TIỀN CỔ QUA CÁI NHÌN VĂN BẢN HỌC

Cập nhật: Đông Tỉnh

Ảnh trên: Đồng tiền Thái Bình Hưng Bảo đúc vào khoảng trước năm 970 thời Đinh Tiên Hoàng (968-979)

Như chúng ta đã biết, trong dòng chảy lịch sử tiền tệ, từ thuở ban đầu, đồng tiền chỉ được đúc để làm tín vật trung gian trao đổi hàng hoá. Song từ khi trên mặt đồng tiền có minh văn, có chữ, đồng tiền còn là báu vật tâm linh...

Sức hấp dẫn nhất trên đồng tiền, theo tôi, chính vì trên đó đã hiện diện quyền uy tối cao của những nền chính thể thời đế chế... Đó chính là niên hiệu, tên (ngự danh) của những vị vua, được đúc nổi trên mặt của đồng tiền! Không biết có đúng không (?), niên hiệu của vua xuất hiện trên các cổ vật, có lẽ trên đồng tiền là sớm nhất! Chẳng hạn vào thế kỷ thứ IV, niên hiệu “Hán Hưng” (338-344) của Trung Tông nước Thục đã bắt đầu xuất hiện trên đồng tiền, còn trên các cổ vật khác, như đồ gốm thì phải đến thời Tống (960-1279) mới được ghi trên đáy món đồ gốm.

Tiền thưởng thời Thiệu Trị, Tự Đức

Thêm nữa, đồng tiền chính là một văn bản bằng kim loại có nét đặc thù riêng nên phần nào phản ánh được chính trị lịch sử, kinh tế xã hội và văn hoá nghệ thuật từng thời đại. Do vậy, khảo những đồng tiền cổ để đi đến những nhận định bổ túc cho Sử học, chứ không phải nghiên cứu lịch sử góp phần cho những nhận định về tiền cổ.

Chính từ đó ta thấy được tiền cổ một số ý nghĩa sau:

1.1. Một loại văn bản cổ mang dấu tích lịch sử phát triển chữ viết

1.1.1 Thời cổ đại, người Trung Quốc đã biết dùng vỏ các loài ốc quý làm hoá vật trung gian trao đổi, tức là tiền tệ. Hình con ốc (貝) được làm bằng xương thú, được đúc bằng kim loại... cũng được dùng làm tiền. Từ đó, về mặt ngôn ngữ, hình tượng con ốc được viết thành chữ “貝 (bối)”, vừa có nghĩa là con ốc, vừa có nghĩa là tiền tệ. Khi các loại hình tiền tệ phát triển, các loại hàng hoá quý cũng có giá trị như tiền tệ, chúng được gọi là “貨 (hoá)”, “寶 (bảo)”... trong các chữ đó đều có bộ “bối” để ẩn chứa khái niệm tiền tệ ban đầu.

1.1.2. Ở giai đoạn hoá tệ, khoảng thời Xuân thu - Chiến Quốc, Trung Quốc gồm hàng chục nước nhỏ, mỗi nơi đều đúc nhiều loại vật dụng bằng kim loại (thời đó rất quý) nên cũng được dùng làm tiền tệ như khánh tiền, đao tiền, bố tiền... trên các loại hoá tệ ấy đều có chữ tượng hình của mỗi nước.

1.1.3. Niên hiệu một số vị vua đọc là “Thái”, nhưng chữ viết là “大 (đại)”, như một số sách sử ghi niên hiệu của Lê Nhân Tông là “Thái Hoà” (1443-1453), nhưng chữ Hán viết trên đồng tiền là “大和 (Đại Hoà)”, đây là một vấn đề sử học đã gây tranh luận Nhật - Việt kéo dài từ năm 1996 đến 2000.

1.1.4. Đặc biệt, một số bộ tộc xung quanh Trung Quốc từng lập quốc một thời như Liêu, Hạ, Mông, Mãn... đều có chữ riêng của dân tộc mình và các phiên văn này còn lưu nét trên những đồng tiền.

Như nước Hạ (sử thường gọi là Tây Hạ), đã bị tuyệt diệt, nhưng để lại một lối chữ rất độc đáo mà hiện trên thế giới đã hình thành thế chân vạc Trung Quốc - Nga - Nhật đều chỉ mới sơ khởi nghiên cứu Hạ học trong khoảng mấy thập kỷ trở lại đây...

1.2. Một loại văn bản đậm nét Thư pháp học

1.2.1 Sách Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn có ghi: “... đồng tiền về đời nhà Tống phần nhiều có 4 chữ... của nhà vua viết...”. Qua đồng tiền, có thể tìm thấy rất nhiều loại thư pháp chân, thảo, triện, hành, lệ, bát phân thư... với thư pháp của các danh gia Tô, Hoàng, Mễ, Thái... Các nhà sưu tập thống kê đến hàng trăm loại tiền Nguyên Phong thông bảo có chi tiết khác nhau, trong đó thư pháp trên đồng tiền là một tiêu chí nhận diện rất quan trọng.

1.2.2. Riêng Tống Huy Tông (1101-1125) là một hoạ gia nổi tiếng với “Tuyên Hoà ngự bút”, đã đúc rất nhiều loại tiền mang thư pháp của mình như Kiến Quốc thông bảo, Thánh Tống nguyên bảo, Thánh Tống thông bảo, Sùng Ninh nguyên bảo, Sùng Ninh thông bảo, Đại Quan thông bảo, Chính Hoà nguyên bảo, Chính Hoà thông bảo, Trọng Hoà thông bảo, Tuyên Hoà nguyên bảo, Tuyên Hoà thông bảo...

Thư pháp “Huy Tông thủ” nổi tiếng một thời mà trên các đồng tiền đương thời và đời sau như tiền các nước Kim, Hạ, Nguyên... đều mang nét đậm. Thậm chí, Đại Việt chúng ta, thời Trần Dụ Tông (1358-1369) tuy đúc rất nhiều loại tiền Thiệu Phong và Đại Trị mang thư pháp rất độc đáo có nét riêng, nhưng vẫn có một loại tiền Đại Trị thông bảo mang Huy Tông thủ.

1.3. Một loại văn bản mang tính Niên đại học

1.3.1 Lịch sử Trung Quốc, mỗi lần thay đổi một triều đại, xem như thành lập một nước mới với một quốc hiệu mới. Trên đồìng tiền ngoại trừ phần lớn là mang niên hiệu của vua, cũng có loại mang quốc hiệu như Đại Thục Thông Bảo, Đại Tề Thông Bảo, Đại Đường Thông Bảo, Đường Quốc Thông Bảo, Đại Tống Nguyên Bảo, Đại Tống Thông Bảo, Đại Nguyên Thông Bảo, Đại Nguyên Quốc Bảo, Đại Minh Thông Bảo, Đại Thanh... hoặc Hán Nguyên Thông Bảo, Chu Nguyên Thông Bảo, Tống Nguyên Thông Bảo...

Đặc biệt thời Tống, thời hoàng kim của văn hoá nghệ thuật, những đồng tiền mang quốc hiệu Tống cũng rất phong phú: Tống Nguyên Thông Bảo, Đại Tống Nguyên Bảo, Đại Tống Thông Bảo, Hoàng Tống Thông Bảo, Hoàng Tống Nguyên Bảo, Thánh Tống Nguyên Bảo, Thánh Tống Thông Bảo, Thánh Tống Trọng Bảo.

Còn các nước lập quốc một thời cũng để lại quốc hiệu của mình trên đồng tiền như Đại Liêu - Thiên Khánh. Ở Hàn Quốc, thời Vương quốc Koryo (Cao Ly) thì có các loại tiền Đông Quốc Trọng Bảo, Hải Đông Nguyên Bảo, Hải Đông Thông Bảo, Hải Đông Trọng Bảo, Tam Hàn Thông Bảo, Tam Hàn Trọng Bảo; đến thời Vương quốc Choson (Triều Tiên), đúc tiền Triều Tiên Thông Bảo.

1.3.2 Ở Đại Việt chúng ta, một số đồng tiền tuy không mang quốc hiệu, nhưng lại có đặc thù riêng...

Niên hiệu của Đại Thắng Minh Hoàng Đế tức Đinh Tiên Hoàng là Thái Bình (970-979), nhưng vua không theo một tiền lệ nào, lại cho đúc tiền “大 平 興 寶 (Đại Bình Hưng Bảo)” mặt lưng có chữ “Đinh”, với ý nghĩa đã “đại bình định” được Loạn 12 Sứ quân. Chữ “hưng” trên tiền như ngụ ý một sự “phục hưng, trung hưng, chấn hưng” nước Cồ Việt, mở màng cho kỷ nguyên độc lập mới của dân tộc...

Đến đồng tiền thứ hai của dân tộc Việt Nam là tiền “Thiên Phúc Trấn Bảo”, mặt lưng lại có chữ “Lê”, quốc tính của Lê Đại Hành để phân biệt với tiền Thiên Phúc của Trung Quốc. Chữ “trấn” trong tiền này như ngụ ý “đại / thái bình” đã “hưng bảo” thì ta được “Thiên Phúc” (phúc của trời ban) phải ra sức mà “trấn (giữ) bảo” vậy! Và quả thật, Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn đã từng giữ nước rất xuất sắc! Sau này, các đồng tiền Khai Thái, Thiệu Phong cũng có ghi quốc tính “Trần”.

Đến khi An Nam bị Càn Long “hoá” bởi đồng tiền Càn Long - An Nam, Nguyễn Văn Huệ muốn “cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” mới đúc đồng tiền Quang Trung - An Nam, hai chữ “An Nam” hàm ý thứ nhất là Nam quốc đã “hữu chủ” (có chủ), và hàm ý nữa là Quang Trung đã được phong “An Nam quốc vương”... như một sự chính thống...

1.3.3 Niên hiệu Chiêu Thống, sử sách thường ghi từ năm 1786 đến 1789. Song theo thiển ý, tôi cho rằng niên hiệu Chiêu Thống chỉ tồn tại từ năm 1787 đến cuối 1788 thì chấm dứt. Vì cuối năm này, Tôn Sĩ Nghị sang Việt Nam thì tại An Nam không còn dùng niên hiệu Chiêu Thống nữa mà dùng niên hiệu Càn Long. Việc đúc đồng tiền Càn Long - An Nam là một loại hình văn bản giúp ta xác định lại niên hiệu Chiêu Thống chỉ tồn tại trong hai năm 1787 và 1788 chứ không phải 1786-1789 như các nhà sử học hay viết !

Tiền Minh Mạng in “Phúc như Đông hải, thọ tỷ Nam sơn”

1.4. Một văn bản trực tiếp ghi những tư tưởng của vua...

1.4.1. Năm 1837, vua Minh Mạng cho đúc 100.000 đồng tiền đường kính khoảng 50mm, mặt trước ghi 4 chữ “明 命 通 寶 (Minh Mạng thông bảo)”, mặt lưng gồm 40 loại, trong đó 17 loại ghi 4 mỹ tự và 23 loại ghi 8 mỹ tự. Các đời vua sau này cũng theo đó mà đúc các loại tiền tương tự... Tôi tạm phiên âm Hán - Việt 40 mỹ hiệu đó như sau :

— “元 亨 利 貞 (Nguyên hanh lợi trinh)”.
— “福 履 綏 將 (Phúc lý tuy tương)”.
— “四 方 為 則 (Tứ phương vi tắc)”.
— “帝 德 廣 運 (Đế đức quảng vận)”.
— “利 用 厚 生 (Lợi dụng hậu sinh)”.
— “中 和 位 育 (Trung hoà vị dục)”.
— “川 至 山 增 (Xuyên chí sơn tăng)”.
— “天 下 大 同 (Thiên hạ đại đồng)”.
— “萬 世 永 賴 (Vạn thế vĩnh lại)”.
— “萬 物 資 生 (Vạn vật tư sinh)”.
— “解 溫 阜 財 (Giải ôn phụ tài)”.
— “斂 福 錫 民 (Liễm phúc tích dân)”.
— “剛 健 中 正 (Cương kiện trung chính)”.
— “家 給 人 足 (Gia cấp nhân túc)”.
— “悠 久 無 疆 (Du cửu vô cương)”.
— “壽 考 萬 年 (Thọ khảo vạn niên)”.
— “裕 國 利 民 (Dụ quốc lợi dân)”.
— “至 公 至 正 無 黨 無 偏 (Chí công, chí chính, vô đảng, vô thiên)”.
— “君 君 臣 臣 父 父 子 子 (Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử)”.
— “賢 賢 親 親 樂 樂 利 利 (Hiền hiền, thân thân, lạc lạc, lợi lợi)”.
— “國 泰 民 安 風 調 雨 順 (Quốc thái dân an, phong điều vũ thuận)”.
— “華 封 三 祝 天 保 九 如 (Hoa phong tam chúc, thiên bảo cửu như)”.
— “得 位 得 名 得 祿 得 壽 (Đắc vị, đắc danh, đắc lộc, đắc thọ)”.
— “六 府 孔 脩 三 事 允 治 (Lục phủ khổng tu, tam sự doãn trị)”.
— “萬 歲 萬 歲 萬 萬 歲 壽 (Vạn tuế vạn tuế, vạn vạn tuế thọ)”.
— “穆 穆 皇 皇 濟 濟 蹌 蹌 (Mục mục, hoàng hoàng, tể tể, thương thương)”.
— “河 流 順 軌 年 榖 豐 登 (Hà lưu thuận quĩ, niên cốc phong đăng)”.
— “親 親 長 長 老 老 幼 幼 (Thân thân, trưởng trưởng, lão lão, ấu ấu)”.
— “國 富 兵 彊 內 安 外 靜 (Quốc phú binh cường, nội an ngoại tĩnh)”.
— “如 山 如 川 如 岡 如 阜 (Như sơn, như xuyên, như cương, như phụ)”.
— “福 如 東 海 壽 比 南 山 (Phúc như đông hải, thọ tỷ nam sơn)”.
— “萬 壽 攸 酢 萬 福 攸 同 (Vạn thọ du tạc, vạn phúc du đồng)”.
— “天 不 愛 道 地 不 愛 寶 (Thiên bất ái đạo, địa bất ái bảo)”.
— “追 琢 其 章 金 玉 其 相 (Truy trác kỳ chương, kim ngọc kỳ tướng)”.
— “王 道 蕩 蕩 聖 謨 洋 洋 (Vương đạo đãng đãng, thánh mô dương dương)”.
— “一 人 有 慶 萬 壽 無 疆 (Nhất nhân hữu khánh, vạn thọ vô cương)”.
— “五 辰 順 撫 庶 績 其 凝 (Ngũ thần thuận phủ, thứ tích kỳ ngưng)”.
— “自 天 祐 之 吉 無 不 利 (Tự thiên hựu chi, cát vô bất lợi)”.
— “四 海 共 之 萬 世 傳 之 (Tứ hải cộng chi, vạn thế truyền chi)”.
— “澤 及 當 時 恩 垂 萬 世 (Trạch cập đương thời, ân thùy vạn thế)”.

1.4.2. Thiệu Trị và Tự Đức là những thi sĩ, đã
cho đúc nhiều loại tiền bằng vàng và bạc, trên đó có những bài thơ hoặc những điều ước mong.
Tôi chưa có điều kiện đọc kỹ và đọc hết, chỉ xin giới thiệu một bài thơ trên đồng tiền bằng bạc, tạm phiên âm Hán - Việt như sau:

— 玦 澒 千 年 化 (Quyết hống thiên niên hoá)
— 盪 鏐 萬 世 傳 (Đãng lưu vạn thế truyền)
— 酬 勳 彰 有 德 (Thù huân chương hữu đức)
— 所 寶 者 惟 賢 (Sở bảo giả duy hiền)

1.5. Một loại tín vật sử dụng hằng ngày do Hoa kiều sản xuất, chứa đựng những truyền tin về lịch sử Trung Quốc...

Như chúng ta đã biết, người Trung Hoa lưu lạc về đâu cũng thành lập các hội quán, bang hội để sinh hoạt... Ngay trên các vật dụng hằng ngày, những chiếc xe bán phở bán bánh, họ cũng đều ghi chép những điển tích mang truyền thống lịch sử văn hoá dân tộc mình như điển tích về Tam Quốc - Thuỷ Hử..., nhờ đó họ bảo tồn được dân tộc tính.

Năm 1725, chúa Nguyễn Phúc Thụ đúc tiền bằng đồng đỏ. Năm 1736, chúa cho Mạc Thiên Tứ bắt đầu đúc tiền ở Hà Tiên để mở rộng buôn bán với hải ngoại. Năm 1746, chúa Nguyễn Phúc Khoát bắt đầu cho đúc tiền kẽm để tiện tiêu dùng... Cả 3 hệ thống tiền này, phần lớn là do Hoa kiều đảm nhiệm, gồm hàng chục hiệu tiền chứa đựng thông tin về lịch sử Trung Quốc như: Tường Phù Nguyên Bảo, Càn Phù Nguyên Bảo, Minh Đức Thông Bảo, Trường Lạc Thông Bảo, Gia Hưng Thông Bảo...

Một vài ý nghĩa nêu trên, cho thấy những đồng tiền cổ cũng là một loại hình văn bản khá độc đáo, rất cần bỏ nhiều công sức tìm hiểu sâu thêm…

BS N.A.H. (khoahoc.net)