THĂM LUY LÂU, BÁI SĨ VƯƠNG

Bắc Ninh

Ngay gần chùa Dâu, Thuận Thành, Bắc Ninh là dấu tích thành Luy Lâu và những di tích liên quan đến nhân vật lịch sử Sĩ Nhiếp (137-226). Thế nhưng, nếu như ngôi chùa được coi là “chùa tổ” của đạo Phật ở nước ta bắt đầu được chú ý đến, thì dường như chưa có sự quan tâm đúng mức tới "Nam giao học tổ"...

Tượng cừu đá bị vẹt lưng ở chùa Dâu

Bản thân người viết bài này nảy ra ý tìm bái vị “học tổ” nước Nam cũng từ cái hôm đến thăm chùa Dâu lần thứ hai, mùa thu vừa rồi. Hôm ấy, trong đoàn nhà báo đi dự lễ trao tiền viện trợ của Mỹ cho việc phục chế một số tượng và đồ thờ của chùa Dâu, tôi bỗng “phát hiện” một cái lạ: ở chân tháp Hoà Phong giữa sân trước của chùa, có một tượng đá nằm, to bằng con nghé, dân gọi là “con nghê”. Lần thăm chùa Dâu trước đây mươi năm, tôi mới chú ý các pho tượng gỗ nổi tiếng ở trong chùa, vì chưa nghe ai nhắc đến tượng đá này. Khi lại gần xem cho kỹ, mới giật mình: không phải “nghê”, chính xác đây là tượng tả thực một con... cừu, sừng cong rõ mồn một. Theo hiểu biết hạn hẹp của tôi, chưa từng có di tích tôn giáo hay lịch sử nào ở VN lại có tượng một con vật xa lạ với đời sống Việt như thế! Đem thắc mắc hỏi ông tiến sĩ sử học Trần Đình Luyện, Giám đốc Sở VHTT Bắc Ninh, thì ông cho biết: Tượng này nguyên ở mộ Sĩ Nhiếp, cách chùa khoảng 4 km, không biết “lạc” về chùa từ bao giờ.

Ít ngày sau, tôi một mình phóng honda lên Luy Lâu, thủ phủ đầu tiên của nước ta thời Bắc thuộc. Theo kinh nghiệm nhiều năm, muốn tìm thật nhanh một “thổ công” đủ hiểu biết và nhiệt tình dẫn đường thăm các di tích, tôi tìm đến trường học ở địa phương. Quả nhiên, chị hiệu phó trường cấp một chỉ đích danh lập tức một người: ông Nguyễn Hữu, từng nhiều năm trông coi chùa Dâu, lại là tay văn thơ của vùng! Tôi hên hết sức: Nguyễn Hữu là người vừa trúng giải thưởng tiểu thuyết của Hội nhà văn VN với tác phẩm đầu tay “Cõi thực” viết về chuyện làng quê mình! Nhiều năm qua, ông đã đi theo các đoàn khảo cổ khai quật địa bàn thành Luy Lâu, đã tiếp xúc với tất cả các nhà sử học tên tuổi về đây nghiên cứu, được đi với ông một ngày bằng vừa đi vừa đọc sách cả tuần!

Địa bàn thành Luy Lâu nằm trong thôn Lũng Khê bây giờ. Qua một con đường làng lát gạch sạch sẽ chừng một km, ra ngay cánh đồng. Giữa đồng là ngôi “Đền Lũng”, nơi thờ Sĩ Nhiếp, tương truyền là dựng ngay trên nền nhà xưa ngài mở lớp dạy học, cũng là giữa thành Luy Lâu xưa. Đền được xây từ thời nào không biết rõ, trong bài thơ “Qua Cổ Châu” (tức Luy Lâu), nhà thơ Thái Thuận thế kỷ 15 đã ghi nhận: “Cạnh lối nhà giàu kho xít lược/ Bờ khe gái đẹp tóc xanh mây/ Trần gian chùa tháp phơi chiều xế/ Sĩ Nhiếp đền mồ khuất bóng cây…” (trích theo “Luy Lâu, lịch sử và văn hoá” của Trần Đình Luyện, Sở VHTT Bắc Ninh. Nhiều tư liệu khác sử dụng trong bài này dẫn theo sách trên và những sách khác do Sở VHTT Bắc Ninh và Phòng VHTT huyện Thuận Thành xuất bản). Liên quan đến di tích này, còn có những điểm mà nay chỉ còn lưu dâu trong địa danh: bến Gạo trên sông Dâu (nơi cha mẹ học trò chở gạo đến cho con ăn học), hai chùa Bình và Định tương truyền là nơi Sĩ Nhiếp nghe bình văn và định tài của sĩ tử, hay trong nghề làm bút mực ở làng Tư Thế. Vật thể còn lại ở khu đền thờ xưa là một phần kiến trúc từ thế kỷ 17 (nhà tiền tế mới làm lại, trông còn loè loẹt chưa ăn nhập), cây cầu đá rất đẹp dẫn vào đền còn gần nguyên vẹn. Tượng Sĩ Nhiếp ở hậu cung mặt đỏ râu dài, vận long bào, bên trên là bức hoành phi “Nam Giao học tổ”. Anh Nguyễn Hữu cho biết trước đây đền dột nát, tượng phơi mưa gió, mắt bị cạy mất, may mà còn kịp tu bổ. Trong số 33 đạo sắc và các bia đá thời Lê – Nguyễn, đáng lưu ý là bia “Cung phụng sắc chỉ đồng trừ bi niên” đời Quang Trung thứ hai (1789). Bia kể rằng: sau khi đại phá quân Thanh, vua Quang Trung đã ra sắc chỉ miễn sưu dịch cho dân làng Lũng Khê để phụng thờ Sĩ Nhiếp.

Cổng vào lăng Sĩ Nhiếp ở Thuận Thành, Bắc Ninh

Đã từ bao đời, nhân dân trong vùng không gọi Sĩ Nhiếp là “thái thú” – quan thuộc địa nhà Hán – mà là “Sĩ Vương”, vua của một nhà nước “Nam Giao” riêng, là “Thánh Nam Giao”, là “Nam Giao học tổ”. Các con của Sĩ Nhiếp cũng được thờ cúng. Ngay bên đường cái từ chùa Dâu đi Thuận Thành, là đình làng Khương Tự, tức làng Dâu, vị thành hoàng thờ ở đây gọi là “Thánh cụt đầu”, chính là Sĩ Huy, con trai Sĩ Nhiếp. Kế tục tinh thần tự chủ của cha, Sĩ Huy đã chống quân nhà Ngô, bị tướng Ngô lừa chém chết đem đầu về Tàu dâng nộp.

Công tích của Sĩ Nhiếp đối với dân Giao Châu còn lưu dấu khắp nơi trong vùng Luy Lâu này. Từ đền Lũng, chúng tôi thẳng hướng ra cửa thành Luy Lâu cũ. Thành Luy Lâu xưa, chu vi gần 2 km, nay còn lại vài quãng mặt lũy. Hăng hái phóng xe ra lũy, tôi đã vô ý sụp xuống mương. Ở đây rất nhiều quãng ruộng trũng do ngày xưa đào đất đắp lũy. May nhờ hai chú bé đi đặt ống lươn lội xuống “cẩu” xe lên giùm. Thế là bốn chúng tôi cùng ra lũy. Ở hướng cửa thành trông ra sông Dâu, chiếc hào thiên nhiên chắn giữ, qua hai ngàn năm, lũy xưa vẫn còn lại những quãng cao 4-5m so với mặt ruộng hiện tại, mặt lũy rộng 5-10m, chân 25-40m. Trên mặt lũy, nay là bãi thả trâu toàn cỏ xanh và cây mới trồng, anh Hữu nhớ hồi anh nhỏ vẫn còn dăm chục cây cổ thụ cao ngất. Dưới chân lũy này, các nhà khảo cổ đã tìm được nhiều mũi chông củ ấu bằng đất nung, kiểu dáng như loại chông sắt ở kinh đô Trường An thời Hán. Con sông Dâu nay chỉ còn lại một khúc sông cụt, không còn đâu thời nô nức “lênh đênh ba bốn chiếc thuyền kề, chiếc ra bãi bể, chiếc về sông Dâu” như trong một câu ca quan họ cổ, hay thời những cây gỗ lớn từ sông Thiên Đức trôi về mà “Sĩ Vương tiến ngự xem qua, khiến quân lực sĩ các toà kéo lên” để tạc tượng Tứ Pháp như kể lại trong “Cổ Châu Phật bản hạnh” thời Lê Cảnh Hưng.

Luy Lâu thời Sĩ Nhiếp hưng thịnh ra sao, cần những nghiên cứu khảo cổ học qui mô và hệ thống làm rõ. Nhưng công tích của Sĩ Vương ghi dấu trong đời sống văn hoá tinh thần vùng này thì không ít. Tiêu biểu nhất là trong hệ thống chùa chiền của trung tâm Phật giáo được coi là lớn nhất và sớm nhất thời Hán này. “Cổ Châu Phật bản hạnh” đã gắn toàn bộ việc tạc tượng và xây chùa Tứ Pháp cùng lễ hội chùa Dâu với nhân vật Sĩ Vương: “Bốn chùa Sĩ Vương dựng làm, Trùng trùng điện các tượng hoàng tốt thay, Người ta hội họp rồng mây, Đôi bên phố xá vui tày cảnh tiên… Sĩ Vương đặt tên hội hè, Ăn khao đánh vịnh thuận thì gió mưa.” Lễ hội chùa Dâu mồng tám tháng tư hàng năm bao giờ cũng mở đầu bằng rước ngai thờ Sĩ Nhiếp từ đền Lũng sang sân chùa Dâu rồi trở về. Đường rước này mang tên “đường cái hội”. Trong khu vực thành Luy Lâu cũ cũng còn di tích “lăng ông Tiên” do Sĩ Nhiếp xây để tạ ơn ông tiên đã báo mộng khuyên mình đem cây “dung thụ” ( cây dâu?) trôi từ rừng Báng (Đình Bảng) về tạc tượng Tứ Pháp để cầu đảo mưa thuận gió hoà cho muôn dân thay vì làm dinh thự như dự kiến.

Và tượng cừu thứ 2 ở mộ Sĩ Nhiếp

Sĩ Nhiếp được lòng dân là do ngài hiểu lòng dân, nói đúng hơn là lòng ngài hoà với lòng dân. Điều này có cơ sở thực tế: tuy danh nghĩa là người Hán tộc, làm quan nhà Hán, nhưng sử sách ghi rõ gia tộc ngài đã qua Giao Châu sinh sống lâu đời, đến đời ngài là đời thứ bảy, chắc chắn ngài đã “Việt hoá” nhiều phần. Ngài đã đi vào huyền thoại của dân địa phương, tương truyền ngài chết đi rồi sống lại, hoặc sau khi chết 160 năm, khi giặc Lâm Ấp đào lên ngài vẫn còn mở mắt...

Rời khu thành Luy Lâu, chúng tôi đến thăm mộ Sĩ Vương, nằm gần đường cái nối chợ Dâu với huyện Thuận Thành. Ven đường còn nguyên rất nhiều gò đất cao là những mộ Hán cũ, anh Hữu cho biết hiện trong vùng còn tới 99 (?) ngôi mộ như thế. Lăng mộ Sĩ Vương nằm ở làng Tam Á hiện nay. Kiến trúc lớn nhất ở khu này là ngôi đền “Nam Giao học tổ” thời Nguyễn. Cụ Nguyễn Minh Thỉnh, cán bộ về hưu được cử làm người trông coi khu lăng cho biết: trước đây cả khu vực rộng bốn mẫu, là cả một cánh rừng cổ thụ đủ loại, cây to hai ba người ôm. Bây giờ còn lại hai cây gạo 600 năm cao ngất trước cổng đền. Rừng cây bị phá qua ba lớp: tiêu thổ kháng chiến, Tây bắt chặt để du kích mất nơi ẩn núp, những cây còn lại thì 30 năm trước chính quyền địa phương cho chặt nốt để lấy gỗ. Đồ thờ trong đền bị mất hết, ván bưng, khám thờ bị phá hết trước ngày di tích được xếp hạng (năm 1993). Gần đây, cổng “ngũ môn” đồ sộ được tu bổ với tiền từ quỹ văn hoá Thụy Điển. Chính điện thì vẫn hoang tàn, mấy pho tượng quan văn quan võ bị vỡ, có chỗ được “vá” tạm bằng xi măng.

Cụ Thỉnh cho biết: tương truyền đây là nơi ăn ở của Sĩ Vương xưa. Còn khi ngài mất, người ta xây tới 36 ngôi mộ, không biết mộ nào là thật. Đến nay chỉ thấy một ngôi mộ duy nhất, mới được sửa sang lại giống y như một ngôi mộ phú ông đầu thế kỷ này, với hai cánh gà cong cong. Chính ở đây, có một con cừu đá là cổ vật. Lúc này anh Nguyễn Hữu mới giải thích cho tôi vì sao con cừu đá thứ hai ở đây lại “chạy” sang chùa Dâu. Tương truyền con cừu này một hôm thức dậy, lồng ra ruộng phá lúa của dân. Dân kêu, Phật mẫu Man nương mới làm phép đánh sụm lưng nó và bắt về chùa Dâu để tu tỉnh. Quả thật lưng con cừu ở chùa Dâu võng hẳn xuống, có vết hằn như vết chém.

Các nhà sử học và nghệ thuật học hình như chưa có lời giải thích chính thức vì sao có mặt hai con cừu độc đáo ở chùa Dâu và lăng Sĩ Nhiếp, nhưng có điều dễ cho ta suy diễn: thời Sĩ Nhiếp, đạo Phật vào Luy Lâu thông qua hàng trăm tăng sĩ trong đó có nhiều vị từ Trung Á. Có thể các vị đã cho ghi tạc hình ảnh con vật thân thương này để nguôi lòng nhớ quê hương?

H.P. Quang (KTNN)

Photo Đông Tỉnh ©2008