Những scandal gần đây trong khoa học

Từ các giáo sư có tên tuổi đến các sinh viên chưa tốt nghiệp, các trường ĐH, các học viện phải đương đầu với tình trạng ngày càng gia tăng sự suy đồi đạo đức nghề nghiệp.

Thậm chí là ở các trình độ học thuật cao nhất, gian lận không thể không bị trả giá. Đối với nhà khoa học Hàn Quốc Hwang Woo-suk, cái giá phải trả khá nặng nề.

Một số các nhà khoa học cũng là những kẻ bất tài bịp bợm và gian lận. Họ giả mạo những điều không phải của họ; bóp méo thành tích; đút lót; đạo văn; chắp vá; xào nấu các dữ liệu…

Giả mạo từ nghiên cứu y khoa…

Tại Na Uy, Sở Y tế quận Olso và Akershus thông báo họ đang bắt đầu một điều tra những gian lậnkhoa học, liên quan đến các nhà nghiên cứu ung thư ở Na Uy, Mỹ và Phần Lan.

Tháng 11/2005, nhà nghiên cứu người Na Uy, Jon Sudbø, cùng với 13 đồng tác giả khác, đã xuất bản kết quả một nghiên cứu trên tạp chí y khoa có uy tín The Lancet. Nghiên cứu này khẳng định sự phát hiện tác dụng tích cực của một chất gọi là ibuprofen, có thể ngăn chặn ung thư miệng ở những người hút thuốc. Kết quả này dựa vào một nghiên cứu có kiểm soát với hàng trăm bệnh nhân. Trên nền tảng của nghiên cứu này, một nghiên cứu đa quốc gia khác đầy triển vọng được bắt đầu vào năm 2006, với tài trợ của Viện Ung thư Quốc gia Mỹ (U.S National Cancer Institute).

Nhưng vào ngày 17/1, bệnh viện Radium ở Oslo, Na Uy, thông báo rằng những ý kiến trong toàn bộ nghiên cứu trên là giả mạo. Những tài liệu về bệnh nhân xuất hiện trong nghiên cứu là bịa đặt, và vì vậy, toàn bộ nghiên cứu dường như không trung thực. BV Radium đã thuê một Uỷ ban Điều tra Tự trị để tìm ra vấn đề, dẫn đầu là nhà dịch tể học Thuỵ Điển, Anders Ekbom từ Học viện Karolinska, Stockholm. Tổng biên tập tờ Lancet, Richard Horton, nói rằng đầy là một vụ nghiên cứu không trung thực tồi tệ nhất trong suốt thời gian ông làm việc tại tạp chí này.

… Trong ngành tâm lý

Cyril Burt (1883-1971), một nhà tâm lý học giáo dục của Hội đồng Hạt Luân Đôn – Anh (London County Council), cho rằng do ảnh hưởng của di truyền nên trí thông minh ở những đứa trẻ sinh đôi đồng trứng (monozygotic twin) là cao hơn trung bình. Nghiên cứu của ông đã phải thổi bùng lên cuộc tranh cãi với quan niệm của chủ nghĩa bình đẳng giữa tác động môi trường và di truyền. Nó mâu thuẩn với một lý thuyết đã được xác lập trước đó là lý thuyết do Henry Garrett, chủ tịch của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (American Psychological Association) đưa ra vào năm 1961. Theo lý thuyết này, khả năng trí tuệ của con người là bình đẳng về mặt di truyền. Sự hơn thua nhau về mặt trí tuệ giữa người này và người kia chẳng qua là do “bất bình đẳng” về mặt hoàn cảnh, cơ hội và các yếu tố xã hội khác.

Vụ việc Burt (Burt Affair) bắt đầu vào năm 1973 khi Leon Kamin, ĐH Princeton, khẳng định phát hiện sự không nhất quán trong những con số của Burt, bao gồm con số tương quan một cách bất biến dành cho điếm IQ giữa các cặp sinh đôi. Mặc dù có sự gia tăng từ 15 cặp tham gia thử nghiệm vào năm 1943 đến 53 cặp vào năm 1966, nhưng con số tương quan đó vẫn chỉ là 0,77.

Vụ bê bối được vạch trần bằng một bài báo trên tờ Sunday Times năm 1976 với tựa đề “Một nhà tâm lý học đầu đàn đã giả mạo dữ liệu” (Crucial Data Was Faked by Eminent Psychologist). Bài báo không chỉ buộc tội Burt đã điều chỉnh dữ liệu cho khớp với học thuyết của ông ta, mà còn cho rằng hai cộng tác viên của Burt “có thể chưa bao giờ tồn tại”. Các cuộc tranh cãi kéo dài trong ba năm. Sau đó người viết tiểu sử của Burt, Leslie Hearnshaw, một nhà sử học về ngành tâm lý, đã tìm hiểu các tài liệu cá nhân của Burt, và kết luận rằng Burt “có tội”.

Năm 1980, Hiệp hội Tâm lý Vương quốc Anh (British Psychological Society) từ chối điều tra, song tán thành lời tuyên án Burt “có tội”. Sau này, đã có một số ý định lật lạI “bản án trên của Burt, nhưng hầu như mọi người đều tin vào kết luận của Hiệp hội Tâm lý Vương quốc Anh.

… Đến đạo văn trong nghiên cứu khoa học

Từ năm 1992, Cơ quan Liên bang về sự Toàn vẹn của Nghiên cứu (Federal Office of Research Integrity - ORI) đã công bố rộng rãi những kết quả đạo văn như một hành vi sai trái trong nghiên cứu khoa học. Họ chống lại những vi phạm liên quan đến các nghiên cứu do Sở Y tế Công cộng Mỹ (United States Public Health Service - PHS) tài trợ. Trong suốt 13 năm, từ 1992 đến 2005, ORI đã thực hiện 162 khám phá về hành vi sai trái trong khoa học, bao gồm 8 vụ đạo văn, và 11 vụ khác kết hợp giữa đạo văn với sự xuyên tạc và/hoặc bịa đặt các hồ sơ nghiên cứu. Theo định nghĩa chung, ORI coi đạo văn bao gồm ăn cắp và sự biển thủ các sở hữu trí tuệ.

Trong tài liệu của ORI có mô tả đầy đủ các trường hợp sai trái nhưng họ chỉ nêu tên của người vi phạm. Ví dụ, Paquette, một giáo sư hoá học ĐH bang Ohio và là một thành viên cao cấp trong lĩnh vực này, đã bị một cựu đồng nghiệp buộc tội về tội ăn cắp các phác thảo ý tưởng nghiên cứu trong việc tổng hợp hoá học một loại thuốc chống ung thư. Paquette đã ăn cắp từ một hồ sơ xin học bổng của người khác và biến nó thành của mình. Ngoại trừ phần dẫn nhập, vị giáo sư nọ đã ăn cắp toàn bộ ý tưởng nghiên cứu, từ một hồ sơ mật xin học bổng của một nhà khoa học khác nộp cho cơ quan tài trợ. Khi bị buộc tội, Paquette nói rằng mình đã đưa tài liệu gốc xin học bổng cho một người bạn đang học sau tiến sĩ, như một bài tập mang tính học thuật, để phát triển hơn nữa các ý tưởng. Tuy nhiên, anh ta không biết rằng người bạn đó đã ăn cắp một số từ trong đơn xin học bổng đó. Nhưng anh ta từ chối nói ra tên người bạn đó.

Hay Abdulahi, một nhà nghiên cứu khoa học ngành sinh vật học tại trường ĐH Clark Atlanta, đã sao chép lại các phác thảo nghiên cứu và nghiên cứu sơ bộ từ một bài báo đã xuất bản. Một nhà phê bình đã tố cáo: từ khám phá chất hoá học cađimi (cadmium), Abdulahi làm giả thành những khám phá về thuỷ ngân, nhằm xin một suất học bổng. Năm 1996, anh ta bị tước quyền trong 3 năm cũng như bị cấm hành nghề từ một Uỷ ban Cố vấn.

Sự thật phải là sự thật

Các học viện, các trường ĐH được trao nhiệm vụ khám phá, nhân rộng và tuyên truyền sự thật. Các khoa học gia tìm ra sự thật, khẳng định chúng, và công bố những kết quả mà họ nghiên cứu được, và dạy chúng cho sinh viên chưa tốt nghiệp, sinh viên sau đại học, sinh viên cao học… của mình.

Các nhà khoa học thực hành có lẽ tiếp tục không thừa nhận rằng những hành vi sai trái trong nghiên cứu là một vấn đề nghiêm trọng và khăng khăng với những nguyên tắc riêng hơn là kiểm soát thích đáng những lầm lạc nhất thời.

Nhưng những trường hợp bịa đặt, gian lận và đạo văn đang ngày càng gia tăng với tần suất đáng kinh ngạc. Judith P. Swazey, chủ tịch Học viện Acadia, cùng các bạn đồng nghiệp đã tiến hành một điều tra 4.000 sinh viên theo học tiến sĩ và giáo sư tại 99 trường ĐH. Theo số ra ngày 4/12/1993 trên tạp chí Science News, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng “44% sinh viên và 50% các tài năng” biết là có ít nhất hai loại hành động sai trái với đạo đức nghề nghiệp.

Mặc dù các nhà khoa học thuộc ngành khoa học xã hội và nhân văn đôi khi đáng bị khiển trách, nhưng hầu hết các trường hợp không trung thực trong học thuật xuất hiện ở các ngành khoa học tự nhiên, đặc biệt là ngành y học. Có lẽ, áp lực thành công, sự căng thẳng và những học bổng quá lớn trong lĩnh vực này; có lẽ những tham vọng thái quá đã lôi kéo các nghiên cứu trong lĩnh vực y khoa; và có lẽ những giải thưởng quá quyến rũ khiến cho các nhà khoa học trẻ không kìm được bản thân mình.

Nếu sự thật dẫn đến những khám phá sinh lợi, các bằng sáng chế, những dược phẩm hữu dụng, cũng như thanh danh, các giải thưởng, sự nổi tiếng... phải có càng nhiều càng tốt; nếu coi trở nên giàu có và nổi tiếng là mục đích thì các nhà khoa học phải chọn cho mình một hướng khác. Nhưng tất cả những điều ấy sẽ trở nên vô nghĩa cho những ai cống hiến cuộc đời mình cho nghiên cứu. Điều đó không có nghĩa là nhiều nhà khoa học phấn đấu chỉ để tìm một lời giải thích, một ý nghĩa nào đấy và phớt lờ đi danh tiếng, những tặng thưởng xứng đáng, và cả giải Nobel.

Nhưng trên hết sự thật không thể bị phá huỷ vì chạy theo những lệ thuộc. Sự thật có lẽ thay đổi dựa vào luật viễn cận, giới tính, văn hóa, niên đại, hệ tư tưởng, và nhiều yếu tố khác, nhưng mục tiêu rõ ràng của các giáo sư trường CĐ hay ĐH là phải xác định sự thật đúng như vậy, và chia sẻ chúng với đồng nghiệp và sinh viên.

Hương Cát, VNN (Tổng hợp từ Academe; Plagiary, Federal Office of Research Integrity - ORI)