Cổ phần hóa trường học, BV:

Nhiều thuật ngữ bị hiểu nhầm

Câu chuyện cổ phẩn hóa (CPH) trường học, bệnh viện đang dấy lên nhiều luồng ý kiến như: Có nên CPH? CPH như thế nào? Bán hay là huy động vốn?…

GS nhà giáo Nhân dân Phạm Phụ trao đổi với Tiền phong:

Gần đây do ảnh hưởng của trường phái kinh tế “tân - tự do”, của toàn cầu hoá…, nhiều dịch vụ công như giáo dục, y tế… cũng được mua bán, xuất nhập khẩu, nhiều thuật ngữ trong các lĩnh vực này cũng được vay mượn. Việt Nam là nước mới bước sang cơ chế thị trường, có khá nhiều thuật ngữ biểu thị những nội dung cốt lõi như đang bị hiểu nhầm.

GS có thể cho ví dụ?

Có lẽ bị hiểu nhầm nhiều nhất là thuật ngữ “không vì lợi nhuận”. Nhiều người hiểu: Không vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận thì “ngoài phần được dùng để đảm bảo lợi ích hợp lý của nhà đầu tư… trợ giúp người nghèo, lợi nhuận chủ yếu được dùng để tái đầu tư phát triển”. Cách hiểu này đang làm cơ sở cho những người biện hộ đề án CPH trường học, bệnh viện.

Thật ra, nguyên tắc của tổ chức tư không vì lợi nhuận là: Không có nhà đầu tư và không được chia lợi nhuận cho ai cả. Tài sản của tổ chức này không là của nhà nước mà cũng không là của cá nhân. Nó sở hữu chính nó, đó là “Chủ sở hữu cộng đồng”; và cũng chính vì vậy, hoàn toàn không có chuyện “gắn với thị trường vốn, thị trường chứng khoán” ở đây.

Đáng tiếc ở Việt Nam, một số vẫn cho rằng: Chỉ có sở hữu nhà nước và sở hữu cá nhân. Và cũng chưa thấy có văn bản pháp lý nào nói về “Chủ sở hữu cộng đồng” cũng như để điều tiết các hành vi của các cơ sở tư hoạt động theo hình thức không vì lợi nhuận.

Giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam nay đã là nền giáo dục cho số đông, ngân sách nhà nước khó gánh nổi. Vì vậy, ý kiến của những người biện hộ cho CPH là: Để huy động được nguồn vốn của xã hội và từ đó mới nâng cao được chất lượng của giáo dục. Hơn nữa, tư nhân hoá các lĩnh vực giáo dục, y tế cũng là xu thế chung của thế giới?

Câu hỏi này có đến 3 nội dung cần làm rõ.

Thứ nhất là “tư nhân hoá” (privatization). Đây là một xu thế chung. Tuy nhiên, tư nhân hoá GDĐH trên thế giới thường được hiểu theo một nghĩa khá rộng. Đó là:

a) Phát triển rộng hơn các ĐH tư thục, trong đó có tư thục không vì lợi nhuận;

b) Mở rộng việc đóng góp học phí của người học;

c) Các ĐH công lập được lập ra những công ty trực thuộc hoạt động vì lợi nhuận để cung cấp các dịch vụ cho xã hội, tăng thêm thu nhập cho nhà trường;

d) Các ĐH không vì lợi nhuận nhận kinh phí nhiều hơn từ các công ty để thực hiện nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao kết quả công nghệ chỉ riêng cho các công ty đó (giảm nghiên cứu cơ bản phục vụ xã hội);

e) “Công ty hoá” (corporatization) các ĐH công lập…

“Công ty hoá”, nhiều khi còn gọi hẳn là “tư nhân hoá”, đã gây ra nhiều tranh cãi ở Mỹ, Nhật, Malaysia…, nhưng nội dung ở đây cũng chỉ là:

Các ĐH công lập được vận hành như một ĐH tư thục độc lập, có Hội đồng quản trị như ở công ty cổ phần với nhiều thành viên nằm bên ngoài trường, có quyền tự chủ cao. Thầy cô giáo không còn là công chức nhà nước, hệ thống kế toán tài chính giống như ở một công ty… nhưng không có ai có cổ phần hay sở hữu gì ở đây cả.

Còn CPH trường học như là CPH một doanh nghiệp nhà nước theo dự kiến thì thật tình là chưa tìm thấy ở đâu cả, ngoài một vài cơ sở ĐH công lập nhỏ, yếu cả về quản lý, chất lượng, tài chính ở Trung Quốc.

Thứ hai là việc huy động vốn của xã hội. Việt Nam dự kiến đến năm 2010 sẽ có khoảng 40% sinh viên (SV) học ở các cơ sở ĐH ngoài công lập. Ở đây đã huy động đến 100% vốn từ xã hội. Còn với các ĐH công lập truyền thống hiện nay, nếu cần, hoàn toàn có thể huy động vốn qua vay ngân hàng hoặc phát hành trái phiếu, đâu nhất thiết phải là CPH. Ở Mỹ mấy năm vừa qua, ĐH công lập North Calorina thông qua chính quyền bang đã huy động đến hàng tỷ USD bằng trái phiếu để mở rộng và hiện đại hoá nhà trường.

Thứ ba là việc kém chất lượng và hiệu quả. Thiết nghĩ, đây là hệ quả chủ yếu của cung cách quản lý chứ không chủ yếu là vì công lập. Khi “Công ty hoá” ĐH ở Malaysia, người ta cũng nói “Công ty hoá là về mặt quản trị (cung cách quản trị) chứ không phải là công ty hoá về mặt tài chính”.

Như vậy, chẳng những thuật ngữ bị hiểu nhầm mà một số quan hệ “nhân -quả” trong câu chuyện CPH ở đây như cũng đang bị hiểu nhầm.

Trên cơ sở những hiểu nhầm như vậy, thậm chí có người đã nói công khai trên các phương tiện truyền thông về CPH bệnh viện: “Huy động vốn chứ không phải là bán”(!), “CPH, người nghèo có lợi” (!).

“Việt Nam dự kiến đến 2010 sẽ có 40% số SV ở ĐH ngoài công lập. Nếu CPH các ĐH công lập truyền thống để trở thành ĐH tư vì lợi nhuận tham gia vào con số 40% này, trong tương lai số SV ở ĐH vì lợi nhuận của Việt Nam sẽ chiếm tỷ trọng khá lớn. Tôi thực tình không hình dung nổi, khi đó nền GDĐH nói chung và công bằng xã hội trong GD nói riêng của Việt Nam sẽ đi về đâu.

Tuy khó học được tài chính của GDĐH Mỹ, nhưng cũng xin lưu ý, ở Mỹ số SV ở ĐH tư vì lợi nhuận chỉ chiếm chưa đến 2% tổng số SV”.

Xin cảm ơn GS.

Đăng Khoa