Phan Cẩm Thượng và cuốn sách mới "Nghệ thuật ngày thường"

Chiều 28-5-2008, tại Trung tâm nghệ thuật Việt (42 Yết Kiêu – Hà Nội) diễn ra buổi giới thiệu sách mới có tên "Nghệ thuật ngày thường" của nhà nghiên cứu nghệ thuật Phan Cẩm Thượng. Gần 600 trang sách, 105 bài viết trong tám năm được chọn lọc theo bốn chủ đề: Suy nghĩ về nghệ thuật; Nghệ thuật ngày thường; Tản văn nhàn đàm; Nông thôn và kiến trúc.

Hồi tôi là sinh viên, những giờ về môn Lịch sử Mỹ thuật Việt Nam được học thầy Phan Cẩm Thượng. Thầy thường không mang giáo án (bởi môn này đã được ông soạn sách, và giảng hàng chục năm) mà chỉ cầm một số sách minh họa. Cũng bởi không có giáo án nên thỉnh thoảng ông quên béng thứ tự, giảng lại bài đã giảng lần trước. Lần đầu phát hiện ra điều đó, tôi buông bút kinh ngạc vì cả lớp xung quanh cứ cắm cúi chép như máy...

Nhưng thầy nói khá hay, ví dụ thêm mới miên man, cho nên tôi lại ghi. Về giở ra so với bài trước, thì thấy thêm rất nhiều điều mới, khác thật. Từ đó, tôi (vốn là người hay trốn học bởi nhiều lý do) rất tiếc nếu "trốn nhầm" dính phải buổi thầy dạy. Tốt nghiệp rồi, mà gần một năm liền tôi vẫn vào trường để nghe thầy giảng lại bài năm cuối với lớp sau.

Sau này, khi thầy trò thân thiết, tôi kể lại chuyện đó, và nói rằng tôi rất phục bởi nhiều ví dụ hay nhận định của thầy liên tưởng trái khoáy rất buồn cười, từ những thứ tưởng như rất xa nhau được "lôi" về gần với nghệ thuật, để làm cho bài học nghệ thuật trở nên giản dị dễ ngấm.

Thầy cười bảo: "Chính mình cũng phải phục mình vì trên bục giảng lại tự nhiên có những ý hay như thế". Trầm ngâm một lát rồi ông nói: "Cũng phải gần đây mình mới "xâu" được những thứ rất xa, rất khác đó lại với nhau".

Chuyện đó vào khoảng năm 2000 – 2001. Nhưng tận tới hai năm sau khi ông đã soạn xong cuốn "Chùa Dâu và nghệ thuật Tứ pháp", dời chùa quay về Hà Nội sống, thì ông mới viết báo nhiều thêm, ngoài những tiểu luận ngắn và bài viết về nghệ thuật.

Những bài "đoản thiên tùy bút" của ông ra đời từ đó. Và cuối cùng là loạt bài Nông thôn và Kiến trúc, ông ghi chép lại những thay đổi nhỏ nhất trong diễn biến hiện tại và quá khứ của "cái nôi văn minh Việt" từ những chuyến đi điền dã trước đây, cộng với thời gian gần đây nhất ông "ba cùng thực địa" ăn dầm nằm dề năm sáu năm ở chùa Bút Tháp, làng Đình Tổ (Bắc Ninh) một vùng quê văn hiến vào bậc nhất ở miền Bắc

Sinh đầu năm 1956, tuổi Thân, Phan Cẩm Thượng sinh ra trong một gia đình trí thức trung lưu quê gốc ở Hải Dương định cư ở Hà Nội. Cụ thân sinh của ông rất cầu kỳ chọn lựa trong cách đặt tên khác thường cho các con.

Ông lớn lên ở phố Lý Quốc Sư, chứng kiến sâu sắc những xáo động của đất nước, và gia đình, và con phố mình ở. Điều này, như tâm hồn những người cùng tuổi ông, hằn mãi những vết nhăn của một thời quá nhiều bi hài kịch. Thưở nhỏ, ông đã am tường nhiều "nghề chơi" và từ đó nảy sinh tâm trạng hiếu cổ: viết chữ Hán, vẽ vời, bóng bàn, cờ tướng, bóng đá, sách vở...

Lớn lên, đi bộ đội, ra quân, định thi vào Tổng hợp Văn, nhưng vì lý do nào đó lại thôi. Ông thi vào khoa Lý luận Mỹ thuật của trường Mỹ thuật Hà Nội. Đúng vào lúc nhà phê bình trẻ Nguyễn Quân đang hào hứng giảng dạy tại khoa đó. Cuộc gặp gỡ giữa ông và bậc thầy Nguyễn Quân là một nhân duyên kỳ ngộ xác định sự nghiệp nghiên cứu phê bình mỹ thuật của ông suốt đời.

Suốt đời gắn với một nghiệp, nhưng những "nghề chơi" từ nhỏ, ông vẫn duy trì để tiêu dao, qua đó một phần để tiêu khiển, phần khác để hiểu con người, kết bạn với kẻ sĩ nhiều dạng vẻ. Ông còn là một thư pháp gia trung niên có hạng; một kỳ thủ đáng gờm; một tay bóng bàn có thể làm bất cứ cao thủ làng nào cũng phải e ngại, và một bình luận viên sắc sảo kiêm hậu vệ bóng đá vô cùng nhiệt tình...

Đa"nghề chơi" tài tình như vậy, nên tâm tư của người viết cũng đa sự: Thân phận con người nổi trôi làm ví dụ khi tang thương khi tức cười cho định mệnh. Cái hố giầu nghèo doãng ra và sự suy đồi nhân cách. Sự nguy hiểm của lý tưởng vật chất đang ngày càng chóan chỗ trong tâm hồn. Con người ngày càng sản xuất ra vật chất nhiều hơn, cũng có nghĩa là làm nô lệ cho vật chất thậm tệ hơn. Sự kỳ quặc đến khó hiểu của những cơ chế xã hội làm cho con người lẫn lộn giá trị, cũng như làm tàn hại thiên nhiên, phá vỡ những quy luật tạo hóa đến chóng mặt. Những giá trị tinh hoa văn hóa truyền thống bị mai một nhanh khủng khiếp. Vấn đề truyền thống trong hội nhập. Sự ô nhiễm môi sinh toàn diện ngày càng trầm trọng... Đó là một vài chủ đề có thể thấy qua trong tản văn của Phan Cẩm Thượng, mà ở chủ đề nào cũng có ví dụ ấn tượng, cũng như kiến giải vừa hóm hỉnh, vừa minh triết hướng thượng.

Hà Nội, cũng như nhiều vùng đất khác, thời nào cũng có những chứng nhân riêng của nó, một phần ghi chép lại những "thương hải tang điền" của đất đế đô ngàn năm. Phần khác tô điểm thêm giá trị mới.

Ở thể tùy bút, thời phong kiến trung đại có Phạm Đình Hổ. Trước năm 1945 có Thạch Lam, Nguyễn Tuân. Sau đó là Tô Hoài. Những tùy bút về Hà Nội ấy bây giờ được đóng góp thêm một nét khác bằng những bài viết của nhà nghệ thuật tạo hình Phan Cẩm Thượng. "Hồ Gươm ngày và đêm" là một bài viết tích hợp sự quan sát mấy chục năm của ông về cái "rốn" quan trọng của thủ đô này. Và phố xá con người Hà Nội giăng ngang mắc cửi cũng mắc vào chuyện kể khác của ông như thế... Người đọc có lẽ còn ngạc nhiên thêm với những bài viết về đời sống nông thôn mọi vẻ của ông. Với thành phố, thì ông là người phố, với đồng ruộng, thì ông lại trở thành "người làng". Có lẽ ông có thiên tư là một nhà xã hội học – dân tộc học một cách bẩm sinh.

Văn của Phan Cẩm Thượng là một ví dụ "lạ hóa" thú vị về việc dùng lối văn cổ "biền ngẫu song đối" để kể chuyện mới. Câu có hai vế, hai mệnh đề. Hai câu đắp đổi, họa ứng cho nhau. Văn cổ mà lại dùng để kể về những chuyện có vẻ nôm na theo kiểu "bạch thoại" (viết như lời nói) nên từng câu đọc lên rất khoái tai. Cách nhập đề trực tiếp mà các cụ xưa gọi là "khai môn kiến sơn" (mở cửa ra đã thấy núi). Đọc nhẩn nha không mệt. Và người đọc được va chạm những kinh nghiệm cá nhân với kinh nghiệm của một nhà nghiên cứu thông kim bác cổ, am tường triết học, xã hội học, lịch sử, tạo hình, kinh tế và đời sống thông tục.

Những liên tưởng tréo ngoe tài tình, hoặc hài hước để đi vào bản chất vấn đề. Sách đọc từ đâu cũng được, giở trang nào cũng sẽ gặp ngay một chuyện kể độc đáo và nhận ra được một điều gì đó có tính chất kinh nghiệm để biết đâu có thể dùng vào một lúc "sống còn" nào đó ở cái đất này. Cái "văn bản nhỏ óng ánh này" (Tôi dùng câu đánh giá cho cuốn "Bảy tri thức giáo dục tất yếu của nhân loại" của Edgar Morin) thật là lâu lâu mới có, đáng để lùng đọc, trên biển thông tin sách báo nhan nhản bây giờ, tinh hoa thì ít mà nhảm nhí ẩu tả thì nhiều.

Nếu đọc hết cuốn sách, thấy có một câu cách ngôn phương Tây được tác giả nhắc lại rất nhiều lần: "Viết một cuốn sách là giết chết một cái cây". Theo tôi tạm hiểu, nghĩa đen, thì in sách phải lấy giấy từ gỗ, thế là cây bị đốn. Nghĩa bóng có lẽ là muốn in sách tức là tổng kết cái hiểu, cảm và muốn "truyền bá" cái sự "chiếm lĩnh" đó về tự nhiên hay về con người. Sách càng hay, càng ám ảnh bao nhiêu, nghĩa là cái gì tự nhiên thiên lương sẽ càng bị "nắm", bị hao tổn, bị phá vỡ bấy nhiêu... Trong bài viết về nạn "Túi nylon", câu kết là: "Rác của trí thức cũng lâu bền và khó tẩy rửa như túi nylon... Cho nên thải ra cái gì cũng phải đắn đo lắm"

Họa sĩ năm nay mới sắp bước sang tuổi 53, nhưng ông may mắn (và khổ sở) vì đã được sống nhiều cuộc đời trong một con người. Ở các tòa soạn lớn, có một từ hay được dùng cho các chuyên gia vạch chiến lược bài vở định hướng dư luận là các "tỉnh táo viên".

Tôi nghĩ, qua tác phẩm "Nghệ thuật ngày thường" này, tác giả hiển hiện rõ mình là một trong những "tỉnh táo viên" của nền văn hóa đương đại. Có lẽ thế cho nên ông hay buồn. Và hơi thở bao trùm từ trang đầu đến trang cuối là khái cảm "biển xanh ruộng dâu", thời gian và mệnh người vẫn như... bóng câu qua cửa sổ, như ngàn năm trước!

VŨ LÂM (NDĐT)


Phan Cẩm Thượng là soạn giả chính của nhiều công trình nghiên cứu nghệ thuật tạo hình uy tín như: Mỹ thuật của người Việt (viết chung với Nguyễn Quân); Điêu khắc cổ Việt Nam; Họa sĩ trẻ Việt Nam (viết chung với Lương Xuân Đoàn); Đồ họa cổ Việt Nam (viết chung với Cung Khắc Lược – Lê Quốc Việt); Chùa Bút Tháp; Chùa Dâu và nghệ thuật Tứ pháp...

Cuốn tạp văn và tiểu luận "Nghệ thuật ngày thường" là một tác phẩm khác hẳn những sách vừa kể. Đó là sự trộn lẫn giữa văn nghiên cứu sâu và tản bút, phạm vi quan sát đa cực mà tinh tế quanh cái "lõi" nghệ thuật tạo hình, cộng với sự kinh lịch của một đời sống nhiều thăng trầm phong phú đã tạo nên một văn phong được nhận định là "thỉnh thoảng không còn là cái thuyền chở đạo mà chính là hình dạng của đạo" và "để đọc thì cực kỳ lý thú"!