Giới thiệu bản dịch tiếng Việt

Sách "Bậc quân vương" của Niccolò Machiavelli

Italia

"Bậc quân vương" là tác phẩm nổi tiếng nhất của Niccolò Machiavelli (1469-1527), một nhà tư tưởng người Italia, bàn về thuật cai trị của vua chúa thời Phục hưng.

Được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau, đến nay cuốn sách vẫn còn thu hút sự quan tâm của chính trị gia khắp thế giới, mặc dù "chủ nghĩa Machiavelli" đã trở thành thuật ngữ để chỉ thứ chính trị thực dụng, bất chấp đạo lý. Dưới đây ĐÔNG TÁC đăng lại LỜI GIỚI THIỆU bản dịch tiếng Việt của TS Nguyễn Ngọc Đào (2005)

Machiavelli là người bạn, là người cùng thời với Leonardo De Vinci. Nếu như ngay từ thế kỷ 16, thiên tài Leonardo De Vinci đã đưa ra những nguyên tắc cơ sở của máy bay trực thăng và tàu ngầm thì Machiavelli còn nghĩ ra những nguyên tắc cơ sở của thứ vũ khí nguy hiểm hơn gấp bội – vũ khí chính trị, với tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là "Bậc quân vương".

"Bậc quân vương" chủ yếu nói về thuật trị nước và thuật hưng quốc, là cẩm nang để nhà cầm quyền củng cố địa vị, quyền lực với vấn đề trung tâm là bàn về thủ đoạn chính trị. Đây là cuốn sách kinh điển, chuyên luận bàn về nhà nước, phẩm chất và các thủ thuật chính trị của những người đứng đầu nhà nước. Có thể nói, "Bậc quân vương" là tác phẩm đầu tiên đặt nền tảng cho ngành chính trị học hiện đại.

"Bậc quân vương" là kết quả của những đêm lạnh lẽo, Niccolò Machiavelli ngồi suy tư miệt mài và hy vọng đặt vào đó nỗi niềm của một con người có lòng yêu nước nồng nhiệt với mong ước thống nhất nước Italia và xây dựng một quốc gia hùng mạnh. Suy nghĩ của ông là suy nghĩ của một con người có kinh nghiệm thực sự, là kết quả của việc đọc vô số các tác phẩm chính trị và lịch sử.

Sống trong thời kỳ khi trật tự chính trị cũ kỹ của châu Âu đang tan vỡ, những vấn đề mới đang nảy sinh và nhiều biến động mạnh mẽ đang diễn ra trong xã hội, Machiavelli cố gắng lý giải ý nghĩa logic của các sự kiện để dự đoán những điều không thể tránh khỏi và để hình thành những luật lệ chi phối mọi hoạt động chính trị đang diễn ra trong bối cảnh hình thành một quốc gia.

Bằng những nỗ lực đầy trí tuệ của các dịch giả tác phẩm này, chúng tôi hy vọng rằng độc giả Việt Nam sẽ cảm thấy thích thú khi biết đến tư tưởng của con người là hiện thân của tinh thần nhân văn cao cả của thời đại Phục Hưng của thế kỷ 15-16. Qua tác phẩm này, độc giả sẽ nghĩ suy về thực trạng xưa, nay để rồi có thể sẽ ít nhầm lẫn hơn khi đối mặt với những gì thuộc về đương đại.

Hà Nội, tháng 1/2005
Nguyễn Ngọc Đào