Phỏng vấn Peter Arnett nhà báo Mỹ huyền thoại về chiến tranh VN

Gõ vào google để tìm các tư liệu về Chiến tranh Việt Nam, người ta hay bắt gặp cái tên Peter Arnett. Bất kể đó là các bài phỏng vấn, bài viết, ký sự truyền hình, hay những bộ phim tài liệu dài tập. Đơn giản bởi vì ông là phóng viên đã theo dõi cuộc chiến này gần như từ đầu đến cuối, kể từ trận Ấp Bắc vào đầu năm 1963 cho đến khi chiếc xe tăng của Quân giải phóng húc đổ Dinh Độc Lập vào ngày 30.4.1975.


Bìa cuốn sách của Peter Arnett

Trong 13 năm đưa tin chiến tranh ở Việt Nam, Peter Arnett đã cung cấp cho độc giả Mỹ một khối lượng thông tin đồ sộ, với khoảng ba ngàn rưởi bài viết. Đó là chưa kể gần 20 năm sau khi kết thúc cuộc chiến, ông đã cho ra cuốn hồi ký chiến tranh nhan đề "Từ chiến trường khốc liệt". Ở Việt Nam, nhiều phóng viên cũng đã phỏng vấn ông.

Trong chiến tranh Iraq, ông đã gây chấn động thế giới bởi những phóng sự được truyền hình trực tiếp trên kênh CNN từ chiến trường Baghdad. Đồng thời ông cũng là phóng viên phương Tây đầu tiên và duy nhất phỏng vấn trùm khủng bố Osama Bin Laden.

Với hơn 57 giải thưởng báo chí quốc tế, Peter Arnett được xem như một "huyền thoại sống" của báo chí thế giới.

TVN xin giới thiệu cuộc trò chuyện của phóng viên Huỳnh Phan với Peter Arnett, diễn ra cách đây một năm, trong chuyến đi thăm lại địa đạo Củ Chi của nhóm cựu phóng viên chiến trường quốc tế vào dịp kỷ niệm 35 năm ngày chiến tranh kết thúc ở Việt Nam.

Trong cuộc trò chuyện này, phóng viên Huỳnh Phan không hy vọng có thể đưa ra những phát hiện mới mẻ, kiểu như "chuyện bây giờ mới kể". Tác giả chỉ hỏi những điều mình quan tâm, với giả định rằng có một số độc giả, nhất là các độc giả trẻ, cùng có mối quan tâm như mình. Và sự quan tâm của tác giả không chỉ dừng lại ở câu chuyện lịch sử, mà cả chuyện nghề, chuyện người.

Viết đúng sự thật mới trở thành nhà báo lớn

Peter Arnett nói: Điều tôi muốn nói với anh, và các phóng viên trẻ khác, là chỉ viết đúng sự thật mới giúp anh trở thành một nhà báo lớn. Mặc dù, để làm được điều đó anh luôn phải chấp nhận những thách thức cực kỳ lớn, nhất là từ phía những người quyết định chủ trương, chính sách.

Nhiều bài báo của tôi đã thách thức những chính sách và chiến thuật của Mỹ áp dụng ở Việt Nam.

Ông có thể đưa ra vài dẫn chứng cụ thể được không?

Peter Arnett: Câu chuyện thứ nhất là vào mùa hè năm 1965. Theo tìm hiểu của chúng tôi, cố vấn Mỹ đã huấn luyện cho binh sĩ Sài Gòn sử dụng hơi ngạt (riot control gas) để đối phó với Việt Cộng ở các địa đạo.

Như anh thấy đấy, khi hơi ngạt được sử dụng trên đường phố để khống chế các cuộc biểu tình, những người biểu tình có thể bị choáng, nhưng họ vẫn có thể thở và lập tức chạy khỏi chỗ đó. Thế nhưng, khi ném xuống địa đạo, nó sẽ gây chết người. Ở dưới địa đạo, như chúng ta đều biết, có rất nhiều phụ nữ và trẻ em xuống đó để tránh bom, tránh đạn pháo.

Chúng tôi đã viết câu chuyện đó. Bài báo lập tức gây ra tranh cãi lớn. Chính quyền Mỹ biện hộ rằng điều đó không có gì sai trái cả, và thực sự hơi ngạt vẫn chưa được sử dụng trên thực tế. Nhưng chúng tôi có ảnh chụp chứng minh họ đã sử dụng. Sau đó, hơi ngạt đã bị cấm.

Câu chuyện thứ hai liên quan đến napalm. Chúng tôi viết nhiều bài chống lại việc sử dụng napalm, và sử dụng những bức ảnh chụp nạn nhân của napalm. Ấn tượng nhất là bức ảnh của Nick Út về cô bé Kim Phúc đang bị cháy. Sau đó, napalm cũng bị cấm sử dụng.

Trong 13 năm tường thuật về cuộc chiến ở Việt Nam, chắc hẳn ông đã chứng kiến rất nhiều trận giao tranh giữa hai phía. Có trận đánh nào khiến ông không thể nào quên được không?

Đó là trận đánh vào ngày 21.11.1967, diễn ra ở thung lũng Đắk Tô. Tôi và một phóng viên ảnh của UPI đi theo ba tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn Không vận 173, nhận nhiệm vụ giải cứu cho 350 binh sĩ Mỹ đang bị bao vây ở ngọn đồi 875.

Trận đánh ác liệt đã kéo dài hai ngày, trước khi đối phương quyết định rút khỏi trận địa. Còn tôi đã chứng kiến trong suốt thời gian đó thế nào là bom rơi đạn nổ. Rồi sau đó, tôi đã leo lên trực thăng để viết và gửi bài.

Tôi đã viết về sự dũng cảm của binh lính Mỹ và kỹ năng chiến đấu của bộ đội Bắc Việt, và sự ngoan cường của họ để đứng vững trước những trận bom do Mỹ bỏ xuống. Ý nghĩa của bài viết nằm ở chỗ cả hai bên đều quyết tâm sống mái trên một ngọn đồi nhỏ, chẳng hề quan trọng về vị trí quân sự, với 500 binh sĩ của cả hai phía bị thiệt mạng.

Từ lúc đó, tôi đã bắt đầu suy nghĩ và tìm cách lý giải về ý nghĩa của cuộc chiến tranh hao người tốn của này.

Cuộc chiến tranh vô nghĩa và sự nhận thức muộn màng

Và ông đã lý giải thế nào?

— Quan điểm của phía Việt Nam là họ tiến hành cuộc chiến tranh này để thống nhất đất nước. Còn phía Mỹ lại nói rằng họ chiến đấu để bảo vệ nền độc lập ở miền Nam Việt Nam - một điều có ý nghĩa sống còn.

Nhưng tôi lại nghĩ, vậy chính thể Việt Nam Cộng Hoà là gì? Họ có đủ mạnh để tự đứng vững hay không? Bởi, sau đó ít năm, chính Tổng Thống Nixon đã không còn muốn điều đó nữa, và quyết định từ bỏ miền Nam Việt Nam.


Peter Arnett trở lại chiến trường xưa

Tôi nghĩ trận đánh ở Đắk Tô đã giúp khắc hoạ một điều rằng cuộc chiến đẫm máu này đã mang lại tổn thất quá lớn cho cả hai bên, và đưa người Mỹ vào ngõ cụt. Trên thực tế, việc người Mỹ không thắng nổi cuộc chiến này cũng có nghĩa là phía Bắc Việt Nam chiến thắng. Họ chỉ cần trụ vững, còn người Mỹ phải "go home".

Đến thời điểm nào thì ông đi đến kết luận rằng người Mỹ không thể thắng cuộc chiến này?

— Tôi đã linh cảm điều này ngay từ năm 1965, khi đi theo một đơn vị lính thuỷ đánh bộ Mỹ vào rừng truy tầm Việt Cộng. Những người Việt Cộng thông thuộc địa hình đã khiến cho lính Mỹ gặp rất nhiều khó khăn, và số thương vong về phía Mỹ là không nhỏ. Lúc đó, tôi đã cho rằng những người chiến đấu trên chính mảnh đất của họ rất khó bị đánh bại.

Đến cuối năm 1967, linh cảm này của tôi ngày càng được thực tế chứng minh, khi đưa tin về hàng loạt cuộc giao tranh giữa lính Mỹ và Việt Cộng, được hỗ trợ bởi bộ đội Bắc Việt. Người Việt Nam không cần thắng cuộc chiến này, họ chỉ cần giữ để không thua là đủ.

Trong lúc đó, sự bất đồng trong dư luận Mỹ ngày càng tăng, tương ứng với số thương vong ngày càng tăng của binh lính Mỹ, sự tốn kém chồng chất về tài chính, cũng như sự chống đối ngày càng gia tăng trong nội bộ chính phủ Mỹ.

Tất cả những thứ đó chính là sự giới hạn về thời gian cho sự hiện diện của quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Và giới hạn thời gian này đã tới vào năm 1968, khi xảy ra cuộc Tổng Tấn công Mậu Thân (1968).

Ai cũng ngỡ ngàng, kể cả Bộ chỉ huy Quân đội Mỹ, khi bộ đội Bắc Việt và Việt Cộng tấn công hơn 40 thành phố và căn cứ quân sự, gây ra một con số thương vong rất lớn cho quân đội Mỹ và quân đội Sài Gòn. Mặc dù, trong hai tháng diễn ra sự kiện này, số lượng thương vong của họ cũng rất lớn.

Dư luận Mỹ đến lúc đó đã hoàn toàn tin rằng Mỹ không thể thắng trong cuộc chiến này, và, như vậy, không có lý do gì mà tiếp tục nó. Tổng thống Nixon đã thắng cử với chính sách hoà bình ở Việt Nam, và kế hoạch rút dần quân Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam. Đơn vị quân đội Mỹ đầu tiên rút khỏi Việt Nam là vào năm 1969.

Kể từ cuộc Tổng Tấn công Mậu Thân, tôi chỉ còn chờ xem cuộc chiến sẽ kết thúc lúc nào, và theo cách nào mà thôi.

Thế còn cái bắt tay lịch sử ở Thượng Hải giữa Tổng Thống Nixon và Chủ Tịch Mao Trạch Đông được đánh giá thế nào?

— Thêm một sự khẳng định chắc chắn rằng Việt Nam đã chiến đấu với tinh thần dân tộc, vì chủ quyền lãnh thổ của mình. Chứ hoàn toàn không phải dưới ngọn cờ của chủ nghĩa cộng sản quốc tế, do Liên Xô đứng đầu.

Trước đó, người Mỹ cho rằng họ can thiệp để bảo vệ nền độc lập của miền Nam Việt Nam, và ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản ra toàn châu Á. Thế nhưng, trong khi cuộc chiến đang diễn ra tại chiến trường Việt Nam, hai cường quốc đứng đầu phong trào cộng sản quốc tế là Liên Xô và Trung Quốc lại mâu thuẫn với nhau, thậm chí còn xung đột lớn với nhau nữa.

Vì vậy, vào năm 1972, khi Chủ tịch Mao Trạch Đông đưa tay ra bắt Tổng Thống Nixon, người Mỹ đã khẳng định chắc chắn rằng mối nguy cơ bành trướng của chủ nghĩa cộng sản từ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa xuống khu vực Đông Nam Á đã hoàn toàn bị loại trừ.

Đó là quan điểm ngự trị ở nước Mỹ lúc đó?

— Không. Phần đông cảm thấy mệt mỏi với cuộc chiến, với sự thất bại về quân sự và tình trạng thương vong ngày càng lớn.

Căn bệnh tham nhũng và sự suy giảm khả năng phòng thủ

Khi đưa tin về cuộc chiến ở Việt Nam, ông chỉ tường thuật những trận đánh có sự tham gia của lính Mỹ?

— Không hẳn là như vậy. Chẳng hạn trận đánh lớn đầu tiên mà tôi tường thuật là trận Ấp Bắc, diễn ra vào đầu năm 1963, giữa quân đội Sài Gòn và Việt Cộng. Sự tham gia của người Mỹ chỉ với vai trò cố vấn.

Trong trận đánh diễn ra ở ngôi làng nhỏ cách Sài Gòn 60 cây số về phía Nam này, hai tiểu đoàn quân đội Sài Gòn lần đầu tiên vấp phải sự kháng cự mãnh liệt từ phía Việt Cộng. Trước đó, thường thì sau vài loạt đạn bắn trả, Việt Cộng rút luôn để bảo toàn lực lượng.

Việt Cộng đã nấp dưới các giao thông hào bắn trả dữ dội, bắn rơi 2 trực thăng, và giết nhiều binh sĩ Sài Gòn đang xông lên. Binh lính Sài Gòn đã phải rút chạy. Lần đầu tiên, người ta chứng kiến Việt Cộng với chiến thuật chiến tranh du kích đã đẩy lui quân đội Sài Gòn với lực lượng áp đảo.

Khi trả lời phỏng vấn chúng tôi, gồm AP, UPI và New York Times, Trung tá cố vấn John Paul Vann đã chê bai khả năng chiến đấu của lính Sài Gòn,
cũng như sự thiếu quả cảm của họ trong việc xông lên tiêu diệt đối phương. Những lời ông nói đã được chúng tôi trích dẫn đầy đủ trong các bài tường thuật của mình.

Lúc đó là những ngày đầu năm mới ở Mỹ, nên các bài viết, đồng loạt xuất hiện trên trang nhất các tờ báo lớn với những cái tít lớn, đã có tác động lớn đến dư luận ở Mỹ. Trung Tá Vann, đã bị triệu hồi về Mỹ để giải trình, và sau đó ít tháng bị buộc phải xin giải ngũ.

Các cố vấn Mỹ, kể từ đó, đã rút ra bài học là phải huấn luyện binh lính Sài gòn luôn lao lên phía trước. Nhưng cho đến ngày cuối cùng của cuộc chiến, không thể nói là họ đã thành công.

Khi Mỹ đổ quân vào Việt Nam, lính Mỹ thường được giao nhiệm vụ tham gia các trận đánh lớn. Còn lính Sài Gòn chủ yếu làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh ở các địa phương.

Theo ông, liệu có phải khả năng chiến đấu yếu kém của quân lực Việt Nam Cộng Hoà là một trong những nguyên nhân khiến Mỹ quyết định đổ quân vào Việt Nam?

— Sang năm 1964, quân đội Bắc Việt đã vào miền Nam theo đường mòn Hồ Chí Minh, cũng như theo đường thuỷ đến cảng Sihanoukville ở Campuchia, trước khi vượt biên giới vào Nam Bộ để phối hợp với Việt Cộng tấn công quân đội Sài Gòn.

Quân đội Sài Gòn, mới được thành lập vào giai đoạn 1957-1958, chưa hề được thử thách. Họ không đủ sức chống lại những người lính được huấn luyện rất bài bản, dưới sự chỉ huy của nhưng vị chỉ huy giỏi được điều từ miền Bắc vào. Việt Cộng cũng nhờ chiến đầu bên cạnh họ mà ngày càng dày dạn kỹ năng tác chiến.

Hơn thế nữa, cùng với giới lãnh đạo ở Sài Gòn, mấy đời tổng thống Mỹ, từ Eisenhower, Kennedy, Johnson đến Nixon, đều đã thất bại trong việc xây dựng ở miền Nam Việt Nam một chủ nghĩa dân tộc - yếu tố quan trọng trong việc xây dựng tinh thần và khả năng phòng thủ quốc gia.

Cho nên, mặc dù sau này, Mỹ đã đào tạo được những chỉ huy giỏi, chất lượng của binh lính và sĩ quan Việt Nam Cộng Hoà nói chung vẫn không đủ đáp ứng được đòi hỏi của cuộc chiến với quân đội Bắc Việt và Việt Cộng.

Nhưng nguy hiểm nhất là kể từ khi Nguyễn Văn Thiệu lên ngôi tổng thống, ông ta đã sử dụng nhiều viên tướng tham nhũng. Đó là một nguyên nhân quan trọng làm suy giảm sức chiến đấu của quân đội Sài Gòn.

Xin ông giả thích rõ hơn.

— Để tránh các cuộc đảo chính quân sự, như đã diễn ra trước đó, ông Thiệu chỉ chọn những người giỏi làm chính trị, chứ không giỏi cầm quân.

Nhưng những người này lại giỏi hơn về khả năng tham nhũng. Họ ăn bớt cả tiền lương của binh sĩ. Đó là điều mà người Mỹ biết, không thể thay đổi, mặc dù rất muốn.

Buồn thay, cho tới giờ này người Mỹ vẫn không thoát được "cái dớp" đó. Tổng thống Kazai của Afganistan và em trai của ông ta là những kẻ tham nhũng có hạng. Ngoài khoản ngân sách chi tiêu quân đội, họ còn biển thủ cả tiền cứu trợ dành cho dân thường.

Trong khi đó Taliban là một hình ảnh ngược lại. Những người theo đạo Hồi này không cần tiền để mua rượu, hay để mở tài khoản ngân hàng ở Thuỵ Sĩ. Họ chiến đấu vì niềm vinh quang của họ, vì tôn giáo của họ. Chính vì vậy, Taliban là một đối thủ rất khó nhằn.

Tôi luôn cho rằng tham nhũng là nguyên nhân chính khiến cho sức chiến đấu của quân đội và khả năng phòng thủ quốc gia bị suy giảm.

Ở Trung Quốc, nơi tôi đang sống, họ chống tham nhũng rất kiên quyết. Mới tuần thôi, họ đã bắt một thứ trưởng tài chính - kẻ đã biển thủ hàng triệu USD. Sức mạnh kinh tế và quân sự của họ nhờ thế mà được củng cố và phát triển rất mạnh.

Tại sao người Mỹ lại thất bại trong việc xây dựng ở miền Nam Việt Nam một chủ nghĩa dân tộc, mà ông coi là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng tinh thần và khả năng phòng thủ quốc gia?

— Để trả lời câu hỏi này, có lẽ cần phải phân tích bối cảnh lịch sử ở miền Nam kể từ sau Hiệp định Geneva (1954).

Chủ trương thống nhất đất nước của Việt Minh đã được thể hiện mạnh mẽ dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh. Thế nhưng, cuộc tổng tuyển cử không thể diễn ra do sự can thiệp của người Mỹ. Cơ hội thống nhất đất nước vào năm 1955 đã bị bỏ qua, và đó là tiền đề cho một cuộc chiến tranh mới, với mọi xung lượng đều ở phía những người cộng sản.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp nhiều người ở miền Nam đã ủng hộ Việt Minh và Chính phủ Hồ Chí Minh. Vì vậy, trong cuộc chiến tranh mới, họ đã tiếp tục hợp tác với Việt Cộng.

Trong khi đó, khống ít những người khác lại vẫn nhớ người Pháp. Và, do đó, tuy người Mỹ đã hiện diện ở miền Nam, vẫn không có nhiều người Việt nói được tiếng Anh.

Mãi đến năm 1972, người Mỹ đã huấn luyện được những sĩ quan người Việt trẻ trung và giỏi giang tại Học viện Quốc phòng West Point. Tuy nhiên, lúc đó Mỹ đã chuẩn bị rút quân khỏi Việt Nam, và sự trở về của họ đã quá muộn màng.

Huỳnh Phan (còn nữa)