Rumsfeld and Bush’s Team

Rumsfeld và nội các Bush

TTCT - Một nhiệm kỳ rưỡi đã trôi qua có thể đã khá đủ để Bob Woodward, người đã bằng ngòi bút của mình buộc một tổng thống Mỹ phải từ chức sau vụ Watergate, có thể sơ kết tình hình khủng hoảng lãnh đạo trong nội các Bush trong quyển State of Denial. Có quá nhiều chuyện nội tình của Nhà Trắng bị phanh phui...

Quyển State of Denial của Bob Woodward đã có mặt tại Nhà Trắng vào sáng 22-9-2006. Nhóm tùy viên Tổng thống Bush lập tức chia nhau đọc ngấu nghiến 576 trang sách này.

Newsweek (9-10-2006) trích đăng một đoạn trong State of Denial, tạm trích lại dưới đây:

Tất cả có lẽ bắt đầu tại Phòng bầu dục ngày 26-1-2001 khi Donald Rumsfeld làm lễ nhậm chức bộ trưởng quốc phòng. Rumsfeld đặt tay trái lên quyển Kinh Thánh do bà vợ Joyce cầm giúp và tay phải giơ thẳng theo nghi thức tuyên thệ. Bush đứng nghiêm, đầu ngả về phía trước, mắt liếc trái, nhìn Rumsfeld. Phó tổng thống Dick Cheney kế bên, với nụ cười nhếch mép quen thuộc.

Thời tiết hôm đó lạnh, khô hanh và từ cửa sổ Phòng bầu dục, người ta có thể thấy những cành cây trụi lá. Thời Tổng thống Ford, khi chính trường Mỹ còn chịu ảnh hưởng vụ Watergate, việc ân xá Nixon, sự sụp đổ của Sài Gòn, Cheney và Rumsfeld từng làm việc với nhau gần như mỗi ngày trong chính căn Phòng bầu dục này. Có khác chăng là gương mặt tổng thống. Tổng thống hiện nay là ông Bush, nhỏ hơn Cheney năm tuổi và Rumsfeld gần 14 tuổi. Bush nhậm chức tổng thống với ít kinh nghiệm và thời gian làm việc cho chính phủ hơn bất kỳ tổng thống nào từ thời Woodrow Wilson năm 1913...

Trong bản ghi nhớ bốn trang đề ngày 21-3-2001, tân bộ trưởng Rumsfeld viết: “Sau hai tháng nhậm chức, có thể thấy rõ rằng Bộ Quốc phòng đang bị rối tung trong chính cái sợi xích neo của nó. Quốc hội cứ yêu cầu báo cáo suốt. Cứ đà này sẽ có nhiều kiểm toán viên, điều tra viên, nhóm giám sát chăm bẳm nhìn qua vai giới chức Bộ Quốc phòng hơn là “những người lính bồng súng ngoài chiến trường”. Rumsfeld cáu tiết thật sự với những soi mói từ Quốc hội...

Ngày 20-1-2003, Bush ký sắc lệnh tổng thống về an ninh quốc gia (NSPD-24) với nội dung thành lập “Phòng kế hoạch hậu chiến Iraq” trong Bộ Quốc phòng. Rumsfeld bổ nhiệm Jay Garner - tướng ba sao nghỉ hưu 64 tuổi, giám đốc điều hành công nghiệp quốc phòng - phụ trách văn phòng này. Sáu tuần sau Garner vào Nhà Trắng, giữa trưa 28-2-2003, gặp Bush lần đầu tiên.

Trong Phòng tình hình, Garner trình bày kế hoạch 11 điểm, nhấn mạnh rằng bốn trong chín nhiệm vụ mà nhóm mình phải thực hiện tại Iraq theo yêu cầu NSPD-24 là ngoài khả năng, trong đó có việc triệt phá vũ khí giết người hàng loạt; đánh bại khủng bố; tái cấu trúc bộ máy quân sự Iraq và tái lập các cơ quan an ninh Iraq. Garner cũng đề nghị sử dụng từ 200.000-300.000 lính Mỹ, đồng thời tái sử dụng quân đội Iraq của thời Saddam Hussein.

Tuy nhiên, không lâu sau khi quân đội Mỹ có mặt tại Baghdad, Rumsfeld bất ngờ bổ nhiệm Paul Bremer (chuyên gia chống khủng bố, được xem là học trò của Henry Kissinger) thay Garner. Từ Iraq trở về Mỹ, Garner gần như lánh mặt bất kỳ ai tại Lầu Năm Góc. Ngày 18-6-2003, trong phòng bộ trưởng quốc phòng, Garner trình bày: “Chúng ta đã thực hiện ba quyết định chiến lược” và đó là “ba sai lầm tệ lậu”. Đó là những gì Bremer đang làm: giải tán Đảng Baath, xóa sổ quân đội Iraq và triệt tiêu bộ máy lãnh đạo cũ. Tuy nhiên, “vẫn còn kịp để điều chỉnh” - Garner nói. Nhìn Garner một lúc, Rumsfeld thốt lên: “Ái chà, tôi không nghĩ còn gì có thể làm, bởi chúng ta đang ở nơi mà chúng ta ở”...

Năm 2004, sau khi Bush tái đắc cử, câu hỏi lớn nhất trong Nhà Trắng là miễn nhiệm Rumsfeld hay không. Đổng lý văn phòng Andrew H. Card đề cập vấn đề với sự tế nhị cần thiết trong khi Ngoại trưởng Colin Powell công khai đòi Rumsfeld rút lui. Trong một lần gặp, Powell nói với Card: “Nếu tôi ra đi, Don (Donald Rumsfeld) cũng phải biến!”.

Thời điểm đó, Bush đã quyết định thay Powell bằng Condoleezza Rice. Card có một quyển sổ tay cá nhân bìa xanh, trong đó ghi danh sách những vị trí có thể bị thay thế, kể cả mình. Tên trong quyển ghi chú được ghi không theo thứ tự cụ thể. Card để quyển sổ tại bàn làm việc trong Nhà Trắng và cứ định kỳ lại điền thêm hoặc gạch bỏ các tên.

Phần danh sách thay thế Rumsfeld, Card liệt kê 11 ứng cử viên, trong đó có thượng nghị sĩ Dân chủ Joe Lieberman, thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain và đặc biệt James A. Baker (ngoại trưởng thời Bush ”bố”). Card thậm chí gặp riêng đệ nhất phu nhân Laura nhiều lần trong sáu tuần. Laura thất vọng về kết quả cuộc chiến Iraq và lo ngại Rumsfeld làm hỏng sự nghiệp chính trị của Bush. Tuy nhiên, chiến dịch hậu trường tranh thủ ủng hộ từ Laura và Rice (cũng chẳng ưa gì Rumsfeld) của Card thất bại. Giữa tháng 12-2004, Bush quyết định giữ nguyên vị trí bộ trưởng quốc phòng...

Ngoài Rumsfeld, còn có vai trò cựu ngoại trưởng Henry Kissinger. “Trong số người ngoài, tôi có lẽ nói chuyện với Henry Kissinger nhiều hơn bất kỳ ai” - Cheney kể. Bản thân Bush cũng cứ vài tháng lại gặp riêng Kissinger. Kissinger nhìn Iraq qua lăng kính cuộc chiến Việt Nam. Trong các bài viết, diễn văn lẫn bình luận riêng, Kissinger cho rằng Mỹ đã có thể thắng cuộc chiến Việt Nam vào năm 1972 nhưng cuối cùng thất bại do quốc hội và dư luận.

Trong bài bình luận trên Washington Post ngày 12-8-2005, Kissinger nhấn mạnh việc “chiến thắng lực lượng phiến loạn Iraq là lối thoát có ý nghĩa duy nhất mang tính chiến lược”. Kissinger cũng phát biểu như thế với Phó tổng thống Cheney. Kissinger căn dặn Rice rằng: tuyệt đối chớ nên rút quân khỏi Iraq.

Thậm chí Kissinger còn lôi ra bản ghi nhớ từng viết cho Nixon đề ngày 10-9-1969 (về tình hình Việt Nam) để nội các Bush tham khảo: “Việc rút bớt quân Mỹ (khỏi Nam Việt Nam), đối với công chúng Mỹ, sẽ giống như hạt đậu phộng muối; càng có nhiều lính Mỹ được trở về, người ta càng muốn nhiều hơn”. Từ bản ghi nhớ Kissinger, Nhà Trắng tung ra bản “Chiến lược quốc gia cho chiến thắng tại Iraq” dày 35 trang...


Giữa trưa thứ tư 7-4-1971, Richard Nixon ngồi trong văn phòng điều hành Nhà Trắng, chuẩn bị bài diễn văn quan trọng phát trên truyền hình tối cùng ngày. Chủ đề chính bài diễn văn là tình hình Việt Nam. Khi Nixon soạn diễn văn cùng cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger và đổng lý văn phòng Nhà Trắng H. R. Haldeman, cuộc nói chuyện bỗng đổi đề tài. Bằng giọng bực tức, Nixon bắt đầu nói về “vấn đề Rumsfeld” (thành viên ban chính sách đối nội Nhà Trắng). “Tôi nghĩ Rumsfeld đã sống quá dai cho thế giới này - Nixon nói - Hãy tống khứ gã đi”.

(Trích Rise of the Vulcans: The History of Bush’s War Cabinet, tác giả James Mann thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược, Washington DC)


Việc Bob Woodward đưa Rumsfeld vào vị trí trung tâm của quyển sách cho thấy rõ Bob Woodward muốn nhấn mạnh rằng sai lầm cá nhân Rumsfeld trong vấn đề Iraq đang trở thành sai lầm của nước Mỹ: Rumsfeld “lấn sân” bằng thái độ kẻ cả nên nội các xào xáo; cuộc đấu đá giữa Lầu Năm Góc và CIA dẫn đến việc Nhà Trắng từ khước các thông tin tình báo về tình hình Iraq; nội bộ Lầu Năm Góc cũng chia rẽ giữa các tướng lãnh với Rumsfeld.

Từ đó, bộ máy của Bush trở nên “cục bộ” nên không có chỗ cho “trung thần”. Nội các Bush quá chậm rút ra bài học thực tế để điều chỉnh chính sách... Đặc biệt Bob Woodward nhấn mạnh rằng bài học sa lầy trong chiến tranh VN mà Colin Powell cố tránh lặp lại với chủ trương tuyệt đối hạn chế đổ quân bộ, chẳng có ý nghĩa xương máu gì đối với Bush đã đành mà với cả Kissinger mới thật lạ.

Kết luận cuối cùng của tác giả đã nằm ngay trong tựa quyển sách - State of Denial (Tình trạng khước từ), sự khước từ nhìn nhận thực trạng đúng như thực tế đang diễn ra (khó khăn trong kế hoạch bình định Iraq); sự khước từ của Bush trong việc sa thải Rumsfeld sớm hơn; sự khước từ của Condoleezza Rice trước các ý kiến từ (cựu) giám đốc CIA George Tenet; sự khước từ của Rice từ đề nghị Robert Blackwill (nguyên phó Hội đồng an ninh quốc gia Hoa Kỳ tại Iraq) tăng thêm 40.000 quân; quan trọng hơn cả có lẽ là sự khước từ cho một cơ chế chính trị mở hơn và ít tính phe nhóm hơn.

Và bây giờ chính trị Mỹ nói riêng và nước Mỹ nói chung đang phải trả giá cho chính thái độ khước từ cực đoan như vậy... (xem thêm: "Vụ án" Collin Powell)

MẠNH KIM