TÂM TÌNH NGƯỜI ĐI B (kỳ 2)

Thật cầu được ước thấy, hôm sau, ông hiệu truởng tự nhiên lò dò vào phòng tôi chơi, tên anh là Đỗ Đoàn, 40 tuổi, quê huyện Kiến Xương, người to béo, mặt tròn, lúc nào cũng toét miệng cuời, ăn mặc thì chúa xuề xoà, đi đâu cũng đội chiếc mũ cói rộng vành, loẹt quẹt đôi dép cao su, không bao giờ có quai hậu. Tôi nói: “Anh ạ, đánh nhau to rồi, cho em đi nhá, em chẳng thích dạy học nữa đâu…” Anh Đoàn đứng vụt dậy, cười hơ hớ, giơ cánh tay lên cao như lúc tuyên thệ vào Đảng, giọng anh the thé giễu cợt: “Tiền phong nhỉ, đầu tầu nhỉ, gương mẫu nhỉ, ôi giời đất ơi. Cái thằng này lại còn muốn đi lính chứ?” (Phải đến ba bốn cái nhỉ… bực cả mình) “Mày đi đâu? Quẳng con Ngọc lại cho ai?” Biết anh Đoàn muốn giữ mình làm đệ tử, vì đã quen nhau từ lâu, nhưng tôi vặn lại ngay: “Em hỏi anh nhá, thế cái hồi đánh Tây ấy, anh bỏ lại ruộng vườn, cô thôn nữ má hây hây đỏ lại có lúm đồng tiền, hơ hớ muời sáu tuổi, và thằng cu còn đỏ hỏn, để đi biền biệt suốt từ mùa thu tháng Tám năm 45, đến hoà bình năm 54 mới về thì sao?”. Anh Đoàn cười dễ thương: “Láo toét! 16 bao giờ, 18 chứ, mày bảo anh mày tảo hôn à? Rõ là “nuôi ong tay áo”. Tôi làm lành: “16 thì càng hay chứ sao, anh cứ để em từ từ nói chuyện với Ngọc, để cô ấy thông cảm sau, còn trước mắt, cứ cho em đi, anh nhá? Vả lại ngày ấy, anh lôi thôi bầu đoàn thê tử, còn dứt áo ra đi đứợc, nữa là em bây giờ, đang tình tính tang, không vướng bận vào ai…” Anh lấy khăn lau mồ hôi cái trán bóng nhậy, bĩu môi: “Tình tính tang, thôi được, để anh còn nghiên cứu, cứ từ từ, trường kỳ kháng chiến mà, đi đâu mà vội” Anh Đỗ Đoàn là học viên lục quân Trần Quốc Tuấn từ năm 1947, ra truờng anh về công tác tại đoàn thiếu sinh quân liên khu ba, cùng đợt với các anh Trần Truờng, Huy Phuơng, Phạm Tuyên, Hồng Chi, Xuân Tảo, Hoàng Nội… Đầu năm 1950, khi ta sắp mở chiến dịch biên giới, Hồ Chủ Tịch đã sang Trung Quốc gặp Thủ tuớng Chu Ân Lai ở thị trấn Long Châu, tỉnh Quảng Tây, để bàn nhiều việc, một trong những việc đó, là Việt Nam đề nghị Trung Quốc giúp ta mở một trung tâm giáo dục, để nuôi ăn học vài ngàn thanh niên, thiếu niên, làm vốn dự trữ nhân tài cho đất nước. Lúc ấy kháng chiến mới được bốn năm mà Bác đã nhìn thấy ngày thắng lợi không còn xa của dân tộc, Bác Hồ đúng là bậc Minh Triết, là vị lãnh tụ kiệt xuất, luôn đi trước thời gian, sớm lo cho tuơng lai con cháu. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp mới đi chưa được nửa chặng đường, đã mấy ai dám mơ đến ngày kết thúc đâu? Chỉ Bác là đã nghĩ tới và bắt tay thực hiện, không chần chừ. Hơn hai nghìn năm trước, tại nước Nê Pan, dưới chân dãy núi Hi Mã Lạp Sơn, Đức Phật ra đời. Người ta tôn Ngài là: Sátkia-Mơni tức là bậc Minh Triết của bộ tộc Satkia (ở ta đọc là: Thích Ca Mầu Ni Phật). Bác Hồ chính là một Mơni của Việt Nam đó, thưa các bạn. Nhờ cuộc gặp ở Long Châu này (Bác còn gặp Chu Ân Lai tại đây một lần nữa, vào cuối năm 1950, sau khi ta kết thúc chiến dịch Biên Giới toàn thắng), mà vào tháng 6 năm 1951, các đoàn Thiếu Sinh Quân liên khu ba, liên khu bốn, liên khu Việt Bắc và của các đại đoàn quân chủ lực, tập họp nhau lại, lên đường sang thành phố Quế Lâm, thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) để học tập và rèn luyện. Cùng lúc ấy, gần 3000 học sinh và thày giáo, cô giáo, các trưòng trung học Cao-Bắc-Lạng, sư phạm sơ cấp, trung cấp, đang đóng ở ATK (An toàn khu), Chiêm Hoá, Tuyên Quang, lần luợt dắt díu nhau, hành quân qua biên giới, rồi đi tàu hoả về thành phố Nam Ninh, thủ phủ tỉnh Quảng Tây, để xây dụng Khu Học Xá Trung Ương lớn nhất nước ta lúc bấy giờ, đóng tạm tại làng Tâm Hư, cách Nam Ninh 10 km, một làng khá to, toàn người Choang thiểu số, mới được giải phóng trước đó hai năm, lúc ấy vẫn còn tàn binh Quốc dân Đảng hoạt động lén lút, vẫn còn tiếng súng. Các Thiếu Sinh Quân Việt Nam ngày ấy sang Quế Lâm vừa học văn hoá vừa phải tập quân sự, nên trường Quế Lâm lúc đầu gọi là trường Thiếu Sinh Quân Việt Nam, sau bỏ chương trình quân sự, đổi thành trường Thiếu Nhi Việt Nam, phía Trung Quốc gọi là truờng con em cán bộ (Tử Nữ học hiệu) sau lại đổi thành Dục Tài học hiệu, có nghĩa là trường đào tạo nhân tài. Trường này về sau cũng có một số nguời khá nổi tiếng như nhạc sĩ Phạm Tuyên, nghệ sĩ vĩ cầm Phan Phúc (chồng của bà Tuyết Mai, cựu phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam), như nhà thơ Nguyễn Bá Dậu, tác giả bài : “Bác Hồ ơi, cháu là em bé phương xa Theo anh bộ đội xa nhà từ lâu Cháu qua sông Đuống, sông Cầu Phủ Thông, đèo Khách, An Châu, Lũng Vài Qua bao vực thẳm sông dài Cùng anh vệ quốc giết loài thực dân…” Trường Thiếu Sinh Quân Việt Nam do chú Đặng Văn Cáp phụ trách. Chú là người đầu tiên đưa Bác Hồ về hang Pác Bó lãnh đạo cách mạng Việt Nam (ngày 28 tháng 1 năm 1941, tức mùng 3 tết Tân Tỵ, Bác Hồ trong vai nhà báo, Phạm Văn Đồng vai phiên dịch, được chú Cáp dẫn đường, đã vượt cột mốc biên giới số 108 thuộc Cao Bằng về nước sau 30 năm bôn ba nước ngoài). Chú là người Hà Tĩnh, hoạt động cách mạng vào những năm 1930, suốt từ Thái Lan theo Bác Hồ về Quảng Châu, Vân Nam, Hồng Công rồi Cao Bằng, chú được Bác kết nạp vào Đảng tháng 3 năm 1930 tại Thái Lan. Chú có nghề chữa bệnh bằng Đông y rất giỏi, được Bác tin dùng, chính chú nhiều lần chữa khỏi sốt rét cho Bác Hồ. Vì chú thạo tiếng dân tộc thiểu số, tiếng Trung Quốc, hay mặc áo chàm, đi giày cỏ, chân quấn xà cạp, khiến ai cũng tưởng chú là ông Ké người Tày, chứ đâu biết chú là một cán bộ cách mạng lão luyện người Hà Tĩnh, hoạt động khắp vùng biên giới Việt Trung, thậm chí sang cả Long Châu, Nam Ninh, Quế Lâm, thuộc Quảng Tây của Trung Quốc nữa. Sau Cách Mạng Tháng Tám, chú được Trung ương Đảng giao nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ Bác Hồ và đóng thế vai Bác Hồ trong trường hợp phải giao tiếp với bọn Tầu Tưởng (vì chú kém Bác có bốn tuổi, lại giỏi tiếng Trung Quốc). Chú Cáp là người có uy tín rất lớn, được học sinh chúng tôi vô cùng quí mến, kính trọng. Ở trường Quế Lâm ngày ấy, các giáo viên như Dương Xuân Nghiên, Đỗ Đoàn, Phạm Tuyên, Hoàng Trung Tích v.v, đều được gọi bằng anh, chứ không gọi là thầy, chúng tôi xưng em. Riêng chú Cáp, chúng tôi gọi bằng chú, xưng cháu. Được Bác Hồ trực tiếp trao nhiệm vụ chăm sóc và dạy dỗ gần nghìn trẻ em Việt Nam sang đây ăn học, nên Chú rất quan tâm đến các cháu học sinh. Ngày ấy hễ bất cứ bạn nào mắc bệnh phải đi trạm xá, đêm đến thể nào Chú cũng vào thăm, Chú ngồi bên giường, nhẹ nhàng bón cho từng thìa cháo, bóc cho từng múi cam, ép ăn cho bằng hết rồi tỷ tê trò chuyện, hỏi han hoàn cảnh gia đình, sức khoẻ bố mẹ... y như người ông, người cha ân cần, yêu con, quý cháu. Phải nói rằng cả trường Quế Lâm từ thày đến trò đều kính yêu Chú, Chú nói gì, học trò nghe răm rắp. Chú là nhà sư phạm mẫu mực, mặc dù không hề lên lớp giảng bài. Ngoài chú Cáp ra, còn một Chú nữa, người gầy hom hem, ho suốt ngày, tức chú Lã, nghe nói chú Lã từng là Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư liên tỉnh ủy Cao Bắc Lạng, chú bị kỷ luật vì đã phát động khởi nghĩa sớm vào năm 1944 ở ba tỉnh trên, khi chưa được sự đồng ý của Trung Ương Đảng, khiến ta bị tổn thất lớn. Chú Lã cũng được Bác Hồ cho sang Quế Lâm để chữa bệnh và tự kiểm thảo về những sai lầm của mình. Sau hoà bình 1954, chú Cáp làm chủ tịch hội Đông y Việt nam, khi chú mất (sinh 1894 mất 1984 thọ 90 tuổi) được an táng taị nghĩa trang Mai Dịch (tiêu chuẩn lão thành cách mạng). Nhưng vì gia đình chú nghèo, không con cái, thím Bình vợ Chú, lại phải ngồi xe lăn vì xuất huyết não, nên mãi 11 năm sau (1995), các học sinh cũ trường Quế Lâm mới chung tay góp tiền xây cho chú một ngôi mộ khá hoành tráng để tỏ lòng nhớ ơn (nhỏ hơn mộ Nguyễn Đình Tứ, đồng hương với chú). Tôi còn nhớ ngày học ở Quế Lâm, một hôm nhà truờng thông báo thím Bình, là vợ chú Cáp, đã có mang, thế là cả truờng nhảy lên reo hò, ôm nhau mừng rỡ, các cán bộ Trung Quốc liền mở tiệc ăn mừng cho cả nghìn người, vì chú đã 59 tuổi, sắp có con nối dõi. Sau đó một tuần, biết tin thím Bình hỏng thai, thế là cả truờng lại rầu rĩ suốt nhiều ngày (có nhiều bạn khóc rưng rức). Xem thế đủ biết, người ta đuợc mọi nguời yêu quí không phải vì quyền cao chức trọng, không phải là ông nọ bà kia, mà ngược lại, như truờng hợp của chú Cáp. Chú đã trở thành nhà sư phạm có tầm cỡ, khi chưa hề học xong bậc tiểu học mà chỉ qua con đường duy nhất: yêu người. Chú yêu thương học trò bao nhiêu sẽ được các thế hệ học trò kính trọng, nhớ ơn và tôn vinh bấy nhiêu. Đó là chân lý. Vợ chồng chú Cáp, thím Bình dù không con cái, dù chẳng giàu có gì, nhưng gia đình Chú là gia đình hạnh phúc nhất Việt Nam ta. Chúng tôi hay nói với nhau như vậy. Ngày nay, cứ đến dịp kỉ niệm thành lập trường Quế Lâm, các học sinh năm xưa, dù tuổi đã 70, 80, vẫn dìu nhau vào nghĩa trang Mai Dịch viếng chú Cáp, chú thật đáng tự hào biết bao. Còn nhớ giữa năm 1960, một hôm Tổng bí thư Lê Duẩn đến thăm trường Đại học Sư phạm Hà nội, cùng đi có nhà thơ Tố Hữu. Khi nghe hiệu trưởng Phạm Huy Thông báo cáo: Có nhiều sinh viên của trường không yêu nghề lắm, chỉ học để sau này kiếm miếng cơm ăn thôi, vì luơng thầy giáo, cô giáo thấp quá, Tổng Bí thư đã cao giọng: “Các em muốn yêu nghề, thì trước hết hãy yêu nguời đi đã. Yêu nguời bao nhiêu, ta càng yêu nghề bấy nhiêu, các em ạ”. (Sau này, nhạc sĩ Hoàng Vân đã sáng tác ca khúc “Yêu người bao nhiêu, ta càng yêu nghề bấy nhiêu). Còn thi sĩ Tố Hữu khi kết thúc bài nói của mình bèn chỉ tay lên mái nhà hội trường lợp lá cọ cũ nát, thủng lỗ trỗ (đã 5 năm chưa dọi lại), động viên “Các bạn ạ: Dưới mái nhà tranh này, là những trái tim vàng đấy, các bạn có biết chăng.” Về sau hễ có ai phàn nàn vì sao trường không cho lợp lại bằng ngói cho chắc chắn thì đã có người đùa: Dưới mái tranh này là những trái tim vàng rồi, lợp làm gì cho mất giá trị đi…. Có điều cả Tổng Bí Thư và thi sĩ đều chẳng ai chịu đề cập gì đến chuyện lương thấp, khiến nhiều sinh viên nghe buổi nói chuyện hôm ấy cứ ấm ức mãi. Ngày nay, lương thầy, cô, đã khá cao, không biết sinh viên Sư Phạm bây giờ có yêu nghề nhiều hơn lớp chúng tôi thủa ấy không?...
Đó là nói chuyện về trường Thiếu nhi Việt nam tại Quế Lâm, nơi tôi đã học anh Đỗ Đoàn từ năm 1952 đến 1954. Tôi với anh vừa là tình thầy trò cũ, vừa là tình đồng nghiệp, thân lắm. Còn Khu học xá Trung Ương ở Nam Ninh, cách Quế Lâm gần 700 cây số, thì lớn hơn trường Quế Lâm nhiều lần. Tổng giám đốc khu học xá là ông Võ Thuần Nho. Theo hồi kí ông để lại thì “Vào cuối năm 1951, tôi được Tổng bí thư Trường Chinh giao nhiệm vụ sang Trung Quốc tổ chức cho các thày giáo, cô giáo, và khoảng ba ngàn thanh thiếu niên Việt Nam một chỗ ăn học đàng hoàng, gọi là Khu Học Xá. Thế là tôi vội mượn Bộ Quốc Phòng chiếc xe Jép cũ, chiến lợi phẩm chiến dịch Biên giới (anh ruột ông Nho là Đại Tướng, Bộ Trưởng Quốc phòng, Tổng Tư Lệnh Võ Nguyên Giáp ) rồi cùng bác sĩ Nguyễn Tấn Gy Trọng đi suốt ngày đêm, mãi tới sáng, mới vượt đèo Mã Phục, qua cầu biên giới, sang thị trấn Thủy Khẩu (Trung Quốc) giáp huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng của ta. Đến đây, tôi được 2 tiểu đội quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc đổi xe mới, hộ tống đi Long Châu, về Nam Ninh. Ở đây đã có đồng chí Nguyễn Văn Lưu là “Biện Sự Sứ” (tức lãnh sự quán Việt nam), cùng các lãnh đạo tỉnh Quảng Tây, đón tiếp bằng bữa tiệc thịnh soạn trong đời tôi chưa bao giờ đươc thưởng thức, và cho biết, bạn đã đặt tên cho Khu Học xá của ta là Dục Tài Học Hiệu (truờng đào tạo nhân tài). Trường Dục Tài đóng ở làng Tâm Hư, cách thủ phủ Nam Ninh mười km, ở đây toàn người thiểu số Trung Quốc, thuộc dân tộc Choang, cả làng không có lấy một cái giếng, toàn dùng nuớc ao tù, đặc quánh rêu xanh và cứt lợn.” Ông Nho viết tiếp: “Vì lo cho công việc, lại đường xá khó khăn, nên tôi có khiếm khuyết là trước khi sang Trung Quốc đã không ghé qua Bộ Giáo dục để báo cáo và xin chỉ thị Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên. Mãi 38 năm sau, tức năm 1989, tôi mới biết lúc bấy giờ chính phủ ta đã có nghị định thành lập Khu học xá Trung Ương, ký ngày 1 tháng 10 năm 1951, người ký là phó thủ tướng Phạm Văn Đồng”. Thực ra ông Võ Thuần Nho là cán bộ có cỡ (từng được bổ nhiệm chính ủy Đại Đoàn 308) lại là em ruột đại tuớng Võ Nguyên Giáp, thì việc ông không xin phép Bộ Giáo dục, cứ thẳng đường sang Tâm Hư là chuyện bình thuờng (cha tôi có lần nói với tôi: Năm 1955 trưởng ban kiểm tra Trung Ương Đảng là Lê Đức Thịnh có sang Khu Học Xá tổ chức kiểm thảo ông Nho vì nhiều chuyện, trong đó đã phê phán gay gắt ông về thiếu sót này)… Khu Học xá Trung ương tồn tại từ 1951 đến 1958 thì giải thể. Từ 1951 đến 1954 ăn ở tạm tại làng Tâm Hư; từ 1954 đến 1958 chuyển ra Khu Học Xá xây dựng hiện đại, cách thành phố Nam Ninh 4 km. Ngày nay đây là Trung Tâm Đại Học Quảng Tây (gồm 6 trường Đại Học) và để lưu giữ dấu tích Khu Học xá năm xưa, các ban Trung Quốc vẫn để lại một ngôi nhà hai tầng, trên tường còn đắp khẩu hiệu bằng chữ Việt: Đảng Lao Động Việt Nam muôn năm, có điều chữ Năm đã bị mất vì tróc vữa. Tổ chức của Khu Học xá Trung ương như sau: Ban lãnh đạo: Võ Thuần Nho, Tổng Giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy. Phó Tổng Giám đốc: Giáo sư Nguyễn Xiển (TTK Đảng Xã hội Việt Nam). Ban cán sự Đảng gồm: Nguyễn Văn Lưu (Biện sự sứ Việt Nam tại Quảng Tây), Trần Việt Phương (thư kí riêng của Phạm Văn Đồng biệt phái), hai ông này là Đảng ủy viên, không có phó Bí thư. Chú Cáp không có chân trong Đảng Ủy. Ban cán sự lãnh đạo tất cả các trường của Khu Học xá gồm: Sư phạm Sơ cấp, Sư phạm Trung cấp, Sư phạm Cao cấp, trường Khoa học cơ bản, Trường Trung văn, Trường cấp một, Trường cấp hai, Trường cấp ba. Ngoài ra, còn Trường Thiếu nhi Việt Nam ở Quế lâm, cách đó gần 700 km nữa, tất cả là 9 trường, trên 3000 học sinh, trên 400 giáo sư, giáo viên và công nhân viên, trong đó có nhiều người Trung Quốc (gồm: Cố vấn cho ông Nho, giáo viên dạy tiếng Trung, công nhân viên và một đại đội công an vũ trang canh gác, bảo vệ). Trong tám năm tồn tại, Khu Học xá trung ương đã cho ra lò một số nhân vật có tên tuổi thường hay lên truyền hình như: Trần Đình Hoan, Vũ Khoan, Vũ Mão, Nguyễn Văn Hiệu, Nguyễn Đình Tứ, bà Nghiêm Chưởng Châu, Phạm Tuyên, Nguyễn Bùi Vợi, Đoàn Mạnh Giao, Phạm Quốc Anh v.v… Ngoài ra còn đào tạo cho nước nhà hàng trăm giáo sư, tiến sĩ (cả thật, lẫn giả), hàng trăm sĩ quan quân đội, gồm một trung tướng, ba thiếu tướng, mười lăm đại tá và hàng loạt tá khác, đủ kiểu, đủ loại v.v.. Lại nói sang chuyện khác: tháng 9 năm 1951, có đoàn người lếch thếch đi mảng tre từ Chiêm Hoá (Tuyên Quang) theo sông Chảy, về Đoan Hùng (Phú Thọ) rồi được xe vận tải quân sự Mô Lô Tô Va chở ngược lên Cao Bằng, đến biên giới Việt Trung thì dừng lại. Đây là đoàn cán bộ giảng dạy cùng gia đình lên đường sang Khu Học xá. Có thể kể tên vài gia đình như sau: gia đình tôi gồm mẹ và bốn anh em, gia đình giáo sư Nguyễn Xiển gồm bác gái và năm con, gia đình giáo sư Ngụy Như Kon Tum gồm bác gái và hai con, gia đình giáo sư Nguyễn Lân gồm bác gái và bốn con, gia đình giáo sư Văn Tân gồm bác gái và ba con, gia đình giáo sư Đinh Văn Hớn gồm hai vợ chồng và năm con, gia đình giáo sư Trần Văn Khang và một con.... và các gia đình khác như bà Nguyễn Tấn Gy Trọng cùng hai con, gia đình chị Tuyết Minh, con hãy còn đỏ hỏn (chị là vợ đại tá Đào Văn Trường, đại đoàn trừởng pháo binh 351), chị 18 tuổi, mới sinh, xanh xao lắm…. Cả đoàn lốc nhốc hơn hai trăm con người này gồm phụ nữ, nguời già và trẻ con, có đứa còn ẵm ngửa, tất cả được nhét lên 10 chiếc xe GMC phủ bạt kín mít, từ Thủy Khẩu qua Long Châu về Nam Ninh. Trong đoàn người đói rách ấy có tôi, người chép chuyện này (còn nhớ hôm ở thị trấn Long Châu, bác Khang dắt tôi ra chợ dạo chơi. Lúc qua cầu chợt trông thấy ngôi miếu khá to, sơn màu đỏ, trước cửa treo tấm biển lớn, có khắc nổi ba chữ Hán màu vàng, bên trong miếu sừng sững bức tượng ông tướng mặt đỏ, râu dài, một tay nâng quyển sách, tay kia cầm gươm chỉ về hướng Nam. Ngôi miếu này đông nghẹt người vào lễ bái, có vẻ thiêng lắm. Giáo sư sử học Trần Văn Khang bảo tôi: “Đây là Phục Ba Miếu, thờ Mã Viện (Phục ba tướng quân). Năm 43 sau công nguyên, Đại tướng nhà Hán là Mã Viện thống lĩnh mười vạn quân sang nước ta dẹp cuộc khởi nghĩa do Hai Bà Trưng lãnh đạo. Sau nửa năm chống cự, quân ta bại trận, Hai Bà bị giết ở sông Hát (Hưng Yên), nước ta lại rơi vào vòng đô hộ của Trung Quốc. Mấy năm sau, trước khi rút binh về nước, Mã Viện cho dựng cột đồng ở nam Thanh Hoá và giao hẹn: “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” có nghĩa: Cột đồng mà bị gãy, nước Giao Chỉ sẽ bị tiêu diệt (Giao chỉ là tên nước ta). Đối với người Trung Quốc, Mã Viện là danh tướng được thờ nhiều nhất, chỉ đứng sau Quan Công. Đối với người Việt Nam, Mã Viện là tên giặc bị nhân dân ta căm ghét, phỉ nhổ, thù oán đời đời. Cho nên mới đây bác nghe nói khi tiễn Đại tướng Trần Canh cùng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc sang giúp ta mở chiến dịch biên giới đầu năm ngoái (1950), Mao Chủ tịch đã dặn họ: “Trong lịch sử, tổ tiên chúng ta đã từng gây biết bao tội lỗi cho nhân dân Việt Nam. Các đồng chí sang lần này là để trả một phần món nợ đó.” Kể đến đây, bác Khang dắt tôi quay về, không đi nữa, bác bảo: trông thấy Mã Viện là tức lộn ruột rồi đi làm gì ..” Thật là bài học bổ ích. Bác Khang là thày giáo dạy Sử mà. Rồi ngày tháng trôi mau, năm 1959, Thủ Tướng Chu Ân Lai sang thăm nước ta. Vừa chân ướt chân ráo đến Hà Nội chiều hôm trước, hôm sau ông đã vào đền Đồng Nhân thắp hương tưởng niệm Hai Bà Trưng, khiến ai cũng ngỡ ngàng. Năm 1962 Chủ Tịch Lưu Thiếu Kỳ dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng, chính phủ Trung Quốc sang thăm ta, thì việc đầu tiên ông làm cũng lại là xin được vào viếng anh linh Hai Bà Trưng, những nữ anh hùng dân tộc vĩ đại của Việt Nam. Chắp nối những sự kiện này lại, bằng con mắt nhìn thẳng vào sự thật chúng ta khẳng định rằng Mã Viện đã tàn sát vô cùng dã man cuộc khởi nghĩa Hai Bà vào năm 43 sau công nguyên, và Hai Bà đã bị giết hại thảm khốc chứ không phải tự trầm mình xuống dòng sông Hát như ta thường nghe nói từ trước đến nay. Viết đến đây tôi bỗng nhớ lời nhà triết học Pháp Vonte, ông nói: “Từ ngày xuất hiện các nhà Sử Học, lịch sử đã không còn là lịch sử nữa….” Lại nói:. Tôi lúc ấy 11 tuổi, gầy gò, bé loắt choắt, đen nhẻm, mồm miệng nẻ toác, tai thối, đầu bị hắc ín, người thì ghẻ tàu… Những căn bệnh của đói nghèo, rét mướt, hành hạ cậu học trò lớp 4, nếu không đi kháng chiến thì đang sống đàng hoàng cùng gia đình ở ngôi biệt thự sang trọng số 102, phố Cầu Đất thành phố Hải Phòng, với đầy đủ u sen, anh bếp, đầy tớ… Chả là trước Cách mạng tháng Tám, cha tôi dạy trường Thành Chung Hải Phòng, trường ở phố Bô Nan (tên toàn quyền Đông Dương người Pháp) nên còn gọi là trường Bonnan (nay là trường Ngô Quyền). Ngày ấy, luơng tháng của cha tôi là 102 đồng bạc Đông Duơng, mua được 51 tạ gạo ngon. Nhưng rồi cha tôi từ bỏ tất cả, gồm một biệt thự, tám căn nhà cho thuê (chỉ kém ông Nguyễn Sơn Hà, ngoài biệt thự ở phố Lạch Tray có bể tắm ra, còn những hai mươi ngôi nhà cho thuê nữa kia) để theo Cách Mạng. Các cụ ngày ấy giàu lắm, trong khi dân ta lầm than, khổ cực (đây là kiểu mua chuộc trí thức bản địa của Pháp). Đang sướng như vậy mà các cụ vứt bỏ tất cả, dắt díu nhau lên Việt Bắc tham gia kháng chiến, sống đời đói cơm, khát muối, rách rưới, cực nhục, nhưng lại “gian nan, đời vẫn ca vang núi đồi” như thi sĩ Tố Hữu ca ngợi. Ngày ấy không Cụ nào có lương, gạo hẩm phát cho từng gia đình, tính theo số người, chính là tiền lương. Hàng tháng đem quang gánh đến kho gạo gần nhà mà lĩnh, gạo mục cũng phải cõng về mà ăn… Đời sống của trí thức dạo đó vô cùng cơ cực. Tôi nhớ đầu năm 1950, từ Thái Nguyên, cha tôi được phái lên Lạng Sơn làm hiệu trưởng, mở trường trung học Cao Bắc Lạng, phục vụ sáu tỉnh biên giới. Khi đi, Bộ Trưởng Nguyễn văn Huyên phát cho 20 kg gạo, một cân muối và một chiếc xe đạp cà tàng. Sau nửa năm lao động cật lực cùng hai anh thợ mộc và một bác Tùy Phái (thư kí văn phòng) già, tên là bác Chi còm, ngôi trường đã hoàn thành tại bản Kéo Koong, châu Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Ngày khai trường (tháng 9-1950) cũng là ngày cha tôi bị chảy máu dạ dày và lại lên xe đạp, chở 20 kg gạo về ngay Tuyên Quang nhận chức Trưởng Ban Tu Thư (soạn sách giáo khoa).
Cha tôi kể: “Cứ bốn giờ sáng, dậy ăn cơm, năm giờ, bắt đầu làm liên tục, đến trưa nghỉ mười phút, mỗi người lót dạ một bắp ngô nướng, rồi lại làm không ngơi tay đến tối mịt, mới về ăn cơm chiều. Sáu tháng ròng rã, chỉ với cơm muối, chỉ với bốn người (hai người già yếu) mà hoàn thành ngôi trường phục vụ gần nghìn học sinh của ba tỉnh. Thật không thể nói gì hơn được nữa về những ngày gian khổ kháng chiến ấy… Vào những năm 1948, 1949 và 1950, nhiều trí thức đã bồng bế, dắt díu vợ con bỏ về Hà Nội (gọi là dinh tê) vì không chịu được gian khổ, chứ không phải thôi yêu nước hay hết tin Cụ Hồ. Xin nêu tên vài vị : Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hà -bộ trưởng kinh tế. Kỹ sư Đặng Phúc Thông -bộ trưởng công chính. Giáo sư Hoàng xuân Hãn -bộ trưởng giáo dục. Nhạc sĩ Phạm Duy -trưởng đoàn Văn Công khu bốn. Các nhà văn Hồ Dzếnh, Vũ Bằng, Lê Văn Trương, hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí v v… Có điều các vị về thành nhưng không cộng tác với ngụy quyền, mà chỉ hành nghề kiếm sống hoặc ra nước ngoài định cư. Đang lúc thập tử nhất sinh, tưởng không sao sống được nữa thì may thay lại được nước bạn Trung Quốc hào phóng giơ tay cứu vớt (nước bạn lúc này cũng hơn gì ta đâu). Các cụ được phép đưa cả gia đình sang đây dạy học trong hoà bình và có cơm ăn, áo mặc .Các thày cô giáo dạo ấy, được ăn trung táo (bốn món), vợ con họ ăn đại táo (ba món), còn hơn ở Việt Nam, đến cơm còn chẳng có mà nuốt. Con cái đều được học hành tử tế. Theo tôi, có ở trong hoàn cảnh các nhà trí thức kháng chiến ấy, ta mới thấy các cụ biết ơn nhân dân Trung Quốc nhiều lắm. Thời kì này Trung Quốc mới hoà bình tròn hai năm, dân tình thiếu thốn, cơ cực trăm bề, thậm chí có nơi còn đói quanh năm như dân làng Tâm Hư: sáng ăn cháo với ca la thầu, trưa ăn khoai, tối đi làm về mới được ăn cơm, dân bạn còn khổ hơn dân ta kia. Tôi nhớ một hôm trên đường đi Nam Ninh, đoàn chúng tôi dừng chân tại thị trấn Ninh Giang để dùng bữa trưa. Lúc ấy đã hơn 13 giờ chiều mà cả đoàn mấy trăm con người dù đã ngồi kín các mâm cơm mà vẫn không sao ăn được, vì dân địa phương họ cứ vây chặt xung quanh, người địu con, người dắt cháu, người cõng mẹ già, ai cũng lăm lăm tay bát, tay chậu. Họ chỉ chờ mình ăn xong là xông vào cướp đồ ăn thừa. Về sau, nhờ tốp lính Trung Quốc hộ tống đoàn kéo đến, dùng báng súng nện không thương tiếc, đuổi bạt họ đi, chúng tôi mới ăn xong bữa cơm chả ngon lành gì, vì thương tâm quá. Ai lại bộ đội giải phóng quân con Mao Chủ Tịch, của dân, do dân, vì dân, mà đánh dân như đánh kẻ thù. Hết báng súng, lại lưỡi lê, vừa phang, vừa đâm tới tấp vào những người đáng bậc cha, mẹ, anh em, con cái mình. Thật chưa bao giờ đời tôi chứng kiến cảnh này.Và càng biết ơn người bạn vĩ đại, chúng ta lại không thể quên được những biến cố xảy ra giữa hai nước, mà xót xa nhất, đểu cáng nhất, là cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, tuy ngắn nhưng hết sức tàn bạo, xảy ra ngày 17 tháng 2 năm 1979, đến nay cả hai nước đều không muốn nhắc tới (những ai chết dạo ấy, bia mộ chỉ ghi: Hy sinh trong chiến đấu bảo vệ tổ quốc, không dám ghi: Trong chiến tranh Biên Giới 1979 chống quân bành trướng). Sở dĩ gọi cuộc chiến ấy là đểu cáng, vì ngay từ chiều 16/2, quân Trung Quốc đã sang các cứ điểm biên phòng của ta, tổ chức liên hoan, thi đấu bóng chuyền v.v rất hữu nghị như mọi lần. Nhưng xong việc, họ bí mật tản vào các khu rừng, mắc võng ngủ lại, đợi đến sáng tinh mơ hôm sau bất ngờ nổ súng đánh úp các cứ điểm ấy, khiến bộ đội ta không kịp trở tay. Có cô gái người Hơ Mông đèo cha đi khám bệnh, vừa ra tới đường cái“Hữu nghị” số 7, chạy dọc biên giới Lào Cai-Vân Nam (do phía bạn xây dựng giúp ta) thì đụng ngay đoàn xe tăng cắm cờ 5 sao đỏ rực. Cô chưa hiểu chuyện gì thì đã gặp ngay loạt đạn AK47. Người cha chết tại chỗ, cô lăn xuống khe suối, hốt hoảng chạy về báo cho dân bản biết. Khi ra chỗ cha mình ngã xuống ban nãy thì lạ chưa: cả đoàn xe tăng, quân Trung Quốc và xác bố mình đều biến mất, y như có ma… Bởi vậy ngày 17/2 là ngày quân ta thua đậm nhất: Hàng chục đồn biên phòng rơi vào tay giặc, hàng trăm chiến sĩ hi sinh, bị thương và bị bắt sống. Quân Trung Quốc tràn vào các thị xã, thị trấn (3 thị xã, 16 thị trấn), bản làng, gặp bất kì ai cũng giết, đụng thứ gì cũng phá, chúng đập nát từ cái nồi nấu cơm, cho đến cái thìa xúc bột của trẻ thơ, đốt từ tấm chăn rách tới manh áo vá của đồng bào dân tộc ít người. Phải nói rằng: đây là cuộc chiến tranh Đểu Cáng và lạ lùng nhất trong lịch sử Việt Trung (9 cuộc chiến tranh lớn), bởi vì nó xảy ra giữa hai nước cộng sản anh em như lời bài hát của nhạc sĩ Đỗ Nhuận: “Việt Nam, Trung Hoa, núi liền núi, sông liền sông, chung một biển Đông, mối tình hữu nghị thắm như rạng đông…” chứ không phải hai nước thù địch. Nó là cuộc giết chóc không thương tiếc giữa hai đạo quân có tổ chức, biên chế, trang bị, sinh hoạt tư tưởng v.v…, giống hệt nhau. Người ta kể rằng: Sau một trận đánh ác liệt tại điểm cao 968 (Hà Giang), bên Việt Nam tổ chức lễ kết nạp Đảng cho một anh bộ đội Cụ Hồ, tất nhiên là có hát bài “Quốc tế ca”. Nhưng khi bài hát vừa cất lên, thì cách nửa quả đồi bên phía Trung Quốc, cũng bài hát ấy, bỗng vang lên giai điệu hùng hồn hệt nhau. Chỉ khác là họ hát bằng tiếng Tàu. Ở bên ấy cũng đang diễn ra lễ kết nạp Đảng cho một chiến sĩ ưu tú của Mao Chủ tịch gia nhập đội ngũ tiên phong của giai cấp công nhân Trung Quốc, cũng theo chủ nghĩa Mác-Lênin như Việt Nam. Cuộc chiến tranh này lạ lùng ở chỗ: Nó khiến ta nhớ lại cuộc đấu tay đôi xảy ra cách đấy mười năm giữa hai nước cộng sản đứng đầu phe xã hội chủ nghĩa. Vào năm 1969, quân đội Liên Xô phát động cuộc tổng tấn công trên toàn tuyến biên giới phía bắc Trung Quốc, đánh vào nước anh em khổng lồ, nhưng chân bằng đất sét. Cuộc chiến chỉ diễn ra có 11 ngày, chủ yếu ở dọc sông Hắc Long (Amua) và rất ác liệt (phía Liên Xô đã dùng đến vũ khí hạng nặng là hoả tiễn tầm xa và máy bay ném bom chiến lược đường dài). Hậu quả là: Trung Quốc mất thêm 10.000 km2 lãnh thổ nữa. Nhờ sự trung gian hoà giải của các nước trong phe Cộng Sản (Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng), hai ông anh lớn đã làm lành với nhau, giải quyết xong mọi rắc rối (năm 2008, sau 40 năm kết thúc xung đột, nhân chuyến thăm của tổng thống Liên bang Nga Métvêđép, Trung Quốc đã nhận nốt 174 km2 đất của mình, gồm một hòn đảo rưỡi ở giữa sông Amua). Rõ ràng Trung Quốc đã bê nguyên xi kịch bản Liên Xô “Bạt tai” mình, để dạy cho “Đứa em cứng đầu” Việt Nam một bài học mà không hề nhớ lại đòn đời đẫm máu và nước mắt họ từng hứng chịu mười năm trước đó. Tôi là người may mắn chứng kiến hai sự kiện: Đầu năm 1954, khi đang học ở Khu Học xá Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc). Cứ vào tầm ba giờ chiều, chúng tôi nhìn ra thành phố Nam Ninh thấy từng đoàn máy bay vận tải quân sự hạng nặng (Đa cô ta) của Quân Giải Phóng Nhân dân Trung Quốc nối đuôi nhau, hạ cánh xuống sân bay, gây nên tiếng ầm ỳ suốt đêm, hết ngày này sang ngày khác, cho tới hết tháng 5 hiện tượng ấy mới chấm dứt. Thày giáo chủ nhiệm lớp cho biết: Đây là cầu hàng không của Bạn lập ra để chi viện quân ta đang chiến đấu gay go, ác liệt với giặc Pháp ở Điện Biên Phủ. Mười bốn năm sau, năm 1968, khi tôi hành quân cùng tiểu đoàn hai, trung đoàn một, sư đoàn 9 Quân giải phóng Miền Nam tiến về Sài Gòn. Vào một đêm đi trong rừng cao su Dầu Tiếng, dưới ánh pháo sáng của giặc Mỹ, bỗng nhìn thấy từng đống gì màu trắng, chất đầy quanh gốc cây, đi mãi, đi mãi, vẫn cứ thấy. Lạ quá, tôi liền tạt vào xem thử nó là cái gì? Hoá ra đó là hàng ngàn đôi dép nhựa, hàng ngàn hộp thịt, hàng ngàn hộp trứng bột, sữa bột, đường cát, bột chanh cô, máu khô, bánh khảo, gạo rang, cháo khô v.v… Tất cả đều mang nhãn hiệu Trung Quốc. Đấy là chưa nói đến trang bị của quân ta. Từ ngày “Xuống đường” tổng công kích Mậu Thân 1968, chúng tôi được trang bị lại đồng loạt: tiểu liên AK47, trung liên RBĐ băng tròn (50 viên đạn), đại liên Culinốp, đại bác không giật 57 li, 75 li, súng hoả tiễn chống Tăng vác vai B40, B41, súng phòng không 12 li 8, 14 li 5, và các loại mìn gài, mìn phá, mìn định hướng v.v., tất cả đều mới tinh… tất cả đều của Trung Quốc. Nhờ hoả lực mạnh như vậy, quân ta mới trụ vững tại khắp các thị tứ, đô thành toàn miền Nam trước các cuộc tấn công điên cuồng của quân Mỹ (không thèm chấp lũ đàn em như: Sài Gòn, Hàn Quốc, Thái Lan v.v...). Đây chỉ là những dẫn chứng rất tầm thường, nhỏ bé, nói lên một phần sự giúp đỡ “Toàn diện, trực tiếp, có hiệu quả” (lời thủ tướng Phạm Văn Đồng) của nước Bạn đối với chúng ta. Còn với Trung Quốc thì sao? Ai là người nâng đỡ cách mạng Trung Hoa khi còn trứng nước? Ai là người trao toàn bộ vũ khí tịch thu được của đạo quân Quan Đông (Nhật Bản) thua trận năm 1945 cho Quân giải phóng nhân dân, để họ mở cuộc đại phản công xuống bờ nam sông Dương Tử (gọi là “Nam Hạ”) tiêu diệt hơn năm triệu binh sĩ Tưởng Giới Thạch, kết thúc thắng lợi cuộc nội chiến tàn khốc ở Trung Hoa năm 1949? Tất nhiên, đó là Liên Xô. Nếu năm 1979, người Trung Quốc tặng danh hiệu “Vô ơn, bạc nghĩa” cho Việt Nam, thì trước đó mười năm (1969), Liên Xô tặng họ Danh Hiệu gì? Cho nên các bạn Trung Quốc đừng vội quên: “Tiên trách kỉ, hậu trách nhân”, như Cụ Khổng Tử từng dạy con cháu hai nước chúng ta, cách nay đã 2700 năm. Nhưng thôi, ta hãy gác chuyện này lại, để kể tiếp về trường Quế Lâm đã… Tôi sang Tâm Hư tháng 9 năm 1951, cuối năm 1952 lên Quế Lâm, học Truờng Thiếu Nhi Việt nam (đóng tại cơ sở cũ của trường con em võ quan cao cấp quân đội Tưởng Giới Thạch). Trường ở dưới chân dãy núi đá vôi, nhìn ra con sông Ly Giang, nước trong veo. Ở đây có những ngư dân đánh cá kiểu rất lạ: mỗi thuyền lùi lũi bốn, năm con chim đen trũi đậu hai bên mạn thuyền. Khi đến chỗ cá nhiều, người chủ gõ mạnh cây sào tre xuống mặt sông, lập tức bầy chim lao xuống như mũi tên, lặn mất tăm. Chốc sau, chúng nổi lên, mỗi con ngậm một chú cá bơi về, quẳng vào thuyền. Vì sao chúng không ăn nhỉ? Bởi nơi cổ chim, người chủ đã thít một cái vòng sắt, khiến nó chỉ nuốt được cá nhỏ, cá to giành cho người. Bầy chim ấy tên là: Cốc. Thế tại sao chúng không bay đi (chim Cốc bay xa hằng trăm km). Xin thưa:
Lũ chim này đã bị chủ cho ngửi khói thuốc phiện, chúng có bay đi, chả phải tìm, cũng mò về, vì đói thuốc... Thật kì lạ… Trường Quế Lâm gần ngàn học sinh, có nhiều bạn khá nổi tiếng, chẳng hạn bạn Minh là con trai hoàng thân Xu Pha Nu Vông, chủ tịch Mặt trận Lào yêu nước. Bạn Quang, con trai ông Sơn Ngọc Minh, chủ tịch Mặt trận Ítxarắc Campuchia, bạn Việt Nga, con gái Tổng bí thư Trường Chinh, bạn Hồng Anh, con gái vợ trước đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều bạn khác, con của các ông bộ truởng như Vũ Đình Hoè, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Tích Trí, Phan Anh v.v… Đến năm 1953, còn có bạn Lò Văn Muôn, người Thái Tây Bắc, sang học tập. Muôn là nhân vật “em bé Mường La” trong bài hát cùng tên rất hay của nhạc sĩ Vương Gia Khương. Chỉ có điều bài hát kể rằng: “ngày Muờng La giải phóng, là lúc bé em ra đời”. Nhưng năm 1953, Mường La giải phóng, trong chiến dịch Tây Bắc, mà lúc này Muôn đã bằng tuổi tôi rồi (13 tuổi) và đang học ở Quế Lâm, thì không hiểu nhạc sĩ viết như vậy là thế nào? (xin các bạn nhớ cho, Lò Văn Muôn vừa trúng cử đại biểu Quốc hội khoá 12, năm 2007, ở tuổi 67).

H.B.

(còn nữa)