NGƯỜI VIỆT TRẦM LẶNG

PHẦN 4 – FPT 3 NĂM và 30 NĂM

The quiet Vietnamese

Nam Nguyen

(Trích trong tác phẩm "Đông Âu anh hùng truyện" nhiều tập sẽ xuất bản)

Viện Khoa học Việt Nam

Viện Khoa học Việt Nam thành lập 1975 (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), do ông Trần Đại Nghĩa làm Viện trưởng, anh Nguyễn Văn Hiệu làm Viện phó kiêm phụ trách Viện Vật lý (thành lập từ 1969). Thời kỳ đầu còn có ông Lê Văn Thiêm phụ trách Viện Toán (1975, từ năm 1980 anh Hoàng Tụy lên thay), anh Phan Đình Diệu Viện phó kiêm phụ trách Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển (1976), anh Nguyễn Trọng Yêm phụ trách Viện Địa chất (1976), anh Nguyễn Hữu Thước phụ trách Viện Sinh học (1978), anh Hồ Sỹ Thoảng Viện phó kiêm phụ trách Viện Hóa (1978); anh Nguyễn Văn Đạo làm Tổng thư ký kiêm phụ trách Viện Cơ (1979), anh Vũ Đình Cự làm Viện phó kiêm phụ trách Viện Nhiệt đới (1980), ...

Hầu hết các sếp có những người đỡ đầu rất lớn trong Đảng và Chính phủ. Anh Hiệu và Diệu đều là ĐBQH từ 1976. Sau khi vào TƯ, anh Hiệu chính thức thay ông Trần Đại Nghĩa lãnh đạo Viện khoa học VN từ 1983.

Cả 3 anh Hiệu, Cự và Diệu muốn lôi kéo anh C về dưới trướng mình (vì đều nhìn thấy anh C làm được công trình thật, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn – cái mà đa số cán bộ khoa học ta đang thiếu, nhất là các “thủ trưởng” - mà anh C vì trẻ nên chưa đủ tế nhị và kinh nghiệm để biết cách xử thế). Anh C (được anh Diệu “đẩy” lên) có gặp và trình bày về vi tin học với ông Trần Đại Nghĩa (lúc đó lãnh đạo Ủy Ban và Viện KHVN) nhưng có thể vì già mà “thần tượng” của anh không hiểu và nắm bắt được xu hướng cũng như tiềm năng của ngành, làm anh C rất hụt hẫng. Nhưng sau này ngẫm lại anh mới hiểu có thể thời điểm đó còn nhiều áp lực và phe phái mà thủ trưởng không quan tâm đến chiến lược đó. Tuy vậy rất phí cơ hội cho Việt Nam...

Hội Tin học Việt Nam

Vào cuối những năm 80 có một loạt sự kiện quốc tế xảy ra: bức tường Berlin đổ, Việt Nam “đổi mới”, hội nghị Thành Đô... Mãi sau này, khi ông Đỗ Mười lên Tổng Bí thư, anh Cự có nhờ anh C dạy cho lãnh đạo sử dụng máy tính, khi dạy anh C mới thấy được ông Mười rất nhạy bén, đầu óc minh mẫn (máy do FPT cấp, sau này có con rể là Hoài Phương dạy). Ông nói bóng gió là đã từng nghĩ đến “kế hoạch hậu chiến” từ 1987, trước cả khi có Hội tin học ra đời. “Nếu đa đảng thì đảng cũng chỉ là một hội!” – ông Mười đưa ra ý tưởng để cho các Hội có quyền được lập công ty! Và một việc nữa ông tính trước đó là bắt đầu xây chùa hoành tráng, lúc đầu ở Đông Mỹ quê ông rồi sau đó là những vị trí khác!

Nguyễn Quý Sơn học trường ĐHKT quân sự, quân cũ của anh Lãm, được đi thực tập sang Pháp rồi vì là cháu ông Lê Trọng Tấn nên được ở lại làm tiến sỹ. Sau khi về nước đúng lúc ông Nguyễn Văn Linh bật đèn xanh cho “đổi mới” nên Quý Sơn cùng nhóm sĩ quan quân đội xin thành lập Ban Trù bị vận động thành lập Hội tin học trẻ, trong lúc đó có nhiều lão làng cũng muốn lập ra Hội tin học nhưng ko biết cách. Rồi hai bên gặp nhau thống nhất cho Quý Sơn chạy thủ tục lập hội tin học (Nguyễn Long – cựu sinh viên toán Lômônôsôp và giáo viên ĐHKT quân sự - cũng tham gia từ đầu). Hội Tin học Việt Nam (VAIP - Vietnam Association for Information Processing) được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định thành lập số 312QĐ/HĐBT ngày 17/12/1988. Ngày 6/1/1989 Đại hội thành lập Hội Tin học Việt Nam đã được tổ chức tại Cung Văn hoá Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội.

Quý Sơn chạy gấp thủ tục, hồi đó tướng Lê Trọng Tấn chưa mất, nhưng cũng gần 2 năm sau mới xong xuôi. Anh Diệu thì nắm chức chủ tịch Hội chắc rồi. Quý Sơn làm Tổng thư ký đầu tiên của Hội tin học, nhưng sau chủ yếu đi kinh doanh vũ khí. Sau Quý Sơn là đến anh Mai Anh (mỗi người 2 nhiệm kỳ) rồi bây giờ Nguyễn Long là tổng thư ký Hội tin học mấy khóa liền.

Ngày 30-7-1990 Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng có quyết định 268/CT cho phép các cơ quan Nhà nước đoàn thể, viện nghiên cứu trường học, tổ chức xã hội được tổ chức mô hình tổ chức kinh tế (công ty) được gọi là các công ty 268. Chớp thời cơ, Hội Tin học Việt Nam thành lập 5 công ty 268 đầu tiên của hội vào tháng 9/1990, đó là Công ty COPOSII (từ UB KHKT Nhà nước), Công ty Secoin (từ nhóm của GS. Đinh Xuân Bá - Đại học Bách khoa Hà Nội), Công ty Gentece (từ nhóm nhà máy M2, Ban cơ yếu TW), Công ty COMPAC (từ nhóm Nhà máy quân đội Z181) và Công ty APPINFO (Nguyễn Long), chậm hơn một chút là Công ty 3C từ nhóm Liên hiệp Điện tử Tin học Việt Nam. Nhưng trước đó đã có FPT được thành lập bởi Viện Khoa học Việt Nam và Genpacific là liên doanh tin học Việt - Pháp đầu tiên xuất hiện.

Thành lập FPT

Trương Gia Bình đi làm tiến sỹ viện hàn lâm bên Liên Xô về năm 1987, thời đó anh còn là con rể tướng Võ Nguyên Giáp. Chủ trương đổi mới với phát triển “kinh tế thị trường định hướng XHCN” dần dần nhiều người cũng hiểu, tất nhiên cụ Giáp phải biết rõ và thế là anh Bình cùng các đồng sự tham gia vào cuộc chơi này...

Công ty cổ phần FPT (The Food Processing Technology Company) thành lập 13/9/1988, trụ sở lúc đó là cả một tầng ở viện Cơ, Liễu Giai. Do ký kết hợp tác giữa bên Viện Công nghệ QG của anh Cự (có chữ “công nghệ”) và Viện Cơ học của anh Đạo (anh Hà – Vụ HTQT tại Viện Khoa học VN – một nhân vật rất có công với quá trình sinh tồn của FPT thời gian đầu cho biết cũng có ý “thòng” là nếu lúc nào đấy anh Hiệu muốn xóa sổ công ty cũng không thể tự quyết được)! Anh Trần Đức Nhuận cho nhóm xây dựng lắp máy đến sửa sang chống trộm cho tòa nhà mới xây này thành “chuồng cọp”. Có quy chế hoạt động (với câu chữ khá mafia). Khởi đầu chỉ có 2 máy tính: Bình mượn Vinh “đen” máy tính Foremost (Trung Hà suốt ngày ôm vì lúc đó biết Fortran), anh C đem máy thứ hai của mình lên công ty cho anh em dùng ké. Cuối 1988 anh C chọn thư ký cho FPT là cô Trần Thu Hà, còn làm công tác nhân sự đến tận bây giờ vì là người có năng lực thực sự (Bình chọn cô Thám Hoa, sau phải bỏ). Các cuộc họp hay diễn ra ở nhà B (trong khu của tướng Giáp), nhà anh C hay nhà Trung Hà ở Hàng Bông. Anh C giới thiệu NLA là tài năng toán học đã từng làm cùng ở cơ yếu, lại dân toán Lomonosov cùng năm với Bình, Ngọc nhưng cả hai đều rất ái ngại, thôi...

Cuối 87 đầu 88 anh Bình cho bạn là Bùi Quang Ngọc đến dạm trước với anh C, trong chuyến đi công tác sang Pháp 1986 anh đã đến gặp Ngọc đang làm NCS ở ĐH Grenoble. Ông Giáp (bạn thân cư sĩ Thiều Chửu chú ruột anh C) đã biết anh qua công việc nên giới thiệu anh C cho Bình con rể, Bình đến tận nhà mời anh C tham gia. Lúc đầu anh Bình dẫn đến gặp “anh em Liên Xô” xem có chấp nhận được nhau không, buổi gặp ban đầu ấy nhìn mãi anh C rồi Lê Thế Hùng mới hất hàm bảo “Được!”...

Năm 1988-1989 anh Quang A mới từ Hung về, lập công ty 3C và liên doanh GenPacific. Sau này a A và Bùi Huy Hùng muốn mời anh C ra làm Phó, thực ra Quang A lúc đó mới là “ngôi sao sáng” (người của quân đội, bí thư chi bộ, quan hệ rất tốt tầm chính phủ, có đội ngũ toàn người giỏi và thạo việc) và nếu anh C về 3C sẽ có công việc tin học để làm ngay, nhưng anh C với tính khí “sỹ phu” đã nhận lời với FPT rồi, mặc dù anh C còn “nghèo” và vẫn đang trong biên chế chính thức bên Viện Tin học (anh Khang thay đổi tên để tránh tên cũ của viện thời anh Diệu). Anh em FPT thuở sơ khai đều nghèo cả!

Thời đầu FPT ngoài Giám đốc Bình, PGĐ Kỳ và Phòng hành chính quản trị có 3 lực lượng: 1. công nghệ thực phẩm (sấy khô mật ong, thuốc lá... do Bình kiêm phụ trách nhưng anh Cẩn mới thực làm, 2. tin học (anh C), 3. cơ-điện-lạnh (anh Trần Đức Nhuận – cựu đại úy, chơi thân với bên xây dựng lắp máy Sông Đà, từng tham gia cứu vụ thuốc lá bị sấy cháy ở nhà máy Lotaba cho Bình).

Nhân sự xuất thân chủ yếu từ viện Cơ. Năm 1988 anh Đạo cùng anh Nguyễn Văn Điệp đồng ý cho Bình mượn một tầng làm trụ sở, đưa các anh Ngô Huy Cẩn (cũng làm TSKH ở Nga, bố Ngô Bảo Châu) và nhóm trẻ gồm Thành Nam, Lê Thế Hùng (MGU – đệ tử trung thành của Bình), Phạm Hùng (cháu Phạm Quỳnh), Trần Văn Trản (cả 4 đều làm TS ở Liên Xô), Phan, Thăng vào FPT, bên cạnh Trung Hà và anh Đào Vinh (có tuổi, lo về hành chính quản trị)...

Dân FPT ko phải từ viện Cơ: ban đầu ngoài a C, a Nhuận (và cộng sự) còn có Ngọc (bạn Bình, khoa Tin học ĐH Bách Khoa), Kỳ “béo” (bạn B, Viện NC Vật lý Hạt nhân, vợ lúc đó là Nguyệt, con Tô Duy cán bộ cao cấp) và nhóm quân đội: Lê Quang Tiến, Đỗ Cao Bảo, Võ Văn Mai (KS từ Hungary về).

Mấy tháng sau thêm 2 cô thư ký, rồi Nghĩa “đen”, Hiền (con gái tướng Đồng Sĩ Nguyên, từng phụ trách Xây dựng, Giao thông vận tải)... Năm 1989-1990 thêm Hùng A kế toán (sau theo Trung Hà đi Zodiac), Hùng B phụ trách bảo hành. Lại thêm anh em Việt “tròn”, Khánh "hói" cũng từ MGU, MEI về và Nguyễn Hoài Phương (sau sang Zodiac) để góp phần đào tạo tin học, Phạm Vũ Hải phụ trách đánh hàng Cargo đi Ba Lan. Và còn nhánh HCM do Hoàng Minh Châu phụ trách, với chị ruột Bình là Thanh Thanh làm kế toán và Ngô Vi Đồng (sau đi HiPT cùng Võ Mai) v.v...

Lúc thành lập FPT tổng cộng 17 người, phần lớn từng học ở Liên Xô về toán, cơ, vật lý, thời đó đông nhất là nhóm MGU (đại học Lômonôxôp cùng với Bình) và Toán Kishinev (Moldovia), có mỗi anh C là dân Tiệp về. Bình rất biết cần học cái gì, và đã học phải học người giỏi - thuê anh Hùng (dạy tiếng Anh trên truyền hình) để dạy tiếng Anh cho Bình, nhờ anh C dạy tin học cho mình. Phạm Hùng giỏi tiếng Anh nhất, khoảng chục năm sau Hùng có công móc nối hợp tác được với một trường đại học về quản trị kinh doanh bên Mỹ nhưng bị Bình tranh mất chức trưởng khoa quản trị kinh doanh mở tại HN.

Ngoài anh Quang A thì hồi đó có một “ngôi sao đang lên” nữa là Hoàng Quang Vinh (Vinh “đen”, có bố hoạt động cách mạng, cùng quê Quảng Bình với cụ Giáp) – rất thông minh, Vinh học bách khoa trong nước nên có đầu óc thực tế (khác xa so với anh em Đông Âu về) – nhìn đâu cũng thấy “hái ra tiền được” - lúc đó đã rất “nên người”, cũng dân viện Cơ nhưng phía Nam. Vinh “đen” lập công ty Cotec, nghe tiếng nên mời anh C vào Sài Gòn “anh em mình vào đấy làm vua”. Trong đó Vinh từng làm máy đếm cá trê phi (phong trào nhà nhà nuôi trê phi rồi chim cút thời đó) trúng to... Ông Hồ Sỹ Thoảng phụ trách cơ sở phía Nam ở đường Mạc Đĩnh Chi, Vinh “đen” vừa làm “trung tâm”, vừa làm thư ký cho một tờ tạp chí tuy hơi “lá cải” nhưng có chỗ để anh em khoa học viết và đăng bài... Vinh có biệt tài “chém gió”, hay bốc phét về mỏ than bùn ở đồng bằng Nam Bộ, nhưng việc Vinh làm được thật là phục hồi nhà máy sữa Dielac (Khu CN Biên hòa 1) bằng cách mua thiết bị sữa của Liên Xô đem về. Vinh “đen” là thầy về ý tưởng cho lứa cán bộ viện Cơ thời đó dù chưa lập được công ty – mặc dù ngoài bắc các viện khác chả biết gì, trong khi miền Nam anh em làm kinh doanh giàu sụ. Sau này Vinh lập Techcombank, về hưu sớm đem nhiều tiền đầu tư quảng bá cho hải quân, đi khắp biển đảo làm phim... ca ngợi hải quân và cũng là để nêu tên cậu ấy. Trở lại năm 1988 thấy tay này giỏi quá Bình không dám mời Vinh “đen” tham gia FPT. Anh C cũng không theo Vinh “đen” Nam tiến, vì anh đang đồng thời làm chính thức và không chính thức ở 4 đơn vị khác nhau, đó là chưa kể FPT...

Anh Cẩn bỏ FPT trước tiên (vụ sấy mật ong không thành) – lúc đó con anh là Ngô Bảo Châu sắp đi Pháp học. Phan Quốc Việt (Việt “tròn”) ngồi chơi xơi nước chán quá cũng bỏ, sau về Dầu khí, được ông Sáu Lớn rất ưu ái nên lên chức chánh văn phòng rất nhanh. Anh Nhuận làm rất nhiều việc (cơ điện lạnh: sửa máy lạnh Mỹ - Nhật ở miền Nam để lại, sửa máy lạnh của Liên Xô từ thời làm lăng Bác) tự nuôi quân, chỉ thỉnh thoảng đến họp... tuy vậy Bình vẫn ôm vào để tạo cảm giác như FPT là một đơn vị đa ngành nghề, rất to và mạnh. Khó nuôi quân quá, được vài tháng Bình đi postdoc theo diện học bổng Humbolt (Tây Đức), mọi việc ở nhà để Kỳ “béo” quản lý, là một người rất có uy trong việc điều hành. Gặp vận may, sang gặp đúng lúc đổi tiền Đông Đức sang D-Mark, Bình sẵn có quan hệ với tùy viên quân sự Sứ quán ta ở Đức nên kiếm được khá tiền, quyết định mang tiền về nước, lại điều hành tiếp FPT.

Lê Quang Tiến (khi đó đang làm luận án ở Viện Hạt nhân, sau bỏ) phụ trách tài chính, an ninh, thân với Lê Vũ Ký (Phó TGĐ là người số hai, có tố chất lãnh đạo - là người có nhiều ý tưởng) và Trung Hà (chuyên gia soạn văn bản, chơi game, ngồi FPT nhiều nhất). Bùi Quang Ngọc vẫn làm Bách Khoa, sau cũng đi postdoc ở Bulgaria. Anh Trản và Phạm Hùng tiếp tục các nghiên cứu lý thuyết chủ yếu ở Viện Cơ, cho B ké tên các bài báo để lấy học hàm PGS sau này...

Anh C khi đó đang phụ trách nhóm nghiên cứu Hệ thống (gồm một số anh chị em Phòng KT Vi xử lý và Phòng Lập trình), nên anh thường chạy đi chạy lại giữa hai cơ sở ở Nghĩa Đô và Đồi Thông, thỉnh thoảng ghé qua viện Cơ.

Buổi đầu ở Liễu Giai

Nguyễn Thành Nam (cựu tổng giám đốc FPT) viết về FPT đời đầu như sau:
“Ngày FPT mới thành lập, mình lớ ngớ về, được phân vào Trung tâm dịch vụ Tin học, do anh C làm giám đốc, ngoài ra còn có anh Ngọc (Bùi Quang Ngọc), Bảo (Đỗ Cao Bảo), Mai (Võ Mai), Hà (Nguyễn Trung Hà). Bác Cự (Vũ Đình Cự), lúc đấy là Viện trưởng Viện công nghệ quốc gia, gọi cả nhóm lên giao nhiệm vụ: “Các em là đội tiên phong, phải làm cho được super computer, sánh vai các cường quốc”. Thấy anh C cũng cam kết ghê lắm. Đúng là project-based còn gì nữa.

Chiều về, anh C họp cả hội tại nhà Trung Hà ở Hàng Bông, kiểm điểm xem thằng nào biết ngôn ngữ gì (ý là ngôn ngữ lập trình). Anh C là sếp đương nhiên biết hết, không phải khai. Anh Ngọc, lúc đó là giáo sư Đại học Bách khoa, không ai dám hỏi có biết gì không. Trung Hà là No. 1 về Fortran. Anh Bảo đại cao thủ C, còn anh Mai gõ Assembler nhoay nhoáy. Đến lượt mình, bẽn lẽn: “Em chỉ biết có tiếng Nga và tiếng Việt”.

Anh C bình thản như không, giao việc: “Mày ít tuổi nhất nên hàng sáng đến sớm, rửa chén, quét nhà, pha trà, đợi các anh đến. Chưa biết gì thì đọc sách”. Rồi anh đưa cho mình 2 cuốn, một là C Programing của Ritchie in roneo đen sì và một cuốn khác trắng bóc, thơm tho. Đương nhiên là mình mở cuốn trắng ra đọc trước. Hóa ra là cuốn “Unix”, có điều bằng tiếng Pháp. Mình phàn nàn, không biết tiếng Pháp: “Sao anh lại đưa đánh đố thế?”. Anh bảo: “Tao đưa cho mày là cuốn sách quý mà mày cần đọc, còn mày có đọc được hay không là việc của mày chứ…”. Hai cuốn sách đó quả thật là vô giá với tôi sau này. Bây giờ người ta gọi kiểu dạy vậy là student-centric hay active learning….”

Bình khi còn ở MGU có nghe được chuyện Liên Xô và VN có chuyện nợ tài chính, phải trả bằng hàng hóa (qua anh Hà - vụ phó Vụ HTQT Viện KHVN, cũng là lứa đi sang Liên Xô học từ bé – chắp nối và soạn thảo mọi giấy tờ) – Bình ký memorandum với Viện Hàn lâm Liên Xô, đầu tàu chính là FPT, ký ở Moscow. (Sau này anh Hà cùng Vinh “đen” lập Techcombank, nhưng mất sớm vì ung thư!). FPT chưa ký được Hợp đồng kinh tế. Kỳ, Tiến xông xáo buôn bán với Nga, “đánh” Kamaz, titan, thép... “hàng đổi hàng” học theo Vinh “đen” – Việt Nam đổi bằng máy tính. Anh C từng đi lấy hàng (sắt thép) ở Hải Phòng về HN, sau đó quân lẫn tướng đều phải vừa làm vừa học mò mẫm. Tiến đưa hàng về cảng Đà Nẵng, thuê bãi đỗ và bán Kamaz luôn từ nơi đó...

Ông Trần Lâm (hồi đó con trai là Trần Bình Minh mới phụ trách một chương trình VKT khá nổi tiếng) nhận được viện trợ quốc tế để xây trường quay đầu tiên của truyền hình Việt Nam, ở đó không dùng máy lạnh Liên Xô được, anh Nhuận trúng thầu (sau Bình cũng tranh việc này). Làm mất gần 2 năm. Công lao anh em tin học trong việc này: lúc đó có màn hình màu rồi, Đỗ Cao Bảo biết Pascal nên làm demo để biểu diễn cách lắp đặt điều hòa Daikin... mới thắng thầu được. Anh Nhuận làm thực tế, nhưng sau do ăn chia không hiểu thế nào, cũng là người kế tiếp rời FPT. Sau bị bà Mai Thanh “cơ-điện lạnh miền Nam” vừa giúp vừa chèn ép mấy công trình... anh Nhuận không giàu lên được, quay về Nacentech lập Công ty EMECO, sau già bị nhũn não mới nghỉ.

Bình ở Đức về giàu rồi năm 1989 có nhờ anh C giới thiệu để gặp anh Quang A. Công ty 3C khi đó rất giàu, đã mua được cho Hàng không Việt Nam cái máy bay TU-134. Hôm gặp gỡ Bình còn đội mũ cối. Quang A vốn học ở Hung, rất nhạy bén về kinh tế thị trường, đang nắm cả 3C lẫn Gen-Pacific, lương tháng hơn 4000 USD nên nhìn Bình bằng nửa con mắt.... (Hãng máy tính Pháp “Bull Micral” là hãng lớn, được chính phủ ủng hộ, từng bị quốc hữu hóa, dẫn đầu CNTT của Pháp nhưng thị trường bé nên không đấu lại với các hãng Mỹ. Việt kiều Trương Trọng Thi sáp nhập công ty R2E vào hãng này và tiếp tục phụ trách sản xuất dòng máy tính Micral tương hợp IBM-PC nhưng không đấu lại với máy Mỹ và Đông Nam Á, nên có ý đưa việc sản xuất về Việt Nam. Ông Thi quen anh Trần Lưu Chương từ trước, khoảng đầu thập niên 1980 đã giúp anh Chương mua cho bộ Tổng tham mưu một số máy IBM-PC “xịn” mà tránh được cấm vận. Lúc đó anh C can không nên đi theo hướng Pháp nữa vì Mỹ bây giờ quá mạnh rồi, nhưng anh Chương chỉ nghe một nửa, rất đáng tiếc. Anh Thi sau bỏ hãng, già ốm rồi chết... Anh Quang A khi học ở Hung về có quen hai vị quan to, sau này đều phụ trách Ban kinh tế của Đảng, sớm biết chủ trương đổi mới. Khi làm TGĐ liên doanh GenPacific a Quang A đã tổ chức lấy máy tương hợp IBM-PC thương hiệu Bull để đổi hàng với Liên Xô. Công ty 3C nơi anh A có cổ phần cũng rất mạnh hồi đó, với nhiều nhân lực giỏi kinh doanh như Bùi Huy Hùng, Trần Việt Trung...). Cuộc gặp gỡ Bình - A diễn ra ở trung tâm thương mại phố Lê Hồng Phong của Bộ ngoại giao, khi đó thuộc loại “xịn” nhất, và là nơi rượu chè ăn chơi cho các thương gia mới nổi. Quang A không thấy ở Bình có tiềm năng tin học gì... Sau vụ ấy Bình càng cay cú, muốn FPT vươn lên vượt công ty 3C.

Bùi Quang Ngọc khoảng cuối năm 1989 lại về nước, sau móc nối được một tay Việt kiều quen từ hồi ở Pháp, tên là Long. Ngọc dẫn Long đến họp tại nhà anh C bàn về hợp tác viết phần mềm phục vụ chế bản điện tử và nhận dạng ký tự, lúc đó đang hot ở châu Âu. Không nhớ vì sao Trung Hà rất chống Việt kiều này. Đỗ Cao Bảo khá nhất về thuật toán nhận dạng vì từng làm trong nhóm nghiên cứu của Hoàng Kiếm ở Viện Tin học. Bùi Quang Ngọc lôi tay Long về Bách khoa, làm với một vài tay lập trình rất khá và Đỗ Cao Bảo. Sau anh C không nghe thấy nói đến nữa !

Thời đó ở viện Tin có Hoàng Kiếm (học trong nước, số rất vất vả chủ yếu vì lí lịch nhưng giỏi) đi AIT và Hồ Tú Bảo (lính Quảng Trị cũ, học bách khoa, giỏi, nhưng sau này đi Nhật) đi Pháp làm TS; Đỗ Cao Bảo từ Bộ tổng tham mưu được đi Pháp, Đức làm về nhận dạng.

Khoảng 1990-91 FPT có hợp đồng tin học hóa cho bộ phận bán vé của VNA ở Tràng Thi, khá đơn giản. Demo để thắng thầu dùng bìa mạng và phần mềm của anh C mua từ Pháp mang về trước đó. Mạng LAN (cục bộ) đạt tối đa 10 triệu bit/giây nên lấy tên “10net” (của USA). Anh C từng dẫn một người Pháp chuyên gia hàng đầu về tin học của Pháp đến làm việc với VNA (ông Pháp này rất thân anh C, xưa sang Liên Xô học trường MEI môn điều khiển học rồi về làm mạng X25 Transpac của Pháp) nên VNA thấy FPT rất có uy tín. Thắng thầu rồi sau Bình cho mua thiết bị tương đương của hãng khác cũng USA.

FPT cất cánh

Năm 1990 FPT thuê một tầng ở trường trung học Giảng Võ làm trụ sở. Việc buôn bán máy tính bắt đầu phát triển ồ ạt. Kỳ sang làm đại diện FPT ở bên Nga, Bình lấy Nghĩa “đen” về phụ trách xây dựng... Bình nhận Phan Ngô Tống Hưng làm tiếp thị, đẩy nhanh lên Phó tổng, chắc là bài toán “cân bằng lực lượng” trong nội bộ, chứ không đơn giản thế. Những chuyện đấu đá, thậm chí định “lật đổ” Trương Gia Bình anh C đều không tham gia, có những chuyện sau này chỉ được nghe người trong cuộc kể lại mà thôi. Tính anh là vậy, chỉ chú ý đến công việc, đang quá nhiều việc cần làm...

Bình tìm được một Việt kiều Ý (hình như họ hàng với Lưu Quang Vũ), lôi về nước trọng đãi để FPT trở thành đại lý của Olivetti, không cần mua thiết bị tin học qua Vinh “đen”, Long “cò” nữa. Anh C vạch kế hoạch làm dây chuyền lắp luôn ở VN. Sau đó anh C đi Ý vì chuyện riêng, bạn bè châu Âu muốn giúp anh C lấy học hàm ở Viện hàn lâm thế giới thứ ba (nhưng sang đến nơi thấy anh Hiệu là viện sỹ ở đấy nên anh C ngại, thôi!). Lúc đi qua Nga, lỡ chuyến bay, anh C vẫn đi tiếp được (dù không chuẩn bị, trong túi vỏn vẹn có mỗi 17 đô la) vì nhờ có Trí “béo” gọi điện giúp kiếm vé tàu hỏa sang Ý mặc dù lúc đó Trí đang bận làm ăn, anh em không kịp gặp nhau. Sang đó anh nhân thể tìm hiểu Olivetti, đáng tiếc thất bại (nhưng Quang A bắt đầu nghi ngờ anh C vì vẫn sợ FPT nếu sản xuất được máy tính ở nhà thì GenPacific có thể gay go! Lúc này bắt đầu sự cạnh tranh giữa Gen, 3C và FPT).

Lê Vũ Kỳ đi Nga nhiều lần, sau thôi không làm FPT nữa mà sang làm với Kiên “bạc”. Kỳ giới thiệu anh C với Kiên về e-banking. Kiên và Kỳ hai người đã quan tâm đến e-banking từ lúc đó, mời anh C tham gia cùng. Trần Việt Trung đi Liên Xô về, mời anh C làm phó TOGI... nhưng anh C đều từ chối.

FPT xin đất, xây nhà cho anh em, Nghĩa Liên Xô về phụ trách, Thành “thép” thầu vụ đấy... anh C bắt đầu muốn đi khỏi FPT, anh có nhà cửa rồi nên để lại nhà của mình cho cậu em trai Phạm Vũ Luận (cực rẻ, chỉ 22 chỉ vàng tiền vật liệu – sau bạn này phụ trách FPT Cargo). Cùng một ô đất với anh là con gái ông Đồng Sỹ Nguyên. Nhớ lại khoảng năm 1980 sau đợt ông Phạm Văn Đồng đến thăm Đồi Thông đã chỉ đạo ông Đồng Sỹ Nguyên tìm cách xây cho Phòng Kỹ thuật tính toán một trụ sở mới ở Nghĩa Đô. Vì có sự nhầm tên với viện Toán hay sao đó – thế nên viện Toán năm 1982 được hưởng lộc, nhưng có cho Phòng Kỹ thuật tính toán sử dụng cả một nửa tầng 1 cho đến khi viện Tin học có trụ sở riêng mới chuyển đi.

Anh đi khỏi FPT lúc cuối 91, khi FPT đã khá vững mạnh, được làm đại lý Olivetti. Bình đến nhà thuyết phục anh ở lại, mất cả một tối mà không thỏa thuận được. Lý do đi còn có thêm mấy thứ: anh C được mời hợp tác với Ban cơ yếu TƯ (ông Phê đã từ CY QĐ lên phụ trách CY TƯ), anh Khang cuối cùng cũng chịu nhả cho anh C về Nacentech sau khi trì hoãn mãi việc lập Hội đồng KH chấm luận án TS (làm anh C cũng căng thẳng đầu óc), bây giờ anh C sắp có trung tâm riêng rồi, Bình sẽ khá ái ngại uy tín anh C với các sếp. Anh C đi trong hòa bình, không có cổ phần FPT, thay anh là Bùi Quang Ngọc, mặc dù “giang hồ” cứ nghĩ là có mâu thuẫn nội bộ gì đây...

Nếu gọi là mâu thuẫn thì có lẽ chủ yếu do anh C đưa ra mô hình tổ chức thành "vòng khép kín" cho tập đoàn tương lai của FPT: ngoài việc buôn bán, dịch vụ và sản xuất còn cần làm nghiên cứu phát triển (R&D), giảng dạy, đào tạo và bảo hành (thực ra ISC từ lúc đầu đã làm một số khâu này rồi nhưng ko có quyền tự chủ) – anh Cự cũng thấy đường hướng này lâu rồi. Nhưng Bình không đồng ý áp dụng (FPT mãi sau mới hiểu ra giảng dạy có tương lai và lập Aptech, Đại học FPT...). Bình bắt ISC dùng tài khoản, con dấu của FPT – rồi chiếm bộ phận tin học của anh C bằng cách đưa một nhóm chuyển về trụ sở mới của FPT ở Lý Thường Kiệt (kinh doanh). Nhóm còn lại của ISC vẫn ở Giảng Võ nghiên cứu siêu máy tính với anh C.

Tin học phổ thông

Hồi đấy anh chủ biên cùng Quách Tuấn Ngọc, Hoài Phương, Bùi Hồng Liên (người của Viện NC KH Giáo dục, sau về hẳn FPT) viết quyển sách “Tin học phổ thông” và mở 1 phòng dạy tại trường Amsterdam ngay sát vách FPT (người lập và dậy chính là Phong và Phương)... Hoài Phương từ Odessa về nước, lúc đó sắp lấy con gái ông Đỗ Mười. Phương từng xin vào Viện Tin không được anh Khang nhận, vào Viện NC KH Giáo dục cũng ngồi chơi xơi nước, cuối năm 1989 đến FPT thì được Bình dùng làm marketing, tất nhiên để tận dụng quan hệ là chính. Anh C cuối thập niên 80 đã định hướng đưa tin học vào nhà trường (rất tiên phong so với thế giới đấy!), cuốn sách ra đời với lời đề tựa của anh Phạm Minh Hạc (Bộ trưởng, là người cùng làng với cụ Mười). Năm 1990, Bộ GD bị sáp nhập vào Bộ ĐH và TH chuyên nghiệp, anh Hạc xuống làm thứ trưởng thứ nhất, anh Trần Hồng Quân giữ chức Bộ trưởng, chương trình thí điểm bị loạc choạc… khi dạy thử ở trường Amsterdam không được nhiều thày cô giáo ủng hộ (ông Khải hiệu trưởng – vốn là giáo viên chuyên toán nhiều năm ở Chu Văn An - viết phản biện là dạy khó quá ngay cả đối với giáo viên, đâu biết rằng trẻ con học vi tính dễ hơn người lớn nhiều - cũng vì nhiều người chưa hiểu giá trị của ngành tin học trong tương lai). Ông Hồ Ngọc Đại và ông Hạc lại không ưa nhau (từ hồi cả hai còn là học trò bố anh C), thế là tin học ko đưa chính thức vào nhà trường được mặc dù 8000 quyển sách bán hết veo cho các trung tâm đào tạo (Phương đưa lên tàu hỏa chở vào Nam bán cho các tỉnh trong đó được đến 7000 cuốn). Phòng dạy thử ở Amsterdam do FPT đầu tư, Phương phụ trách dạy học… Sau vụ này Phương tách khỏi FPT về Zodiac cùng Trung Hà (trước đó Phương chính thức làm ở Viện Khoa học Giáo dục, nơi ông Hạc từng là thủ trưởng).

Chính thức về Nacentech

Anh C còn cảm thấy bị Bình theo dõi ngầm. Việc này trở nên rõ hơn khi anh Cự chuẩn bị thủ tục để đón anh C về thì hồ sơ đã sớm bị Bình biết, có lẽ do vợ ông Phan Diễn là chị Hồng ở bộ phận tổ chức Nacentech đã báo cho Bình qua cô con gái làm ở Văn phòng FPT... Thậm chí tổ chức khi soạn quyết định bổ nhiệm anh C làm giám đốc ISC đã "quên" cả điều khoản về bậc lương mà anh Cự và anh C đều ko để ý. Trong giai đoạn 1987-1991, ở Viện Tin học cửa đi Pháp qua anh C bị anh Khang “đánh chiếm”... dân lý thuyết đi nhiều hơn, chủ yếu để làm tiến sĩ, hợp tác kỹ thuật gần như tắt lịm. Bên Viện Nghiên cứu công nghệ Vi điện tử năm 1988 anh Chu Hảo cho làm máy Bác Tô bằng chip 8-bit của Nhật, mặc dù trước đó anh C đã tư vấn là phải làm máy tính bằng chip 32 bit của Mỹ (ví dụ. dòng Motorola MC680x0).

Năm 1984 anh Vũ Đình Cự cùng Trần Đình Anh, Chu Hảo, Đặng Xuân Cự lập ra Viện Nghiên cứu công nghệ quốc gia (tức Nacentech, cơ quan ngang bộ trực thuộc HĐBT). Năm 1990 họ giao cho anh C nghiên cứu siêu máy tính bằng tiền nhà nước, lúc đầu làm với vài người trẻ ở FPT (có lẽ Bình muốn lấy tiếng và nhân tiện mượn một phần tiền của dự án đó để làm việc khác), sau a C chuyển hẳn về Nacentech và lấy thêm người làm tiếp. Đây là một dự án "kín", Bộ KHCN&MT không quản, may mà từ đầu anh C đã chỉ nhận làm về lý thuyết và sớm được dừng ngay khi anh Cự rời lên Quốc hội làm Chủ nhiệm UB KHCN và Môi trường...

Khi ông Kiệt làm thủ tướng, ông Mười đưa Ủy ban của anh Cự ra Quốc hội tranh luận về việc khởi động rồi năm sau nghiệm thu công trình đường dây 500kV. Ông Kiệt liền sáp nhập Nacentech về Bộ KHCN&MT, không còn ngang bộ nữa. Có lẽ đó cũng là một lý do khiến đề tài siêu máy tính không có kinh phí tiếp tục. Kiến trúc siêu máy tính thời đó hướng về một mạng lưới siêu tốc nối nhiều chip ngay trong một vỏ máy (thì tốc độ mới cao và làm nguội dễ), các bộ xử lý (do Mỹ chế tao) làm việc bằng các thuật toán song song, không có gì thần bí cả... Thế nên Trung Quốc sau này mới làm được và nay còn giỏi hơn cả Mỹ, Nhật!

Năm 1991 nhóm anh C chưa nghiên cứu xong phần lý luận, thì anh Cự lôi hẳn về Nacentech, trở thành hạt nhân của Trung tâm Hệ thống Thông tin ISC, dù anh C chưa được anh Khang “nhả” ! Đến khi anh C được Bộ trưởng Đặng Hữu đưa vào Hội đồng CNTT quốc gia – tương đương anh Khang – thì vị này mới chính thức chịu để anh ra khỏi Viện Tin học !

Nhóm theo anh C sang Nacentech chủ yếu là những người trẻ và không “dính” gì đến nhà nước, quân đội, sang đó anh C mới có con dấu, tài khoản. Anh C được quân dưới trướng ông Đặng Hữu bắn lời thăm dò về việc chuẩn bị sẽ thay vị trí anh Diệu ở Hội đồng Công nghệ thông tin quốc gia, nhưng anh C không chịu “phản” sếp cũ. Anh cũng từ bỏ các tiêu chuẩn nhà, đất phân cho cán bộ của Viện Tin học trước kia và của Nacentech sau này,... tính sỹ phu Bắc Hà lại giống ông cụ Tảo năm xưa! Cái tên viết tắt tiếng Anh là ISC (Information Service Center) do anh C nghĩ ra từ thời FPT sau được dùng lại ở Nacentec với chút thay đổi (Information Systems Center). Khi Nacentech bị sáp nhập vào Bộ KHCN&MT anh Chu Hảo đổi tên “Viện Công nghệ Vi điện tử” thành “Trung tâm Công nghệ Vi điện tử và Tin học”, còn anh C không về đó mà sáp nhập cùng Viện Công nghệ Quang-Điện tử của Đặng Xuân Cự thành "Trung tâm Vật liệu Quang-Điện tử". Sau này anh Chu Hảo rời Nacentech về Bộ, để lại món nợ vay của ô Phạm Minh Hạc từ năm 1988 cho Trần Xuân Hồng thế chân mà trả dần (kỹ sư học ở CCCP, vào làm nhà máy bán dẫn Z181 trước khi về Nacentech). Chu Hảo quen anh C từ hồi còn ở Đại học Bách khoa, năm 1982 từng nhờ anh C giới thiệu với ông Chủ tịch CCSTVN khi sang làm tiến sỹ bên Pháp (mặc dù lúc đó ông Hảo đã làm PTS bên Liên Xô và VN không đòi hỏi làm TS tiếp nữa). Năm 1985 ông Hảo từng theo anh Vũ Đình Cự, làm Chánh VP Nacentech kiêm Viện trưởng Viện Công nghệ Vi điện tử và Bí thư chi bộ, sau xách vợt đi đánh tenis với cụ Kiệt rồi quay lưng với anh Cự! Chu Hảo nhờ vào các anh Vũ Quốc Hùng trên Ủy ban Kiểm tra TW Đảng để lên thứ trưởng Bộ KHCN, ... trong mắt các lãnh đạo ông Chu Hảo là “nhà tin học” – mặc dù thực chất ông là dân vật lý, chả biết gì về tin học cả! Anh C sang với Đặng Xuân Cự làm phó nhưng được quyền ký thay hầu hết mọi giấy tờ cho đến khi về hưu tại “Viện nghiên cứu ứng dụng công nghệ” trực thuộc Bộ KHCN.

“Quan lộ” của anh hóa ra không dừng ở đấy. FPT sắp tròn 30 tuổi, nhìn lại những năm đầu anh C không hề hối tiếc về quyết định ra đi của mình, mặc dù luôn luôn công nhận là cần có những người cá tính, mạnh mẽ như Bình mới lèo lái được con thuyền FPT vào thời buổi khó khăn ấy, lại có dưới trướng rất nhiều cá nhân xuất sắc. Nó là một minh chứng rất rõ cho việc một tổ chức tư nhân với những con người giỏi làm việc sẽ hiệu quả hơn hẳn bất kỳ mô hình “tập thể” nào – ví dụ các viện khoa học hay công nghệ của nước ta cũng có rất nhiều con người giỏi, được đào tạo bài bản nhưng vì “cơ chế” mà chả làm được gì hiệu quả cả! Tuy vậy cũng đáng tiếc là FPT không vươn mình để trở thành một tập đoàn hàng đầu của Việt Nam và khu vực mặc dù đã có những lúc hội đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa... Đó sẽ là một câu chuyện khác.

FB Nam Nguyen
(còn tiếp)