Sinh hoạt Phê bình văn học thế hệ 1932

Thanh Lãng

A - Đặc tính chung thế hệ 1932
B - Sinh hoạt Phê bình văn học thế hệ 1932
C - Những Vụ Án Văn Học Thế Hệ 1932
D - Mặt trận bênh thơ mới
E - Phản ứng làng thơ cũ
F - Sự trưởng thành của thi ca Việt Nam

Phôi thai từ Đông Dương Tạp Chí với những bài giới thiệu sách mới, thành hình trên Nam Phong Tạp Chí với những bài phân tích và bình giảng văn cổ hay giới thiệu sách vở ngoại quốc, văn phê bình Việt Nam, ngay từ thế hệ 1913-1932, tương đối cũng đã xây dựng được những cơ sở vững chắc. Nhưng nó chỉ thực sự đi vào con đường thịnh hành từ sau năm 1932.

Như bị gò bó, dồn ép trong bao nhiêu lâu, lòng người trước làn gió mới như được mở tung ra. Người ta bắt đầu phê phán, tỏ thái độ trước mọi vấn đề, không bỏ lỡ bất cứ một cơ hội nào. Với sự ra đời ồ ạt của báo chí, thật là một dịp tốt, một trường sở thích hợp để các cây bút đua nhau đấu trí, bày tỏ lập trường, bộc lộ tâm tình đối với nhau. Đặc tính của văn học thế hệ 1932-1945 là sự động đạt bằng những cuộc tranh luận sôi nổi giữa các phe nhóm.

Không phải trước đây không có những cuộc tranh luận. Thực ra, lịch sử văn học vẫn còn ghi nhận những cuộc tranh luận mà tôi gọi là vụ án chữ Hán xảy ra giữa Nguyễn Háo Vĩnh và Phạm Quỳnh, hay vụ án truyện Kiều bùng nổ giữa Phạm Quỳnh và Ngô Đức Kế ... Ngần ấy thứ, dầu sao, cũng chỉ là những thái độ cá nhân với cá nhân, chứ chưa được cấu kết thành những mặt trận có chiến tuyến rõ rệt.

Đà tiến của văn phê bình, như vậy, là thấp kém thua hẳn các thể văn khác. Phải chăng vì thái độ nghi kỵ và e dè có từ ngàn đời? cái tâm lý đó ngay năm 1933, hãy còn chưa gột rửa hết được. Trên báo Đông Thanh, số 16 ra ngày 15 tháng 2 năm 1933, nhà học giả Nguyễn Văn Tố có viết:
"Nhiều người cho nhà bình phẩm là một kẻ đố kỵ, tự mình không làm được gì, thấy người làm sách đem lòng ghen ghét; không thì cũng là người xét đoán thiên lệch vì tính chất và cái thị hiếu riêng của mình nó bó buộc: hễ thấy cái gì mình không ưa thì nhất thiết bài bác cả. Ý kiến ấy có lẽ đối với lối "cảm giác phê bình" thì có phần đúng, mà đối với lối "Khoa học phê bình" thì thật là sai. Sự học vấn ngày nay càng ngày càng coi như cái kết quả của công phu nhiều người. Đời bây giờ không phải là đời người học giả có thể tự cao đứng đặc biệt một mình mà xướng ra những học thuyết cao kỳ không cần đối chiếu xem có hợp với sự thực không, miễn là phô diễn ra lời văn xán lạn thì thôi. Các nhà làm sách nước Pháp có trí thông hiểu hơn, biết rằng trong sự học cốt nhất là phải sưu tập lấy nhiều sự thực, nghiên cứu khắp các phương diện, rồi cái triết lý tự khắc nó suy diễn ra. Muốn sưu tập nghiên cứu như vậy, thì cần phải có nhiều người gia công học tập người nọ giám đốc người kia, ai sai lầm chỗ nào thì chỉ trích ra, ai phát minh điều gì tuyên bố lên. Như vậy thì mỗi người vừa là nhà làm sách, vừa là nhà bình phẩm, như thế tức là một cách giúp cho đường học vấn mỗi ngày một tấn tới lên".

Mấy dòng trích trên đây cho ta thấy, ngay đối với Nguyễn Văn Tố, ông cũng chỉ chấp nhận giá trị phê bình khoa học, áp dụng vào việc tìm tra các tài liệu, chứ thực ra phê bình nghệ thuật xét cho cùng chỉ là công việc của hạng người không làm nổi công việc sáng tác và phê bình, rút cục, cũng chỉ là công kích chê bai cái mà mình chẳng có thể thưởng thức nổi, chứ phê bình đâu có phải là một lối thể hiện sự thưởng thức, thông đạt sự thưởng thức và càng không phải là một niềm cảm thông giữa hai tâm hồn hay một công trình sáng tạo.

Nhưng, tương đối, từ sau năm 1932, tình trạng đó dần dần cũng có thay đổi. Cái khối người đông đảo bấy lâu tự nhận là phái tân học và dư luận quốc dân cũng nhận như vậy, nay bỗng nhiên bị một lực lượng mới hơn chụp cho cái mũ "cựu học". Trên Phong Hoá số 18 ra ngày 20 tháng 10 năm 32, Nhất Linh đã viết: "Vì thế trong bọn "cựu học", có ông Phạm Quỳnh đề xướng thuyết trung dung giữ lấy cái hay của Đông phương, thu lấy cái hay của Tây phương, dung hoà hai cái văn hoá, gầy dựng lấy một nền văn minh riêng, cái mộng tưởng ông Phạm Quỳnh là ở đấy."

Xã hội văn học Việt Nam, khoảng hai ba năm đầu thế hệ 1932, chia hẳn ra làm hai khối rõ rệt. Tôi tạm gọi là khối A, khối của tất cả những người thuần cựu học như các ông Dương Bá Trạc, Nguyễn Trọng Thuật, Nguyễn Hữu Tiến, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Khắc Hiếu, Nguyễn Đôn Phục, Lê Dư, Phan Khôi... và của một số rất đông đảo những người bấy lâu vẫn tự xưng ra tân học mà nay bị kết án là cựu học như các ông Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh... Khối A, tức khối của những người mệnh danh là cựu học, toàn thể đều là những người chủ trương hay viết thường xuyên cho các báo bấy lâu rất được dư luận quí mến, tôn trọng như là những cơ quan phổ biến, tuyên truyền cho văn hoá mới. Đó là trường hợp các báo như Đông Dương Tạp chí (1913), Nam Phong Tạp chí (1917), Hữu Thanh Tạp chí (1921), An Nam Tạp chí (1926), Rạng Đông (1929), Tiếng Dân (1927), Phụ Nữ Tân văn (1929), Đông Phương (1929), Nhựt Tân (1929), Phụ Nũ Thời đàm (1930), Tiểu Thuyết Tuần san (1931), Khoa Học Tạp chí (1931), Đông Thanh Tạp chí (1932), Văn Học tạp chí (1932).

Tôi tạm gọi là Khối B, khối của phe nhóm Tuần báo Phong Hoá, tức Tự Lực Văn Đoàn. Đây là một văn đoàn đầu tiên có chủ trương thuần nhất, liên tục, có tổ chức đàng hoàng, chặt chẽ, có kỷ luật nghiêm nhặt ràng buộc hội viên, có cơ quan ngôn luận riêng biệt, với mục tiêu đã được chỉ định minh bạch, có chương trình hoạt động được nghiên cứu kỹ lưỡng và được phân công rất thích đáng với tài năng của mỗi hội viên.

Lực lượng của khối B này không có đông đảo gì cho lắm, nhưng tất cả đều có tài cán và được giao những công tác thuộc đủ mọi ngành nghệ thuật: Khái Hưng, Nhất Linh viết nghị luận rất nhiều nhưng chuyên nhất về tiểu thuyết; Hoàng Đạo, Thạch Lam có viết tiểu thuyết nhưng hoạt động chính là viết xã thuyết; Thế Lữ viết truyện hay, soạn kịch cũng khéo, phê bình có tài nhưng là kiện tướng trong làng thơ mới; Tú Mỡ thì thiên hẵn về thơ khôi hài; Nguyễn Gia Trí thì chuyên giữ mục hí họa và trình bày tờ báo.

Tất cả đều trẻ, có tài, lại được chỉ huy do những chương trình đã hoạch định kỹ lưỡng, thành phần của lực lượng khối người mới cấp tiến này gặt được thành công ngay từ buổi đầu.

Phải chăng vì thế mà ngay từ lúc mới thành lập, Tự Lực Văn Đoàn đã khai chiến quyết liệt với lực lượng khối cựu học, hay ít ra bị coi là cựu học.

Hầu hết các nhà văn tên tuổi của thế hệ trước đều bị khối Phong Hoá chế diễu; toàn bộ các báo, ngoại trừ báo Phong Hoá, đều bị khối Phong Hoá bêu xấu.

Nói cách khác, văn phê bình từ 1932 đến cuối 1934 là văn phê bình của hai khối A và B, tức văn phê bình của tất cả các nhà văn không thuộc nhóm Phong Hoá với các nhà văn của khối Phong Hoá, tức Tự Lực Văn Đoàn.

I - Đặc tính của khối A, tức khối bị coi là cựu học

— Thành phần rất phức tạp. Không phải những cây bút cộng tác với khối này không có những cây bút mới, trẻ, có tư tưởng cấp tiến, nhưng có thì có đấy, thường khi lại là con số đông hơn cả bên Phong Hoá, khốn nỗi bọn họ lúc này lẻ loi, độc lập, chưa qui tụ thành đoàn thể: đó là trường hợp các cây bút như Thiếu Sơn, Vũ Ngọc Phan, Dương Quảng Hàm, Trương Tửu, Lê Tràng Kiều, Lưu Trọng Lư, Lan Khai, Hoài Thanh, Nguyễn Công Hoan, Hải Triều... Các ông không chuyên mục cho hẳn một tờ báo nào, và các ông càng không có quyền lực gì đối với đường lối của các tờ báo mà các ông cộng tác.
Ngược lại, đa số các cây bút giữ vai trò lãnh đạo, hay chủ biên của các tờ báo đều là thuộc thành phần cũ, nghĩa là thuộc thế hệ trước, tức thế hệ 1913-1932, cái thế hệ còn đang mơ say việc xây dựng một nền văn hoá dung hợp được cả Đông lẫn Tây: đó là trường hợp các ông Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Hoàng Ngọc Phách, Đông Hồ, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Văn Tố, Ngô Tất Tố, Nguyễn trọng Thuật, Dương Bá Trạc, Lê Dư, Trần Trọng Kim, Dương Tự Quán, Hoàng Tăng Bí, Nguyễn Khắc Hiếu, Đỗ Thận, Phan Khôi, Bùi Kỷ, Nguyễn Công Tiễu, Huỳnh Thúc Kháng...
— Cơ quan ngôn luận của các ông, xét về lượng, thật là đông đảo. Có những người làm báo trên dưới hai mươi năm, như các ông Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Đôn Phục, Trần Trọng Kim; có những tờ báo xuất bản trên dưới mười năm như Trung Bắc Tân Văn, Nam Phong, An Nam Tạp chí. Nhưng cái kém của tất cả các tờ báo này là kỹ thuật làm báo chưa được cải tiến canh tân, từ cách trình bày cho đến nội dung bài vở, đều cổ lỗ, trịnh trọng, đài các. Thực vậy, trong khi lớp người trẻ đang khao khát những cái mới lạ thì mấy tờ báo của khối A này đều chỉ để tâm làm công việc khảo cổ, viết những bài nghiên cứu rất xa xôi, không ứng đáp những khát vọng mới lạ của tuổi trẻ mà cũng chẳng phải là những công trình khám phá có giá trị gì cho lắm. Đó là trường hợp của Nam Phong Tạp chí còn kéo dài thêm hai ba năm, của An Nam Tạp chí, Rạng Đông,Tiếng Dân, Phụ Nữ Tân Văn, Đông Phương, Nhựt Tân, Phụ Nữ Thời Đàm, Tiểu Thuyết Tuần san, Khoa Học Tạp chí, Đông Thanh Tạp chí, Văn Học Tạp chí ...
— Văn của khối A này hãy còn là lối văn dềnh dàng, trịnh trọng, đọc lên nghe rất kêu mà nội dung thì hoặc là trống rỗng hay có khi còn mâu thuẫn, phi lý là khác.
— Với tất cả ngần ấy thứ, lập trường của khối A hầu như là muốn sống yên ổn, hoà hoãn với cái đang có. Nói vậy chẳng phải bảo khối A này không muốn tiến, nhưng chủ trương của họ là tiến hoá trong trật tự, tiến mà không gây xáo trộn, không phá phách, không đoạn tuyệt, không dứt khoát với những cái mà các ông cho là quốc hồn quốc tuý...

II - Đặc tính của khối B, tức khối cấp tiến

— Thành phần của khối cấp tiến, tuy ít, nhưng thuần nhất, tự đặt mình vào những kỷ luật chung, có sự kiểm soát chặt chẽ; đàng khác, họ toàn là người mới, trẻ, thường xuất thân từ các trường Đại Học, hay Cao Đẳng ở trong nước hay ngoại quốc. Đó là các ông Nhất Linh, Khái Hưng, Thế Lữ, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ ...
— Cơ quan ngôn luận là tờ báo Phong Hoá và, sau này, là tờ Ngày Nay, đều là những tờ báo, về mặt kỹ thuật, tổ chức Toà Soạn, nghệ thuật trình bày, về nội dung bài vở... nhất thiết đều mới mẻ, nhẹ nhàng, vui tươi, thích thời ...
— Lập trường không còn phải cái thứ lập trường hoà hoãn nước đôi. Họ muốn tiến với bất cứ giá nào, dầu phải tàn nhẫn, phải đập phá, phải chém giết... Mà thực họ đã tàn nhẫn với tất cả cái gì mà họ coi là cũ, họ đập phá tất cả cái gì mà họ cho là ngáng trở bước đi tới của họ, và lắm khi họ chẳng ngại đổ máu để giật phần thắng lợi.
— Văn của họ rất độc đáo, họ khởi xuất một lối văn mới mẻ, đơn sơ, bình dân, dễ hiểu, vui tươi..

Với ngần ấy thứ khí giới, họ lập mặt trận và tuyên chiến với tất cả học giới đương thời.

Gây gổ và tuyên chiến với các nhà văn lão thành

Trong những mục hoặc như Mực Tàu Giấy Bản, hoặc như Từ Nhỏ đến Nhớn hoặc như Bàn Ngang, hoặc như Từ Cao đến Thấp, hoặc như Giòng nước ngược hoặc như Cuộc Điểm Báo thật là những nơi dụng võ thường xuyên của các cây bút như Tứ Ly Hoàng Đạo, tức Nguyễn Tường Long, như Nhất Linh, Nhị Linh, Tam Linh, Tứ Linh, tức Nguyễn Tường Tam, như Tú Mỡ, tức Hồ Trọng Hiếu, như Thạch Lam tức Nguyễn Tường Lân, như Lê Ta, Thế Lữ, tức Nguyễn Thứ Lễ...

Chẳng có một số Phong Hoá nào mà chẳng có một vài nhà văn, nhất là nhà văn thuộc thế hệ trước, bị đem ra chế diễu. Lối phê bình của Phong Hoá, qua các mục nói trên, về các nhà văn đàn anh, thường là lối phê bình châm chọc, chế diễu, thuộc đời tư hơn là lập trường văn nghệ. Nếu có lúc nào bọn họ đem lập trường văn nghe äcủa phái già ra mà mổ xẻ, thì cũng chỉ là để chê bai là cổ lỗ, thoái hoá, không hợp thời nữa. Chứ ít khi họ đánh thẳng vào lập trường như là lập trường mà thường thường họ đi tìm ở bọn đàn anh của họ một ít lối sống, một đôi thái độ, một vài cử chỉ họ cho là kỳ cục, thế rồi họ dùng tài thuật châm biếm, hài hước, chế diễu con người của đối thủ hơn là chính nghệ thuật của đối thủ.

Đối với Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh, ngay từ lúc bắt tay vào làm số Phong Hoá đầu tiên tức số 14 ra ngày 22-9-1932, trong bài Phong Dao mới, Phong Hoá đã chế diễu ông Vĩnh béo núng rung rinh và ông Quỳnh gầy lểu đểu như hình cò hương rồi kết án hai ông là phường buôn văn bán chữ mà thành giàu có. Đó chỉ là một trong hàng trăm thí dụ về việc Phong Hoá chế diễu hai ông Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh.

Nhưng chẳng hiểu sao lại có hai nhân vật bị Phong Hoá liên miên đem ra chẳng phải để chế diễu suông mà còn để chửi bới lải nhải suốt cả mọi số báo, đó là trường hợp các ông Hoàng Tăng Bí và Nguyễn Khắc Hiếu.

Phong Hoá, chẳng hạn, ví văn của Hoàng Tăng Bí khó tiêu như trứng vịt (Phong Hoá số 29, trang 5), và nhìn họ Hoàng như một người mang bệnh nan y "Bệnh chỉ trông thấy cái đẹp của Nho Giáo. Bệnh của Cụ Bảng Hoàng nghe trầm trọng lắm, Cụ nên tìm thuốc chữa đi thôi" (Phong Hoá số 28, trang 5),

Còn Tản Đà, trước con mắt Phong Hoá, chi là một anh say rượu, say khướt lướt:
Anh lên giọng rượu khuyên Phong Hoá
Sặc sụa hơi men khó ngửi quá

(Phong Hoá số 28; trang 5)

Nhưng không ở đâu Hoàng Tăng Bí và Nguyễn Khắc Hiếu được mô tả một cách tồi tàn, gàn dở, quê kệch, nhất là đê hèn như trong vở "Tuồng cổ tân thời" (Phong Hoá số 38, 39, 40, 41, 42). Nơi đây Hoàng Tăng Bí và Nguyễn Khắc Hiếu được mô tả như là một lũ mọi đang lập cơ mưu một cách rất buồn cười để tấn công thành trì kiên cố, tối tân của Phong Hoá.

Bà Tương Phố được nêu lên như là một gương điển hình về lối văn rỗng tuếch: một bài "Giọt lệ thu" chỉ có không đầy bốn trang mà có 61 chữ vừa Than ôi! vừa Ôi! vừa Lệ" (Phong Hoá số 29).

Diễn giả Lê Dư được mô tả như là một anh hát trống quân lẩm cẩm trong bài "Ông Lê Dư, còn nói truyện văn chương không phải là cái bánh" (Phong Hoá số 75).

Nguyễn Trọng Thuật là một tay cừ khôi đã từng chiếm giải thưởng văn chương với tác phẩm "Quả dưa đỏ", vậy mà nay Phong Hoá, trong bài "Nhà Nho tương lai" (Phong Hoá số 108) đã vẽ Nguyễn Trọng Thuật như là đồ ngu dốt chưa biết chấm câu. Tứ Ly đã lấy thí dụ một ông thanh tra bảo một ông Xã là con lừa mà ám chỉ ông Nguyễn Trọng Thuật cũng là đồ con lừa.

Nhưng trong các bài chửi bới, chế diễu các nhà văn ở ngoài Phong Hoá, có mấy bài đáng chú ý. Bài thứ nhất đề là "Tuồng cổ tân thời", hài kịch, hai hồi, đăng liền trên năm số Phong Hoá từ số 38 đến hết số 42. Những nhân vật được đem ra chế diễu gồm có Hoàng Tăng Bí, Nguyễn Khắc Hiếu, Nguyễn Văn Vĩnh, Dương Bá Trạc, Nguyễn Công Tiễu, Nguyễn Tiến Lãng, Việt An, Lê Công Đắc, Trịnh Đình Rư, Nguyễn Trọng Thuật, Nguyễn Văn Tố, Hy Tống...

Bằng ấy nhân vật được mô tả như đang thành lập một sào huyệt mà Đảng chủ là Hoàng Tăng Bí với hai tên tham mưu hèn nhát là Nguyễn Khắc Hiếu và Nguyễn Văn Vĩnh. Bộ ba này muốn tấn công Phong Hoá mà không dám bèn bày cái trò ẩy chó bụi rậm, sai khiến bầy lâu la là những Dương Bá Trạc, Nguyễn Công Tiễu, Nguyễn Tiến Lãng, Lê Công Đắc, Trịnh Đình Rư, Nguyễn Trọng Thuật, Nguyễn Văn Tố, Hy Tống. Thật là một cuộc bày binh bố trận đàng hoàng, trịnh trọng nhưng buồn một nỗi là bầy lâu la toàn là "kẻ thì chỉ biết lạy như cốc đế, kẻ thì quen khóc lóc như ri, ngẫm ba quân tiết lộn mề". Bởi vậy cho nên, dầu chưa lâm trận nhiều anh đã chạy trốn. Kết cục quân của bè lũ Hoàng Tăng Bí bị đại bại, bị quân Phong Hoá bắt trói hết cả.

Bài thứ hai là bài "Hội nghị Văn học", Phong Hoá số 71, tác giả vẫn là Tứ Ly như bài trên. Tứ Ly tả phòng hội: "Một gian phòng. Một cái bàn dài phủ dạ xanh, chung quanh các ông hàn ngồi, trước mặt mỗi người có một cặp sách. Ăn vận theo lối các hội viên viện Hàn Lâm bên Pháp, chỉ khác có cái mũ thổ công".

Đây là một Hội nghị Văn học, được tổ chức bắt chước như Hàn Lâm Viện của Pháp. Người đứng ra triệu tập và giữ chức Chủ tịch là Huỳnh Thúc Kháng. Hội viên gồm có các ông Hoàng Tăng Bí, Phạm Lê Bổng, Dương Bá Trạc, Phan Khôi, Nguyễn Công Tiễu, Nguyễn Khắc Hiếu, Dương Tự Quán, Lê Cương Phụng, Lê Dư, Trúc Đỳnh, Đỗ Văn, Tùng Vân, Mai Đăng Đệ. Bây giờ các ông hội họp nhau không phải để bày mưu kế diệt Phong Hoá mà để tranh dành nhau, người nào cũng sốt sắng hiến cho hội cái tờ báo đang ngấp ngoải của mình. Ai nói thì người ấy nghe, cho nên khi ông Tùng Vân là người cuối cùng nói thì "các ông hàn lần lượt ngủ dần hết đến bây giờ vẫn còn ngủ, lay thế nào cũng không dậy nữa".

Bài thứ ba đề là "Non Bộ Phong Hoá" Phong Hoá số 125, là một bài thơ dài 84 câu. Tú Mỡ, với những vần thơ dí dỏm, chửi xỏ hầu khắp mặt mọi người:
Tản Đà tửu sĩ thảnh thơi ngồi
Hũ to hũ nhỏ bầy la liệt.

Đỗ Thận thì:
"Một hang thăm thẳm trông lồng lộng
Bia tạc "Khâm Thiên đệ nhất động"
Đỗ Thận tiên ông ấy chủ nhân
Luyện đàn tinh nhảy và ... ôm xống.

Nguyễn Văn Vĩnh thì được vẽ như anh thầy bói. "Vắng khách, buồn tênh thầy tướng Vĩnh".

Gọi lối kể truyện của Dương Bá Trạc "Rai như chão rách đến bao chừ?".

Gọi Nguyễn Trọng Thuật là mọi: "Nam man Tổng Thuật trồng dưa đỏ".

Để thêm tài liệu, các bạn có thể tìm đọc những bài chửi Dương Bá Trạc ở Phong Hoá số 120, chửi Nguyễn Tiến Lãng, Phong Hoá số 105, số 137; chửi ông Lê Dư ở báo Tân Thiếu Niên, Phong Hoá số 112; chửi Thái Phỉ của Ngọ Báo, Phong Hoá số 110, chửi Nguyễn Khắc Hiếu ở bài "Ba người nói rằng", Phong Hoá số 115, chửi Nguyễn Vỹ của bài Tập thơ đầu, Phong Hoá số 127; chửi ông Vũ Bằng ở bài "Cùng ông Tiêu Liêu Vũ Bằng", Phong Hoá số 60.

Chẳng những đánh từng cá nhân, mà Phong Hoá còn đánh phủ đầu hầu khắp lượt các tờ báo đương thời mà họ chê là làm việc dốt nát, là viết văn cổ lỗ, là tư tưởng thoái bộ...

Trong bài "Báo giới với Xã Hội An Nam" (Phong Hoá số 40), Tứ Linh cho rằng báo chí chưa có ảnh hưởng gì đối với xã hội...

Tôi tạm kể ra đây cho các bạn ít bài tiêu biểu về lối Phong Hoá chế diễu, chửi bới các báo: Tú Mỡ chửi Trung Bắc Tân Văn trong bài Phong Dao Mới (Phong Hoá số 64); Tú Mỡ chửi An Nam Tạp chí trong bài "Văn tế Phong Hoá tuần báo viếng An Nam Tạp chí" (Phong Hoá số 56); Thạch Lam, trong bài "Cái túi khôn" (Phong Hoá số 111), công kích Tiểu thuyết Thứ bảy; Việt Sinh chửi báo Rạng Đông, nơi bài Bức Tranh Vân Cẩu (Phong Hoá số 70); Tứ Ly cũng chửi Rạng Đông, nơi bài báo Rạng Đông (Phong Hoá số 56); Thạch Lam chửi báo Nhật Tân ở bài Sự thông thái của báo Nhật Tân(Phong Hoá số 105) và bài Ai ngủ, ai thức (Phong Hoá số 104). Báo Tiếng Dân thì bị Ngộ Không chửi ở bài Báo Tiếng Dân bá cáo (Phong Hoá số 78), bị Lê Ta chửi ở bài "Lũ mọi, người nhà quê ăn muối "(Phong Hoá số 92), bị Thạch Lam chửi ở hai bài Câu chuyện con voi (Phong Hoá số 99) và bài Cuộc Điểm báo (Phong Hoá số 101).

Phan Khôi và Phụ Nữ Tân văn bị Tứ Ly đem ra chế diễu trong bài Trẻ con hay người lớn (Phong Hoá số 75). Nhưng xem ra báo Đông Phương là bị chế diễu nhiều nhất, do Nhất Linh, trong bài "Loài nhai lại" (Phong Hoá số 51), do Thạch Lam, nơi bài Cuộc điểm báo (Phong Hoá số 126 và số 127), do Tứ Ly nơi bài "Thái độ quân tử của báo Đông Phương" (Phong Hoá số 35) và bài Cố lên báo Đông Phương (Phong Hoá số 35) do Nhát Dao Cạo nơi bài "Hoa giấy trong lọ văn" (Phong Hoá số 124). Phụ nữ Thời đàm bị Tứ Ly chửi nơi bài "Phong Hoá tờ báo trẻ con" (Phong Hoá số 74) và bài Phụ nữ Thời đàm tiến bộ (Phong Hoá số 102), bị Tú Mỡ châm biếm nơi bài "Khóc cô Phụ Nữ Thời đàm" (Phong Hoá số 91), bài "Cô Phụ Nữ Thời đàm lo sợ nước" (Phong Hoá số 101), bài "Cô Phụ Nữ Thời đàm chết vờ" (Phong Hoá số 112). Tiểu thuyết Tuần san bị Nhất Linh, Nhị Linh chửi ở bài Con Khỉ (Phong Hoá số 55) và bài Văn vui (Phong Hoá số 55). Báo Nam Phong của Phạm Quỳnh, đổi mới, bị đem ra chế diễu rất chua cay do Tứ Ly trong bài Quốc hồn quốc tuý (Phong Hoá số 125) và do Tú Mỡ với bài "Phong Lãng kỳ duyên: Sự tích ông Nguyễn Tiến Lãng chim Bà lão Nam Phong" (Phong Hoá số 117). Thạch Lam cười Khoa học của báo Khoa Học (Phong Hoá số 129). Báo Đông Thanh bị Nhất Linh chửi nơi bài Nghĩ lẩn quẩn (Phong Hoá số 55), bị Tú Mỡ chửi ở bài Phong dao mới (Phong Hoá số 28). Văn học Tạp chí bị Nhất Linh, Nhị Linh châm biếm ở ba bài "Sợ ta nhầm" (Phong Hoá số 35), "Sự thật thà trong làng báo" (Phong Hoá số 47), "Văn học quảng cáo" (Phong Hoá số 119), và bị Nhát Dao Cạo chế diễu trong bài Hoa giấy trong lọ văn (Phong Hoá số 123). Báo Nhật Tân bị cả Thế Lữ, cả Nhất Linh, cả Thạch Lam tấn công nơi bài Tạp phí hè (Phong Hoá số 112), bài cùng ông Đỗ Văn (Phong Hoá số 113), bài Bất lịch sự (Phong Hoá số 131). Báo Loa thì bị chửi liên miên, nhưng ta có thể cử ra ít thí dụ như những bài chửi rất tàn tệ của Tứ Ly, "Loa hay váy" (Phong Hoá số 91), Lại mỹ nhân gà (Phong Hoá số 114) của Tú Mỡ, Nhắn lão Bô cả (Phong Hoá số 94). Báo Annam Nouveau của ông Vĩnh bị Tứ Ly chửi xỏ nơi bài "Ông Nguyễn Văn Vĩnh muốn giật lùi" (Phong Hoá số 32). Báo Tạp chí Việt bị Tứ Ly chế diễu nơi bài "Ông Hy Tống với tờ Việt Nam" (Phong Hoá số 116).

Một ít những bài tôi trích đọc cho các bạn nghe trên đây cho các bạn thấy Phong Hoá đã tung ra chiến trường những chiến sĩ thời danh nhất của họ gồm có các ông Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thế Lữ, Thạch Lam, Tú Mỡ... để mà hạ uy tín các cây bút không thuộc nhóm Tự Lực và hầu hết các báo ngoại trừ Phong Hoá của họ. Thái độ Phong Hoá là thái độ kẻ lớn, là tiếng nói làm ra bộ đàn anh đối với bọn đàn em. Phong Hoá thật ra chưa có đứng trên lập trường nghệ thuật, hay nhân danh nghệ thuật để mà phê bình đồng nghiệp. Trái lại, hầu hết các bài đều có vẻ bêu xấu đồng nghiệp.

III - Đặc tính của khối C chống Phong Hoá Ngày Nay

Những đồng nhiệp bị báo Phong Hoá công kích, bêu xấu, đông đảo vô cùng và thuộc đủ mọi lứa tuổi, có người thuộc phái cựu học mà rất lắm người còn mới hơn cả anh em bên Phong Hoá. Chính vì vậy mà một mặt trận mới như được liên kết lại từ năm 1934-1935: một bên là Phong Hoá, một bên là hầu hết các tạp chí khác; một trận tuyến được giàn ra, gay go, kéo dài hàng mấy năm liền giữa hai khối. Nếu từ 1932 đến 1934 là trận tuyến Phong Hoá giàn ra để đánh tất cả làng báo mà Phong Hoá coi là cổ lỗ, thì từ năm 1934 trở đi, một sự tổng phản công của các báo chí khác vừa mới ra đời từ năm 1934, đã liên hiệp lại để đánh thẳng vào Phong Hoá. Thực ra, ngoài Phong Hoá hầu hết các báo từ năm 1934 trở về trước đều nằm trong tay bọn học giả khuynh về dung hoà. Bọn trẻ, mới, viết cho các tờ báo này đông khá lắm, nhưng chưa nắm được các tờ báo, cho nên vẫn bị nhóm Phong Hoá coi thường. Nhưng từ năm 1934 trở đi, Phong Hoá dù trước kia có trẻ mấy, có duyên mấy, thì lúc ấy cũng già đi nhiều rồi. Năm 1934 và các năm sau, nhiều tờ báo mới ra đời, mà phần nhiều ban chủ trương lại là thuộc thành phần trẻ xưa kia đã cộng tác với các tờ báo từng bị Phong Hoá chửi bới, cho nên ngày nay họ vô tình mà liên hiệp lại để tấn công Phong Hoá. Phải chăng vì vậy mà Phong Hoá sắp phải chết để đầu thai dưới một tên khác "Ngày Nay"???

Mặt trận hay khối thứ ba, mà chúng ta tạm gọi là khối C này gồm có những báo như Tiểu Thuyết Thứ Bảy (1934), Loa (1934), Hà nội báo (1936), Ích hữu (1936).

Loa là tờ Tuần báo ra ngày thứ Năm, 15 tháng hai năm 1934. Nếu trước đây, Phong Hoá liên miên chửi bới các báo, thì bây giờ đến lượt Loa thường xuyên sửa lưng Phong Hoá. Loa có những cây bút phê bình nghị luận tên tuổi như Lan Khai, nhất là Trương Tửu.

Nhưng các bài tranh luận liên miên với Phong Hoá đều không ký tên thật mà thường để một tên giả "Tư Húi" trong mục "Mép thợ ngói". Nếu ở Phong Hoá, các mục "Từ cao đến thấp", "Từ bé đến nhớn" luôn luôn dành để chửi Loa hay các đồng nghiệp của Loa, thì cái mục "Mép thợ ngói" là chỗ để Loa bắc loa sang mà chửi Phong Hoá. Các bạn có thể tìm đọc ở mục Mép thợ ngói của Tư Húi các số 10, 16, 19, 20, 29, 30, 31 hay những bài như "Sau một năm" Ký Loa, số 54, hai bài Văn tế Phong Hoá, ký tên Khai Ánh, số 69, các bạn sẽ thấy rằng lối phê bình mà các báo dành cho nhau chỉ tranh giành độc giả. Nếu Phong Hoá gọi Loa là váy thì Loa bảo Phong Hoá chuyên "dòm dỏ" váy. Bài "Chính anh chàng ấy dòm dỏ... (Loa số 29) thật là hài hước, chua cay và xỏ lá đối với Phong Hoá.

Sau Loa ít lâu, đến lượt Tiểu Thuyết Thứ Bảy ra đời ngày mồng 2 tháng 6 năm 1934.

Tiểu Thuyết Thứ Bảy có những cây bút cứng cáp chuyên giữ mục Văn học như Nguyễn Công Hoan, Lưu Trọng Lư, Hải Triều, Thiếu Sơn, Hoài Thanh.

Tiểu Thuyết Thứ Bảy tiếp tay với Loa trong chiến dịch tấn công Phong Hoá. Ngoài rất nhiều bài ngắn trả lời Phong Hoá, đáng chú ý, là hai bài ký tên Nguyễn Công Hoan và một bài ký tên Tân Dân, tức nhà xuất bản Tân Dân.

Trong bài Từ Cô Giáo Minh đến Đoạn Tuyệt, số 92, Nguyễn Công Hoan kết án Nhất Linh là người gian ngoa, "không biết mình và không biết người".

Trong bài "Lối trích văn của Phong Hoá", số 97, Nguyễn Công Hoan minh chứng sự gian ác của Phong Hoá trong lối trích văn cốt ý xuyên tạc để hạ uy thế đồng nghiệp.

Trong bài Phong Hoá gièm pha chúng tôi, Nhà Tân Dân viết: "Phong Hoá càng ngày càng xuống. Tiểu Thuyết Thứ Bảy càng ngày càng lên. Ích hữu tờ báo thứ hai của nhà Tân Dân mới xuất bản rất được hoan nghênh.
"Ba sự hiển nhiên ai cũng nhận thấy.
"Các ông bên Phong Hoá lo Tiểu Thuyết Thứ Bảy và Ích hữu Tuần báo "truy" mất hết độc giả của các ông nên độ rày các ông hoạt động dữ"
. Sau đấy, nhà Tân Dân tố cáo thái độ Phong Hoá cố ý gièm pha đồng nghiệp.

Tờ báo thứ ba, Hà nội báo, tuần báo ra ngày thứ Tư, số 1, ra ngày 1 tháng 1 năm 1936 là nơi quy tụ nhiều cây bút quen thuộc như Phan Khôi, Phạm Quỳnh, Lệ Chi, Lê Tràng Kiều, Nguyễn Công Hoan, Trương Tửu, Lê Thanh, Vũ Trọng Phụng...

Có lẽ không có tờ báo nào chống đối nhóm Phong Hoá mạnh mẽ cho bằng Hà nội báo. Chẳng mấy số Hà nội báo không có bài công kích Phong Hoá. Chỉ mới kể ra đây những bài tiêu biểu, mạnh mẽ hơn, ta đã có thể đếm được 11 bài ký Hà nội báo, 2 bài ký Thiện Quả, 3 bài ký Văn Tệ, 1 bài ký Nguyễn Công Hoan, 4 bài ký Lê Tràng Kiều... Tôi kể ra đây để làm chứng những bài tiêu biểu ký tên Hà nội báo:
— Bài "Một việc tối quan trọng trong làng văn" (H.b. số 6) tố cáo Phong Hoá đã đưa ra "lời vu cáo hèn hạ" đối với Nguyễn Công Hoan.
— Bài Tổ ong vỡ (H.b. số 7) đã mỉa mai gọi Phong Hoá là bầy ong, bầy ruồi vỡ tổ.
— Bài "Cái thái độ hèn nhát của báo Phong Hoá" (H.b. số 9) kết án Phong Hoá trả lời đồng nghiệp "bằng những câu thô bỉ, bằng một giọng hèn nhát" không đứng trên lập trường tư tưởng hay nghệ thuật để phê phán mà chỉ cố ý bêu xấu cá nhân của đồng nghiệp một cách rất vô lý như việc Phong Hoá chửi Hà nội báo chỉ vì ông Lê Cường, chủ trương Hà nội báo là ông chủ một nhà thuốc lớn, một nhà in bề thế.
— Bài "Bức thư ngỏ gửi ông Nguyễn Tường Tam", (H.b. số 11), tác giả viết: "Đối với bạn đồng nghiệp cũng như khinh những hạng người không thành thực, nguy hiểm hèn nhát, bao giờ cũng vì một cái lợi nhỏ, một cái thù vặt, mà có ý gieo cho người ta những mối nghi ngờ ác hại".
— Bài "Tội trạng báo Phong Hoá" có những câu như:
"Những tội trạng của Phong Hoá không phải chúng tôi mới nhận thấy, hầu hết những độc giả ngày nay là của Hà nội báo, và ngày trước của Phong Hoá đều đã thấy cả". Thế rồi Hà nội báo kể các tội trạng của Phong Hoá như việc chế diễu, mạ lị người dân quê dốt nát (Lời nói thêm của Hà nội báo số 13), như việc phê bình thiên vị, dốt nát (Bài Độc giả lượm những cái dốt của Phong Hoá số 13).
— Khái Hưng bị đả kích khá nặng nề trong bài "Báo Phong Hoá vu cáo hèn, ông Khái Hưng ngụy biện" (H.b. số 13).
— Nhưng không có số báo nào đánh Phong Hoá mạnh bằng số 15 ra ngày 15-4-1936: hai bài trong một số báo. Trong bài thứ nhất đề "Tội trạng báo Phong Hoá", tác giả viết: "Tội thứ ba của Phong Hoá: Dìm đồng nghiệp... Bất kỳ một tờ báo nào mới ra, cũng bị Phong Hoá nói xỏ, nói xiên, nói châm, nói chọc, có khi kéo cả đại đội ra để công kích. Họ công kích như vậy để làm gì? Cốt cho đồng nghiệp lui đi, để bãi cỏ xanh chỉ còn một mình họ ăn" (H.b. số 15).

Bài thứ hai đề "Một bức thư cùng ông chủ bút Hà nội báo" (H.b. số 15), một độc giả Hà nội báo đã hạ những lời phê bình gay gắt về Tự Lực Văn Đoàn:
"Chúng tôi là một bọn độc giả báo Phong Hoá, cũng như phần nhiều độc giả Phong Hoá trước kia chúng tôi vẫn tưởng báo ấy ra đời là vì xã hội, là vì bình dân, vì một tôn chỉ cao xa, như ông Nguyễn Tường Tam thường rao trên báo.
"Nhưng dần dần chúng tôi xét ra mục đích của bọn ông Nguyễn Tường Tam chỉ vì hiếu danh mà làm báo. Muốn đạt cái mục đích ấy, họ dùng đủ cách đê hèn, cái chương trình của họ gồm có hai phần:
"Trước hết họ xoi bói chế nhạo thô bỉ tất cả những người tài giỏi hơn họ, hoặc có chút danh vọng giữa xã hội. Làm như thế để quốc dân chán ghét, mỉa mai, khinh bỉ những người ấy. Sau khi đã đánh đổ những người có tên tuổi họ liền đem nhau ra mà tâng bốc, Khái Hưng khen Thế Lữ và Nhất Linh, Nhất Linh khen Khái Hưng vv... để quốc dân tưởng lầm rằng chỉ có bọn họ mới thật là thi sĩ, nhân tài Việt Nam.
"Cái chương trình của họ ngày nay đã thực hiện. Một phần quốc dân đã bị họ lừa, hoan nghênh bọn họ một cách quá đáng, còn như những ông Nguyễn Công Tiễu, Nguyễn Khắc Hiếu, Huỳnh Thúc Kháng bị xem như hạng người đáng cười nhất thế giới.
"Thấy thế bọn họ càng kiêu căng tự phụ, không nể kiêng gì ai nữa. Hễ họ thấy một nhà văn sĩ nào có tiếng tăm, hay một tờ báo nào chạy hơn họ, thì họ tìm cách" dìm" ngay. Hôm qua mạt sát Phan Khôi, Nguyễn Khắc Hiếu, Lãng Nhân, Nguyễn Lan Khai, Lưu Trọng Lư ... Hôm nay họ cố làm mất giá trị Trương Tửu, Nguyễn Vỹ, Hoài Thanh, Nguyễn Công Hoan... Ngày mai cái tính đố kỵ nhỏ nhen của họ đưa họ đến đâu?"

Trong bài "Lời nói thêm của Hà nội báo" (H.b. số 56 ngày 16-3-1937), tác giả vạch rõ sự tàn nhẫn của Phong Hoá: Phong Hoá không những đã dìm những đồng nfhiệp đương sống mà cả những đồng nghiệp đã chết rồi, Phong Hoá có để yên cho đâu! Lâu lâu Phong Hoá lại đào mồ những tờ báo đã chết để nói cho hả giận... chẳng nói gì cho lắm, thí dụ như tờ báo Loa.
"Cái tin báo Loa chết đối với Phong Hoá là một tin mừng... Ngày được tin ấy, Phong Hoá liền vẽ ngay lên bìa, một bức tranh ông Bùi Xuân Học ngồi vá váy và khóc bù lu, bù loa... Cái tranh ấy kể cũng buồn cười thật, nhưng hơi "mất dạy" một chút".
Ngoài loạt bài không để tên tác giả, mà chỉ để Hà nội báo, ta còn có thể kể thêm nhiều bài ký tên tác giả.

Ông Thiện Quả là tác giả bài "Tội thứ nhất" (H.b. số 13) và bài "Phong Hoá với dân quê" (H.b. số 15). Ở cả hai bài, ông Thiện Quả đều bài bác thái độ của Phong Hoá đối với dân quê.

Ông Văn Tệ là tác giả ba bài "Trả lời cho báo Phong Hoá" (H.b. số 6), "Tội trạng báo Phong Hoá" (H.b. số 14), "Báo Phong Hoá yêu cầu chính phủ trị" (H.b. số 15). Ở cả ba bài, ông Văn Tệ ghi nhận rằng báo Phong Hoá ngày một xuống, một ế, cho nên báo Phong Hoá ngày một phải cạnh tranh bất chính bằng các thứ cười rất tục tằn và tàn nhẫn.

Nhưng trong số những nhà văn có tên tuổi lên tiếng công kích Phong Hoá, ta phải kể đến Nguyễn Công Hoan và Lê Tràng Kiều.

Nguyễn Công Hoan (H.b. số 9 ngày 4-3-1936), đã cố vạch ra cho độc giả thấy cái gian ý của Tự Lực Văn Đoàn trong khi họ lên tiếng kết án cô giáo Minh là bắt chước Đoạn Tuyệt.

Vào hùa và bênh vực Nguyễn Công Hoan, Lê Tràng Kiều viết một thôi một hồi ba bài để bắt bẻ Phong Hoá vì bọn này đã công kích Nguyễn Công Hoan. Các bạn có thể đọc ba bài Lê Tràng Kiều phê bình Tự Lực Văn Đoàn phê bình Nguyễn Công Hoan. (Vì lẽ gì Phong Hoá không trả lời, H.b. số 7, Giọng hèn nhát của báo Phong Hoá, (H.b. số 13). Cuối cùng Lê Tràng Kiều phê bình Thế Lữ phê bình Khói lan chiều của Lan Khai. Lê Tràng Kiều đã chê Thế Lữ phê bình Khói lam chiều bằng cách đi nhặt những "hạt đậu dọn", nghĩa là xoi bói những cái nhỏ nhen không đáng kể.

Cuối cùng đến Ích Hữu lại mở chiến dịch công kích Phong Hoá hay đúng hơn là Ngày Nay.

Nguyễn Công Hoan viết hai bài: "Từ Đoạn Tuyệt đến cô giáo Minh" (Ích Hữu số 2) và bài "Cùng ông Khái Hưng" (Ích Hữu số 4). Ở cả hai bài, Nguyễn Công Hoan đều trả lời Tự Lực Văn Đoàn về việc công kích tác phẩm cô giáo Minh bằng đường lối mà Nguyễn Công Hoan cho rằng có gian ý, muốn dìm đồng nghiệp.

Sau khi Nguyễn Công Hoan lên tiếng, thì Lãng Nhân Phùng Tất Đắc họa lời bênh vực tác giả Cô giáo Minh và cho rằng lối phê bình của nhóm Tự Lực Văn Đoàn là thiên lệch một chiều.

Ngoài ra còn năm bài ký tên Ích Hữu cũng đều kể tội Phong Hoá hay Ngày Nay là có dã tâm gièm pha, hạ bệ đồng nghiệp như các bài "Lối trích văn của Phong Hoá" (Ích Hữu số 6), "Phong Hoá gièm pha chúng tôi" (Ích Hữu số 6), "Cái thói gièm pha của bọn Phong Hoá, Ngày Nay" (Ích Hữu số 56), "Cái thói gièm pha của bọn Phong Hoá, Ngày Nay, nhiều báo đã công nhận" (Ích Hữu số 57), "Ngày Nay nhận tội" (Ích Hữu số 58).

Các bài phê bình Phong Hoá hay Ngày Nay đại để cũng là kết án hai cơ quan này có thái độ gièm pha đồng nghiệp. Trong số các bài kể trên, có bài "Cái thói gièm pha của bọn Phong Hoá, Ngày Nay, nhiều báo đã công nhận" (Ích Hữu số 57), tác giả nhắc đến và trích văn các báo đã có bài công kích báo Phong Hoá, Ngày Nay. Tác giả có kể đến báo Loa, số 10 ra ngày 19-4-1934, báo Đông Phương hoạt động số 2 ra ngày 13-1-1937; báo Nhật Tân số 36 ra ngày 18-4-1934; báo Tương Lai số 8 ra ngày 18-3-1937.

IV - Đặc tính của khối D, khuynh hướng Mác xít

Song song và đồng thời với cả khối A, tức khối mệnh danh là cựu học, cả khối B, tức Tự Lực Văn Đoàn, cả khối C, tức phe mới đối lập, chống báng Tự Lực Văn Đoàn, có thể kể đến khối D, tức phe nhóm của Hải Triều, Hồ Xanh, Bùi Công Trừng, một thiểu số các nhà văn có khuynh hướng duy vật mác xít. Với chủ trương văn nghệ phải phục vụ cho giai cấp đấu tranh, khuynh hướng duy vật đứng biệt lập ra một phía, chống đối lại cả ba khối trên.

Thanh Lãng