Niels Henrik Abel (1802-1829)

Các nhà khoa học đã tìm được 4 trang mất tích trong tập bản thảo của nhà toán học thiên tài người Nauy Niels Henrik Abel, đúng vào dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông (5/8/1802). Đây là tập bản thảo cực kỳ quan trọng, vì nó đặt nền tảng cho sự hợp nhất giữa hình học và đại số.

Tuy nhiên ngày nay, ít ai biết rằng công trình quan trọng nhất của Abel đã từng bị rơi vào quên lãng, rồi mất tích, và chỉ được công bố 1 thập kỷ sau khi ông qua đời. Bản thảo gốc sau đó cũng đã biến mất trong 1 thế kỷ, và chưa bao giờ được khôi phục lại đầy đủ.

Đầu năm 2002, nhà toán học người Italy, Andrea Del Centina đã run lên khi phát hiện ra 8 trang mất tích của tập bản thảo đó. Nhưng rồi niềm vui lại tắt ngấm, khi ông nhận ra rằng, mặc dù trong đó có 4 trang do chính Abel viết, nhưng 4 trang còn lại là nét chữ của người khác. “Tập bản thảo cổ này vẫn còn thu hút sự quan tâm của các nhà toán học hàng đầu thế giới. Tôi tin chắc rằng 4 trang bị mất đang còn tồn tại ở đâu đó, và tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm chúng", Del Centina, hiện là giảng viên của Đại học Ferrara (Italy), nói một cách chắc chắn.

Abel thiên tài

Đương thời, Abel đã phải vật lộn suốt cuộc đời ngắn ngủi bi kịch của mình. Abel sinh ngày 5/8/1802, gần Stavanger (Nauy). Ông bị sinh non ba tháng, và người ta đồn rằng "thằng bé chỉ sống sót nhờ được tắm trong rượu vang đỏ". Ở trường, cậu bé Abel học xoàng tất cả các môn, trừ toán. Nhưng ở tuổi 19, khi bước chân vào đại học, cậu đã thực sự trở thành nhà toán học vĩ đại nhất của Nauy. Năm 1826, Abel sống ở Paris 3 tháng để hoàn tất một bản thảo. Bản thảo này đã đưa ông lên đỉnh cao vinh quang, vì nó đã đặt nền móng cho lý thuyết về các hàm elip: Đó là sự hợp nhất hai bộ môn hình học và đại số, trong đó ông sử dụng các công thức toán học để tính toán chu vi một hình elip (tương tự như ở bộ môn lượng giác ngày nay).

Abel đệ trình bản thảo của mình tới Viện hàn lâm khoa học ở Paris và chờ đợi, chờ đợi mãi. Sau vài tháng không có tin tức gì, và tin rằng bản thảo đã mất, đầu năm 1827, ông trở về Nauy, không một đồng xu dính túi và mất hết nhuệ khí. Hai tháng sau đó, Abel tiếp tục nghiên cứu, dạy học và cố gắng thực hiện những cuộc tiếp xúc cuối cùng với giới khoa học. Ông bắt đầu ho ra máu vào khoảng lễ giáng sinh năm 1828, và ra đi vì bệnh lao ở tuổi 27, vào ngày 6/4/1829.

Hai ngày sau cái chết của Abel, hai lá thư liên tiếp tới nhà ông. Một trong số đó từ Berlin, đề nghị ông đến làm ở Viện hàn lâm. Lá thư thứ hai được gửi từ Paris, thông báo bản thảo của ông đã được nhiệt liệt hoan nghênh.

Câu chuyện về bản thảo thất lạc

Tại Paris, bản thảo của Abel đã đến được tay nhà toán học lỗi lạc Augustin Cauchy, người được giao nhiệm vụ nghiên cứu nó. Nhưng vì quá bận hoặc lơ đễnh mà mấy năm sau này, Cauchy mới rờ đến nó, và nhận ra đó là công trình của một thiên tài. Nhưng tất cả đã quá muộn đối với Abel. Năm 1830, trước khi bản thảo được công bố, cách mạng nổ ra ở Pháp và Cauchy rời sang London, quên phắt công trình vĩ đại sau lưng ông.

Bản thảo được tìm lại và công bố chính thức vào năm 1840 do giáo sư toán học người Italy, Guglielmo Libri, thuộc Đại học Sorbonne ở Paris. Nhưng 34 năm sau đó, trong khi cố gắng tập hợp các công trình của Abel, người ta phát hiện ra rằng bản thảo gốc một lần nữa đã biến mất.

Thì ra, trong cuộc bạo động ở nước Pháp năm 1848, Libri đã chạy trốn tới London, mang theo bản thảo của Abel trong kho tài liệu nặng 2 tấn của mình. Ông ta bị buộc tội đã ăn cắp các công trình trong thư viện nhà trường. Một thế kỷ sau đó, mãi tới năm 1952, kiệt tác của Abel mới được phát hiện tại thư viện Moreniana ở Florence (Italy). Tuy nhiên, 8 trong số 61 trang bản thảo đã không cánh mà bay.

Del Centina bắt đầu công cuộc tìm kiếm số trang bị mất này. Ông được biết thư viện Moreniana đã thu hồi một phần giấy tờ khác của Libri vào năm 1959, và lần ngược lại hồ sơ đó. Trong số này, Del Centian tìm thấy một số trang viết tay, trùng với số trang mất tích trong bản thảo của Abel. Nhưng ngay sau đó, ông nhận ra sự khác biệt trong nét chữ: 8 trang tìm thấy ở Florence chỉ là bản copy của Libri.

Những nỗ lực sau đó đã đưa Del Centina tới thư viện ở Livorno, Italy. Ở đây, ông tìm thấy lại 4 trang bản thảo. Lần này không nghi ngờ gì nữa, chính là nét bút của Abel. “Tôi rất buồn” - ông nói - “nhưng các trang bản gốc này phần nào đã an ủi nỗ lực của tôi”. Và cuộc tìm kiếm của Del Centina vẫn còn dài ở phía trước.