Phần ba: Nhận thức của loài người trong xã hội nguyên thủy

(Xem Phần bốn: Ý nghĩa của khái niệm thần trong xã hội chiếm hữu nô lệ)

Trong hai bài trước, ta mới nói đến tiền sử tư tưởng. Phần đó là cần thiết vì tư tưởng xây dựng trên cơ sở cảm tính. Có nắm được cơ sở cảm tính của tư tưởng mới nắm được giá trị thực tế của tư tưởng. Sở dĩ tư tưởng phản ánh thế giới vật chất và ảnh hưởng tới nó, là vì cản bản tư tưởng xuất phát từ thế giới vật chất qua cảm tính. Cảm tính là sự phản ánh trực tiếp quan hệ giữa cơ thể và thế giới vật chất dẫn đến ý thức nhận xét, ý thức hiểu biết, sau này đến nhận thức lý tính, ý thức phản ánh ngoại giới một cách gián tiếp chứ không phải trực tiếp. Trên cơ sở phản ánh gián tiếp (tất nhiên cũng còn nhiều lý do khác) đã xuất hiện nhiều lý thuyết mơ hồ, đặt tư tưởng là một cái gì ngoài thực tế, đối lập với thực tế. Chính đây là vấn đề căn bản của triết học.

I - NHẬP ĐỀ LỊCH SỬ TƯ TƯỞNG NGUYÊN THỦY

Vấn đề căn bản của triết học xuất phát từ tình trạng của tư tưởng - đến giai đoạn thành hình của nó - hình như là tách rời thực tế. Nếu tư tưởng tách rời thực tế thì làm sao có chân lý, làm sao tư tưởng có hiệu lực. Vị trí của tư tưởng hình như là tách rời thực tế đã gây ra vấn đề căn bản của triết học: làm sao có được một tư tưởng phản ánh một thế giới khách quan, ảnh hưởng đến thế giới khách quan? Ta biết rằng do chỗ quan hệ giữa tư tưởng và thế giới khách quan đã thành vấn đề, thì có một xu hướng đặt tư tưởng là một cái gì thống trị thế giới khách quan. Câu hỏi là tại sao từ vật chất lại xuất hiện được một tư tưởng có giá trị? Nhà triết học duy tâm lại quay ngược câu hỏi ấy và cho rằng: chính tư tưởng là thực tế, là chân lý; tư tưởng tạo ra thế giới khách quan - cho nên không lấy gì làm lạ mà tư tưởng có hiệu lực và ảnh hưởng đối với thế giới khách quan. Đặt vấn đề như thế là lộn ngược, vì ta biết rằng tư tưởng không phải tạo ra thế giới khách quan. Nếu lấy tư tưởng trong lịch sử loài người thì rõ ràng các hình thái ý thức kế tiếp nhau từ trình độ thấp lên trình độ cao, mà trình độ thấp nhất là cảm tính, rõ ràng nó không thể nào tạo ra được cái thế giới khách quan. Ý thức động vật không thể tạo ra thực tế, mà rõ ràng xuất phát từ quan hệ sinh sống thực tế. Vậy giải pháp duy tâm đối lập với thực tế lịch sử.

(Nhưng không phải vì thế mà đã hết vấn đề. Nếu công nhận tư tưởng xuất phát từ thực tế, thì phải giải thích tại sao, do quá trình nào mà tư tưởng phản ánh đúng thực tế và ảnh hưởng tới thực tế?

Chúng ta đã thấy ở trạng thái cảm tính đã có sự tương ứng giữa ý thức và ngoại cảnh: ý thức phản ánh quan hệ giữa cơ thể và ngoại cảnh. Nhưng làm sao lên được đến trình độ tư tưởng, bao quát được toàn bộ thế giới khách quan, cho đến những ngôi sao xa nhất, những phần tử nhỏ nhất (nguyên tử, phân tử, những chuyển động của nguyên tử...). Tại sao từ một bộ phận rất nhỏ là bộ óc loài người lại xuất hiện được những tư tưởng rất lớn lao bao quát được toàn thể thực tế khách quan. Đấy là vấn đề. Vì tư tưởng bao quát cả một lịch sử mênh mông (mênh mông trong không gian và trong thời gian) và còn dự kiến với một tương lai cũng mênh mông. Tại sao lại có hiện tượng như thế?

Vấn đề này trong phạm vi quan điểm duy vật là vấn đề trước kia triết học cũ đặt dưới danh nghĩa: lý tính và cảm tính. Vì triết học trước kia cũng biết là tư tưởng không thể nào tách rời hoàn toàn vật chất được, mà đặc biệt nhận thấy một bộ phận trực tiếp phản ánh vật chất là cảm tính, nhưng đồng thời lại đặt một bộ phận hình như siêu việt bao gồm thế giới khách quan là bộ phận lý tính.

Triết học cũ đặt vấn đề: làm sao trong ý thức tư tưởng lại có hai phần khăng khít với nhau: một phần liên quan chặt chẽ với thế giới khách quan, và một phần khác bao quát mênh mông là tư tưởng lý tính. Cái gì đi trước? Tư tưởng hay cảm tính? Nếu cảm tính đi trước, ta sẽ hiểu vì sao tư tưởng có quan hệ với thực tế khách quan (lý do: cảm tính liên quan chặt chẽ với thế giới khách quan), nhưng không hiểu tại sao lý tính bao gồm được quan hệ mênh mông của thế giới khách quan? Nếu đặt lý tính đi trước thì hiểu tại sao có khoa học, tại sao lại có những tư tưởng nắm được những quan hệ phổ cập, nhưng lại không hiểu được vì sao những quan hệ phổ cập trong phạm vi siêu hình lại thực hiện được trong thế giới khách quan? Do đó vấn đề giữa cảm tính và lý tính không giải quyết được.

Phe kinh nghiệm chủ nghĩa nhấn mạnh vào tính chất thực tế của tư tưởng nên không giải quyết được vấn đề giá trị phổ cập của lý tính. Phe lý tính nhấn mạnh vào chân lý phổ cập nhưng không giải thích được tính chất ứng dụng thực tế của nó. Cũng có một số triết gia cũng tìm cách giải quyết vấn đề bằng cách nêu ra một giai đoạn trung gian giữa cảm tính và lý tính, vì nếu đặt đối diện cảm tính và lý tính thì thấy tính chất khác nhau quá. Lý tính nhằm những quan hệ phổ cập, cảm tính căn bản là nhất thời (cảm giác bây giờ, ở đây). Không hiểu tại sao trong cùng một người lại có cảm tính và lý tính, mà cảm tính và lý tính đối lập với nhau, đồng thời rõ ràng là một. Một số triết gia tìm giải pháp trung gian, nêu ra một thứ lý tính chưa hoàn toàn duy lý và một cảm tính đã bắt đầu có nhận xét. Họ cho rằng không tìm ra được giai đoạn trung gian ấy thì không thể đặt quan hệ giữa hai bên. Nhưng trong triết học cũ không biết qui định bộ phận trung gian đó như thế nào. Nếu nó có tính chất cảm tính (bây giờ, ở đây) thì nó cũng không thể nắm được giá trị khách quan và phổ cập, trừ ra nó đã là lý tính. Nếu nó có tính chất lý tính thì căn bản nó đã là phổ cập rồi, vậy không hiểu vì sao nó lại có thể có cảm giác (bây giờ, ở đây).

Do đó không đặt vị trí nhất định cho giai đoạn trung gian ấy được, và không có kinh nghiệm bằng lý tính hay cảm tính được. Đứng về mặt khái niệm, hai hình thái ấy vẫn hoàn toàn đối lập. Mà bộ phận trung gian thì nhất định là có. Trong đời sống thực tế có một số nhận thức chưa phải là nhận thức lý tính, chưa thành hệ thống, chưa dựa vào nguyên lý nào, nhưng nhận thức đó rất cần thiết. Vì trong đời sống có lúc không có hệ thống mà vẫn sống, nhưng sống cũng không chỉ là cảm tính. Trong đời sống hàng ngày, đại đa số nhận xét của chúng ta là trung gian giữa cảm tính và lý tính. Chính bộ phận ấy làm cơ sở trực tiếp cho lý tính. Nếu xây dựng lý luận thì cũng phải bằng cách tổng kết những hiểu biết kinh nghiệm chưa có hệ thống nhưng đã có giá trị thực tiễn. Chính nhận thức ấy là nguyên liệu để xây dựng lý luận. Lý luận tách rời nhận thức đó sẽ là lý luận suông. Đứng về mặt khái niệm thì ta định nghĩa bộ phận trung gian đó thế nào?

Nếu đóng khung vào những danh từ tâm lý học hay lôgic học thì không thể định nghĩa được những bộ phận ấy, tức là những nhận thức tương đối rộng rãi nhưng không phải là phổ cập. Nhưng thực tế, trong dời sống chúng ta, với trình độ văn hóa bây giờ, không có nhận thức nào hoàn toàn tách rời lý luận. Dù là lý luận nhận thức kinh nghiệm, nó cũng bị chi phối bởi cả một hệ thống tư tưởng trong đó có một lý luận nhất định. Bất kỳ một nhận thức nào của chúng ta bây giờ cũng đã được đặt vào một ý thức hệ nào đó. Dù có xuất phát một cách hình như là tự phát thì sự tự phát đó cũng đã có lý luận của nó. Thành ra nếu lấy tài liệu trực tiếp trong những hiện tượng tư tưởng của ta hiện nay thì không thể định nghĩa được một cách thuần túy và rõ rệt bộ phận trung gian (bộ phận nhận thức nhưng còn cảm tính chưa có lý luận). Để định nghĩa bộ phận ấy, ta trở lại những giai đoạn đã xuất hiện, nhưng chưa bị chi phối bởi lý luận mà làm môi giới cho lý luận sau này. Đó là giai đoạn của xã hội loài người, trước khi có văn minh, giai đoạn tư tưởng nguyên thủy của loài người.

Tư tưởng nguyên thủy tất nhiên cao hơn trình độ động vật, trình độ cảm tính thuần túy. Người nguyên thủy đã có những nhận thức: đã biết nói, kể chuyện, có kỹ thuật, có xã hội, có giáo dục, có tồ chức, thậm chí có tôn giáo, mỹ thuật, v.v... Tức họ đã có nhận thức, nhưng nhận thức chưa được đúc thành lý luận. Nhận thức của ngrười nguyên thủy chưa phân biệt được rõ ràng đại thể với cá thể. Do đó chưa có lý luận, vì lý luận phát triển trong phạm vi đại thể. Lý luận là vận dụng khái niệm đại thể, xây dựng khái niệm đại thể. Tư tưởng người nguyên thủy còn ở giai đoạn trung gian giữa cá thể và đại thể. Ví dụ: đối với người ở trình độ mọi rợ thì một người của thị tộc có giá trị giống như một người khác của thị tộc ấy. Bằng chứng là có thể đem người.này chuộc cho người khác, có thể oán người này mà giết người khác, hoặc đánh vào tượng một người mà cũng xem như đánh vào người ấy (phép chài). Nhận thức người nguyên thủy nắm được cá thể với hình thức phổ cập hóa nào đấy (đã có tính chất đại thể nhưng chưa phải là đại thể). Ví dụ: họ xem tượng đất không chỉ là một miếng đất mà đồng thời là một con người. Đó cũng là nguyên tắc của đạo vật tổ. Ví dụ: một thị tộc lấy một con vật làm vật tổ như bò, chim, v. v... dân trong thị tộc là con vật ấy và con vật ấy là người thị tộc, không phân biệt tính chất, đại thể và cá thể trong giống loài mà tính chất đại thể này qui định. Giống như trẻ con lên bốn lên năm cũng chưa phân biệt được đại thể và cá thể. Danh từ nó dùng có tính chất đại thể nhưng nó dùng với ý nghĩ cá thể. Ví dụ trẻ con bắt được một con sâu, giết con ấy, tìm được con khác thì đối với nó con này vẫn là con trước kia: nó xem con sau đồng nhất với con trước, chứ không phải là con cùng trong một giống loài, không phải đây là một con khác thế vào con kia. Nó không phân biệt được hai cá thể trong một giống loài, vì nó không phân biệt được cá thể với giống loài. Y như người nguyên thủy đánh một người là đánh cả thị tộc. Đây đã có nhận thức, đã nắm được một hiểu biết chung nào đấy (bằng chứng là đã có kỹ thuật), nhưng chưa phải là nhận thức lý tính, vì hiểu biết chung ấy chưa chi phối được những trường hợp cá thể trong phạm vi trừu tượng của một khái niệm. Do đó, nếu nghiên cứu những tư tưởng của người nguyên thủy (tôn giáo, chuyện cổ tích, thần thoại) ta thấy ý tưởng rất là lộn xộn, người thành vật, vật thành người. Nhưng không phải vì thế mà không có hiểu biết. Vậy thì làm sao họ sống được trong một xã hội có tổ chức, dựa trên kỹ thuật sản xuất và quan hệ kinh tế nhất định. Sống được như thế là vì nhất định họ có một hiểu biết chân chính về thế giới khách quan, dù nhận thức chưa đạt tới trình độ lý tính, chưa phân biệt được cá thể và đại thể, thành ra đến lúc những nhận thức ấy tổng hợp lại chỉ đúc thành chuyện, không thành lý luận. Đây ta nắm được bộ phận trung gian trong phạm vi thuần túy của nó (giai đoạn mà nó chưa có lý luận chi phối). Đến xã hội văn minh, những nhận thức ấy tất nhiên vẫn có, luôn luôn phát triển, nhưng về căn bản nó đã bị lý luận chi phối. Lý luận ấy kế tiếp nhau càng ngày càng tiến bộ, nhưng bao giờ cũng có một hình thái lý luận nào đó, dầu thấp dầu cao.

Nếu nghiên cứu nhận thức ở trình độ lý tính thì không nắm được điểm ngoặt: chỗ nó chuyển lên lý tính. Do đó cũng không giải thích được lý tính, không nắm được nguồn gốc và cơ sở của những giá trị phổ cập, của những giá trị tư tưởng loài người. Vì thế trước khi nghiên cứu lý tính phải nghiên cứu những hình thái đơn giản của nhận thức trong xã hội nguyên thủy.

Đặt vấn đề như thế là đặt vấn đề trong toàn bộ lịch sử loài người, hơn nữa trong toàn bộ lịch sử động vật. Có thế mới hiểu được đúng đắn giá trị chân chính của tư tường theo hai mặt: giá trị hiểu biết của nó và đồng thời cơ sở thực tế của giá trị hiểu biết ấy. Theo cơ sở thực tế thì, tư tưởng loài người chỉ là một bộ phận rất nhỏ trong thế giới khách quan, nhưng giá trị hiểu biết của nó thì rất mênh mông.

Trước khi đi vào giá trị cụ thể, ta hãy phác qua những giai đoạn chính trong lịch sử chung ấy để đặt được nguồn gốc nhận thức của chúng ta với vị trí đúng đắn của nó trong toàn bộ thế giới khách quan.

II. VỊ TRÍ CỦA XÃ HỘI NGUYÊN THỦY TRONG CUỘC TIẾN HOÁ CỦA SỰ SỐNG

Trong cuộc tiến hóa của các sinh vật sống (xã hội cũng là một hình thức sống), xã hội loài người nói chung - cụ thể là xã hội nguyên thủy - có vị trí thế nào? Trải qua những giai đoạn nào? (Phần này để đặt cơ sở thực tế cho công việc nghiên cứu lịch sử tư tưởng, bao giờ ta cũng có hướng đặt vấn đề trong phạm vi hẹp hòi trừu tượng của nó).

Ta không biết rõ lịch sử của các sinh vật bắt đầu từ bao giờ, nhưng ước chừng cũng cách đây 1.000 – 2.000 triệu năm. Lịch sử chính quy (tức lịch sử trong ấy ta có thể quy định từng năm, lịch sử có tài liệu viết) cũng chỉ độ vào 6.000 năm lại nay. So với khoảng thời gian l, 2 nghìn triệu năm, 6.000 năm trong lịch sử là một giai đoạn rất nhỏ, không nói gì đến lịch sử quả đất trước khi có sinh vật, và lịch sử của vũ trụ trước khi có quả đất. Do đó, phải đặt vị trí loài người trong lịch sử ấy để thấy rõ giá trị cao quí và cơ sở thực tế của nó (vì với một cơ sở nhỏ hẹp mà trong tư tưởng nó đã bao gồm được toàn bộ cuộc biến chuyển mênh mông ấy). Ở đây, ta hạn chế vào giai đoạn tương đối ngắn (nếu so sánh với lịch sử quả đất và vũ trụ) là giai đoạn lịch sử của sinh vật.

Ở giai đoạn 1, 2.000 triệu năm nay đã xuất hiện những hình thái sinh vật đầu tiên, nay còn để lại một di tích: những cái túi đã biến thành than, nhưng phân tích than ấy thì biết rằng nó do ở những chất hữu cơ biến thành. Con vật ấy gọi là Coryêium Enigmaticum rộng độ hai phân. Theo lớp đất tìm được những túi này thì nó xuất hiện vào độ 1.000 - 2.000 triệu năm lại nay.

Bắt đầu từ 500 triệu năm lại đây, đã có đủ tài liệu để phân kỳ lịch sử quả đất:

+ Địa kỳ thứ nhất (từ 500 triệu năm gần đây) đã xuất hiện lớp cá. Cuối địa kỳ thứ nhất xuất hiện những lưỡng thê và bò sát đầu tiên. Nhưng địa kỳ thứ nhất nói chung là giai đoạn phát triển và thịnh hành của loài cá.

+ Địa kỳ thứ hai (từ 300 - 50 triệu năm gần đây) phát triển một cách rất vĩ đại lớp bò sát. Có những con bò sát rất to dài đến 30 mét. Đến cuối địa kỳ thứ hai xuất hiện nhiều động vật có vú nhưng mới chỉ là những hình thái rất nhỏ.

+ Địa kỳ thứ ba (từ 50 triệu năm đến nay) lớp có vú mới phát triển một cách vĩ đại. Cuối địa kỳ thứ ba xuất hiện nhiều đơn vị tiền phong của bộ khỉ - trong ấy cũng có những loài tiền phong của người, mà người ta đã tìm ra một vài di tích ở Nam Phi. Ở Nam Phi đã xuất hiện nhiều loài khỉ có khối óc to hơn các loài khỉ thường. Theo xương đùi thì hình như nó đã biết đứng. Trong những hang trong đó người ta tìm ra những loài khỉ ấy thấy rất nhiều xương động vật. Điều ấy chứng minh rằng loại khỉ này ăn nhiều thịt, có khả năng bắt được nhiều động vật to hơn nó. Ta có thể ức đoán rằng khi ấy hãy còn là khỉ nhưng ở trình độ cao hơn các loài khỉ nhân hình. Loài khi ấy chưa biết dùng công cụ (vì ở những địa phương ấy không tìm ra được một công cụ nào). Nhưng có thể rằng khi ấy đã biết dùng dụng cụ một cách thường xuyên (khỉ thường cũng đã biết dùng dụng cụ trong những trường hợp cần thiết). Với loại khỉ này có thể là đã chuyển lên giai đoạn dùng dụng cụ chưa phải là công cụ hẳn hoi - nhưng đã được dùng thường xuyên: giai đoạn trung gian giữa dụng cụ và công cụ.

+ Địa kỳ thứ tư (từ 1 triệu năm gần đây). Đặc điểm của địa kỳ thứ tư là có những di tích của những loài đặt vào cùng một phạm vi tiến hóa với loài người, tức là những loài đã biết sản xuất công cụ. Chúng ta đã ức đoán dùng dụng cụ một cách thường xuyên, có thể là giai đoạn của loài khỉ đã tìm thấy di tích ở Nam Phi. Những loài đầu tiên đã có khả năng sản xuất, tức đã biết dùng công cụ là những loài vượn người (ở trình độ trung gian giữa khỉ và người). Chủ yếu hiện giờ có ba hạng:

- Ở Nam Dương (tức Indonêxia) có loài vượn hình người (người vượn Java).

- Ở Trung Quốc gần Bắc Kinh có loại Sinanthropus (có hàng chục bộ xương - mỗi bộ chỉ còn vài ba cái xương).

- Ở Âu Châu chỉ còn một cái hàm (Heidelberg). Đặc điểm của những vượn hình người này là có một khối óc trung gian giữa khỉ và người, chừng 1000 cm3. Khối óc của con khỉ lớn độ 600 cm3 (của người độ 1400 cm3). Đặc biệt ở gần Bắc Kinh, trong hang tìm ra di tích của loài khỉ ấy, người ta đã tìm ra những công cụ bằng đá thô sơ và một ít di tích lửa là những than bếp còn lại. Loài vượn người này lúc đó đã biết dùng công cụ, một thứ công cụ rất thô sơ chưa có hình thái điển hình. Xét xương hàm tìm ra ở Âu Châu (Heidelberg) thì có thể ức đoán rằng lúc đó vượn hình người chưa biết nói thành âm, bởi vì hình như lưỡi còn nhỏ và chưa biết cuộn lại một cách mềm dẻo như bây giờ. Đây cũng là một điều quan trọng. Nếu ức đoán đó đúng thì có một bằng chứng: sản xuất đi trước ngôn ngữ và kéo dài trong một giai đoạn khá dài trước khi có ngôn ngữ.

Đại khái từ 1 triệu năm gần đây, khi xuất hiện những vượn hình người đầu tiên - đã có những công cụ đầu tiên đến lúc công cụ ấy thành điển hình tức công trình sản xuất cũng thành hệ thống mà có thể đoán có ngôn ngữ, thời gian tiến hóa kéo dài chừng 50 vạn năm (1/2 địa kỳ thứ 4).

Từ 50 vạn năm gần đây, xuất hiện những công cụ có qui củ đầu tiên. Công cụ có qui củ nhất là quả đấm (chelleer). Đó là giai đoạn đầu tiên của Hạ kỳ cổ thạch. Cũng trong giai đoạn ấy, xuất hiện những xương của những loài đã có thể gọi là người rồi (khối óc 1300 cm3) (Eoanthropus Dawsoni).

Điều kiện xuất hiện và đặc tính của loài người là công cụ sản xuất (được tổ chức, có điển hình) và ngôn ngữ. Giữa những giai đoạn ấy có những giai đoạn trung gian: giai đoạn dùng dụng cụ một cách thường xuyên, giai đoạn công cụ thô sơ chưa có điển hình và chưa có ngôn ngữ.

Từ 20 vạn năm gần đây là giai đoạn Trung kỳ cổ thạch (Moustérien)....

Trần Đức Thảo

(Lịch sử tư tưởng trước Marx, tr. 69-105)