Những tấm ảnh Hà Nội thời Pháp

Triển lãm và hội thảo "Việt Nam đầu thế kỷ 20 qua những bưu ảnh cổ" do Hội KHLS Việt Nam và Không gian văn hoá Pháp Espace tại Hà Nội vừa tổ chức đã đánh thức sự quan tâm của xã hội với một kho báu tư liệu lịch sử bấy lâu nằm im lìm.

Tranh khắc từ ảnh (Iconographie)

Xem những bức hình từ cuốn "Việt Nam trong quá khứ qua tranh khắc Pháp", thoạt tiên thật khó phân biệt đó là tranh hay ảnh. Hầu hết các bức "tranh khắc" ở đây đều không được sáng tạo theo kiểu thông thường là được khắc lại theo những bức tranh, mà là khắc từ... ảnh, hay còn gọi là công nghệ khắc chìm (iconographie). Năm 1875, ông Klietch, một người Áo, đã phát minh ra công nghệ này để hỗ trợ cho kỹ thuật nhiếp ảnh vốn khi đó còn rất nhiều hạn chế. Các bức ảnh chụp xong được đưa cho nghệ nhân khắc, sau đó đem in hàng loạt. Công nghệ này rất phổ biến cho mãi đến những năm cuối thế kỷ 19.

Trong bộ sưu tập tranh khắc ta có thể thấy những tư liệu vô cùng quý giá, lưu giữ một cách xác thực nhiều di sản giờ đã hoàn toàn biến mất, như cảnh chính diện của Điện Kính Thiên (bị phá huỷ năm 1886 để làm trại lính) được nhìn từ Cột Cờ HN; chùa Báo Ân (bị phá huỷ năm 1892 để xây Bưu điện Bờ Hồ); hay các sự kiện lịch sử của VN đương thời... Theo nhà nghiên cứu Đào Hùng, người thợ khắc được đào tạo như thợ truyền thần, nên độ chính xác của những bức ảnh - tranh khắc này cũng rất đáng tin cậy.

Những bức ảnh khó đến với công chúng

Tại hội thảo về bưu ảnh cổ, nhà sưu tập Nguyễn Khắc Cần đã kể lại một câu chuyện như sau: Khoảng năm 1998, có hai vợ chồng người Pháp đến thăm Bảo tàng Hoàng Hoa Thám ở Yên Thế (Bắc Giang), nhưng không được người phụ trách bảo tàng cho vào. "Trình bày hoàn cảnh" mãi, bảo tàng mới gọi điện lên huyện, rồi tỉnh xin phép cho họ vào. Sau khi được thăm thú bảo tàng, đôi vợ chồng người Pháp này muốn tặng lại bảo tàng một hộp ảnh cổ, trong đó có nhiều ảnh về Yên Thế, do ông nội của họ - vốn là một lính viễn chinh tại đây - chụp. Lại điện thoại xin ý kiến. Nhưng lần này may mắn không đến với đôi vợ chồng nọ, hoặc chính xác hơn, là không đến với bảo tàng - món quà quý đó đã bị từ chối.

Đó chỉ là một trong nghìn lẻ một những câu chuyện tức... cười ông Cần đã gặp trong những năm tháng rong ruổi đi tìm ảnh cổ.

Năm 1958, Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp đã bàn giao tài liệu cho nhà nước VN, trong đó có khoảng 80.000 ảnh cổ. Phần lớn số ảnh này đang được lưu giữ tại Thư viện Quốc gia, và nhất là Trung tâm Thông tin KH và NV Quốc gia. Ông Cần đã nhiều lần tìm cách tiếp cận những nơi này để tra cứu về ảnh cổ. "Phải tốn cả núi thời gian, công sức mới hòng tiếp cận được tư liệu. Còn xin sao chụp một bức ảnh ư? Họ đòi tôi nào chứng minh thư, nào sơ yếu lý lịch, rồi phải khai báo muốn chụp bức ảnh đó nhằm mục đích gì... Vân vân và vẩn vẩn vân. Một người bản tính kiên nhẫn như tôi cuối cùng cũng nản, không dám đến nữa. Đó là chưa kể, do công tác lưu trữ kém, nên nhiều ảnh cổ ở đó cũng đã hỏng cả".

Tạm biệt ông Cần, tôi không sao khỏi bùi ngùi cho số phận của những tấm ảnh cổ ở VN đang có nguy cơ bị "chết già" ở những chốn "thâm cung".

GHI CHÚ: Theo luật của Pháp, các bức ảnh tư liệu của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) được sử dụng tự do và không mất tiền đối với sinh viên và các nhà nghiên cứu. Nếu sử dụng, chỉ cần ghi lại dòng chữ "Kho ảnh EFEO" kèm theo ảnh, và giao lại một bản sử dụng cho EFEO. Với việc khai thác mang tính thương mại thuần tuý thì phải được áp dụng theo biểu giá của Hội đồng Bảo tàng Quốc gia.

TS PHILIPPE LE FAILLER (EFEO)