Ngựa đá trong Nội Miếu

Phố Hàng Giầy*

*Rue Lataste. Rue des Chaussures

Phố Hàng Giầy dài khoảng 230m, nay thuộc phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, tp Hà Nội. Phố chạy theo hướng bắc-nam, nối từ ngã tư Nguyễn Thiện Thuật - Hàng Chiếu đến cuối phố Lương Ngọc Quyến; cắt ngang ngã tư Ngõ Gạch - Nguyễn Siêu và phố Hàng Buồm.

Ngã tư phố Hàng Giầy-Hàng Buồm. Photo ©NCCong 2011

Trước kia, phố Hàng Giầy bao gồm hai đoạn. Đoạn từ đầu phố đến ngã tư Ngõ Gạch - Nguyễn Siêu thời Pháp thuộc mang tên Rue Lataste, thuộc đất thôn Cổ Lương, tổng Hậu Túc (sau đổi là tổng Đồng Xuân), huyện Thọ Xương cũ. Đoạn này còn được gọi là Hàng Màn vì bên số lẻ có một số gia đình làm nghề may màn và vá thuê. Bên số chẵn từng là dãy tường kho của nhà Vạn Bảo, sau 1954 trở thành Sở Lương thực Hà Nội.


Ngã tư Hàng Giầy - Ngõ Gạch. Panorama ©NCCong 2011

Đoạn từ ngã tư Ngõ Gạch - Nguyễn Siêu đến phố Lương Ngọc Quyến chính là phố Hàng Giầy cổ xưa, thời Pháp gọi là Rue Nguyen Duy Han (tên một vị Tuần phủ Thái Bình). Đây thuộc đất thôn Hài Tượng, tổng Hữu Túc (sau đổi là tổng Đông Thọ), huyện Thọ Xương cũ.


Đền Bạch Mã. Panorama ©Thang Bui 2010

Đoạn Hàng Giầy cổ xưa lại gồm hai khúc. Khúc trên rất hẹp, chạy từ ngã tư Ngõ Gạch—Nguyễn Siêu đến đền Bạch Mã, thuộc đất phường cũ Hà Khẩu, nằm lọt vào giữa hai ngôi nhà lớn và sâu, một bên là đền, một bên là rạp xinê Kim Môn. Khúc dưới từ đền Bạch Mã chạy xuống nối với cuối phố Lương Ngọc Quyến, xưa tập trung nhiều cửa hàng ăn uống nhỏ của người Trung Quốc. Mỗi cửa hàng chỉ có một gian, bếp lò đặt ngay bên cửa ra vào. Mọi người thường rủ nhau đến đây để ăn chim quay (cửa hàng Quảng Sinh Long), ngầu mạc nạm (thịt bò hầm dừ), ngầu pín (món ăn "bổ dương"), sách bò chần và các món ăn chế bằng thịt rắn, ba ba.

Đoạn dưới phố Hàng Giầy. Photo ©NCCong 2011

Phố được gọi là Hàng Giầy vì từ thế kỷ 17-18, ở đây là nơi cư ngụ và hành nghề của những người thợ làm giầy dép da, gốc làng Chắm (nay thuộc huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương). Chính họ đã lập ra thôn Hài Tượng (“Hài” nghĩa là giầy dép, “Tượng” nghĩa là thợ) và dựng đền thờ vọng ông Tổ nghề da (ông Tổ nghề được thờ làm Thành Hoàng làng nên đền thờ này còn gọi là đình) ở số nhà 16, ngõ Hài Tượng (tức ngõ Hàng Giầy). Khi giầy dép kiểu cũ đó không còn nhiều khách mua nữa, chủ đất cho xây lại thành dãy nhà gác cho người Tàu thuê làm cửa hàng ăn uống, bên trên là chỗ gia đình họ ở.


Ngõ Nội Miếu, cuối phố Hàng Giầy. Panorama ©Thang Bui 2010

Tại số nhà 30 phố Hàng Giầy vẫn còn đền Nội Miếu của thôn Hài Tượng. Năm 1895, ngôi đền này được bán cho dân làng Châu Khê làm nghề đúc bạc ra Thăng Long định cư ở phố Hàng Bạc dùng làm nơi thờ vọng Thành Hoàng làng cũ. Trên cổng đền có dòng chữ Hán “Châu Khê vọng sở, Nội Miếu cổ từ."

Một cửa hàng giầy ở đoạn giữa phố. Photo ©NCCong 2011

Năm 1945, toà thị chính cho sáp nhập hai đoạn và đổi thành phố Tán Thuật. Từ năm 1947 cho đến nay, phố mới được mang tên chính thức là Hàng Giầy.

Ngày nay, phố Hàng Giầy hầu như chỉ còn hai hoặc ba hộ buôn bán giầy dép nhưng có thêm hàng bánh trôi tàu ở đền Nội Miếu của diễn viên hài Phạm Bằng bên cạnh một số cửa hiệu tạp hóa, quán ăn, cà phê, khách sạn...