Quân đội Trung Quốc: Dùng tàu sân bay để giải quyết tranh chấp lãnh thổ

Ngày 11 tháng 8, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc sẽ được dùng cho việc “nghiên cứu khoa học và huấn luyện”.

Nhưng một bài đăng trên Báo Giải phóng Quân hôm ấy lại viết: Tiêu tốn bao nhiêu công của đóng tàu sân bay đâu phải chỉ để hù doạ các quốc gia bất tuân phép tắc khiêu khích Trung Quốc. Một khi có nhu cầu, Trung Quốc cần dám sử dụng tàu sân bay để giải quyết các “tranh chấp lãnh thổ”.

Bài báo với tiêu đề “Cần dám dùng tàu sân bay để giải quyết tranh chấp lãnh thổ” nhấn mạnh: tàu sân bay của Trung Quốc được chế tạo không phải chỉ để cho người Trung Quốc xem; nếu không có dũng khí và ý chí sử dụng tàu sân bay để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ thì “chúng ta đóng tàu sân bay để làm gì ? »

Bài báo viết : về bản chất, tàu sân bay là cái sân bay di động trên biển, là một loại tàu chiến siêu hạng tác chiến trên biển được dùng để thực hiện sứ mạng quân sự ; nếu hỏi khi vùng biển Trung Quốc bị xâm phạm, tàu sân bay Trung Quốc có dám ra tay hay không ? « Không cần nói cũng tự biết câu trả lời ».

Bài báo viết : Trung Quốc đề xuất trỗi dậy hoà bình cần xây dựng một hạm đội viễn dương để bảo vệ quyền lợi trên biển của Trung Quốc ; sau khi có tàu sân bay rồi thì Trung Quốc sẽ càng bảo vệ quyền lợi ấy hữu hiệu hơn, tàu sân bay khiến cho Trung Quốc « lòng tin càng mạnh, quyết tâm càng cao ». Trung Quốc sở hữu diện tích biển rất rộng, việc đóng tàu sân bay trở nên rất quan trọng ; không có tàu sân bay thì không có quyền kiểm soát bầu trời ở xa bản địa; sức cơ động chiến lược độc đáo của tàu sân bay có thể chuyển dịch hoả lực không-đất tới vùng biển xác định để thực thi nhiệm vụ tác chiến mà không chịu sự hạn chế của vị trí địa lý.

Thương báo Hong Kong dẫn thông tin từ phía quân đội cho biết : sau khi tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc hoàn tất nhiều thí nghiệm, từ sang năm sẽ đưa tàu vào phục vụ và vào khoảng trước sau quốc khánh 2012 sẽ làm lễ chính thức ra khơi ; tàu sân bay sẽ do Quân ủy trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc trực tiếp chỉ huy, theo kế hoạch sơ bộ sẽ phục vụ tại vùng Nam Hải (Biển Đông).

Thời báo Hoàn Cầu ngày 11/8 dành vị trí nổi bật trên trang nhất đưa tin về quá trình gian nan trong chuyến đi biển thử nghiệm lần đầu của tàu sân bay Nga và Pháp. Bài báo viết : chuyến đi biển thử nghiệm của tàu sân bay Baku (Nga) kéo dài trên 2000 giờ, tổng cộng mất 5 năm mới hoàn thành ; tàu sân bay De Gaule của Pháp đi biển thử mất 4 năm, trên đường đi còn đánh rơi mất một chân vịt.

Tân Kinh Báo (xuất bản tại Bắc Kinh) đưa tin : trước khi đưa vào phục vụ chính thức, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc sẽ được đặt lại tên, hiện nay đã đề xuất tên « Trùng Khánh », « Thiên Tân ».

Còn nói về chuyện ai sẽ là Hạm trưởng tàu sân bay này, hiện nay hai người được nhắc đến nhiều nhất là Bách Diệu Bình Phó Giám đốc Học viện Tàu thuyền Đại Liên và Lý Hiểu Nham sĩ quan chỉ huy tàu khu trục thuộc hạm đội Đông Hải. Nghe nói ông Lý từng giành được học vị với luận án đề tài « Liên hợp các lực lượng trên biển tấn công biên đội tàu sân bay”, do đó có ưu thế về lý luận.

Ngoài ra, máy bay chiến đấu kiểu J-15 có thể được chọn làm máy bay dùng trên tàu sân bay.

Nguyên Hải

Nguồn : Báo Buổi Sớm (Singapore) 2011-08-12