Probiotic và Prebiotic

Nguyễn Chí Công

Probiotic và prebiotic là gì ?

Probiotic, còn gọi men vi sinh hay lợi khuẩn hỗ trợ tiêu hóa, là những loại vi khuẩn hoặc nấm men sống nhưng có lợi cho con người. Chúng có thể đưa vào cơ thể dưới dạng các món ăn lên men quen thuộc hoặc sản phẩm y tế với điều kiện được chế biến đạt tiêu chuẩn GMP và chưa hết hạn sử dụng.

Prebiotic là nguồn thức ăn cho probiotic, làm các vi khuẩn hữu ích có điều kiện phát triển mạnh mẽ và nhanh hơn. Có tới 15-23g/l prebiotic trong sữa non và 8-12g/l prebiotic trong sữa thường của mẹ. Những nguồn thức ăn có chứa prebiotic thường gặp là đậu nành, yến mạch thô, hành, chuối, tỏi, a-ti-sô, nho, gạo lức, lúa mì nguyên cám và lúa mạch nguyên cám…

Prebiotic chủ yếu gồm các chất đường béo (oligosaccharides), trong đó được nghiên cứu nhiều nhất là Fructo-oligosaccharides (FOS) và Galacto-oligosaccharides (GOS):

  • GOS được chiết xuất từ đường lactose có trong sữa động vật (bò, dê…). Cấu trúc hóa học của GOS gồm đường galactose và lactose liên kết với nhau. GOS được chiết xuất từ hoa quả, thực vật nhưng hàm lượng khá thấp.
  • FOS có nhiều trong măng tây, chuối, yến mạch, tỏi, atisô và rau diếp xoăn. Cấu trúc hóa học gồm đường glucose và fructose liên kết với nhau. FOS không làm tăng sự hấp thu canxi ở thanh niên nhưng lại kích thích sự hấp thu này ở tuổi thiếu niên trở xuống.

Tác dụng của chúng

Nhiều loại vi khuẩn hoặc nấm men sống trong đường ruột của người có thể bị giảm đột ngột vì một lý do nào đó, ví dụ bị tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm hoặc vừa dùng xong một liều thuốc kháng sinh v.v.. Khi đó đưa probiotic vào cơ thể sẽ rất có ích do chúng hỗ trợ khôi phục lại sự cân bằng của hệ thống vi khuẩn vốn có trong đường ruột của người khoẻ mạnh.

Tác dụng chủ yếu của probiotic là ngăn chặn khả năng bám dính và kìm hãm sự phát triển của các tác nhân gây bệnh, làm giảm lượng chất độc mà các tác nhân gây bệnh thải ra trên biểu mô ruột của con người, đặc biệt của trẻ em và người già. Ngoài ra các chế phẩm sinh học chứa probiotic còn cung cấp thêm các chất quan trọng cho cơ thể như folic acid, niacin, riboflavin, vitamin B6 và B12.

Probiotic có nhiều tác động tích cực không chỉ với hệ tiêu hóa vì chúng có thể tăng cường hệ thống miễn dịch của chúng ta. Probiotic có khả năng làm các vi sinh vật gây bệnh bị đói bằng cách "ăn tranh" các chất dinh dưỡng đang có trong đường ruột. Bổ sung số lượng probiotic sẽ giúp tăng cường đáp ứng miễn dịch, nhất là miễn dịch tự nhiên, làm tăng dung nạp của cơ thể với chất đường lactose, giúp trẻ em và người già tránh khỏi tình trạng đầy hơi, khó tiêu khi hấp thu những loại thức ăn có chứa nhiều lactose (ví dụ như sữa).

Các chế phẩm sinh học chứa probiotic có tác dụng lớn và quan trọng trong việc bảo vệ niêm mạc đường ruột, làm gia tăng lượng vi khuẩn có lợi trong cơ thể. Chúng có thể được bổ sung hàng ngày qua đường ăn uống để đem lại hiệu quả rõ rệt trong việc cải thiện triệu chứng tiêu chảy do tác dụng phụ của kháng sinh, táo bón, rối loạn tiêu hóa…

Prebiotic có thể làm giảm mật độ cholesterol trong máu, tăng hấp thu canxi tại ruột kết, giúp nhuận tràng, chống táo bón... Prebiotic chỉ tác động tích cực khi cơ thể đã có sẵn lợi khuẩn, bản thân prebiotic không sản sinh ra probiotic. Prebiotic có ích cho sức khỏe nhưng không phải là chất thiết yếu nên không có khái niệm “thiếu prebiotic” trong cơ thể. Lưu ý, nếu dùng quá nhiều prebiotic có thể gây ra tiêu chảy.

Chúng có ở đâu ?

Probiotic và prebiotic có mặt trong nhiều thức ăn lên men truyền thống của các dân tộc. Người Việt rất ưa chuộng các món tương cà dưa mắm, người Hoa mang đậu phụ nhự và ca la thầu đi khắp nơi, người Nhật thì thích natto, misho, người Hàn không thể thiếu kim chi v.v.. Tuy nhiên người chế biến thường không điều chỉnh được chính xác liều lượng Probiotic và prebiotic trong mỗi xuất ăn các món đó, cho nên đa số chuyên gia không khuyến khích dùng nhiều. Chưa kể trong dưa cà muối còn có một chất có thể gây ung thư là nitrosamin.

1.Sữa chua (yaourt)

Probiotic có nhiều nhất trong sữa chua và các loại men vi sinh. Sử dụng sữa chua hàng ngày có tác dụng bổ sung probiotic tăng cường miễn dịch đường ruột, cải thiện sức khỏe, làm giảm nguy cơ dẫn đến các bệnh như viêm loét dạ dày, đầy hơi, ợ hơi, ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy, táo bón, hội chứng kích thích ruột, viêm ruột, … vốn dễ phát sinh trong hệ tiêu hóa.

2.Pho mát (phô mai)

Một số pho mát mềm lên men, chẳng hạn như cheddar, pho mát Thụy Sỹ, pho mát Hà Lan, pho mát Parmesan… chứa sẵn probiotic có thể sống dễ dàng trong ruột người, sẽ giúp làm sạch đường ruột và tăng cường sức khỏe cho chúng ta. Những loại pho mát này là chế phẩm sinh học từ sữa nhờ Lactobacillus acidophilus (vi khuẩn lactic thích axit) lên men trong vài ngày, vài tuần hoặc lâu hơn.

Cách dùng: bạn nên thêm 30g pho mát mềm vào khẩu phần ăn nhẹ hàng ngày để vừa giúp cung cấp probiotic vừa tăng cường lượng protein và canxi hữu ích cho cơ thể. Lưu ý rằng không phải loại pho mát nào cũng thích hợp cho trẻ em hoặc người già, vì vậy trước khi sử dụng bạn cần phải tìm hiểu cụ thể.

3.Thực phẩm chức năng Probiotics

Những loại thực phẩm chức năng này cung cấp probiotic nhiều hơn sữa chua và pho mát, đồng thời dễ dàng bảo quản lâu hơn vì là chế phẩm sinh học trong phòng thí nghiệm hoặc công nghiệp y tế. Chúng thường được đóng gói dưới dạng viên nang hoặc túi bột chứa Probiotics trộn chung với Prebiotics để tăng cường công dụng.

  • Bảo quản: Để ở nhiệt độ phòng, nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh sáng.
  • Cách dùng: bạn cần xem kỹ để chắc chắn là chưa hết hạn sử dụng. Có thể hòa bột Probiotics vào sữa hoặc nước mát mà uống trực tiếp, hoặc trộn với sữa chua. Không dùng với nước nóng và khi đói bụng. Trẻ em dưới 2 tuổi trước khi dùng cần tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng hoặc cán bộ y tế.

(NCCong tổng hợp)