Kỷ niệm xứ Đông

Nhớ sông Kinh Thầy

Hải Dương

Từ Hà Nội đi về phía Đông chừng 90km theo đường quốc lộ QL5, bạn sẽ đến dòng sông Kinh Thầy uốn khúc chảy giữa những dãy núi đá vôi nổi tiếng với quần thể di tích quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương được xếp hạng ngày 22/12/2016.

Động Kính Chủ

Động Kính Chủ được mệnh danh là “Nam Thiên đệ lục động”, nay thuộc xã Phạm Mệnh, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, ven đoạn đường tỉnh lộ DT389 nối thị trấn Kinh Môn với Bến đò Triều. Động ẩn mình trên sườn dãy núi đá vôi có tên Dương Nham, còn gọi là Bổ Đà hoặc Xuyến Châu, chạy dọc theo sông Kinh Thầy. Nếu bạn vui chân đi tiếp khoảng 12 km về phía tây nam sang đất Hải Phòng thì sẽ đến hồ Tuyệt Tình Cốc.

Trong Động Kính Chủ có Bảo vật quốc gia gồm 54 bia ma nhai được khắc ngay vào vách đá và vòm động, niên đại chính xác từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XX. Phần lớn bia khắc chữ Hán, một số khắc chữ Nôm và quốc ngữ, đến nay vẫn nguyên vẹn nét chữ vì không bị mưa nắng bào mòn. Hệ thống bia này đang giữ kỷ lục về số lượng bia trong các hang động ở Việt Nam. Đặc biệt có các bài thơ hào sảng của vua Lê Thánh Tông (1442-1497) và danh sĩ Phạm Sư Mạnh (1303-1384) quê ngay xã Hiệp Thạch, tổng Dương Nham, một đại thần đời Trần. [1]

Trong động Kính Chủ có chùa thờ Phật và thờ vua Lý Thần Tông. Một nhánh của động có cửa quay về hướng Tây, dẫn du khách vào cung thờ Mẫu Tam Phủ. Cửa chính của động quay hướng Nam và nằm cao hơn. Đứng ở đây, du khách có thể nhìn thấy núi chợ Trời và Tháp Bút — hai ngọn cao nhất của dãy Dương Nham; thấy ruộng đồng, làng xóm và thị trấn Kinh Môn sầm uất; thấy cả hai đỉnh của dãy núi An Phụ, nơi có ngôi chùa Cao và đền thờ An Sinh Vương Trần Liễu.

Đền An Phụ và chùa Cao

Núi An Phụ nhìn từ Phúc Sơn. Panorama ©2015 NCCong

Vùng đất An Phụ chính là nơi Trần Liễu được ban thái ấp và phong làm An Sinh Vương năm 1237 bởi Trần Thái Tông, người em ruột của mình. Trần Liễu sinh năm Kiến Gia thứ nhất (1211) dưới thời Lý, tuy là con cả nhưng không được thái sư Trần Thủ Độ lựa chọn làm vua đầu tiên của triều Trần mà còn bị cướp mất vợ. Ngài sinh ra Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, vị anh hùng dân tộc đã có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên—Mông ở thế kỷ XIII. Trần Liễu mất vào mồng 1 tháng 4 âm lịch (năm 1251), ngày này về sau trở thành chính hội của đền Cao.

Đền thờ An Sinh Vương gọi tắt là Đền Cao, tên chữ An Phụ Sơn Từ, cách động Kính Chủ khoảng 4 km đường chim bay về phía tây nam. Hai giếng nước và những cổ thụ hơn 700 năm tuổi là các điểm nhấn đặc biệt ở đây. Đền tọa lạc trên đỉnh núi thứ nhất của dãy An Phụ Sơn dài khoảng 17km, kéo từ Đông sang Tây như một con rồng đang uống nước sông Kinh Thầy. Tại đỉnh núi thứ hai có ngôi chùa Tường Vân tức chùa Cao, được xây dựng vào thế kỷ XIII, dưới triều Trần. Đến đời vua Lê Kính Tông niên hiệu Hoằng Định (1600-1619) triều đình trích công quỹ giao cho sư Nam Nhạc Phụ tu bổ chùa này trở thành một thắng cảnh.

Chùa Nhẫm Dương

Chùa Nhẫm Dương. Panorama ©2015 NCCong

Chùa được khởi dựng từ thời Trần, tên chữ Thánh Quang Tự, dân gian quen gọi chùa Nhẫm. Nơi đây từng là đạo tràng của thiền sư Thủy Nguyệt, sơ Tổ phái Tào Động ở miền Bắc. Xếp hạng: Khu di tích khảo cổ quốc gia (năm 2003). Địa chỉ: thôn Nhẫm Dương, xã Duy Tân, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Vị trí: 2GQQ+CCG Kinh Môn, Hải Dương, Việt Nam. Tọa độ: 21°02’27"N 106°31’03"E, cách Hồ Gươm chừng 93km về hướng đông theo quốc lộ QL5.

©Đông Tỉnh NCCong
Footnote:

[1Xin tạm dịch ý bài thơ vô đề này do Phạm Sư Mạnh viết ngày 5 tháng 9 năm thứ 144 triều Trần (1368):

“… Cuồn cuộn sóng Bạch Đằng,
Tưởng như thuyền Ngô Vương.
Nhớ xưa vua Trùng Hưng,
Tài chuyển xoay trời đất.
Cửa biển ngàn chiến thuyền,
Hiệp môn vạn cờ chiến.
Trở tay định thái bình,
Ngân hà rửa tanh hôi.
Đến nay dân bốn biển,
Kể mãi năm bắt thù”.

Trước đó, năm Ất Dậu (1345) sứ nhà Nguyên là Vương Sĩ Hành sang hỏi cột đồng Mã Viện ở đâu. Vua Trần Dụ Tông sai Phạm Sư Mạnh đi sứ biện luận. Từ đó không thấy phương Bắc nhắc nhở gì đến việc này nữa.