Sinh viên giỏi TQ ít làm nghiên cứu sinh

Sinh viên giỏi ở Trung Quốc ra trường thường không chọn con đường học tiếp lên tiến sĩ mà tìm kiếm việc lương cao như làm ở các ngân hàng hoặc các công ty nước ngoài. Việc đăng ký ồ ạt của các NCS cũng dẫn đến việc thiếu các GS có đủ trình độ để đảm nhiệm việc hướng dẫn. (VNN)

Tiến sĩ làm việc kém hiệu quả

Trong vòng một thập kỷ qua, sinh viên tốt nghiệp đại học của Trung Quốc ồ ạt đăng ký các chương trình đào tạo tiến sĩ nhưng chất lượng đầu ra rất thấp, theo cuộc điều tra do giáo sư (GS) của Học viện Khoa học Giáo dục tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Huazhong chủ trì.
Vào năm 2008, Trung Quốc đã vượt Mỹ về số lượng đào tạo nhiều tiến sĩ, với hơn 50.000 tiến sĩ. Năm 2009, có khoảng 246.300 nghiên cứu sinh (NCS) ở Trung Quốc. Dự kiến năm nay, Bộ Giáo dục và đào tạo cho biết sẽ có thêm 62.000 người đăng ký làm NCS.
Các con số thống kê dựa trên 1392 phiếu điều tra với các NCS, các tiến sĩ, GS và cả các nhà tuyển dụng.
Khoảng 70% các nhà tuyển dụng phàn nàn: các tiến sĩ là nhân viên của họ ít cải tiến trong công việc. 46% GS được hỏi thừa nhận mỗi người chịu trách nhiệm hướng dẫn khoảng hơn 7 NCS. Có GS hướng dẫn tới 47 NCS. Khoảng 60% các NCS thừa nhận họ được giao hơn nửa đề tài nghiên cứu của các GS.
Các NCS cho rằng các GS đang sử dụng “lao động rẻ mạt” để phục vụ các công trình nghiên cứu của họ. Một NCS của trường Đại học Tongji cho biết, mỗi ngày anh ta dành 9 tiếng để giúp GS hướng dẫn làm thí nghiệm và các công việc cá nhân khác nhưng anh chỉ được nhận khoảng 200-300 tệ/tháng (tương đương 29-44 đô la/tháng). Ruan Shouhua, một GS của khoa Quản lý Giáo dục thuộc Đại học Sư phạm của Bắc Kinh (Beijing Normal University) nói một số GS họ làm việc ngoài giờ quá nhiều mà lơ là việc hướng dẫn các NCS thực hiện nghiên cứu tiến sĩ.

Sinh viên giỏi ít làm nghiên cứu sinh

Khoảng 13% NCS trả lời họ liên lạc với GS hướng dẫn không quá 1 lần/tháng, 3% số đó trả lời hầu như không liên lạc với GS hướng dẫn.
Chất lượng thấp là do NCS không ham thích với công tác nghiên cứu mang tính học thuật. Chất lượng của tiến sĩ phụ thuộc vào chất lượng của NCS. Nhưng thực tế cho thấy các sinh viên giỏi ra trường thường không chọn con đường học tiếp lên tiến sĩ, mà tìm kiếm việc lương cao như làm ở các ngân hàng hoặc các công ty nước ngoài. Việc đăng ký ồ ạt của các NCS cũng dẫn đến việc thiếu các GS có đủ trình độ để đảm nhiệm việc hướng dẫn.
Ge Daoshun, GS về chính sách xã hội của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết: Ngày nay, không hiếm các GS ở độ tuổi 30 và hướng dẫn các sinh viên tại các trường đại học của Trung Quốc, nhưng tôi thực sự nghi ngờ kinh nghiệm và năng lực của GS ở độ tuổi trẻ như vậy. Hiện nay cũng không có một hệ thống thẩm định toàn diện để đánh giá trình độ của các GS.
Theo GS Ge, các trường đại học cần nỗ lực cải tổ hệ thống đào tạo và đặt ra những yêu cầu khắt khe hơn đối với những người nhận bằng tiến sĩ để cải thiện chất lượng giáo dục.
Tú Uyên (Theo China Daily)