Phải chăng cuộc chiến chống ung thư đã thất bại?

(Kỷ niệm 40 năm phát động cuộc chiến chống ung thư)

Trong Thông điệp gửi Quốc hội Mỹ ngày 22/1/1971, Tổng thống Nixon lần đầu tiên chính thức đề xuất: “Tôi sẽ yêu cầu sự tán đồng đầu tư thêm 100 triệu USD để phát động một phong trào tích cực tìm ra cách điều trị bệnh ung thư... Nước Mỹ đã đến lúc cần tập trung cố gắng để chế ngự loại bệnh đáng sợ này, như đã từng tập trung cho việc nghiên cứu sự phân rã hạt nhân và đưa người lên Mặt Trăng.”

-  Photo: Tế bào ung thư

Tháng 12 cùng năm, Tổng thống Nixon ký Luật (chống) Ung thư quốc gia (National Cancer Act), tuyên bố thực thi kế hoạch hành động ung thư quốc gia. Nội dung chủ yếu của hành động này là mở rộng quy mô, chức trách và phạm vi của Viện Nghiên cứu ung thư quốc gia (NCI, National Cancer Institute), quyết định Giám đốc Viện này phải do Tổng thống chứ không phải Viện Nghiên cứu sức khoẻ nhà nước (NIH) bổ nhiệm, dành cho NCI địa vị tương đối độc lập. Đồng thời tăng mạnh kinh phí nghiên cứu ung thư. Hầu như chỉ sau một đêm ngân sách của NCI tăng thêm 23%, lên tới 230 triệu USD và sau đó luôn luôn tăng, ngân sách hàng năm vượt quá 5 tỷ USD.

Loài người đã có lịch sử lâu đời đấu tranh chống ung thư nhưng rất hiếm khi có chuyện một nhà nước mạnh nhất thế giới dùng hình thức lập pháp quyết định đầu tư một khoản kinh phí lớn để đẩy mạnh công tác chống ung thư — sự kiện này cho thấy việc nước Mỹ thông qua Luật chống Ung thư có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử đấu tranh chống ung thư của nhân loại.

90 tỷ USD chi cho cuộc chiến chống ung thư

Tính từ năm 1971 tới nay Viện Nghiên cứu ung thư quốc gia NCI đã sử dụng hết 90 tỷ USD cho nghiên cứu khoa học, điều trị và phòng ngừa ung thư. Công việc này đã có kết quả ra sao?

Nếu bình tâm xem xét ta sẽ thấy từ thập niên 90 trở đi tỷ lệ mắc ung thư và tỷ lệ người chết vì bệnh này ở Mỹ đều dần dần giảm xuống, tỷ lệ chết vì 7 loại ung thư chủ yếu có giảm đáng kể, nhưng nhìn chung cuộc chiến chống ung thư chưa giành được thắng lợi dự kiến. Nghiên cứu càng nhiều, càng sâu thì lại phát hiện càng lắm vấn đề mới, cộng thêm quá trình đưa kết quả nghiên cứu vào ứng dụng lâm sàng đòi hỏi một thời gian khá dài. Tình hình đó đã làm nổ ra cuộc tranh cãi suốt bao năm qua tại nước Mỹ về vấn đề được mất trong cuộc chiến chống ung thư.

Năm 1986 một nhà thống kê sinh vật đưa ra nhận định: trong 15 năm qua, tỷ lệ phát sinh ung thư và tỷ lệ người chết vì ung thư về cơ bản không có gì thay đổi, nước Mỹ đang thất bại trong cuộc chiến với ung thư. Ý kiến này đã gây ra một cuộc tranh luận kéo dài.

Năm 2003, do chịu ảnh hưởng từ sự lạc quan sau khi hoàn thành dự án nhóm gien loài người, Giám đốc NCI Andrew C. von Eschenbach đặt ra mục tiêu hy vọng năm 2015 sẽ chấm dứt được nỗi đau khổ và cái chết do ung thư đem lại. Mục tiêu này gây ra tranh cãi càng lớn hơn. Lý do là kế hoạch chống ung thư tuy đã cứu được tính mạng của nhiều bệnh nhân song tình hình chống một số dạng ung thư như ung thư tuyến tụy, ung thư não, ung thư gan vẫn chưa có gì cải thiện.

Tháng 8/2009, Thượng nghị sĩ Edward Kennedy chết bởi một dạng ung thư não khó chữa. Sự việc này một lần nữa kích thích nước Mỹ và cộng đồng quốc tế quan tâm hơn tới mối đe doạ lớn của ung thư ác tính đối với tính mạng loài người.

Hiện nay riêng nước Mỹ hàng năm có thêm khoảng 1,5 triệu người mắc bệnh ung thư, khoảng nửa triệu người chết vì bệnh này; hầu như một phần tư loài người cuối cùng đều chết vì ung thư. Thống kê mới nhất của Thượng Hải, thành phố lớn nhất Trung Quốc cho thấy trong mỗi 100 người Thượng Hải thì có 1 người bị ung thư; nhìn chung tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ chết vì ung thư ở đây đã đạt mức trung bình quốc tế.

Có lẽ là do chịu ảnh hưởng bởi tình hình tỷ lệ phát bệnh và tỷ lệ chết vì ung thư hiện nay vẫn còn ở mức cao nên trong lần kỷ niệm 40 năm thực thi kế hoạch hành động chống ung thư nhà nước Mỹ này, các thông tin đưa ra đều ít thấy có những từ ngữ lạc quan, chúc mừng, thành công; nhiều lắm là lạc quan một cách thận trọng, phần lớn là nói về các vấn đề tồn tại, khuyết điểm.

Phòng ngừa và điều trị ung thư là một thách thức lớn đối với các nhà khoa học. Xã luận trên tạp chí Science viết: Những vấn đề 40 năm trước làm đau đầu các nhà nghiên cứu, như “sự biến dị của tạp sắc thể có phải bắt nguồn từ tế bào ung thư hay không”, “tế bào ung thư có phải là kẻ ngoại xâm cần phải trừ diệt hay không”, “virut có vai trò gì trong bệnh ung thư” v.v... ; trong đó, ngoại trừ mối quan hệ giữa virut với ung thư đã được tương đối làm rõ ra, những vấn đề còn lại vẫn còn đang gây khó khăn cho các nhà nghiên cứu ung thư. Bài xã luận cho rằng giới nghiên cứu ung thư hiện nay cần tìm kiếm lời giải rõ ràng hơn từ góc độ sinh vật học cho các vấn đề trên, và đây có thể là thách thức lớn nhất trong lĩnh vực nghiên cứu ung thư thời gian tới.

Vì sao khó chế ngự được ung thư

Tại sao việc điều trị ung thư phức tạp như vậy? Tổng biên tập tạp chí Science, nhà sinh học Bruce Alberts giải thích: phần lớn các ca ung thư khi được phát hiện thì khối u đã phát triển tới mức có hơn 1 tỷ tế bào ung thư. Trong suốt quá trình đó, những tế bào ác tính ấy sẽ giả trang thay đổi bằng nhiều phương thức, tìm cách thoát khỏi sự kiểm soát của hệ thống kiểm soát sự sinh trưởng của cơ thể (hệ thống này làm cho khoảng 800 nghìn tế bào trong cơ thể người ở vào trạng thái được kiểm soát), phá hoại cơ chế tự sát của tế bào ...

Tế bào ung thư sẽ không ngừng thay đổi, khả năng biến dị và khả năng biến đổi gien của nó mạnh tới mức làm cho bất cứ liệu pháp riêng lẻ nào cũng hầu như không có thể một lần diệt sạch được chúng; cho dù chỉ có một số ít tế bào ung thư sống sót được là chúng không ngừng sinh sôi nẩy nở và cuối cùng phát triển tới mức có thể một lần nữa gây hại. Đây cũng là nguyên nhân làm cho các liệu pháp tân tiến hiệu quả mạnh bị thất bại. Alberts kiến nghị: để diệt tế bào ung thư một cách hữu hiệu, nên đồng thời dùng ít nhất hai loại thuốc tấn công tế bào ung thư bằng những con đường khác nhau, vì khối u rất khó đối phó được với hai (hoặc hơn hai) loại thuốc. Ngoài ra, còn một nhiệm vụ khó khăn và bức thiết là phải tìm ra một xê ri dược phẩm vừa có thể diệt trừ các tế bào ung thư lại vừa không gây tổn thương cho các tế bào bình thường khác.

Định nghĩa lại việc nghiên cứu ung thư

Trước tình hình nghiên cứu đã lâu mà vẫn chưa thắng được ung thư, trong lĩnh vực nghiên cứu ung thư gần đây xuất hiện quan điểm chung sống với ung thư, tồn tại khi trên người có khối u. Một số nhà nghiên cứu đề xuất cần định nghĩa lại việc nghiên cứu ung thư, cần xuất phát từ bản chất sinh vật học để đi sâu tìm hiểu cơ lý của u bướu.

Thí dụ năm 2009 Bruce Alberts đề xuất ý kiến ung thư là một thứ bệnh thuộc về sinh vật học tế bào. Cơ thể con người là tập hợp của khoảng 80 nghìn tỷ tế bào; sự di chuyển và sự sinh sôi nẩy nở của bất cứ tế bào nào một khi đã mất kiểm soát thì có thể gây ra ung thư. Chức năng của cơ thể người được phát huy bình thường là do mỗi một tế bào đều tiếp nhận tín hiệu phát từ tế bào ở gần nó, cho nó biết nên hành động ra sao. Trong hầu hết các trường hợp, những tín hiệu đó đều ra lệnh cho tế bào nên ở vào trạng thái ngủ nghỉ mà không cần phân rã; nhưng có trường hợp, thí dụ khi cơ thể bị tổn thương, thì tín hiệu sẽ ra lệnh cho tế bào sinh sôi nẩy nở và phân rã, nhằm sinh ra những tế bào mới cần thiết cho sự phục hồi tổn thương. Mỗi một tế bào đều biết đích xác nó phải làm gì, bởi lẽ trong DNA của mỗi tế bào đều có trình tự đặc biệt dựa vào mệnh lệnh. Nhưng cùng với sự già hoá của con người, các sai sót nhỏ của lệnh phát từ DNA sẽ tích lũy tăng dần lên. Khi lượng các sai sót lệnh lên tới mức đủ lớn — thí dụ lên tới 10-20%, vượt xa khả năng tự sửa sai của cơ thể người, thì mới sinh ra ung thư. Ngoài ra, các khiếm khuyết khi sửa chữa dãy DNA cũng có thể dẫn đến việc các tế bào
bình thường chuyển hoá thành tế bào ung thư, xác suất đột biến của nó cao hàng trăm lần so với tế bào bình thường. Khiếm khuyết này chủ yếu sẽ khêu gợi sự tăng sinh tế bào ung thư vào thời kỳ đầu; xác suất tai nạn cao là yếu tố làm cho các tế bào đó thoát ra khỏi sự giám sát của hệ thống tự động sửa sai đa chức năng của cơ thể.

Trong tế bào con người có ít nhất 150 loại albumin khác nhau giúp cho việc hoàn thành sửa chữa DNA, qua đó hình thành nhiều kênh sửa chữa khác nhau nhưng lại chồng lấn nhau. Các nhà di truyền học và sinh học phân tử cần khám phá xem mỗi một kênh này sau khi xảy ra thay đổi sẽ đem lại cái gì, chẳng những là tế bào cơ thể người mà còn kể cả các loại sinh vật mẫu (model organism) như vi khuẩn, nấm men, giun sán, ruồi quả (fruit bat), cá và chuột. Các nhà hoá học và sinh hoá cần sàng lọc chọn lấy chất ức chế có thể dùng để chế tạo dược phẩm; các chuyên gia công nghệ nhóm gien và nhóm albumin cần nghiên cứu thiết kế những phương pháp kiểm nghiệm giá rẻ để kiểm nghiệm những khiếm khuyết đặc biệt dẫn đến tỷ lệ đột biến cao. Như vậy có thể dùng thuốc ức chế và thuốc bịt kín kênh khiếm khuyết để giết tế bào ung thư. Nhưng các cơ quan tài trợ nghiên cứu ung thư hiện nay đều chưa coi trọng vấn đề này.

Watson, người đề xuất mô hình chuỗi xoắn kép DNA (DNA Double Helix Model) cho rằng, cùng với nhận thức sâu sắc hơn về cơ lý phân tử gây ra bệnh tật, hiện nay là lúc nên phát động một cuộc chiến chống ung thư có ý nghĩa thật sự.

Bruce Alberts đồng ý với ý kiến đó nhưng cho rằng một kế hoạch như thế sẽ đòi hỏi mở rộng phạm vi tài trợ cho nghiên cứu ung thư. Viện Nghiên cứu ung thư quốc gia NCI nên mở rộng tầm mắt nghiên cứu ung thư, cần hiểu được rằng phần lớn những phát hiện có ý nghĩa sâu xa hơn đối với việc điều trị ung thư thì đến từ các nghiên cứu cơ sở ở những sinh vật mẫu chứ không phải là từ các nghiên cứu u bướu rất phức tạp ở cơ thể người. Trên mặt điều trị u bướu, y học chuyển hoá
cần được coi trọng hơn.

Ung thư không phải là sát thủ, di căn ung thư mới là sát thủ

Theo thống kê, 90% các trường hợp bệnh nhân ung thư chết là do di căn. Phẫu thuật, điều trị bằng hoá chất và phóng xạ đều không thể tránh được sự di căn. Các phương pháp khác như dùng chất ức chế sinh ra bởi mạch máu, điều trị bằng bia phân tử, tuy trong thời gian ngắn có thể ức chế sự sinh trưở ng của khối u nhưng cũng xúc tiến sự di căn, không chắc đã kéo dài được cuộc sống của bệnh nhân.

“Thà khống chế khối u còn hơn là tiêu diệt nó” hiện nay đã trở thành chuyển biến lớn về sách lược đấu tranh với ung thư. Các thầy thuốc cần tìm cách hạn chế tế bào ung thư trong một phạm vi nhất định, không cho nó phát triển và lan rộng.

Hồ Anh Hải (theo các mạng nước ngoài)