So sánh sử Việt Nam và Cao Ly

Đọc vài cuốn sách về sử và văn hóa Cao Ly-Triều Tiên (xin xem mạng miễn phí kyujanggak.snu.ac.kr/info/info01_1.jsp 서울대학교 규장각 tức Khuê chương các của ĐH Seoul, giới thiệu bằng chữ Hangul nhưng chính văn bằng chữ Hán cổ (Hanja) thì thấy lịch sử và văn hóa hai nước rất giống nhau.

Thí dụ:

1) khoa thi nho học đầu tiên: Cao Ly năm 945, Việt Nam năm 1075.

2) bãi bỏ thi cử Nho học : Triều Tiên năm 1894 (gọi là Gap-o gae shin, tức Giáp Ngọ cải tân); Việt Nam năm 1919 thời vua Khải Định (nhà Thanh bỏ khoa cử còn trước cả Việt Nam: năm 1905).

3) tác phẩm sử học đầu tiên: Cao Ly có 삼국자기 (Tam quốc sử ký) do Kim Bu-shik (Kim Phú Thức) soạn xong năm 1145; Việt Nam: Lê Văn Hưu soạn xong Đại Việt sử ký năm 1272.

4) tác phẩm "linh dị" (truyền kỳ): Cao Ly có Samkuk yashi (Tam quốc di sự) do nhà sư Ilram (Nhất Nhiên) soạn năm 1281; Việt Nam có Việt Điện U linh của Lý Tế Xuyên soạn năm 1329.

5) tác phẩm về tăng đồ nhà Phật: Cao Ly có Hải Đông cao tăng truyện (của Yu Hyo, tức Giác Huấn, soạn năm 1215); Việt Nam có Thuyền Uyển tập anh không biết ai soạn vào đầu nhà Trần (khoảng 1230-1240).

6) tiểu thuyết chữ Hán đầu tiên: Việt Nam: Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ khoảng trước sau 1547 (căn cứ bài tựa của Hà Vĩnh Hán), Cao Ly có Ginyo shinsha (Kim ngao tân thoại) của Kim Sosip (Kim Thời Tập, khoảng trước sau 1493). Hai cuốn tiểu thuyết của Việt Nam và Cao Ly này cùng gần như đồng thời được soạn theo phong cách của Tiễn Đăng tân thoại của Cù Hựu nhà Minh trước đó ít lâu (cuốn của Việt Nam nhiều truyện hơn).

7) truyện bình dân có ghi chép bằng văn bản, như truyện nôm Việt Nam gần phát triển cùng thời với truyện bình dân (đồng thời dùng làm ca kịch như hát bội Việt Nam) PANSORI của Triều Tiên từ thế kỷ 17; các truyện này đều dùng tiếng dân tộc (chữ nôm và Hangul) nên phổ biến rất sâu rộng trong quần chúng, bình dân bác học đều thuộc như truyện Kiều của Việt Nam và Chunhyang-chan (truyện Xuân Hương) của Triều Tiên, hai nhân vật chính là Kiều và Xuân Hương đều làm nghề ca kỹ nữa mới là lạ chứ! (Truyện Xuân Hương của Hàn quốc đã được dịch và xuất bản năm 1994 tại Việt nam, trên Internet có toàn văn bản dịch này).

Còn rất nhiều điểm tương đồng nữa, tuy nhiên nhìn chung thì văn học chữ Hán và chữ dân tộc của Cao Ly phát triển hơn VN, cả về chất và về lượng: bộ sử "Triều Tiên vương triều thực lục" ghi chép sử nhà Lý Triều Tiên đồ sộ khủng khiếp, gồm trên 1200 tập, gấp mấy lần thực lực của hai triều Minh Thanh Trung Quốc (năm 2004 UNESCO đã công nhận bộ sử này là Di sản văn hóa thế giới; xem thêm KBS Radio online; hay số nhà triết học và tác phẩm triết học của Cao Ly cũng khá đông đảo (gồm hàng trăm tác phẩm), như một mình nhà triết học Chung Yakyong (tức Đinh Nhược Dung 1742-1814) có khoảng vài chục tác phẩm về tôn giáo, triết học, kể cả triết học tây phương (Chung Yajyong là nhà nho theo phái Silhak, tức phái Thực học, chuyên nghiên cứu triết học Đông tây, sau theo đạo Thiên chúa).

Vương triều Lý Việt Nam hình như có quan hệ rất gắn bó với Cao Ly (Triều Tiên, Hàn quốc ngày nay: Lý Dương Côn (em của Lý Dương Hoán tức Lý Thần Tôn), Lý Long Tường (em của Lý Long Cán tức Lý Cao Tôn) khi gặp "sự biến" đều chạy về Cao Ly cả, chứ không chạy sang Chiêm Thành, Trung Quốc là những nơi gần (cũng không chạy sang Lào, Xiêm!). Lý Thường Kiệt của Việt Nam làm bài thơ để chống quân Tàu xâm lược thì trước đó ở Cao Ly cũng có chuyện tương tự (nội dung bài thơ tất nhiên khác nhau) như sau:

- Năm 612 Tùy Dạng Đế của Tàu xua một đạo quân đông khủng khiếp (chính sử nhà Tùy cho biết) là 3,200,000 quân (trong đó quân chiến đấu trực tiếp là 1,132,000; còn dư làm công tác lo chuyển vận lương thực) xâm lược nước Cao Câu Ly (một trong ba nước Cao Ly thời Tam quốc, nước này có cả thảy 3 triệu dân và nửa triệu quân, kể cả phụ nữ); quân Cao Câu Ly đánh không lại biển người của quân Tàu phải lui dần về phòng tuyến trên sông Salsu (Tát Thủy, cách Bình Nhưỡng 30 km về phía bắc) thì dừng lại. Tiền quân Tùy do Vu Trọng Văn chỉ huy gồm 305,000 quân hạ trại ở bờ bắc và tìm cách sang sông. Một tối kia Vu Trọng Văn nhận được một phong thơ do tướng Cao Câu Ly tên là Ulchi Munduk (Ất-chi Văn Đức) gởi, trong có bài thơ chữ Hán như sau (nguyên văn trong Tùy Thư, Liệt Truyện, tập 53; bản trong Samguk-saki của Hàn quốc có vài chữ khác; có thể xem trên mạng Liệt truyện về Vu Trọng Văn):

Tạm dịch:
Chước thần xem thiên văn
Kế hay nhìn địa lý
Thắng thế là đủ rồi
Dừng quân đi thì hơn

Vu Trọng Văn xem xong, nổi trận lôi đình, ra lệnh vượt sông,mặc dù quân đang đói vì lương chưa kịp tới. Kết quả toàn quân Tùy rơi vào thế trận bày sẵn của Cao Ly; bị giết, chết đuối, bị bắt gần hết (Tuỳ thư cho biết số quân thoát được về đến Liêu Đông là 2700) (sau đó nhà Tùy hai lần nữa trả thù trận này vào các năm 614, 617 nhưng rốt cuộc đều thất bại và do nướng quá nhiều quân mà bị diệt vong năm 618).

Thật là một sự tương đồng hiếm thấy trong lịch sử nhân loại! Và chứng tỏ dân tộc Cao Ly (Triều Tiên, Hàn quốc) quả là đáng nể về lịch sử và văn hóa vậy. Việc Hàn Quốc phát triển nhanh dù khó khăn khủng khiếp là có cội nguồn từ văn hoá vững chắc trong lịch sử, chứ không phải tình cờ!

Lê Thị Minh Huyền