Ông Phạm Nhật Vượng làm giàu nhờ kinh doanh gì?

Doanh nhân Phạm Nhật Vượng vừa trở thành đại diện đầu tiên của Việt Nam có mặt trong bảng xếp hạng các tỷ phú thế giới 2013, theo công bố của tạp chí Forbes.

Theo danh sách tỷ phú giàu nhất thế giới vừa được tạp chí Forbes công bố, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup - Phạm Nhật Vượng đã trở thành người Việt Nam đầu tiên có tài sản từ 1 tỷ USD trở lên. Theo đó, ông xếp thứ 974 trong danh sách với 1,5 tỷ USD tài sản, chủ yếu nhờ 53% cổ phần trong Vingroup.
Ngoài việc lọt vào danh sách 1.426 tỷ phú thế giới, ông Vượng cũng lọt top 20 gương mặt mới nổi bật của Forbes năm 2013.
Ông Vượng sinh năm 1968 tại Hà Nội, một trong những năm quan trọng nhất trong cuộc chiến chống Mỹ tại Việt Nam. Cha của ông phục vụ trong lực lượng phòng không của quân đội nhân dân Việt Nam, mẹ ông có một quán trà nhỏ. Sau ngày đất nước thống nhất, tình hình kinh tế khó khăn khiến gia đình ông chỉ dựa được vào thu nhập ít ỏi của người mẹ: "Ước mơ của tôi không lớn, tôi chỉ muốn hỗ trợ gia đình mình", ông Vượng chia sẻ.
Ông nhanh chóng thể hiện khả năng học toán và kiếm được học bổng ngành kinh tế khai thác tại Viện địa chất Moscow, Nga. Năm 1993, ông tốt nghiệp đại học. Sau đó ông chuyển đến Ukraina và kết hôn cùng người yêu thời đại học.
Ông và vợ ở lại Ukraina, mở một nhà hàng Việt với số vốn ban đầu 10.000 USD huy động từ đủ mọi nguồn có thể. Với đầu óc nhạy bén, ông đã kinh doanh cả mì được sản xuất trên quy trình nhập khẩu từ Việt Nam và gây tiếng vang lớn. Khái niệm mì ăn liền đã ngay lập tức được đón nhận ở Ukraina do khi ấy đất nước này vẫn rất nghèo đói.
Tỏ ra mạo hiểm hơn, ông thế chấp toàn bộ những gì mình có để vay tiền với lãi suất 8% mỗi tháng để mở rộng sản xuất. Ông thành lập công ty thực phẩm Technocom, chuyên sản xuất mỳ ăn liền và khoai tây nghiền. Ông phát triển công ty này, giữ vị trí số một trong lĩnh vực sản xuất thức ăn nhanh tại Ukraina, đồng thời xuất khẩu sản phẩm cho 29 thị trường quốc tế. Năm 2009, ông bán công ty tại Ukraina thời điểm đó đang có doanh thu 100 triệu USD cho Nestle và chuyển toàn bộ hoạt động kinh doanh về Việt Nam.
Trong nhiều năm, ông Vượng chuyển dần lượng tiền kiếm được ở xứ người về đầu tư cho các dự án ở quê hương. Ông Vượng bắt đầu đầu tư về Việt Nam từ năm 2001. Đó cũng là thời điểm ông lập công ty du lịch khách sạn mang tên Vinpearl. Năm 2002, ông thành lập Vincom, công ty chuyên phát triển các dự án bất động sản thương mại và nhà ở trung - cao cấp. Năm 2012, Vinpearl sáp nhập vào Vincom trở thành Tập đoàn Vingroup với vốn điều lệ hơn 7.000 tỷ đồng, trở thành công ty có mức vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Vingroup hiện có một danh mục đầu tư với 31 dự án bất động sản khắp cả nước, trong đó 12 dự án đã được hoàn thành, 3 dự án đang được xây dựng và phần còn lại đang trong giai đoạn quy hoạch.
Ông Vượng trở thành tỷ phú đôla đầu tiên trên sàn chứng khoán Việt Nam từ ngày 7/3/2011, liên tục giữ vị trí người giàu nhất trên sàn chứng khoán trong các năm 2010, 2011 và 2012.
Hiện, ông là tỷ phú đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà theo ước tính của Forbes thì giá trị tài sản vào khoảng 1,5 tỷ USD.
Bí mật thành công của ông Vượng là tập trung vào phân khúc khách hàng trẻ - những người mong muốn có cuộc sống tốt hơn so với thế hệ trước. Vì thế, ông không chỉ xây những khu nhà, biệt thự mà còn kèm với đó là cả bệnh viện, văn phòng, trung tâm mua sắm và các dịch vụ hỗ trợ.
Chủ tịch Vingroup cho biết sẽ thực hiện dự án bất động sản ở nước ngoài “khi nào có cơ hội tốt”. Năm nay, ông đã thuê hãng tư vấn McKinsey & Co. thực hiện rà soát chiến lược hoạt động kinh doanh của Vingroup và tư vấn công ty về chiến lược tương lai. Trước đó, ông Vượng đã tới thăm nhiều thành phố nước ngoài để tìm kiếm ý tưởng khi xây dựng các dự án của mình. Ông cũng là người coi trọng nguyên tắc và trao thưởng xứng đáng cho những ai làm việc hiệu quả với chất lượng tốt, luôn nhấn mạnh khẩu hiệu “tốc độ, sáng tạo và hiệu quả trong từng hành động” đối với nhân viên.
Năm 2012, trong khi hầu hết các doanh nghiệp đối mặt với nợ xấu và triển vọng bán hàng nghèo nàn, Vingroup đã đạt doanh số bán hàng và tiền bán hàng 1,7 tỷ USD. Hiệu suất đó cho phép ông Vượng huy động khoảng 300 triệu USD trái phiếu quốc tế, mặc dù Credit Suisse đã tỏ ra nghi ngờ con số này.
Hiện ông Phạm Nhật Vượng đang trong quá trình huy động tiền từ các "nhà đầu tư chiến lược" mà mục tiêu cuối cùng là niêm yết cổ phiếu của công ty trên thị trường chứng khoán Singapore.
Hồng Luân (Tổng hợp)