Dâng sao giải hạn:

Sao hung – cát chỉ là định kiến của tín ngưỡng

Người Á Đông từ xưa thường quan niệm, con người chịu ảnh hưởng của 9 chòm sao. Trong 9 sao này thì có sao tốt, có sao xấu. Năm nào bị sao xấu chiếu mệnh, con người sẽ gặp phải chuyện không may, ốm đau, bệnh tật.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ lại cho rằng, trong 9 chòm sao ứng với vận hạn của tuổi từng người thì có 2 sao La hầu và Kế đô là thuộc về tri thức chiêm tinh Ấn Độ cổ đại. Số còn lại thì chiêm tinh đông tây đều có cả. Do vậy, mà sự tác động của những chòm sao lên vận mệnh của con người cũng khác nhau và do mỗi người tự cảm nhận.

Nhà nghiên cứu này giải thích: “Việc liên hệ cát hung ứng với tuổi từng người là những định kiến của tín ngưỡng, không có cơ sở khoa học thực sự. Khi định kiến trở thành tín ngưỡng thì việc tin hay không tin là tùy thuộc vào từng người, chúng ta tôn trọng niềm tin hay việc không tin của họ”.

Cũng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ, việc cúng sao giải hạn là một tín ngưỡng tổng hợp của Đạo giáo, Phật giáo, Nho giáo và tín ngưỡng dân gian. Nó tồn tại hàng nghìn năm với nhau nên có sự giao hòa khó phân xuất. Điều quan trọng là cách chúng ta ứng xử với nó như thế nào.

Bản thân việc người dân đổ xô lên chùa dâng sao giải hạn xuất phát từ tâm lý “có thờ có thiêng có kiêng có lành” của người Việt. Chẳng qua, trong thời đại mới nên nó có những biến tướng khác đi. Chúng ta không có quyền bắt người ta tin hay không tin. Vấn đề là định hướng sao cho những niềm tin đó đừng thái quá và gây ra những hậu quả thực sự trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, cứ theo tình hình hiện nay có thể thấy rằng, những ngộ nhận trong văn hóa tâm linh đang đi sâu vào đời sống xã hội và gây ra những hậu quả đáng lo ngại như mọi người đều thấy rõ.

Thực trạng cuồng tín càng ngày càng tăng

Thực chất, những hệ lụy tiêu cực xuất phát từ tâm lý cuồng tín của người dân đã được các cấp, ngành, rồi báo chí cảnh báo rất nhiều. Tuy nhiên, tình hình mỗi năm không những không giảm mà còn diễn biến phức tạp hơn năm trước.

Người ta đã bàn rất nhiều biện pháp, thậm chí đổ lỗi cho nhau để rồi chẳng giải quyết được đến đâu. Người dân vẫn cứ vung tiền không biết mệt mỏi cho những buổi lễ giải hạn, cầu may. Người này đua tranh người kia tạo nên tình hình rất phức tạp như hiện nay. Giải thích tâm lý này, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ chia sẻ: “Bất cứ tôn giáo nào cũng đều mong đệ tử của mình thực hiện kiệm ước, lòng hiếu sinh, tính từ thiện... Đồng thời, bất cứ tôn giáo nào cũng có kẻ buôn thần bán thánh. Việc gia tăng mê tín dị đoan gần đây là dấu hiệu của một xã hội bất thường trong sự phát triển, đảo lộn các bậc thang quan niệm về giá trị hạnh phúc, bất ổn trong tâm lý xã hội. Trên những cái đó, tình trạng buôn thần bán thánh, mê tín dị đoan bùng nổ trong mọi đẳng cấp xã hội. Rất tiếc là ngay một số tổ chức xã hội của những người mang danh “học giả”, “trí thức”, “nhà khoa học”... cũng trục lợi, cầu danh từ những tín ngưỡng mê tín này”.

Rõ ràng, từ những niềm tin tín ngưỡng thuần túy, người dân ngày càng biến đổi nó thành một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội. Dẫu biết rằng, điều này là không thể thiếu trong đời sống con người nhưng bỏ biết bao tiền của để giải hạn, cầu may thì thật không nên. “Những người có tiền tỷ, người ta cầu cúng mất 1 triệu đồng (tức 1/1.000) thì đã đành nhưng trong thực tế có người không có nổi tiền triệu mà cũng bỏ ra 100.000 đồng (tức 1/10) để thực hiện việc này thì đúng là thảm họa. Cứ sống cần cù, cố gắng, kiệm ước, từ thiện, thượng tôn pháp luật, tin vào khoa học... là tốt nhất” – nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ chia sẻ thêm.

(Theo ĐSPL)