Norovirus và cách phòng chữa lây nhiễm

Nhóm norovirus còn gọi là nhóm virus viêm dạ dày - ruột, viêm dạ dày và ngộ độc thực phẩm, tuy không liên quan đến nhóm virus cúm nhưng thường gây ra các bệnh hô hấp và rất dễ lây lan vào mùa đông. Trong vòng 24-48 giờ sau khi nhiễm norovirus sẽ thấy các triệu chứng nôn mửa và tiêu chảy. Riêng tại Mỹ hàng năm có 21 triệu ca bị nhiễm và 800 người chết.

Bệnh thường tự khỏi, nhưng có thể nguy kịch do tình trạng mất nước nghiêm trọng ở trẻ em, người già và ở những người có bệnh mãn tính. Sự bộc phát dịch bệnh Norovirus hay có tại các khu dân cư đông đúc, do đó bạn nên biết cách đề phòng và chữa trị.

Nguyên nhân và tác hại

Norovirus (NoV) cũng được biết với tên gọi khác là “Norwalk like virus” (Virus NLV), đây là một loại virus thuộc họ Caliciviridae và là một loại ARN virus phổ biến nhất gây viêm ở dạ dày-ruột (Gastroenteritis) tại Hoa Kỳ, Vương Quốc Anh và Tây Âu; ước tính có khoảng 90% số ca bệnh viêm dạ dày-ruột không do vi khuẩn gây ra trên toàn thế giới. Đôi khi những trường hợp này được gọi là “cúm ở dạ dày”, tình trạng nhiễm norovirus thường xảy ra vào những tháng mùa đông. Tuy nhiên, một số người có thể bị nhiễm vào bất cứ thời gian nào trong năm.

Sau khi người bị nhiễm với norovirus, các triệu chứng thường bắt đầu đột ngột trong vòng 12 - 48 giờ. Đặc biệt với những người nhóm máu O là những đối tượng dễ bị nhiễm hơn so với những người mang nhóm máu B hoặc AB. Do có nhiều sự thay đổi gen của norovirus nên nhiều trường hợp có khả năng bị nhiễm bệnh nhiều lần trong suốt cuộc đời. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng sự tái nhiễm này không cung cấp những kháng thể để bảo vệ cho cơ thể trước nguy cơ có thể tái nhiễm trong tương lai

Bệnh do norovirus nhìn chung thường xảy ra do tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với nguồn bệnh trong cộng đồng, những khu vực tập trung đông người. Ví dụ như trong nhà tù, nhà ở tập thể, trên tàu biển, trường học... là những nơi dịch bệnh dễ lây lan từ người mang mầm bệnh sang người lành hoặc từ các thực phẩm bị nhiễm với norovirus … Ngoài ra, bệnh do norovirus có thể bị lây nhiễm từ những thực phẩm trong quá trình vận chuyển, mua bán đã bị tiếp xúc với người mang mầm bệnh.

Theo ước tính từ Trung tâm Phòng chống và Ngăn ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), có ít nhất 50% các số ca viêm dạ dày-ruột cấp tính được cho là do norovirus gây ra. Ùy ban Sức khỏe Quốc gia Anh Quốc cho biết rằng có từ 600 nghìn đến 1 triệu người dân tại đất nước này bị nhiễm norovirus hằng năm.

Norovirus có thể được phát tán qua các sự tiếp xúc giữa người lành với người bị nhiễm như dùng chung đồ dùng sinh hoạt ăn uồng, ngủ nghỉ, cầm nắm các vật dụng đã được dùng bởi những người mang mầm bệnh… hoặc dùng chung thức ăn hoặc nguồn nước nhiễm norovirus.

Cũng theo Trung tâm Phòng chống và Ngăn ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), đa số các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra bởi norovirus thường do ăn, uống phải các loại thực phẩm được chế biến ở những nơi hoặc người mang mầm bệnh. Các trường hợp này thường có liên quan đến các loại đồ ăn nguội như bánh sandwich, bánh mì, salad… Một số sản phẩm có chất lỏng như trong món salad hoặc những loại bánh ngọt bảo quản lạnh cũng nằm trong danh sách các loại thực phẩm có khả năng nhiễm norovirus và gây hại cho người tiêu dùng. Đôi khi một số loại hải sản như hàu (oyster) ở các vùng nước có nhiều người sinh sống mắc phô biến bệnh viêm dạ dày-ruột do norovirus cũng có khả năng làm lây lan bệnh khi người ăn phải những con hàu này.

Theo CDC, nước và nước thải nhiễm norovirus là một vấn đề quan trọng tại các khu dân cư, nó đặt sức khỏe người dân luôn trong tình trạng nguy hiểm cao, dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Dấu hiệu và triệu chứng bị nhiễm

Nhiễm norovirus là nguyên nhân gây ra tình trạng viêm ở dạ dày và ruột, bao gồm cả ruột non và ruột già.

Những dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm norovirus:
- Buồn nôn. Đây thường là triệu chứng đầu tiên nhất.
- Nôn mửa. Nôn nhiều lần hoặc thất thường.
- Đau dạ dày.
- Thành bụng co cứng.
- Tiêu chảy và mất nước.
- Sụt cân.
- Cảm giác mệt mỏi, bần thần trong người.
- Thường có sốt và sốt nhẹ hoặc ớn lạnh/rùng mình,
- Đau ở các chi.
- Nhức đầu
- Ở một số người bệnh đôi lúc mất vị giác.

Trong thời kỳ đầu, khi một số triệu chứng mới xuất hiện, người bệnh có cảm giác rất mệt mỏi và buồn nôn, có thể nôn nhiều lần trong ngày.

Các dấu hiệu và triệu chứng nhìn chung có thể xuất hiện trong từ một đến ba ngày sau khi bị nhiễm vi khuẩn, và thông thường kéo dài từ một đến hai ngày (thời kỳ ủ bệnh từ 24 đến 48 giờ) - trong một số trường hợp, thời kỷ ủ bệnh chỉ khoảng 12giờ. Đôi khi tình trạng tiêu chảy có thể diễn ra dài hơn đến 4 hoặc 5 ngày.

Trong mẫu phân của người bệnh đã hồi phục vẫn có thể chứa norovirus. Theo CDC Hoa kỳ, virus đã có ở trong phân và chất nôn của người bệnh từ khi họ bắt đầu cảm thấy cơ thể mệt mỏi cho đến 2 tuần sau – lúc mà họ trở nên khỏe hơn. Lúc này sự lây nhiễm hoàn toàn có khả năng xảy ra cho cộng đồng dân cư xung quanh mặc dù thời gian này người bị nhiễm không có dấu hiệu hay triệu chứng nào.

Chẩn đoán xác định nhiễm

Chẩn đoán thường được dựa trên các dấu hiệu và triệu chứng của người bệnh. Có thể phát hiện được Norovirus bằng cách xét nghiệm phân hoặc chất nôn lấy từ người bệnh.

Điều trị nhiễm norovirus

Hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với norovirus gây viêm dạ dày-ruột, ngoại trừ nghỉ ngơi và uống nước thật nhiều. Đa số người bệnh sẽ tự hồi phục mà không bị biến chứng. Tuy nhiên, bệnh viêm dạ dày-ruột do norovirus có thể là một căn bệnh nguy hiểm đối với những người cơ thể khó bồi hoàn chất lỏng và bị mất muối do nôn mửa và tiêu chảy, đặc biệt là người già và trẻ em.

Các yếu tố nguy cơ lây nhiễm

Những yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ nhiễm norovirus ở người:
- Hệ miễn dịch yếu. Người có hệ miễn dịch bị suy giảm, người được cấy ghép nội tạng hoặc người bị nhiễm HIV/AIDS… có nguy cơ khá cao nhiễm norovirus và các triệu chứng thường diễn biến nặng hơn.
- Sống trong nhà có vệ sinh không được chú trọng và thực phẩm không được bảo quản tốt.
- Sống với trẻ em được gửi đến các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung.
- Lưu lại tại khách sạn, người đi biển dài ngày, các khu nghỉ dưỡng nơi thường tập trung đông người…
- Sống trong khu vực chật hẹp và đông người, các nhân viên y tế tại các bệnh viện hoặc các trung tâm dưỡng lão…

Các nguyên nhân gây nhiễm

Norovirus được phát tán từ trong phân và chất nôn của người và động vật bị nhiễm.
Sự nhiễm bệnh có thể được gây ra bởi:
- Các loại thức ăn, đồ uống đã bị nhiễm khuẩn.
- Nguồn nước thải, thậm chí cả nguồn nước dùng cho sinh hoạt hằng ngày đã nhiễm norovirus.
- Tiếp xúc với bề mặt hoặc vật thể nhiễm norovirus rồi đưa tay vào miệng.
- Tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm norovirus và có triệu chứng, như chăm sóc người bệnh, dùng thức ăn hoặc đồ dùng ăn uống chung với người bệnh…
norovirus có khả năng tồn tại ở nhiệt độ cao và thấp, hơn nữa chúng có sự đề kháng tốt với các loại hóa chất tẩy rửa nên việc tiêu diệt loại virus này rất khó khăn.

Các biến chứng có thể gặp phải

Đại đa số các trường hợp nhiễm norovirus đều tự khỏi sau một vài ngày mà không có các biến chứng nào. Tuy nhiên một số ít ca nhiễm có thể vẫn gặp phải những biến chứng sau:
- Cơ thể mất nước dẫn đến các thay đổi xấu trong cơ thể.
- Tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em và người già.

Một số người không thể uống đủ các loại nước hoặc dịch bù đã dẫn đến tình trạng thiếu nước và cần đến một số biện pháp can thiệp y tế đặc biệt. Trẻ em, người già và những người khác ở mọi lứa tuổi khi nhiễm bệnh mà không thể tự chăm sóc được là những đối tượng dễ bị biến chứngnhất.

Phòng ngừa lây nhiễm

Các phương pháp ngăn ngừa sự lan truyền bệnh thực phẩm do norovirus gây ra đều chủ yếu dựa vào sự bảo quản an toàn nguồn thực phẩm cũng như quản lý tốt nguồn nước thải và nước sinh hoạt hằng ngày. Norovirus có thể tồn tại ở trạng thái đóng băng hoặc trong môi trường có nhiệt độ lên đến 60oC (140oF). Một số người có thể bị nhiễm ngay sau khi ăn một số loại hải sản như sò, hàu… chưa được nấu chín kỹ. Norovirus có thể tồn tại trong môi trường có mức chlorine lên đến 10 ppm, cao hơn nhiều so với mức chlorine được dùng trong các hệ thống nước công cộng ở hiện tại.

Các chuyên gia y tế cho rằng chỉ cần một số phương pháp vệ sinh cá nhân và thực phẩm đơn giản là đã có thể làm giảm sự lan truyền bệnh thực do norovirus gây ra.

Một số biện pháp đã được biết đến sau đây có thể làm giảm một cách đáng kể nguy cơ lây nhiễm norovirus:
- Rửa tay. Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước ấm, đặc biệt sau khi đi vệ sinh, thay tã lót cho trẻ và trước khi ăn.
- Làm sạch các loại bề mặt thường tiếp xúc trực tiếp. Tẩy rửa các bề mặt này bằng các loại nước hoặc hóa chất diệt khuẩn. Đặc biệt chú trọng đến các bề mặt thường hay cầm, nắm dính liền với đồ dùng.
- Cẩn thận với các loại thực phẩm ăn sống.
- Xử lý tốt chất nôn và phân của người bệnh. Bảo đảm rằng các vật dụng có liên quan đến chất thải của người bệnh được làm sạch bằng các dung dịch và hóa chất diệt khuẩn.
- Thay ngay và giặt quần áo bị nhiễm norovirus sau khi bị tiêu chảy hoặc nôn. Dùng nước nóng và xà phòng để giặt.
- Nguồn nước sinh hoạt. Nếu nghi ngờ nguồn nước bị nhiễm bẩn nên đun sôi nước trước khi sử dụng hoặc dùng một số loại hóa chất cho phép để khử trùng và xử lý nguồn nước.
- Tránh chuẩn bị thức ăn hoặc tiếp xúc với người khỏe mạnh trong ít nhất ba ngày sau triệu chứng cuối cùng.

(N.H.K. biên dịch & tổng hợp)