Sự cần thiết của thiền

Thế giới ngày nay đầy những đè nén và căng thẳng về tâm trí. Con người luôn luôn tất bật mà cũng chẳng có đủ thời giờ để hoàn tất mọi việc đã hoạch định. Tốc độ và mức hoạt động cao của thế giới hiện đại đang làm tổn hại trí óc và hệ thần kinh nhạy cảm của chúng ta.

Giảm đè nén và căng thẳng

Muốn chống trả hữu hiệu với sự đè nén và căng thẳng gây ra bởi cuộc sống trong môi trường ngày càng gay gắt này, con người cần phải đạt được sự hiểu biết sâu xa cũng như kiểm soát được trí óc của mình. Trí óc là trung khu của mọi suy nghĩ và cảm giác của chúng ta, và nó cũng là một bộ phận của con người bị tác động nhiều nhất bởi những điều kiện của môi trường sống. Muốn giảm thiểu nhưng tác dụng phụ có hại của môi trường gây ra, chúng ta phải biết điều chỉnh cách thức chúng ta liên hệ với môi trường.

Khát vọng cái vô hạn

Tất cả các tôn giáo trên thế giới dường như tập trung vào ba điều:
— Khám phá chân lý
— Nhận thức được Đấng Tối Cao
— Đạt đến cuộc sống vĩnh cửu hoặc cõi vĩnh phúc.

Tất cả đều nói đến một hình thức hiện hữu cao hơn và họ đã gọi điều đó bằng những cái tên khác nhau, chẳng hạn như thượng giới, thiên đường, cứu rỗi, cõi phúc, niết bàn, giải thoát, v.v. Tôn giáo bắt nguồn từ khát vọng của con người là muốn vượt lên trên cuộc sống vật chất và tâm trí để bước vào thế giới mà chúng ta gọi là cõi tâm linh. Nỗi khát vọng tinh thần này dường như là một cá tính căn bản của con người. Như một nhà “duy linh” đã nói, “Con người luôn có một niềm khát vọng về cái vô hạn”.

Ngày nay, vấn đề về cõi tâm linh đã gây ra nhiều bối rối và thất vọng. Nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, đã mất lòng tin vào những truyền thống hoặc tôn giáo vì dường như đã không làm cho họ đạt được các mục tiêu. Nhiều câu hỏi đã được đưa ra: không biết các tôn giáo có biểu hiện được những gì mà những người đề xướng đã nêu ra hay không? có điều gì bị bỏ quên hay không? có phải đức tin đã trở thành dị đoan hay không? hoặc nhận thức đã trở thành giáo điều?