Đền Hồi giáo

Phố Hàng Lược*

*Rue de Rivière To Lich

Phố Hàng Lược phía bắc giáp với cầu sắt phố Hàng Cót, từ đó đi xuống cắt qua các phố Hàng Khoai và Hàng Rươi rồi kéo đến giáp ngã tư Hàng Mã nối với phố Chả Cá. Con phố dài 264m, nay thuộc phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, tp Hà Nội.

Từ thời nhà Lê, nơi đây đã tập trung nhiều hộ dân chuyên sản xuất lược chải đầu nên có tên phố Hàng Lược.

Chùa Vĩnh Trù đang bị các hàng quán vỉa hè che lấp. Photo ©NCCong 2012

Phố ở trên đất hai thôn Phủ Từ và Vĩnh Trù, thuộc tổng Hậu Phúc, huyện Thọ Xương cũ của Hà Nội. Trong phố hiện nay vẫn còn đình Phủ Từ ở số 19 và đình Vĩnh Trù ở số 59, đều thờ "Tứ vị Hồng Nương". Cạnh đó là chùa Vĩnh Trù đã được công nhận là di tích lịch sử từ năm 1994.


Ngã tư Hàng Lược - Hàng Mã. Panorama ©NCCong 2011

Dòng Tô Lịch trước kia từ chỗ cửa sông (nay là phố Chợ Gạo) chảy dọc theo phố Ngõ Gạch tới phố Hàng Cá thì quặt lên hướng tây-bắc đến sát tường thành Hà Nội, làm nên con hào thiên nhiên cho đội quân phòng thủ. Hồi đó, người bên phố Hàng Đồng cũ muốn sang chợ Cầu Đông phải đi qua một chiếc cầu tre, sau khi sông cạn cầu được thay thế bằng một chiếc cống lớn mà dân ta từng gọi là Cống Chéo Hàng Lược.


Ngã ba Hàng Lược - Hàng Khoai. Panorama ©NCCong 2011

Cuối thế kỷ 19, thực dân Pháp lấp đoạn đầu sông Tô Lịch và phá thành Hà Nội, nhiều cửa hiệu ở phố Hàng Lược chuyển sang phục vụ việc hiếu hỷ, chỉ còn vài nhà buôn bán lược. Chính quyền thời Pháp thuộc đổi tên phố là Rue de Rivière To Lich - “phố Sông Tô Lịch”. Từ năm 1945, tên cũ lại được trả về.

Mosquée Al Nour. Bưu ảnh Pháp năm 1919

Khi chợ Đồng Xuân chuyển về gần đây, nhiều người dân tìm đến làm ăn quanh chợ, dần dần các phố Hàng Lược, Hàng Khoai, Hàng Mã trở nên sầm uất. Giữa phố hiện còn Mosquée Al Nour, một ngôi đền Hồi giáo được những kiều dân Ấn Độ buôn vải cho xây từ năm 1890, gần chỗ quặt của sông cũ. Đền này ở số 12 Hàng Lược, dân ta xưa kia quen gọi chùa Tây Đen, bưu ảnh Pháp năm 1919 ghi là chùa Ấn Độ.


Đền Hồi giáo Hàng Lược. Panorama ©NCCong 2011

Từ những năm 1920, phố Hàng Lược có một mặt hàng chỉ bán vào dịp Tết: hàng hoa. Bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp tiễn ông Công lên trời, chợ hoa họp dọc phố này cho tới tận chiều tối 30 Tết. Nhiều nhất là đào và quất, rồi đến mai, lan, đỗ quyên, xương rồng, hải đường và nhiều loại hoa khác.

Chợ hoa Hàng Lược đêm 28 Tết. Photo ©NCCong 2013

Ngoài hoa, chợ còn bày bán cả đồ đồng và đồ cổ ở phía đầu phố Chả Cá, Hàng Mã. Khách đến đây không những xem hoa mà còn để ngắm những trai gái bình dân và giới thượng lưu đi chơi chợ.

Mũi lao đồng

Ngày nay thành phố thủ đô mở rộng đã có nhiều chợ hoa khác nhưng nhắc đến chợ hoa Tết Hàng Lược thì người Hà Nội, nhất là những người cao tuổi, không khỏi xuýt xoa về một hoài niệm...