Michael Ender (Đức)

RẠP HÁT “NHỮNG CÁI BÓNG CỦA Ô-PHÊ-LI-A”

Bà gái già Ô-phê-li-a sống trong một thị trấn nhỏ. Ngày xưa, khi bà ra đời, bố mẹ bà bảo nhau: Con chúng mình sau này nhất định sẽ trở thành một diễn viên nổi tiếng !

Bởi vậy họ đặt tên cho con gái là Ô-phê-li-a (Ophelia) – tên một vai nữ chính nổi tiếng trong vở kịch Ham-let của nhà viết kịch, nhà thơ vĩ đại Sêch-xpia.

Chỉ có điều bố mẹ Ô-phê-li-a chẳng để lại cho con gái thứ gì cả ngoài những lời ca ngợi nghệ thuật ngôn từ vĩ đại của các nhà thơ. Lớn lên, Ô-phê-li-a không trở thành diễn viên, hơn nữa cô lại có giọng nói quá ư nhỏ nhẻ. Nhưng dù sao cô cũng mong muốn được hiến mình cho nghệ thuật – dù là chỉ bằng cách tầm thường nhất.

Thị trấn nhỏ ấy có một nhà hát rất xinh đẹp. Ngay tại chỗ sân khấu đối diện với khán giả có một gian phòng nhỏ xíu kín đáo; tối nào Ô-phê-li-a cũng ngồi ở đấy để làm cái việc nhắc vở cho những diễn viên lên sân khấu mà quên đài từ. Ô-phê-li-a có giọng nói rất chi là nhỏ nhẹ cho nên đặc biệt thích hợp làm việc ấy, vì nếu cô có lỡ miệng nói to đến đâu thì khán giả cũng không thể nào nghe thấy.

Ô-phê-li-a dâng cả cuộc đời dài dằng dặc của mình cho nghề nghiệp này và cảm thấy rất hạnh phúc với công việc. Lâu ngày, cô có thể đọc thuộc lòng nhiều vở bi kịch và hài kịch vĩ đại của thế giới, tới mức khi nhắc vở cô không cần phải nhìn sách nữa.

Rồi như vậy dần dần Ô-phê-li-a già đi. Thời đại cũng thay đổi. Người đến xem kịch ngày càng ít dần, bởi lẽ ngoài kịch ra ngày nay còn có điện ảnh, truyền hình và nhiều hoạt động giải trí khác. Phần lớn các gia đình đều có ô tô riêng; khi muốn xem kịch thì người ta đánh xe đưa cả nhà đến các đô thị lớn gần đấy, vì ở đó họ được xem diễn xuất của các diễn viên nổi tiếng, và cũng để có dịp chứng tỏ gia đình mình chơi sang chẳng kém ai.

Thế là cái rạp hát xinh xinh của thị trấn nhỏ không thể không bị đóng cửa. Các diễn viên phân tán đi nơi khác. Bà gái già Ô-phê-li-a cũng thất nghiệp.

Hôm ấy, khi tấm màn của buổi diễn cuối cùng hạ xuống, bà Ô-phê-li-a một mình nán lại trong rạp hát khá lâu. Bà ngồi trong gian phòng nhỏ tý của mình ôn lại cuộc đời. Bỗng nhiên bà nhìn thấy một bóng người thấp thoáng ẩn hiện trên tấm phông màn, cái bóng lúc thì to lúc thì nhỏ. Thế nhưng lúc ấy ngoài bà ra, trong rạp hát nào có ai đâu; cho nên đây quyết không phải là cái bóng của một người nào cả.

“Ai đấy ?” Bà Ô-phê-li-a kêu lên bằng cái giọng nhỏ nhẹ của mình.

Cái bóng kia kinh hãi lập tức thu nhỏ lại – dù sao, đã là cái bóng thì chẳng bao giờ nó có hình dạng nào cố định cả; nhưng rồi nó lại to ra, mỗi lúc một to mới lạ chứ.

“Xin lỗi !” Nó nói, “Tôi không biết ở đây vẫn còn người. Tôi không định doạ dẫm gì bà đâu ạ. Tôi chỉ muốn trốn ở đây vì tôi chẳng biết mình nên ở đâu nữa. Xin bà đừng đuổi tôi !”

“Mi là cái bóng phải không ?” Ô-phê-li-a vội hỏi.

Cái bóng gật gật đầu.

“Nhưng cái bóng nào cũng có chủ của nó chứ ?” bà hỏi tiếp.

“Không ạ,” nó đáp, “Không phải tất cả mọi cái bóng đều có chủ của mình. Trên thế gian này có những cái bóng thừa ra, chẳng ai cần đến chúng. Tôi chính là một cái như vậy. Tôi là cái bóng Lang-Thang.”

“Thế đấy.” bà Ô-phê-li-a nói, “Chẳng ai cần đến mi, chẳng lẽ mi không buồn hay sao ?”

“Có chứ ạ,” Cái bóng khẳng định và thở dài nhè nhẹ, “nhưng còn có thể làm thế nào kia chứ ?”

“Mi có muốn đi theo ta không ?” bà gái già hỏi, “Ta cũng không thuộc về ai cả, chẳng ai cần đến ta nữa rồi !”

“Tôi rất muốn thế ạ,” cái bóng trả lời, “Thế thì hay quá ! Nhưng tôi phải ở trên người bà, mà bà thì lại đã có một cái bóng của mình rồi.”

“Không sao cả, các ngươi sẽ chung sống hoà thuận với nhau.” Bà Ô-phê-li-a nói.

Cái bóng của chính bà cũng gật đầu.

Kể từ đó, bà Ô-phê-li-a có hai cái bóng. Chỉ rất ít người phát hiện thấy điều ấy. Họ cảm thấy rất khó hiểu, rất đặc biệt. Bà Ô-phê-li-a không muốn để người khác bàn tán về mình, vì thế ban ngày bà yêu cầu một trong hai cái bóng ấy thu nhỏ lại và chui vào trong cái xắc của bà. Dù sao thì cái bóng bao giờ cũng có thể tìm được chỗ ẩn náu.

Một hôm bà Ô-phê-li-a đến nhà thờ để trò chuyện với Thượng Đế yêu quý của mình. Cho dù giọng nói của bà rất nhỏ nhẹ nhưng bà vẫn mong Thượng Đế nghe thấy bà nói gì. Quả thật, bà không thể đoan chắc là Thượng Đế có thể nghe thấy giọng nói lí nhí của mình hay không. Đúng vào lúc ấy bà nhìn thấy trên bức tường sơn trắng của nhà thờ có một cái bóng người gầy guộc chẳng ra hình thù gì cả. Nó giơ một cánh tay ra như muốn xin cái gì.

“Mi cũng là một cái bóng không ai cần đến phải không ?” bà Ô-phê-li-a hỏi.

“Vâng ạ,” cái bóng nói, “ở chỗ chúng tôi ai cũng nói là đang có một người sẵn lòng thu nhận những cái bóng chẳng ai cần. Người ấy có phải là bà không đấy ạ ?”

“Ta đã có hai cái bóng rồi.” Bà Ô-phê-li-a trả lời.

“Thưa bà, có thêm một cái nữa cũng chẳng sao đâu ạ,” cái bóng năn nỉ, “bà không thể thu nhận tôi sao ? Chẳng ai cần đến tôi nữa, trời ơi, buồn quá, cô đơn quá !”

“Thế mi tên là gì cơ ?” bà gái già hỏi.

“Tôi tên là Sợ-Tối.” Cái bóng khẽ đáp.

“Được thôi, mi đi theo ta vậy.” Bà Ô-phê-li-a bảo.

Thế là bà có những ba cái bóng.

Từ đó trở đi, hầu như mỗi ngày lại có một cái bóng chẳng ai cần đến tìm bà, vì rằng trên thế giới này có rất nhiều, rất nhiều những cái bóng như thế.

Cái bóng thứ tư tên là Cô-Đơn.

Cái bóng thứ năm tên là Đêm-Dài.

Cái bóng thứ sáu tên là Mãi-Mãi-Không.

Cái bóng thứ bảy tên là Trống-Rỗng.

Hơn nữa, hiện tượng ấy cứ tiếp diễn mãi. Bà Ô-phê-li-a rất nghèo, may sao những cái bóng ấy đã chẳng cần ăn uống lại cũng không cần quần áo chăn đệm gì sất.

Chỉ có điều căn phòng của bà có lúc rất tối vì đầy ắp những cái bóng. Chúng đều ở đây, trong gian phòng nhỏ bé của bà Ô-phê-li-a, vì chẳng có ai thu nhận chúng cả. Bà cũng không nỡ nào đuổi chúng đi. Cứ thế, những cái bóng của bà ngày một nhiều.

Điều tồi tệ nhất là có lúc chúng cãi nhau ỏm tỏi. Chúng thường hay tranh giành chỗ trong phòng. Đôi lần chúng choảng nhau thực sự. Những tối như thế bà Ô-phê-li-a thường không tài nào ngủ được. Bà nằm trên giường, đôi mắt mở to, dùng giọng nói nhỏ nhẹ của mình khuyên bảo những cái bóng. Nhưng xem ra chẳng mấy công hiệu.

Bà Ô-phê-li-a không thích nghe người khác cãi nhau, nhưng nếu họ cãi nhau bằng thứ ngôn ngữ vĩ đại của các nhà thơ thường nói trên sân khấu, thì lại là chuyện khác.

Cuối cùng, một hôm bà bỗng nảy ra một ý định tuyệt vời.

“Chúng bay nghe ta nói đây !” Bà bảo những cái bóng, “Nếu muốn được ở lại đây thì chúng bay phải chịu khó học hành một chút nhé !”

Những cái bóng thôi không cãi nhau nữa, chúng nhìn bà bằng ánh mắt chờ đợi.

Thế là bà Ô-phê-li-a bắt đầu đọc cho chúng nghe những kiệt tác của các nhà thơ. Bà đọc thuộc lòng như cháo chảy tất cả những bài thơ ấy. Một số đoạn bà đọc chậm, nhắc đi nhắc lại rồi yêu cầu những cái bóng đọc theo. Chúng học khá vất vả nhưng lại rất chăm chỉ. Dần dần chúng học được từ bà Ô-phê-li-a nhiều vở bi kịch và hài kịch vĩ đại.

Dĩ nhiên tình hình bây giờ khác hẳn trước kia, vì những cái bóng sắm tất cả các vai kịch. Tuỳ theo nhu cầu của vở kịch mà chúng sắm vai từ người lùn cho đến người khổng lồ, đóng vai người hoặc chim, một gốc cây hoặc một cái bàn.

Thông thường suốt đêm chúng diễn kịch trước mắt bà Ô-phê-li-a với diễn xuất tuyệt vời nhất, và bà vẫn ngồi bên cạnh “sân khấu” để nhắc vở cho chúng.

Ban ngày, tất cả những cái bóng, trừ cái bóng của riêng bà, đều chui vào trong xắc của bà. Đúng thế, đôi khi cái bóng có thể nhỏ đến mức không thể tưởng tượng được.

Người khác không bao giờ nhìn thấy những cái bóng ấy của bà Ô-phê-li-a, nhưng họ vẫn thấp thoáng cảm thấy có điều gì không bình thường xảy ra ở người đàn bà này, mà những chuyện không bình thường thì người ta thường không thích.

“Bà già này có chút cổ quái thế nào ấy,” người ta bàn tán sau lưng bà, “Tốt nhất là gửi bà ấy vào Viện Dưỡng lão có người chăm sóc.”

Cũng có người bảo : “Có lẽ bà ấy điên rồi hay sao ấy. Ai mà biết được hôm nào đó bà ta có thể gây ra chuyện gì rắc rối.”

Tất cả mọi người đều cố gắng xa lánh bà Ô-phê-li-a.

Cuối cùng thì ông chủ nhà của bà đến và bảo : “Xin bà thứ lỗi, từ hôm nay trở đi bà phải trả gấp đôi tiền thuê nhà.”

Bà Ô-phê-li-a lấy đâu ra tiền để trả nhiều như thế.

“Vậy thì,” chủ nhà nói, “tôi chỉ có thể xin bà tha lỗi. Tốt nhất là bà hãy dọn đi khỏi đây !”

Thế là bà Ô-phê-li-a đành thu dọn đồ đạc, nhét tất cả vào một cái va ly; dù sao thì đồ đạc của bà cũng chẳng nhiều nhặn gì. Bà ra khỏi căn phòng từng ở bao năm qua, mua vé lên tầu. Bà cũng chẳng biết mình nên đi đâu nữa.

Sau khi đã đi rất xa, rất xa, bà xuống tầu, bắt đầu cuốc bộ. Một tay bà xách cái va ly còn tay kia cầm chiếc xắc đựng đầy những cái bóng.

Con đường ấy sao mà xa lắc xa lơ.

Cuối cùng, bà Ô-phê-li-a đến bờ biển. Bây giờ bà không thể đi tiếp được nữa, vì thế bà ngồi xuống nghỉ một lúc rồi thiếp đi lúc nào không hay.

Những cái bóng nhảy ra khỏi chiếc xắc rồi đứng vây xung quanh bà. Chúng bàn với nhau xem nên làm gì bây giờ.

“Chính là vì chúng mình mà bà Ô-phê-li-a mới rơi vào cảnh ngộ đáng thương này. Bà ấy đã giúp đỡ chúng mình, bây giờ đến lượt chúng mình nghĩ cách giúp lại bà ấy. Chúng mình đã học được nhiều thứ của bà, có lẽ nên dùng những thứ ấy để giúp bà.”

Khi bà Ô-phê-li-a tỉnh dậy, những cái bóng nói cho bà biết dự định của chúng.

“Ôi !” bà Ô-phê-li-a nói, “Các ngươi thật tốt quá !”

Sau đó bà đi vào một xóm nhỏ, lấy tấm vải giường trắng từ va ly ra rồi treo nó lên một cành cây làm phông màn. Những cái bóng bắt đầu diễn kịch, chúng diễn các vở kịch bà Ô-phê-li-a đã dạy chúng. Bà ngồi đằng sau tấm màn nhắc vở cho chúng.

Mới đầu có mấy đứa trẻ thấy lạ kéo đến, chúng vô cùng kinh ngạc đứng xem kịch. Khi trời nhập nhoạng tối, có thêm mấy người lớn cũng đến. Sau khi xem xong buổi diễn kịch thú vị ấy, mỗi người đều cho bà một ít tiền.

Cứ như thế, bà Ô-phê-li-a đi từ xóm này sang xóm khác, từ nơi này sang nơi khác. Tuỳ theo tình huống của vở kịch mà những cái bóng nhập vào các vai; lúc thì vào vai hoàng đế, lúc thì vào vai thằng hề; lúc này sắm vai một thiếu nữ trong trắng quý phái, lúc khác lại sắm vai một chàng trai vui nhộn; khi thì là nhà ảo thuật, khi thì là một bông hoa.

Mọi người kéo nhau đến xem và không nhịn được cười phá lên hay khóc sướt mướt tuỳ theo tình huống của vở kịch. Chẳng bao lâu sau, bà Ô-phê-li-a trở nên nổi tiếng trong vùng. Đi tới đâu bà cũng được người ta chờ đón, vì xưa nay chưa ai được xem những buổi diễn kịch như vậy. Họ đáp lại các buổi trình diễn của bà bằng những tràng vỗ tay nồng nhiệt và mỗi khán giả đều để lại một ít tiền cho bà.

Sau một thời gian, bà Ô-phê-li-a kiếm đủ tiền sắm một chiếc ô tô nhỏ đã cũ. Bà nhờ một hoạ sĩ vẽ giúp hai cái biển mầu sắc sặc sỡ treo ở hai thành xe, trên có kẻ mấy chữ to : Rạp hát “Những cái bóng của Ô-phê-li-a”.

Từ ngày đó trở đi, bà Ô-phê-li-a chu du khắp thế giới, những cái bóng của bà cũng đi theo.

Lẽ ra câu chuyện đến đây có thể chấm dứt được rồi, nhưng nó vẫn còn chưa hết.

Một hôm, trời mưa tuyết rất to, chiếc ô tô của bà Ô-phê-li-a bị kẹt giữa đống tuyết dầy trên đường. Bỗng dưng một cái bóng khổng lồ xuất hiện trước mặt bà. Nó đen hơn tất cả những cái bóng khác.

“Mi cũng là một cái bóng không ai cần đến phải không ?” bà hỏi.

“Đúng thế,” cái bóng đen to tướng kia chậm rãi nói, “Ta nghĩ có thể nói như thế !”

“Mi cũng muốn lên đây với ta chăng ?” Bà Ô-phê-li-a hỏi.

“Bà có thể nhận ta ư ?” Cái bóng hỏi lại và tiến đến gần hơn.

“Tuy rằng ta đã có rất nhiều cái bóng rồi, nhưng vẫn có chỗ cho mi ở đây được !” bà gái già nói.

“Thế bà không muốn hỏi ta tên là gì ư ?” cái bóng vặn vẹo.

“Thế mi tên là gì ?”

“Mọi người gọi ta là Thần Chết.”

Nghe đến đây bà Ô-phê-li-a lặng đi một lúc lâu không nói gì cả.

“Dù là thế đi nữa, bà vẫn cứ thu nhận ta chứ, phải không ?” Cuối cùng bóng đen kia nhẹ nhàng hỏi.

“Đúng vậy.” bà Ô-phê-li-a trả lời. “Mi đến đây đi !”

Thế là cái bóng đen khổng lồ lạnh như băng ấy ôm lấy bà Ô-phê-li-a. Thế giới xung quanh bà bỗng chốc trở nên tối sầm, đen kịt. Song hình như bỗng dưng bà mở to mắt, đôi mắt ấy bây giờ trở nên trẻ trung và sáng long lanh chứ không già nua và mờ đục như trước. Bây giờ chẳng cần đeo kính bà cũng có thể nhận ra mình đang ở nơi nào :

Bà đang đứng trước cổng Thiên Đường, hằng hà sa số những cái bóng vô cùng đẹp đứng xung quanh, chúng đều mặc quần áo sặc sỡ và mỉm cười nhìn bà.

“Các ngươi là ai vậy ?” Bà Ô-phê-li-a hỏi.

“Bà không nhận ra chúng tôi ư ?” những cái bóng nói, “Thưa bà, chúng tôi chính là những cái bóng bị người đời coi là thừa mà bà đã thu nhận đấy ạ. Bây giờ chúng tôi đã được cứu rỗi, không còn phải phiêu bạt lang thang khắp nơi như trước nữa.”

Cổng Thiên Đường mở rộng. Những cái bóng sáng sủa ôm lấy bà Ô-phê-li-a, đưa bà đi vào bên trong.

Chúng dẫn bà đến trước một toà cung điện kỳ diệu – một rạp hát đẹp nhất, sang trọng nhất chưa từng thấy.

Trên cổng toà nhà có khắc một dòng chữ mạ vàng óng ánh : Rạp hát “Những cái bóng của Ô-phê-li-a”.

Kể từ đó trở đi tại rạp hát này những cái bóng bắt đầu dùng ngôn từ vĩ đại của các nhà thơ kể lại cho các thiên thần nghe về số phận của loài người. Qua diễn xuất của chúng, các thiên thần biết được chuyện ấy và hiểu ra rằng con người sống trên Trái Đất thật đau khổ biết bao, đáng thương biết bao, vĩ đại biết bao, đồng thời đáng buồn cười như thế đấy.

Bà Ô-phê-li-a vẫn nhắc vở cho các diễn viên. Ngoài ra, nghe nói có lần Thượng Đế kính yêu cũng đến xem buổi diễn kịch của những cái bóng, song có thể nói chắc chắn là chưa ai nhìn thấy Ngài bao giờ.

Nguyên Hải dịch