Sách khó dễ đọc, bệnh ác dễ phòng

Sáng 15.11, nhân dịp ra mắt cuốn sách Kỳ diệu dàn hoà tấu nội tiết của GS.BS Nguyễn Chấn Hùng – chủ tịch hội Ung thư Việt Nam, tác giả và TS.BS Trần Văn Thiệp – trưởng khoa ngoại 3 bệnh viện Ung bướu TP.HCM, trưởng bộ môn ung thư học đại học Y dược TP.HCM đã có buổi giao lưu với bạn đọc tại toà soạn báo Sài Gòn Tiếp Thị. Buổi giao lưu có sự phối hợp tổ chức của công ty cổ phần truyền thông Sài Gòn (Saigon Media), sự đồng hành của NXB Tổng Hợp TP.HCM.

Nếu tập sách của GS.BS Nguyễn Chấn Hùng là bức tranh sinh động, khoa học về hệ thống nội tiết thì những kiến giải thực tế của TS.BS Trần Văn Thiệp cung cấp cho người nghe nhiều thông tin bổ ích trong việc ngăn ngừa và điều trị ung thư tuyến giáp.

“Y học khô khan trở nên dễ hiểu”

Với cách ví von rất văn chương, gọi tuyến yên là một nhạc trưởng điều khiển dàn hoà tấu, tuyến tùng ban ngày như một ẩn sĩ ngồi thiền, ban đêm thành tráng sĩ múa kiếm chế... melatonin, tuyến giáp trạng là cánh bướm, đốt lên ngọn lửa sưởi ấm các tế bào… GS.BS Nguyễn Chấn Hùng đã giúp bạn đọc dễ dàng hình dung đường đi, sự liền lạc kỳ diệu giữa các cơ quan nội tiết, hiểu rõ hơn sự xáo trộn một tuyến nội tiết nào đó sẽ khiến cung đàn lỗi nhịp.

Bằng một hệ thống sơ đồ, hình ảnh được chuẩn bị khá công phu, kết hợp lối diễn giải mạch lạc và dí dỏm, ông tán thưởng “các nhạc công”, như món quà quý giá mà thiên nhiên ban tặng loài người: “Khi em bé say sưa bú mẹ, chúng ta tưởng chỉ có đầu núm vú tiết ra sữa. Thực ra những kích thích từ đầu núm vú sẽ được gửi tín hiệu đến tuyến yên trên não, yên trước tiết ra prolactin làm vú chế tạo sữa. Oxytocin được yên sau nhả, lùa sữa vào miệng bé. Bốn hạt nhỏ xíu được gọi là tuyến nội tiết nhí nhất, nếu trong phẫu thuật không khéo đụng vô, sẽ khiến bệnh nhân co giật, vì đó là nơi tiết ra canxi. Khi ánh sáng tắt đi, mắt nhắm lại, tuyến tùng tiết ra chất melatonin đưa chúng ta vào giấc ngủ. Tôi thích hình ảnh hai quả thận đội mũ bêrê là tuyến thượng thận có vai trò giúp cơ thể ứng phó với stress. Nếu buồng trứng là nơi sản sinh estrogen, nghệ sĩ tạo hình siêu tuyệt, tạo dáng yêu kiều cho phụ nữ, thì hai hòn của bộ phận sinh dục nam chính là nơi tiết ra testosterone định hướng giới tính, sản xuất tinh trùng, phát triển hệ sinh dục nam, tạo nét đàn ông như bộ râu, giọng nói, bờ vai… Y học tưởng khô khan mà vô cùng kỳ diệu, hiểu như vậy để mỗi chúng ta biết nâng niu nội tiết, lưu tâm điều hoà mỗi khi có chệch choạc. Hãy loại bỏ các chất độc bẻ gãy hormon, vì như thế là không hợp với tự nhiên. Sống vui sống khoẻ cần có hệ nội tiết tốt. Hãy biết dùng, biết dưỡng thuốc quý trời cho, ăn lành, ngủ đủ, tập đều, sống vui”.

BS Đỗ Hồng Ngọc, người bạn thân thiết của GS.BS Nguyễn Chấn Hùng cả nửa thế kỷ, đã dành những lời trân trọng cho cuốn sách Kỳ diệu dàn hoà tấu nội tiết vừa ra mắt: “BS Chấn Hùng dùng từ ngữ hay quá, thơ quá, làm cho y học khô khan trở nên dễ hiểu. Biết về hệ thống điều hoà toàn bộ cơ thể, cũng là để tránh những tranh đoạt, giảm stress. Cuốn sách tích luỹ công trình nghiên cứu nhiều năm qua, những trải nghiệm thực tiễn này không chỉ là tư liệu quý cho độc giả, mà còn tối cần thiết cho sinh viên y khoa”.

Cười hạnh phúc, GS.BS Nguyễn Chấn Hùng chia sẻ: “Cũng có người hỏi tôi viết sách y học hay văn học, viết nhiều lãnh vực khác nhau có làm lu mờ hình ảnh chuyên môn không? Tôi nghĩ sách tôi là y học trên nền sinh học, bắt nguồn từ cuộc sống, từ sự hài hoà của trời đất, của con người. Trân trọng sự hài hoà đó cũng là để chúng ta biết quý sức khoẻ, quý sự hài hoà trong mỗi người và với mọi người. Hơn 40 năm, từ một bác sĩ mổ bước sang nghiên cứu, soi rọi vào thực tế đời sống xã hội để tìm ra những căn nguyên dẫn tới ung thư, đòi hỏi mình phải học dữ lắm. Viết sách, dạy học cũng là cách để mình chia sẻ với nhiều người khác, dù viết cho mọi người đọc được cực lắm. Mỗi lúc như thế mình được học thêm về sự sống, thấy cuộc đời ý nghĩa hơn”.

Ung thư tuyến giáp: biết sớm trị lành

GS.BS Nguyễn Chấn Hùng cho biết trong vòng 30 năm trở lại đây, ung thư tuyến giáp gia tăng nhiều, nhưng chúng ta đã có máy siêu âm, như một cái “kính chiếu yêu”giúp phát hiện bệnh sớm. TS.BS Trần Văn Thiệp cũng trấn an: Người nào nói nhìn mắt lồi mà đoán bị ung thư là không đúng. Mắt lồi có thể do cường tuyến giáp, nhưng phải bằng xét nghiệm chuyên khoa mới biết có ung thư hay không. Ăn muối iốt hàng ngày có phòng ngừa ung thư tuyến giáp? Đúng, nhưng thường có chiều hướng cường tuyến giáp, phải cảnh giác trong liều lượng. Với những bệnh nhân điều trị dài ngày, không nên tự uống thuốc mà phải đến bác sĩ chuyên khoa để thay đổi liều dùng. Bệnh này đa số không thấy do di truyền, chỉ hãn hữu một vài trường hợp dạng lõi. Ung thư tuyến giáp có thể xảy ra với cả người trẻ tuổi và trên 50 tuổi. Trong và sau thời gian mổ ung thư, bệnh nhân rất háo iốt, nên người bệnh cần kiêng rau câu, rong biển, đồ biển, để sau đó bác sĩ sẽ dùng cơ chế này đưa iốt phóng xạ vào, hiệu quả rất mạnh…”

Trả lời câu hỏi những triệu chứng nào giúp người bệnh phát hiện bị ung thư tuyến giáp, BS Thiệp cho biết khó có thể thấy được triệu chứng, phần lớn bệnh được phát hiện tình cờ nhờ siêu âm. Nếu phát hiện sớm, kết quả điều trị rất tốt.

BS Chấn Hùng cho biết thêm: ngoài điều trị đúng lúc, đúng cách, thì tinh thần là yếu tố quan trọng. Tinh thần người bệnh vững vàng, tình yêu thương của người xung quanh, và lời động viên của bác sĩ chính là liều thuốc quý, chứ không có nghiên cứu nào trên thế giới nói sừng tê giác trị khỏi ung thư!

Có mặt trong buổi giao lưu là khoảng 100 độc giả trung thành của chuyên trang Khoẻ và vui, nhiều bệnh nhân, người nhà bệnh nhân… tất cả đều tỏ ra tâm đắc với cách chia sẻ chí tình, dí dỏm của hai vị bác sĩ.

Kết thúc buổi giao lưu, một phụ nữ lớn tuổi đã thay mặt mọi người nói lời cảm ơn: “Dù bệnh nặng thế nào cũng phải giữ được niềm tin, tin vào chính mình, tin vào khoa học, tin vào bác sĩ – những thông điệp nhận được từ buổi giao lưu đã thực sự thấm sâu vào tôi qua cách trình bày dễ hiểu các hai vị bác sĩ”.

Bài: Hương Xuân, ảnh: Hồng Thái (SGTT)

  • Bạn đọc Mi Vân: Nói nhiều có bị ung thư tuyến giáp? Có phải nói nhiều thì có nguy cơ bị ung thư tuyến giáp không? Nhìn bằng mắt thường có phát hiện được ung thư? Ăn muối iốt có giúp hạn chế ung thư, bướu cổ không?

GS.BS Nguyễn Chấn Hùng: Không phải! Nói nhiều thì không gây ra ung thư. Bởi nếu cô giáo không nói thì ...học trò nguy. Phải khám, thử mới biết được, chớ nhìn bằng mắt không biết được. Hiện giờ có chương trình muối iốt và ăn muối iốt là đúng. Nhưng cái gì cũng phải chừng mực. Khi có hơi hướng cường giáp thì nên coi lại, cần cảnh giác.

  • Bạn đọc Khánh Nam: Uống sữa đậu nành bị bướu cổ? Tôi nghe nói nếu uống sữa đậu nành hàng ngày sẽ ảnh hưởng đến tuyến giáp, gây ra bướu cổ. Có đúng không?

TS.BS Trần Văn Thiệp: Thường bướu cổ có nhiều nguyên nhân, có thể lành tính, ác tính. Uống sữa đậu nành hoặc ăn đậu nành nấu chín thì không ảnh hưởng gì đến tuyến giáp. Ngay cả khi ăn các thực phẩm như cải nồi, bắp su hàng ngày cũng không ảnh hưởng. Bà con yên tâm. Không nên kiêng cữ hoàn toàn.