37 Ma May street

Phố Mã Mây

Phố Mã Mây (Rue des Pavillons Noirs) dài 270m, đi từ ngã tư Hàng Buồm - Đào Duy Từ qua đầu hai phố Đông Thái, Hàng Chĩnh và cắt ngang phố Lương Ngọc Quyến rồi đổ vào phố Hàng Bạc. Nay thuộc: phường Hàng Buồm, Q. Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 550m (hướng 1h). Trạm bus lân cận: 3 Hàng Muối (xe 04, 08, 11, 14, 18, 23, 31, 34, 36, 40), 54 Nguyễn Hữu Huân (04, 08, 11, 14, 18, 23, 36)

Lược sử

Phố Mã Mây là một trong những phố hiếm hoi còn giữ được khá nhiều dấu tích kiến trúc nhà kiểu cũ của nội thành Hà Nội thuộc giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Từ những thập niên gần đây, con phố này bắt đầu nổi tiếng về kinh doanh các ngành lữ hành, ẩm thực, quần áo thời trang và đá cảnh. Khách du lịch, đặc biệt loại “Tây ba-lô”, thường rất thích các khách sạn mini và quán ăn uống được cho là bình dân ở đây.

Ngày xưa Hà Nội chỉ có phố Hàng Mã (cũ) và Hàng Mây, sau mới ghép lại thành phố Mã Mây. Phố Hàng Mây thuộc địa phận vốn của giáp Hương Tượng, đi theo hướng đông nam từ đầu phố Hàng Buồm đến phố Lương Ngọc Quyến bây giờ. Gọi tên là Hàng Mây vì phố ở gần khúc sông có nhiều thuyền bè chở từ miền ngược về các thứ lâm sản như song, mây, tre, nứa... để bán làm vật liệu xây dựng hoặc chế biến thành đồ đan lát dân dụng và mỹ nghệ cho dân thành thị.

Đào Duy Từ—Mã Mây. Ảnh ©NCCong 2015

Còn phố Hàng Mã (cũ) giáp với Hàng Bạc thuộc đất của thôn Dũng Thọ, vốn có nghề làm đồ mã lớn (như voi giấy, ngựa giấy v.v.) dùng để đốt trong tang lễ, cầu mát, cùng với nghề làm vàng mã cũng để hóa trong ngày giỗ ngày Tết và các đám cúng; khác với Hàng Mã (mới) gần Hàng Đồng là nơi làm đồ mã nhỏ với hoa giấy bày bàn thờ và đồ chơi bằng giấy. Ngày ấy trong những đám ma lớn chưa có lệ rước linh cữu bằng xe song mã, mà còn rước bằng đòn rồng và phải thửa xe nhà táng rất cầu kỳ.

Thời thuộc Pháp, hai phố Hàng Mây, Hàng Mã nói trên được ghép lại và gọi chung là Rue des Pavillons Noirs ("phố Cờ Đen"). Có tên đó là vì tiếp theo trận đại bại ở Cầu Giấy, đội quân xâm lược Pháp chết mất chủ tướng bị bao vây mấy tháng liền ở Đồn Thuỷ và trong thành Hà Nội; khi đó quân Cờ Đen gốc gác đa số thổ phỉ đã đóng đại bản doanh ở phố Mã Mây, cướp bóc, tàn sát và để lại những kỷ niệm kinh hoàng.

Hàng Bạc—Mã Mây. Ảnh ©NCCong 2015

Giai đoạn đầu sau khi tái chiếm Hà Nội, từ năm 1884 thực dân Pháp muốn mở mang khu vực này vì địa thế thuận tiện, vừa gần bến sông Hồng ở phía đông vừa gần trung tâm buôn bán có nhiều cửa hiệu lớn ở phía tây. Chính quyền Pháp đã đặt nhiều công sở ở gần bến sông như Sở Thuế quan ở phố Chợ Gạo (sau đổi làm trường tiểu học, gọi là trường Ke), Sở Xen đầm ở phố Hàng Bè (số 55), Toà án ở phố Hàng Tre, Nhà ngục ở phố Mã Mây v.v..

Tại phố Mã Mây còn lại vài di tích của thời Pháp như khu nhà tù cũ (một dãy nhiều gian từ số 19 đến số 33, thuê của tư nhân), nhà của chủ ngục người Pháp ở bên kia đường (số 20), trụ sở Hội Tam Điểm Bắc Kỳ (số 37, sau làm trường học, gọi là trường Hàng Mã). Thương nhân Pháp cũng có đôi ba cửa hàng ở phố Mã Mây.

Ngã ba Mã Mây—Đông Thái. Photo ©NCCong 2015

Những thập niên trước và sau chiến tranh thế giới 1914-1918, phố Mã Mây vẫn giữ được nhiều dáng vẻ riêng của phố cổ Hà Nội. Đoạn đầu phố có những cửa hàng nhỏ bán các đồ gia dụng như quang thừng, bán cả những sợi mây, sợi song làm nguyên liệu đan lát.

Từ năm 1920 có vài hộ dân chuyên sản xuất đồ nội thất bằng song mây tre như ghế mây, bàn mây, ghế xích đu... làm theo kiểu dáng đặt hàng của khách nước ngoài, sử dụng thợ là người làng Sơn Đồng. Sau này thì những nghề thủ công ấy ở đây cũng biến mất dần.

Hàng Chĩnh—Mã Mây. Ảnh ©NCCong 2015

Dấu xưa

  • nhà số 64: Đền Hương Tượng (cổng bên ở số 10 phố Lương Ngọc Quyến), thờ danh thần Nguyễn Trung Ngạn (1289 - 1370).
  • nhà số 87: cuối thế kỷ XX được phục hồi thành nhà truyền thống của khu phố cổ Hà Nội.
  • nhà số 34: học giả Nguyễn Văn Vĩnh (1882 - 1936) từng sống trong một căn nhà nhỏ 2 tầng tại đây từ năm 1906 tới 1921.

Di tích lân cận

©NCCông 2011-2015, Ma May street