Phạm Ngọc Dũng muốn chia sẻ đam mê cổ vật

Khán giả xem truyền hình đã quen mặt "ông bố khó tính", giới chơi đồ cổ Hà Nội hay gọi anh là Dũng "Râu", còn giới trong nghề biết tiếng nhà sưu tầm cổ vật Phạm Ngọc Dũng với nhiều lần hiến tặng cổ vật cho các bảo tàng. Mới đây, anh vừa đem hơn 400 món đồ cổ quý hiếm trao tặng Nhà nước.

Tơ duyên cùng gốm cổ

Giới sưu tầm đồ cổ tại Hà Nội không lạ gì người đàn ông có khuôn mặt dữ tướng với bộ râu quai nón rậm rì này. Ông thân sinh ra Dũng - một thương gia lớn thời Pháp thuộc - vốn cũng là một người ham sưu tầm đồ cổ. Niềm say mê ấy "ngấm" dần vào những người trong gia đình, trong đó có Dũng.

Nhưng khác với bố, Dũng chỉ mê gốm chứ không bị "hớp hồn" bởi các loại đồ sứ cổ hay đồ đồng. Anh giải thích: "Cả về xuất xứ cũng như nghệ thuật, những dòng đồ cổ ấy không thể đại diện cho dân tộc Việt. Đồ sứ và đồ đồng cổ chủ yếu là của Trung Hoa. Cái bề ngoài hào nhoáng, bóng bẩy của nó vốn xa lạ với ngôn ngữ tạo hình của dân mình. Chỉ có gốm là... nhất".

Mê gốm cổ từ nhỏ nhưng phải tới năm 1972, Dũng mới tìm được động lực thật sự để trở thành một nhà sưu tập như bây giờ. Khi ấy, máy bay Mỹ ném bom miền bắc, bộ sưu tập đồ cổ của gia đình bị tan tác gần hết. Hòa bình lập lại, Dũng ấp ủ ước mơ: khôi phục lại một bộ sưu tập đồ sộ như của cha mình.

Năm 1983, Dũng có việc xuống Xuân Mai (Hòa Bình). Anh tình cờ vào ngồi ở một quán nước ven đường. Đang uống nước, Dũng giật mình phát hiện ra mấy chiếc bát gốm cổ đang được chủ quán dùng để... kê chân bàn. Anh gạ chủ quán bán lại. Ông chủ quán trố mắt nhìn Dũng rồi lại nhìn mấy cái bát mẻ bẩn thỉu. Biết chắc là anh không đùa. Ông bảo: "Ở nhà vẫn còn mấy cái nữa" rồi chạy về lấy ra bán nốt. Chỉ với 9 đồng bạc, Dũng đã có trong tay bộ bát cổ vẽ hoa dây thời Lý để bắt đầu cho kho sưu tập của mình.

Thú chơi không dành cho trọc phú

Để kiếm sống và có tiền mua đồ cổ, Dũng "Râu" đã trải qua nhiều nghề: Mở lò dạy võ, viết kịch, đóng phim, làm đạo diễn (anh tốt nghiệp ĐH Sân khấu Điện ảnh cùng khóa với Hoàng Dũng, Trần Lực, Minh Vượng...). Bao nhiêu tiền kiếm được Dũng dốc túi ném vào gốm cổ.

Khi anh bắt đầu sưu tầm, gốm cổ còn quá rẻ và chưa là mặt hàng thời thượng. Theo thời gian, căn nhà nhỏ trên phố Đặng Dung của anh mỗi ngày một chật hơn bởi hàng trăm món đồ gốm cổ, đủ cả thạp, chậu, chum, tượng vò, bình...

Bây giờ, Dũng đang sở hữu trong tay khoảng 1800 món đồ cổ nước ngoài, một chiếc bát cúc hoa dây chân cao thời Lý lành lặn được rao bán với giá khoảng 500 USD. Còn tại Việt Nam, vẫn chưa có thị trường riêng cho gốm cổ nên cũng khó định giá kho sưu tập của Dũng. Anh không quan tâm đến điều đó. Anh bảo, chỉ có những tay trọc phú mới dốc tiền mua những món đồ cổ thật đắt về nhà mà không hiểu rõ xuất xứ, lai lịch của nó. Rồi anh lấy thí dụ về những trọc phú đua đòi chơi đồ cổ. Lần gần đây, một quý bà tìm đến gặp anh. Bà nằng nặc đòi mua chiếc thạp gốm men nâu hoa trắng có chạm hình người. Câu chuyện đưa đẩy, anh mới biết đó là phu nhân giám đốc một công ty máy tính lớn. Bà hãnh diện khoe: mua chiếc thạp này về để tặng anh trai nhân ngày sinh nhật. Còn thực ra, bà vừa mua một chai rượu cô-nhắc giá 50 nghìn USD để bày trong nhà rồi. Nghe tới đó, Dũng mỉm cười và từ chối lời đề nghị của bà. Chiếc thạp đó, về sau anh nhượng lại cho một nhà sưu tập của TP HCM với giá hữu nghị...

Tôi muốn chia sẻ niềm đam mê!

Tính đến giờ, đã bốn lần Dũng tặng đồ cổ cho Nhà nước: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam 76 cổ vật, Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật TP HCM 150 cổ vật, Viện Văn hóa dân gian 43 cổ vật, Bảo tàng Dân tộc học 150 cổ vật. Đó đều là những bình, chum, âu, ang, bát đĩa... bằng gốm thời Lý, Trần, Lê, có giá trị khá cao về nghệ thuật tạo hình cũng như kỹ thuật nung men gốm.

Quanh việc Dũng "Râu" tặng đồ cổ cho Nhà nước, cũng có lắm người xì xào. Có người bảo: nhà anh nhỏ không chứa hết, phải cho đi để đỡ chật nhà. Có kẻ nói: chơi đồ cổ gắn với chuyện tâm linh, phải làm "công đức" mới không gặp họa. Còn Dũng chỉ cười, anh bảo: "Các chuyên gia nước ngoài từng tặng chúng ta rất nhiều cổ vật VN còn lưu lạc nơi xứ người. Thậm chí, họ còn xắn tay giúp chúng ta bảo tồn di sản văn hóa Việt. Vậy tại sao một người sưu tầm bình thường như tôi lại không thể làm điều ấy? Giữ được những cổ vật của lịch sử là giữ được một phần quá khứ, không để những giá trị văn hóa cũ trôi mất theo thời gian. Mà tôi thì muốn mọi người đều có thể chia sẻ nỗi đam mê với mình".

(Theo Nông Thôn Ngày Nay)