SỐ PHẬN NHỮNG NGƯỜI TÌNH CỦA HITLE

Phải thừa nhận Hitle (Adolf Hitler) là một người lắm tài. Thủa trẻ hắn từng là một hoạ sĩ không tồi. Sau khi nhảy ra hoạt động chính trị trong “đảng Công nhân Đức”, với tài tổ chức khéo léo và tài diễn thuyết kích động chủ nghĩa dân tộc, Hitle bắt đầu được dư luận chú ý.

Tháng 2.1920, hắn đề ra cương lĩnh “chủ nghĩa xã hội quốc gia”, nêu khẩu hiệu mị dân “công nhân được chia lợi nhuận của nhà máy”, “nông dân không phải nộp địa tô”, và đổi tên đảng thành “đảng Công nhân Xã hội chủ nghĩa Quốc gia Đức” (viết tắt là NAZI tức đảng Quốc Xã). Tháng 11.1923, Hitle chỉ huy một đội xung kích Quốc xã bao vây Toà Thị chính Munich, định “làm cách mạng” lật đổ Chính quyền địa phương. Kết quả hắn bị kết án tù 5 năm. Trong tù, hắn viết sách “Cuộc chiến đấu của tôi” (Mein Kampf) được báo chí hết lời tâng bốc, từ đó Hitle trở thành anh hùng cứu tinh của dân Đức. Cuộc khủng hoảng kinh tế 1929-1933 làm kinh tế Đức kiệt quệ, dân chúng ủng hộ Hitle, nhờ đó đảng Quốc Xã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 1932. Đầu năm sau Hitle lên làm Thủ tướng Chính phủ Đức.

Với tài diễn thuyết mị dân và cá tính độc đáo, Hitle được đông đảo dân Đức mến mộ. Nhiều phụ nữ công khai bày tỏ tình cảm với hắn. Một quý bà khi gặp riêng Hitle đã tụt cả áo lót ra để quyến rũ hắn; khiến cho đảng Quốc Xã phải quy định từ nay khi Quốc trưởng tiếp dân phải có người khác cùng dự. Nhưng Hitle không hề tỏ ra xúc động trước tình cảm của phái đẹp. Hắn lao vào sự nghiệp, mỗi ngày làm việc tới 15 giờ; người ta đồn rằng có lẽ quá say mê công việc mà Hitle trở nên liệt dương.

Tuy có nhiều phụ nữ theo đuổi, nhưng cả đời Hitle chỉ yêu một người. Đó là mối tình đầu của hắn – cô cháu gái Angelika Raubal sống cùng toà nhà chung cư ở Munich. Hồi trẻ Hitle có làm nghề vẽ tranh bán kiếm tiền; nay hắn lại bắt Raubal làm người mẫu vẽ tranh khoả thân. Có lẽ là do tính khí bệnh hoạn, Hitle hay nổi cơn lôi đình mỗi khi không được Raubal chiều ý, vì thế họ hay lục đục. Ngày 13 tháng 9 năm 1931, sau một trận cãi nhau, Raubal dùng súng lục của Hitle tự bắn vào tim mình. Cũng có tin đồn cô bị Hitle sai tay chân là Himle (Himmler) giết vì Raubal có thai với một bạn trai người Do Thái. Thật ra, cô tự tử vì không chịu được tật hay nổi máu ghen tuông của Hitle. Từ đó trở đi, suốt đời Hitle bị ám ảnh bởi cái chết của người tình. Đi đâu hắn cũng mang theo ảnh Raubal; căn phòng của cô được giữ nguyên như hồi Raubal còn sống và ngày nào Hitle cũng gửi hoa đến đây.

Người tình say đắm Hitle nhất là Eva Braun. Tuy kém Hitle tới 23 tuổi và biết hắn chẳng màng gì tới mình, nhưng cô gái xinh đẹp xuất thân thợ ảnh này bám riết Hitle đến cùng và dùng mọi thủ đoạn để gần gũi Quốc trưởng, tới mức Hitle phải coi Eva là vợ chưa cưới. Hai người đi lại với nhau khá lâu và cuối cùng Eva được sống chung với Hitle.

Nửa đêm rạng sáng ngày 29 tháng 4 năm 1945, Hitle 56 tuổi cưới Eva 33 tuổi làm vợ. Lễ cưới tổ chức dưới hầm ngầm ở Beclin (Berlin), khi hàng chục nghìn khẩu pháo của quân đội Liên Xô đang trút đạn xuống thủ đô nước Đức. Hôn lễ kéo dài có vài phút với sự chứng kiến của Bí thư đảng Quốc Xã Boocman (Bormann) và Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Gơben (Goebbels). Một quan chức Toà Thị chính Beclin mặc quân phục làm người chứng hôn. Hitle và Eva Braun tuyên bố họ là người tộc Aryan thuần chủng, không mắc bệnh truyền nhiễm nào. Khi ký vào Giấy Kết hôn, mới đầu Eva viết “Eva Braun” sau đó sửa lại là “Eva Hitler, tên cha là Braun”. Sau nghi thức đó, hai người ra phòng chính tiếp nhận lời chúc mừng của các tướng lĩnh và nhân viên.

1 giờ đêm, hai vợ chồng về phòng riêng ăn sáng. Trong bữa ăn, chú rể nhắc lại quyết định tự tử của mình, vì hắn không thể chịu đựng được sự phản bội của các bạn chiến đấu thân thiết như Himle, Gơring (Goering) v.v... Sau đấy, Boocman, Gơben cùng hai nữ thư ký của Hitle được mời vào uống sâm banh và trò chuyện. Mọi người ôn lại các kỷ niệm cũ, về đám cưới của vợ chồng Gơben do Hitle làm chủ hôn.

Thế là Eva Braun đã được toại nguyện: cô từng bị các thuộc hạ của Hitle đưa ra khỏi hầm ngầm này, đến ngày 15 tháng 4 mới được trở về đây. Lòng trung thành của Eva đã được đền đáp. Quả thật, hiếm có người phụ nữ nào dũng cảm và chung tình như thế: sau khi làm vợ Hitle được hơn 1 ngày, Eva Braun tự nguyện ra đi mãi mãi cùng chồng. 10 giờ sáng ngày 30 tháng 4, Eva lên mặt đất ngắm mặt trời lần cuối cùng. 3 giờ chiều, hai vợ chồng Hitle làm lễ cáo biệt mọi người. 3 giờ 30 phút, Eva Braun cắn vỡ một ống thủy tinh nhỏ tý đựng thuốc độc cyanide, Hitle cũng làm như vợ, ngoài ra còn tự đưa nòng súng lục vào miệng mình và bóp cò. Hai người ra đi trên cùng một chiếc ghế xa lông dài dưới hầm ngầm.

Hitle còn có một người tình chung thuỷ khác là Magđa Gơben (Magda Goebbels), vợ của Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Gơben. Từ thủa trẻ, Magđa đã yêu say đắm Hitle, nhưng sự đời run rủi thế nào, cuối cùng lại lấy Gơben và đám cưới của họ do chính Hitle làm chủ hôn. Tuy đã có 6 mặt con với Gơben, nhưng Magđa luôn tranh thủ mọi dịp để gần gũi người tình cũ. Trong thư gửi cho bạn, Magđa không dấu giếm: “Dĩ nhiên tôi vẫn yêu chồng mình, nhưng tình yêu Hitle lớn hơn tất cả.” Một hầu cận của Quốc trưởng kể lại, mỗi khi trông thấy Hitle, bà ta xúc động đứng ngồi không yên. Hitle cũng rất thân mật với gia đình Gơben. Ngày 22 tháng 5, khi Beclin bị quân đội Liên Xô vây hãm, hắn đã mời gia đình Gơben đến sống dưới hầm ngầm với mình, mỗi đứa trẻ được mang theo một thứ đồ chơi chúng thích nhất.

Cũng hôm ấy, Hitle chính thức tuyên bố với thuộc hạ là hắn quyết định sẽ tự tử. Magđa đã chân thành khuyên Hitle nên sống và trốn đi nơi khác, nhưng Hitle không nghe. Magđa cùng chồng bèn quyết chí để cả gia đình mình cùng chung số phận với Quốc trưởng. Bà nhờ một bác sĩ giúp tìm cách giết 6 đứa con của mình trước, sau đó hai vợ chồng cùng tự tử. Chiều ngày 29 tháng 4, sau khi Hitle và Eva làm lễ thành hôn, vợ chồng Gơben đã tổ chức vũ hội cho lũ trẻ nhà họ. 3 giờ 15 phút chiều ngày 30, sau khi vợ chồng Hitle cáo biệt mọi người trở về phòng riêng chuẩn bị tự vẫn, Magđa bất chấp lính gác ngăn cản, vẫn chạy sồng sộc vào gặp Hitle để khuyên lần cuối cùng nhưng Hitle vẫn quyết chết. Magđa khóc lóc rũ rượi chạy ra.

Hôm sau, tức ngày 1 tháng 5, lúc 5 giờ rưỡi chiều, Magđa cho các con ăn kẹo sô cô la có thuốc ngủ. Viên bác sĩ còn tiêm cho mỗi đứa một ống mooc phin, nói là ai cũng phải tiêm thuốc này. Khi lũ trẻ đã ngủ say, bà ta bỏ thuốc độc vào miệng chúng. Cả 6 đứa con của vợ chồng Gơben – đứa lớn nhất 12 tuổi, bé nhất 5 tuổi – đều chết trong giấc ngủ. 8 giờ 30 tối, bố mẹ chúng cũng tự vẫn bằng thuốc độc cyanide (có tài liệu nói Gơben ra lệnh cho lính hầu xả súng vào hai vợ chồng). Mối tình của Hitle với người tình chung thuỷ của mình đã kết thúc bi thảm như vậy.

Nguyễn Hải Hoành