước lịch sử vẫn được người ta coi là một môn học sinh động và có sức hấp dẫn bậc nhất với học sinh, thì có thể thấy phát sợ vì cái kết quả mà nền giáo dục ở ta để lại trong lòng học sinh !

10-9

Một tờ báo hôm nay đăng thư độc giả phát hiện một nhà nghiên cứu văn hoá hàng đầu của ta, khi đi vào lịch sử đã viết nào là Trung quốc không có hương ước chỉ Việt Nam mới có hương ước, đắp đê là chuyện chỉ Việt Nam mới biết làm, tam giáo đồng nguyên là chủ trương độc đáo chỉ riêng Việt Nam mới có. Nghĩa là toàn chuyện sai sự thực 100%. Các bậc trí giả kiến thức đầy mình từng đóng vai hướng dẫn cả một nền nghiên cứu còn viết liều như thế, thì học sinh và nói chung người dân thường làm sao không chán sử cho được?

Cướp công cướp của

12-9

Theo Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê thì sát phạt, tức là tranh phần hơn thua một cách quyết liệt. Nếu lần giở tới Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của thì sát phạt có nghĩa là độc ác hung dữ khắc bạc.

Xưa nay tôi chỉ nhớ tới từ ấy và những nghĩa ấy khi nghĩ về phạm vi hẹp, ví dụ các con bạc sát phạt nhau. Nhưng giờ đây không hiểu sao cứ cảm thấy cái tinh thần sát phạt ấy có mặt ở khắp nơi. Khi đi đường, khi người ta chen chúc nhau vượt qua một quãng đường hẹp, không khí đã quyết liệt rồi. Trong cuộc kiếm sống hàng ngày, cuộc đua tranh càng mang tính cách một mất một còn, nghĩa là kinh khủng hơn nhiều.

14-9

Không chỉ chiếm dụng vốn, người ta còn sẵn sàng chiếm dụng của nhau cả tài năng, tên tuổi, kinh nghiệm, uy tín. Trên một số báo Nông thôn ngày nay ra đã khá lâu ( từ 30-4 ) tôi đọc được bài viết kể về một chuyện nhỏ xảy ra ở một vùng quê: một nông dân nghĩ ra việc làm con giống bằng mây tre đan, nhưng bị hàng xóm cướp không: họ cũng làm thứ đó, nhưng làm kém đi, bán rẻ. Được một thời gian, bên Tây họ không mua nữa.

Câu chuyện nhắc tôi tới một ít chuyện xảy ra ở Hà Nội.

Đường Bà Triệu quãng từ Trần Nhân tông đến Tuệ Tĩnh có đến mấy hàng lạc rang, và hàng nào cũng là bà Vân. Thì ra ban đầu có một bà Vân thật. Chung quanh thấy đắt hàng quá, liền xông vào cướp nghề. Loạn “lạc rang bà Vân “ là vì vậy.

Cũng giống như khách lên Nhật Tân ăn thịt chó có một hồi hoa mắt vì chỗ nào cũng mang tên Anh Tú, đến mức về sau, có nhà phải treo biển “Anh Tú xịn “ mà rồi người ta vẫn nghi ngờ không rõ có đúng xịn thật không, hay là cũng nói xưng xưng lên, để doạ thiên hạ. Bây giờ hạng người nói dối mà không biết ngượng, hạng đó nhiều lắm !

15-9

Lịch triều hiến chương loại chí ( thiên Quốc dụng chí ), từng chép lại một chi tiết: trong trường kỳ lịch sử, ở các tỉnh đồng bằng Bắc bộ đã có tình trạng quy chế luật pháp không rõ, kể cả những luật liên quan đến ruộng đất, đến mức Phan Huy Chú phải dùng đến mấy chữ “ bỏ mặc ruộng cho dân xâm chiếm lẫn nhau “, rồi mạnh ai nấy thắng.

17-9

“Mỗi khuôn mặt là một kiệt tác của Chúa “, câu nói ấy tôi ghi được từ lời giới thiệu đặt ở đầu một tập ảnh chân dung. Nó giúp tôi tìm thêm cảm hứng trong đời sống hàng ngày. Vào nhiều gia đình, tôi sung sướng ngồi xem những an-bum kỷ niệm. Dừng lại ở các phố huyện, tôi cố thu xếp thời gian ghé lại một hiệu ảnh, để nhận ra một vài gương mặt đặc trưng cho địa phương. Không có tiền mua làm của riêng, nhưng khi vào các hiệu sách các thư viện, có điều kiện tôi đều tìm cách lật qua các bộ ảnh quý, khi do người mình khi do người nước ngoài chụp. Chỉ một lần, tôi chợt nhận ra là khuôn mặt người mình vài chục năm trước bao giờ cũng hiền lành hơn, bình thản hơn, đôn hậu hơn con người bây giờ. Có điều buồn là cái ý nghĩ “ dở hơi “ ấy cứ ăn mãi vào tâm trí, không sao bác bỏ nổi.

Theo sự cuốn hút của cái tầm thường

19-9

Tuần qua, báo Nông thôn ngày nay có loạt bài mang tên Nông nghiệp Việt Nam trước thềm hội nhập, mở đầu bằng bài viết về cây chè. Bài báo cho biết chè của ta năng xuất tăng, diện tích cũng tăng. Chỉ phiền một nỗi chất lượng quá tồi. Rút cục không đi ra được với thế giới, hoặc đúng hơn, người ta chỉ mua về để trộn nhằm đỡ chi phí hoặc để bán giảm giá. Nước sản xuất khối lượng chè có cỡ trên thế giới lại đang là nước vô danh về mặt hàng này. Không ai người ta có ý niệm gì về chè Việt Nam cả.

21-9

Vấn đề của cây chè thật ra cũng là chuyện xảy ra ở nhiều ngành khác. Như là câu chuyện về lúa lai mà tôi đã ghi lại ba tuần trước. Như là nước mắm mà ta bị cướp tên gọi ( Thái Lan cũng sản xuất và gọi bằng tên Việt khi xuất cảng, và họ xuất sang châu Âu đều đều trong khi nước mắm của ta vẫn rất khó khăn khi vượt qua biên giới ). Lại như là chuyện người. Lao động thừa nhưng không ai nhận vì việc nhà cũng không biết làm ; chất lượng học sinh sinh viên mà chúng ta đang đào tạo thì đến cả các cơ quan nhà nước cũng ngán ngẩm lắc đầu, bảo không dùng được. Người tầm thường lại đẻ ra hàng hoá tầm thường, câu chuyện có gì là khó hiểu?

22-9

Nói về việc cây chè kém chất lượng, các nhà chuyên môn đưa ra lý do: Cây bị khai thác đến mức suy kiệt mà không được đầu tư chăm sóc. Hệ thống chế biến chắp vá không theo một quy trình nào...

Nhưng theo tôi cái gốc của vấn đề ở đây là quan niệm của con người: ta không có tầm nhìn xa, không có ý thức về chất lượng. Trong tiêu dùng mà nói chung là trong cuộc sống không có những nhu cầu cao. Không có ao ước vượt lên trên sự tầm thường để đạt tới sự cao sang quý phái, sự hoàn thiện. Đã thế lại không chịu mở to mắt để học hỏi thiên hạ. Bảo làm cũng làm, nhưng bảo phải vắt óc suy nghĩ học hỏi để đạt tới giá trị cao hơn thì sợ hãi lảng tránh rồi cãi chày cãi bửa. Thấy ai xuất sắc hơn mình thì chỉ muốn kéo người ta xuống. Lừa được ai một lần là hý hửng mà quên mất rằng cái người bị lừa ấy bận sau sẽ không mua hàng của mình nữa.

24-9

Chẳng nói đâu xa, hãy nhìn vào ngành sản xuất văn chương của tôi, ở đây sự tầm thường cũng đang thống trị. Cũng tác phẩm ra ê hề. Cũng giải thưởng nọ giải thưởng kia xanh đỏ loè loẹt. Mà lại cũng sự đi xuống không thể cứu vãn về chất lượng. Sách viết ra để trong nhà xài với nhau đã khó, nói chi tới chuyện đi ra với thế giới. Tức là dù rất muốn dịch của mình mà người ta vẫn không thể dịch, vì không tìm thấy điều gì cần cho người ta cả. Mới đây có người hỏi tôi xem có nhận xét gì về cuốn Từ điển văn học mới được xuất bản, tôi chỉ nói thời buổi này làm được như thế là mừng lắm, không ai làm hơn được ; có điều tuy gọi là từ điển mà dành chỗ quá nhiều cho những tác giả tác phẩm tầm thường, bây giờ thì vênh váo khoe khoang với nhau là chất lượng thế nọ giá trị thế kia, nhưng độ vài chục năm nữa là chắc chẳng còn ai để ý tới !

Có phải niềm tin thực sự?

26-9

Những ngày ngồi ô-tô đi dọc đất nước Malasia, trong đó có việc đi qua nhiều miền quê của xứ sở này, cánh du lịch bụi bọn tôi thỉnh thoảng vẫn bắt gặp những nghĩa trang nho nhỏ. ấn tượng ư, ấn tượng cố nhiên là mạnh mẽ rồi. Nhưng không phải vì những nghĩa trang ấy lộng lẫy xa hoa. Mà ngược lại vì chúng rất đơn giản, tiết kiệm. Nếu so với mức sống của dân người ta thì thật quá ư tiết kiệm, trong khi đó vẫn không làm mất đi vẻ nghiêm trang thành kính là cái không khí mà các nghĩa trang nhất thiết phải có.

Mấy năm trước, đi xe lửa từ Bắc Kinh về Nam Ninh Trung quốc, cũng nhớ là không có chỗ nào thấy nghĩa trang quá chói lọi nguy nga mà lại lộn xộn đến mức phải kinh ngạc... như của dân mình.

Vâng, sở dĩ chúng tôi để ý chuyện người, cái chính là vì chuyện xứ mình. Dạo này không rõ vì sao, thấy nhiều nơi có phong trào đua nhau xây lăng cho tổ tiên thật to thật đẹp. Trong chiến tranh, Quảng Trị là nơi diễn ra nhiều trận đánh lớn. Nghe nói là tính ra số người nằm dưới đất Quảng Trị còn đông hơn dân số đang sinh sống.Có cái lạ là xứ Quảng Trị đó – một trong những tỉnh nghèo nhất trong cả nước --- cũng chính là nơi có những lăng mộ được xây tốn kém tới cả trăm triệu.

28-9

Cái lối săn sóc tới người đã chết theo kiểu như
trên thật ra đã có từ lâu. Từ trước 1940, trên báo Ngày nay, nhà văn Thạch Lam đã có lần ghi lại một nhận xét khá sâu sắc của một người nước ngoài. Người này nói rằng dân Việt hình như mải lo cho người chết mà quên cả người sống.

Từ thực tế ngày hôm nay, tôi nghĩ ngược lại: khoe khoang rầm rộ như thế ắt là vì người sống chứ đâu có vì người chết. Một khi đã mang tính cách một sự tô vẽ giả tạo thì nhất thiết sẽ nẩy sinh phản cảm.

29-9

Vào những dịp tuần rằm mùng một, nhìn cảnh người đi cúng lễ ở các đền chùa, nhiều người thường hay tự hào rằng dân mình có niềm tin ở thế giới bên kia. Với óc hoài nghi sắn có, anh M bạn tôi cãi lại: Anh thử nghĩ xem người nghèo có mấy khi đi đền đi chùa vênh vang như thế? Mà toàn dân có của đấy chứ. Tôi ngờ đến quá nửa trong đó là quan chức tham nhũng với lại cánh buôn gian bán lận, vừa làm vừa sợ tội nên chạy lễ đến đây để hối lộ thần thánh mong gỡ tội. Đâu có đáng gọi là những người có niềm tin thực sự?!

1-10

Có lần đọc báo thấy nói ở một vùng nọ trên Lạng Sơn những người có thế lực rào những khu đất để chờ bán cho người chết. Tức là một hình thức kinh doanh địa ốc xuất hiện, có điều ở đây mặt hàng kinh doanh là nhà cửa cho người chết, tức là lăng mộ. Thế là tự nhiên tôi tìm được ít đồng minh bất ngờ: đám người rào đất kia thật đã nắm được cái xu thế phát triển tâm lý của con người hiện thời. Phú quý sinh lễ nghĩa. Và trong lúc rất thiếu niềm tin thực thụ thì người ta phải vơ quáng vơ quàng lấy những niềm tin giả tạo. Điều kiện duy nhất ở đây: miễn sao không phải riêng mình mà nhiều người khác cũng đang tin vậy.

Sợ nhất là tự mình phỉnh mình !

3-10

Lại có tin cá ba sa của mình bị cấm bán ở nhiều bang của Mỹ. Mà lý do là vì trong cá có thừa kháng sinh không được phép sử dụng. Quả thật, trước kia nghe những tin tức loại này, tôi chỉ coi như chuyện bình thường, làm ăn thì phải cạnh tranh phải gây ra cho người ta khó chịu, rồi người ta phải “ chơi “ lại mình, có gì là lạ. Song đã quá nhiều lần như vậy, khiến lần này đâm ra nghi ngờ: Nay là thời cái gì cũng mang ra công khai cả rồi. Không có lý cá mình...