Nhiều tiền chi cho y tế vẫn từ túi người bệnh

  • Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương thuộc Tổ chức Y tế thế giới Shin Young-Soo cho rằng 47% chi phí y tế mà người bệnh tại Việt Nam phải chi trả trực tiếp là một tỷ lệ cao.

Diễn đàn cấp cao về bảo hiểm y tế toàn dân trong khuôn khổ hội nghị Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương đã diễn ra chiều 24/9, tại Hà Nội.

Phát biểu tại diễn đàn, TS. Shin Young-Soo đánh giá: “Bảo hiểm y tế toàn dân là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính phủ các nước để ngành y tế phát triển về dài hạn. Hiện Việt Nam chi 7% GDP cho y tế và Chính phủ cũng huy động nhiều nguồn lực cho tài chính y tế. Tuy nhiên, nhiều tiền chi cho y tế vẫn từ túi người bệnh.

Theo con số báo cáo của Bộ Y tế, hiện mức chi phí y tế mà người bệnh tại Việt Nam phải chi trả trực tiếp lên đến 47%. Trong khi đó, theo khuyến cáo của WHO, chi phí này không nên vượt quá 30-40%.

TS Shin Young-Soo nhấn mạnh: Việc giảm chi phí y tế trực tiếp từ người bệnh không phải là một nhiệm vụ của riêng Bộ Y tế, mà cần có sự hỗ trợ đa ngành và các tổ chức khác nhau.

Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore hiện được đánh giá là các quốc gia đi đầu trong khu vực về thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân.

Đại diện của Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm về hệ thống thông tin phát triển và thiết kế thể chế vững chắc gồm ba tổ chức: Bộ Y tế và Phúc lợi, Công ty bảo hiểm y tế quốc gia và Cục đánh giá rà soát bảo hiểm y tế. Ba tổ chức này có nhiệm vụ kiểm soát về chi phí, chất lượng chăm sóc dịch vụ y tế.

Ngay từ năm 1977, Hàn Quốc đã đưa ra chương trình bảo hiểm y tế. Đến nay, cả 50 triệu người dân nước này đã có mã số bảo hiểm y tế.

Singapore có tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt mức 92% và cũng áp dụng hình thức đồng chi trả.

Theo đại diện của nước này, người bệnh phải chi trả vì có như thế họ mới có ý thức trong việc lựa chọn dich vụ khám chữa bệnh. Chính phủ thì tập trung đầu tư trang thiết bị cho các bệnh viện, đào tạo cán bộ y tế.

Việt Nam hiện mới có 64% dân số có thẻ bảo hiểm y tế, áp dụng các mức đồng chi trả từ 5-20%.

Từ tháng 8 vừa rồi, nhiều bệnh viện trên cả nước đã áp dụng chính sách viện phí mới điều chỉnh giá của hơn 400 dịch vụ khiến sức ép chi phí y tế lên người dân không tham gia bảo hiểm y tế tăng mạnh. Bên cạnh đó có cả sức ép đối với người bệnh có bảo hiểm y tế nhưng mức đồng chi trả cao.

Bác sĩ Nguyễn Thành Lê, Khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: đa số bệnh nhân không có bảo hiểm y tế vào viện trong tình trạng mắc bệnh cấp tính. Do đó, chi phí y tế mà họ phải trả rất cao.

Theo bác sỹ Lê, người nào bệnh nhẹ cũng phải mất tới 20-30 triệu đồng cho một đợt điều trị, còn bệnh nặng thì hàng trăm triệu đồng. Có trường hợp một ngày hết 10 triệu tiền thuốc.

Ít phổ biến nhưng không hiếm là người bệnh bị kháng kháng sinh, phải dùng thế hệ kháng sinh mới, đắt tiền, có loại lên đến 800.000đ/lọ, mỗi ngày dùng mất 6 lọ, tổng cộng là 4,8 triệu đồng tiền thuốc kháng sinh, chưa kể các loại thuốc và chi phí điều trị khác.

“Có trường hợp bệnh nhân bị uốn ván nặng, sốc nhiễm khuẩn, chi phí cả đợt điều trị là hơn 100 triệu. Nếu có bảo hiểm y tế, bệnh nhân phải chi trả 20 triệu” – bác sỹ Lê cho hay.

Việt Nam đề ra mục tiêu đến năm 2015 có trên 70% dân số tham gia bảo hiểm y tế, và trên 80% vào năm 2020, tiến tới mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, nhằm tạo nguồn tài chính ổn định cho công tác chăm sóc sức khoẻ.

Song khó khăn hiện nay là thực tế triển khai mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế còn chậm. Các nhóm được ngân sách Nhà nước đảm bảo như hộ cận nghèo cũng có tỷ lệ tham gia thấp.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết Bộ sẽ trình Chính phủ đề án thực hiện Bảo hiểm Y tế toàn dân, trong đó đề xuất nâng mức hỗ trợ mua thẻ cho người cận nghèo từ 70% lên 100%. Với đối tượng là nông dân, ngư dân, diêm dân sẽ nâng mức hỗ trợ mua thẻ Bảo hiểm y tế từ 30% lên 50% vào năm 2013.

WHO cũng cam kết sẽ hỗ trợ tài chính để những nước đang phát triển có thể đạt được tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân cao.

Hoàng Hồng (Toquoc)