Nhiều người không biết ngày Quốc tế hạnh phúc

Ngày 20/3 là một ngày đặc biệt trong năm khi mặt trời nằm ngang đường xích đạo, độ dài ngày và đêm bằng nhau. Bởi vậy, nó là biểu tượng cho sự cân bằng, hài hòa giữa ánh sáng và bóng tối, giữa ước mơ và hiện thực…

Ngày 20/3 đã chính thức trở thành ngày lễ Quốc tế hạnh phúc được công nhận ở nước ta, bắt đầu từ năm 2014. Nhưng dường như không phải ai cũng biết đến nó, nhất là những người lao động nghèo.

Đây cũng là điều dễ hiểu bởi Ngày Quốc tế hạnh phúc chưa thực sự phổ biến và đi vào đời sống của người dân giống như những ngày lễ trọng đại, được cả dân tộc biết đến như: 8/3, 20/10, 20/11... Mặc dù trên các phương tiện truyền thông, thông tin này cũng được phổ biến khá rộng rãi nhưng ngược lại, trên khắp các con phố của Hà Nội lại thiếu vắng bóng dáng của những tấm băng rôn, khẩu hiệu chào mừng nó.

Thong dong trên những con đường của Hà Nội, bất chợt hỏi một người bất kì về Ngày Quốc tế hạnh phúc, có lẽ câu trả lời nhận được chỉ là những ánh nhìn ngơ ngác và câu trả lời "Không biết".

Cô Nguyễn Thị Thơm, một thợ chụp ảnh khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm khi được hỏi về Ngày Quốc tế hạnh phúc ở Việt Nam cho hay: "Đây là lần đầu tiên tôi nghe nói về ngày Quốc tế hạnh phúc, chúng tôi là những người lao động theo thời vụ nên chỉ để ý đến các ngày lễ như 8/3, 20/10, Giáng sinh... vì đó là những dịp chúng tôi có đông khách, thêm được đồng ra đồng vào trong cuộc sống". Vừa nói, cô vừa cười.

Riêng đối với cụ Lê Thị Bích (Nhổn - Từ Liêm - Hà Nội), chuyên bán dâu ở chợ Mỹ Đình lại khá ủng hộ ngày lễ này: "75 năm sống trên đời, tôi chưa từng nghe đến Ngày Quốc tế hạnh phúc bao giờ. Nhưng nó ra đời mà có tác động tích cực, giúp cuộc sống con người được hạnh phúc hơn thì tôi nghĩ nó cũng rất hay".

Cũng vậy, chị Dương Thị Huệ làm nghề bán hoa ở khu vực đường Thụy Khuê khi được hỏi về ngày lễ này chỉ cười: "Các cô đi làm thì biết đến ngày lễ đó chứ chúng tôi lao động chân tay suốt ngày, chưa bao giờ nghe nói đến. Cô xem, hoa đẹp thế này mà có ai mua đâu, chắc cũng bởi họ không biết nước mình vừa có thêm một ngày lễ mang tầm quốc tế nên chưa hưởng ứng".

Trước nhiều ý kiến trái chiều, Ngô Thanh Lan - một sinh viên trường Báo chí cho rằng: "Vì cuộc đời quá nhàm chán, nhiều người sống vô cảm, vô tình nên đây có thể coi là một ngày lễ để nỗ lực để tìm kiếm thêm một điều đáng tuyên dương, đáng sống. Nếu có thể duy trì tốt, mình nghĩ nó cũng sẽ trở thành một ngày lễ ý nghĩa đối với cuộc sống con người".

Một số người có vẻ "thờ ơ" khi nhắc đến Ngày Quốc tế hạnh phúc. Tuy nhiên, đa số đều kì vọng đây sẽ trở thành một ngày lễ ý nghĩa, có hiệu ứng xã hội tốt và được cộng đồng đón nhận giống như những ngày lễ khác ở Việt Nam.

Nguồn gốc của Ngày Quốc tế hạnh phúc

Theo đề xuất của Vương quốc Bu-tan (Bhutan), một quốc gia nhỏ bé nằm ở khu vực Nam Á, phía Đông dãy Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya), ngày 28-6-2012 có 193 nước thành viên Liên Hiệp quốc đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 20-3 hằng năm là Ngày Hạnh phúc cho toàn thế giới.

Nhân dịp này, Tổng Thư ký Liên Hiệp quốc Ban Ki mun (Ban Ki-moon) đã có lời kêu gọi công dân tất cả các nước “cam kết giúp đỡ những người xung quanh”, thúc đẩy sự phát triển bền vững và toàn diện của nhân loại bằng “tình yêu thương làm lan tỏa hạnh phúc và giúp chúng ta xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Để khi tham gia làm việc thiện, bản thân chúng ta cũng nhận lại những điều tốt lành”.

Tường Vi, NĐT