Phong trào Đông kinh nghĩa thục

Trường Đông kinh nghĩa thục thành lập tháng 3-1907, đánh dấu sự ra đời của một phong trào cùng tên có mục đích yêu nước và canh tân xã hội thông qua giáo dục.

Phố Hàng Đào đầu thế kỷ 20, xe điện thay dần xe kéo

Nhà số 10 Hàng Đào (3 vòm trắng, giữa ảnh) từng là cơ sở 2 của Đông Kinh Nghĩa Thục

Lịch sử

Đầu thế kỷ 20, Pháp hầu như đã hoàn thành quá trình bình định, dẹp yên các cuộc khởi nghĩa yêu nước bên trong Việt Nam (chỉ còn phong trào Khởi nghĩa Yên Thế của Đề Thám còn đang hoạt động, nhưng chỉ ở diện hẹp và bị dập tắt hoàn toàn vào năm 1913). Cùng với việc mở rộng quá trình thực dân hoá, tư bản hóa nhằm khai thác thuộc địa một cách hiệu quả nhất, những cơ sở đầu tiên của kinh tế tư sản bắt đầu phát triển trên toàn lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt là ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ. Song song với sự phát triển kinh tế, những tư tưởng tư bản cũng du nhập và phát triển bên trong Việt Nam. Các nhà nho có tư tưởng tiến bộ nhận thức được sự yếu kém của Khổng giáo, chứng kiến nước Nhật Bản duy tân mà thắng đế quốc Nga đã quyết định phải thay đổi tư tưởng, cách thức học tập trong nước nhằm mục đích tự cường hy vọng một cuộc đổi mới. Tháng 3 năm 1907, Đông Kinh Nghĩa Thục bắt đầu được khai giảng ở phố Hàng Đào, Hà Nội.

Đông Kinh Nghĩa Thục nhanh chóng trở nên nổi tiếng bên trong Hà Nội, nhiều tỉnh lân cận cũng đã có các hội nhóm mở lớp, xin sách giáo khoa của trường về giảng dạy. Bắt đầu là ở Hà Đông, quê hương của nhiều sáng lập viên nghĩa thục có tên tuổi như Vũ Trác, Hoàng Tăng Bí; ở Hoài Đức còn có 3 phân hiệu nghĩa thục ở thôn Canh, Tây Mỗ, Tân Hội; ở Hưng Yên cũng có 2 huyện có nghĩa thục, lại còn mở thêm một hiệu buôn nội hoá là Hưng Lợi Tế. Hải Dương, Thái Bình, nghĩa thục cũng phát triển khá mạnh mẽ, lại còn tổ chức ra nhiều hội ái hữu, tương tế. Thậm chí, nghĩa thục của Thái Bình còn cử người đi liên hê với phong trào chống Pháp của Hoàng Hoa Thám, muốn ứng viện cho nghĩa quân Yên Thế...

Ban đầu, chính quyền Pháp cho phép cho Đông Kinh Nghĩa Thục hoạt động hợp pháp, về sau nhận thấy đây có thể là một mối nguy đối với chế độ thuộc địa, vào tháng 11 năm 1907 trường bị chính quyền thực dân buộc phải giải tán và đầu năm 1908, ra lệnh cấm việc hội họp diễn thuyết ở miền Trung.

Sau vụ vụ chống thuế Trung kỳ (tháng 3 năm 1908) và vụ đầu độc lính Pháp ở Hà Nội (tháng 6 năm 1908), chế độ thuộc địa của Pháp nhân đó quy trách nhiệm cho sĩ phu duy tân và thẳng tay đàn áp, bắt hầu hết giáo viên, giải tán hội buôn, đóng cừa Đăng Cổ Tùng Báo, cấm diễn thuyết, nói chuyện, cấm lưu hành và tàng trữ các tác phẩm của nhà trường.

Sáng lập viên chính

. Hoàng Tăng Bí
— 1. Lương Văn Can
— 2. Nguyễn Hữu Cầu
— 3. Lê Đại
— 4. Phan Đình Đối
— 5. Vũ Hoành
— 6. Đặng Kinh Luân
— 7. Phan Tuấn Phong
— 8. Đào Nguyên Phổ
— 9. Nguyễn Quyền
— 10. Phan Huy Thịnh
— 11. Dương Bá Trạc
— 12. Nguyễn Văn Vĩnh

Mục tiêu

Phong trào có hai mục tiêu:
— Bỏ tư tưởng Khổng giáo, Tống nho, Hán nho. Du nhập những tư tưởng mới, phát triển văn hoá, thúc đẩy sử dụng chữ quốc ngữ thông qua các hoạt động giáo dục (dịch, viết sách giáo khoa), báo chí, tuyên truyền, cổ động.
— Chấn hưng thực nghiệp. Mở tiệm buôn, phát triển công thương.

Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục đầu thế kỷ 21

Tổ chức

Theo tài liệu, cuối năm 1906, sau khi hội kiến với Phan Bội Châu ở Nhật về nước, Phan Chu Trinh đã gặp gỡ Lương Văn Can và nêu ý định thành lập một trường học kiểu mới, giống mô hình của trường Khánh Ứng Nghĩa thục ở Nhật. Một thời gian sau, Phan Bội Châu cũng về nước, cùng Phan Chu Trinh, Lương Văn Can và Tăng Bạt Hổ họp tại phố Hàng Đào, quyết định mở trường, lấy tên là Đông Kinh Nghĩa thục với mục đích: khai chí (trí) cho dân, mở những lớp dạy học không lấy tiền. Đông Kinh là tên trường, Nghĩa Thục là trường làm việc nghĩa. Lương Văn Can được cử làm Thục trưởng (Hiệu trưởng).

Tháng 3 năm 1907, mặc dù chưa được giấy phép của chính quyền thuộc địa, trường vẫn tạm thời khai giảng tại gác trên nhà số 4, phố Hàng Đào, với 2 lớp chuyên dạy Quốc ngữ; với khoảng 70 học sinh, phần đông là con cháu hội viên. Đây vốn là căn nhà cụ Lương Văn Can cho mượn. Đến tháng 5, Thống sứ Bắc Kỳ mới chính thức cấp giấy phép cho trường hoạt động. Trường phải mượn thêm căn nhà số 10 gần đó để mở rộng, nhằm đáp ứng sự phát triển của trường. Lúc phát triển nhất, trường có đến 40 lớp và trên 1.000 học sinh.

Trrường được chia làm bốn ban hoạt động:

Ban giáo dục

Nhiệm vụ của Ban là mở lớp học, dạy học. Tuy nhiên, trường chưa có một chương trình học rõ ràng và hệ thống, cũng như các tài liệu được biên soạn giành cho giảng dạy. Cơ bản với 3 bậc học: Tiểu học dạy những người mới học Quốc ngữ; Trung học và ĐH dạy cho những người lớn đã thông chữ Hán, hoặc muốn học chữ Pháp. Các bậc học thực chất chỉ căn cứ vào trình độ hiểu biết của học sinh mà xếp thành lớp, do đó lớp tuổi học sinh cũng không đều.

Các môn học được giảng dạy bao gồm Sử ký, Địa lý nước nhà, Toán, Hội họa, một số kiến thức khoa học.
— Dạy Hán văn có Nguyễn Quyền, Dương Bá Trạc, Hoàng Tăng Bí...
— Dạy Việt văn và Pháp văn có Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học...

Về tài liệu giáo khoa, về Hán học, thì học tân thư Trung Quốc, nhất là sách của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu. Sách học Quốc ngữ là các giao án tự soạn của các giao viên, dạy những kiến thức cơ bản về đất nước, về lịch sử Việt Nam.

Ban tài chính

Trường không thu học phí và giáo viên ban đầu cũng không có lương. Ban đầu, nguồn kinh phí của trường dựa vào các khoản "lạc trợ" (ủng hộ) của các hội viên và những người hảo tâm yêu nước, cũng như các khoản đóng góp tự nguyện của học sinh. Theo cụ Lê Đại, một hội viên sáng lập của trường, phụ trách Ban Tài chính, "Ấy vậy, có lúc nhà trường đứng ra thu tiền ủng hộ không xuể".

Về sau, phong trào Duy tân xung quanh hoạt động dạy học Đông Kinh Nghĩa Thục lan rộng. Ban Tài chính còn chịu trách nhiệm mở các tiệm buôn bán và kinh doanh nhằm khuếch trương thực nghiệp, cổ động cải cách kinh doanh, đồng thời tăng thêm nguồn thu cho trường. Sau này kinh phí dồi dào, trường cấp miễn phí giấy bút cho học sinh và trả giáo viên một số lương tượng trưng nhỏ.

Ban cổ động diễn thuyết và bình văn

Ban chịu trách nhiệm điều hành hai tờ báo Đăng cổ tùng báo, Đại Việt tân báo, là cơ quan ngôn luận của trường, tuyên truyền cho cải cách, bài trừ hủ tục, vận động nhớ đến ngày giỗ tổ mùng 10 tháng 3, sử dụng chữ quốc ngữ. Ban cũng thường xuyên tổ chức diễn thuyết, bình văn tại trường vào các tối mồng một và rằm hàng tháng. Người ngoài trường dự nghe rất đông, có cả quan lại, binh lính, viên chức. Trong các buổi diễn thuyết, diễn giả thường bình luận các bài in trên Đăng cổ tùng báo, Đại Việt tân báo, hoặc nói chuyện về đề tài lịch sử, về Cách mạng Pháp 1789, về sự nghiệp của Washington... Tháng 7-1907, Phan Chu Trinh cũng ra Hà Nội tham gia giảng dạy ở Đông Kinh nghĩa thục, những buổi diễn thuyết của ông có rất đông người đến nghe.

Ban trước tác

Biên soạn, dịch thuật các tài liệu học tập và tài liệu tuyên truyền là nhiệm vụ của Ban Trước tác. Xuất bản và dịch thuật các tài liệu Tân thư được xem như cương lĩnh hành động chung của sĩ phu Duy tân bấy giờ, chủ trương dùng văn tự nước nhà, hiệu định sách vở cốt thiết thực, sửa đổi phép thi, cổ võ nhân tài, chấn hưng công nghệ, xuất bản báo chí....

Các sách giáo khoa chữ Hán được in bản gỗ, trên giấy lĩnh làng Bưởi như Nam quốc địa dư, Nam quốc vĩ nhân truyện, Quốc dân độc bản. Sách Quốc ngữ thì in bằng thạch, chủ yếu là những bài ca dễ đọc, dễ nhớ, đại loại như Kêu hồn nước, Á tế á, Đề bỉnh quốc dân, Thiết diễn ca... Các sách dịch đầu tiên là những bộ Tân thư như Trung Quốc Tân giáo khoa thư, Văn minh Tân học sách...

Chỉ trong vòng mấy tháng, ban này đã soạn được nhiều sách giáo khoa cho mục đích dạy học của nhà trường, ngoài ra còn biên dịch nhiều Tân thư chữ Hán. Nhờ Đông Kinh Nghĩa Thục mà tiếng Việt hiện đại đã có thêm nhiều từ mới.

THAM KHẢO

1. "Lịch sử Việt Nam (1877-1914)", Trần Văn Giàu; Đinh Xuân Lâm, Nguyễn Văn Sự, Nhà xuất bản Xây Dựng, 1957

2. "Văn thơ Đông kinh nghĩa thục", Vũ Văn Sạch, Vũ thị Minh Hương, Philippe Papin, Cục Lưu trữ Nhà nước Việt Nam, Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp, Nhà xuất bản Văn hoá, 1997

3. Chương Thâu, sđd

4. “Những người lao động của thế kỷ”, tập IV, Nhà xuất bản Lao động, Hà Nội, 2000

5. “Tác gia văn học Thăng Long - Hà Nội”, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội, 1998