Những cách thấy (4)

John Berger

Đa số dân chúng không hề tới các bảo tàng nghệ thuật. Bảng khảo sát dưới đây sẽ cho thấy cái quan hệ chặt chẽ giữa mối quan tâm tới nghệ thuật và đặc quyền có được giáo dục:

Nguồn: Pierre Bourdieu và Alain Darbel, Tình yêu nghệ thuật (L’amour de L’Art), Edition de Minuit, Paris 1969, Phụ lục số 5, bảng số 4

Đa số mặc định coi bảo tàng là nơi chứa đựng các thánh tích, tức những gì có tính huyền thoại và vì thế là nơi không thuộc về họ. Huyền thoại ở đây theo nghĩa “tiền rừng bạc bể”, hay, nói cách khác, đa số ấy tin rằng các tác phẩm bậc thầy chỉ thuộc về khu vực dành riêng (cả về tinh thần lẫn vật chất) cho kẻ giàu có. Một bảng khảo sát khác sẽ cho thấy mỗi tầng lớp xã hội nghĩ gì về một gallery nghệ thuật.

Câu hỏi khảo sát: Một bảo tàng gợi cho bạn nhớ về những địa điểm nào sau đây (được liệt kê ở cột ngoài cùng bên trái):

Nguồn: nt, Phụ lục số 4, bảng số 8

Trong kỷ nguyên của sự tái sản xuất hàng loạt, nghĩa (nội dung) của các bức tranh không còn gắn chặt với nó; nghĩa của nó giờ đây có thể bị chuyển hóa, biến cải; giờ đây nghĩa đã trở thành một dạng thông tin, và cũng giống như mọi thông tin khác, nghĩa ấy có thể được sử dụng hay bỏ qua. Đặc tính của thông tin là việc ai cũng có thể sử dụng nó theo mục đích riêng. Khi một bức tranh được đưa ra sử dụng, nghĩa của nó sẽ, hoặc là bị biến cải, hoặc là bị xuyên tạc trọn vẹn. Vấn đề ở đây không nằm ở chỗ bản tái sản thất bại trong việc bắt chước hoàn hảo bản gốc; Nó nằm ở chỗ; chính bản tái sản đã tạo điều kiện, thậm chí, đã tất yếu hóa việc một hình ảnh sẽ được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, và việc hình ảnh được tái sản hàng loạt , không như tác phẩm gốc, giờ đây sẽ vong thân cho vô số mục đích khác nhau.

Hãy khảo sát một vài trường hợp mà ở đó hình ảnh tái sản bị vong thân cho các cách sử dụng khác nhau.

Bản tái sản cô lập các chi tiết của một bức tranh khỏi tổng thể của chúng. Các chi tiết bị chuyển hóa. Một hình tượng có tính hàm ngụ, nay đã trở nên chân dung một cô gái:

Bức Venus and Mars của Botticelli (1445-1510)

Khi một bức tranh bị tái sản bằng máy quay phim, tất yếu là nó sẽ trở nên chất liệu cho luận cứ của nhà quay phim.

Một bộ phim tái sản hình ảnh của một bức tranh sẽ dẫn dắt người xem theo từng phần của bức tranh để thuyết phục họ tin theo ý đồ của nhà làm phim. Bức tranh đã mất thẩm quyền của nó vào tay nhà làm phim.

Điều này là bởi khi xem phim, người xem phải xem theo chiều tuyến tính (xem từng phần một kế tiếp nhau trong thời gian) trong khi khi xem tranh họ lại xem theo chiều phi tuyến tính (cùng một lúc thấy hết tất cả).

Trong một bộ phim, cách từng hình ảnh kế tiếp nhau cũng như bản thân sự nối tiếp ấy sẽ cấu trúc nên một luận cứ không thể phản bác.

Trong một bức tranh, mọi yếu tố của nó đều được thấy đồng thời. Người xem có thể sẽ vẫn cần thời gian để khảo sát kỹ lưỡng từng yếu tố riêng, song bất cứ khi nào họ đạt tới một kết luận (về từng yếu tố riêng ấy), tính đồng thời của tổng thể đều xuất hiện để đảo ngược hay xác nhận kết luận ấy. Bức tranh (tổng thể) luôn duy trì tính chứng thực của nó.

Các bức tranh luôn được in kèm với các dòng chữ. Dưới đây là bức tranh phong cảnh một cánh đồng ngô với một đàn chim đang bay tung xáo xác.

Tuy nhiên, cũng bức tranh đó, giờ đây lại được kèm theo hàng chữ “Đây là bức tranh do Van Gogh vẽ trước khi ông tự sát”:

Các bạn hãy so sánh cảm xúc của mình khi xem hai bức ảnh chụp lại bức tranh này.

Rất khó định nghĩa rõ ràng việc ngôn từ đã làm biến đổi hình ảnh ra sao, tuy nhiên, chắc chắn là nó đã làm biến đổi. Giờ đây, hình ảnh lại minh họa cho ngôn từ.

Ngay trong tiểu luận này, mỗi hình ảnh được in lại đều là bộ phận của một luận cứ, tức điều có rất ít hay hoàn toàn không liên quan đến nghĩa độc lập nguyên khởi của bức tranh. Ngôn từ lấy bức tranh ra để minh chứng cho quyền uy văn bản của nó. (Các bạn sẽ rõ hơn điều này khi xem một bài tiểu luận không kèm theo ngôn từ mà chúng tôi thực hiện ở phần sau.)

Các bức tranh được in lại, giống mọi dạng thông tin khác, phải cạnh tranh với các thông tin khác cùng lúc cũng đang liên tiếp được truyền đi.

Hậu quả là một bức tranh được in lại, trong khi vừa là một tham chiếu tới hình ảnh trong bản gốc, đã tự mình trở nên một tham chiếu cho các hình ảnh khác. Nghĩa của một hình ảnh bị thay đổi theo những gì người ta nhìn thấy đồng thời bên cạnh hình ảnh đó, hay những liên tưởng mà hình ảnh đó tạo ra. Quyền lực tham chiếu này sẽ có mặt tại khắp mọi văn cảnh mà ở đó hình ảnh xuất hiện.

Bởi một tác phẩm nghệ thuật có thể tái sản, về mặt lý thuyết, ai cũng có thể sử dụng chúng. Tuy nhiên, trong các sách nghệ thuật, tạp chí, phim, hay thậm chí trong những khung thếp vàng tại mọi phòng khách, các bản in vẫn luôn được sử dụng để nâng đỡ cái ảo giác rằng chẳng có gì thay đổi cả, rằng nghệ thuật, với tính chứng thực không thể giảm sút và tính duy nhất của nó, đã chứng minh bản thân là một hình thức cao nhất của tính chứng thực, rằng chính nghệ thuật sẽ biến sự bất bình đẳng trở nên điều gì cao quý và biến các sự phân cấp trở nên niềm hạnh phúc. Ví dụ, toàn bộ ý tưởng của chương trình Di sản văn hóa quốc gia thật ra chỉ lạm dụng tính chứng thực của nghệ thuật để vinh danh hệ thống xã hội và các quyền ưu tiên của nó trong hiện tại.

(còn tiếp)

Như Huy dịch từ: Ways of Seeing, John Berger, Peinguin Books published 2008