Ho Chi Minh City Polluted

TP HCM ngạt thở vì ô nhiễm

Sau 5 năm thực hiện chương trình giảm thiểu ô nhiễm không khí, các chỉ tiêu về chất lượng không khí như mục tiêu đặt ra từ năm 2002 vẫn không đạt được.

Kênh Tân Hóa TP HCM bị ô nhiễm nặng do nước thải của nhiều cơ sở dệt. Ảnh: V.Giang
Một lần nữa, TPHCM tiếp tục điều chỉnh chương trình quản lý môi trường để tiến đến gần hơn với mục tiêu đề ra.
"Các chất hữu cơ như benzen, bụi PM10 ngày càng gia tăng nhưng chúng ta lại chưa đề cập đến trong chiến lược. Việc kiểm soát ô nhiễm chưa chú trọng đến khu dân cư”. PGS-TS Nguyễn Đinh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TP HCM, đã thẳng thắn phát biểu về chương trình kiểm soát ô nhiễm năm 2002 của TP như trên tại hội thảo “Điều chỉnh chương trình giảm thiểu ô nhiễm không khí” do Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM tổ chức mới đây.

Chậm chân dẫn đến lạc hậu

Nhiều mục tiêu thuộc chương trình quản lý không khí được TP phê duyệt năm 2002 đã bị phá sản. Chẳng hạn, mục tiêu đưa ra là đến năm 2005 phải giảm được 50% nồng độ bụi, SO2 và CO vượt tiêu chuẩn cho phép. Nhưng kết quả quan trắc của Chi cục Bảo vệ môi trường TP HCM cho biết, bụi và các chất này không những không giảm mà còn gia tăng hơn những năm trước đó. Nồng độ bụi lơ lửng trung bình của năm 1999 chỉ có khoảng 0,53 mg/m3 nhưng năm 2006 lại lên đến 0,63 mg/m3, vượt tiêu chuẩn cho phép hơn 2 lần.
Mặt khác, chương trình năm 2002 cũng nêu ra việc xử phạt đối với các phương tiện gây ô nhiễm, giảm thiểu kẹt xe và đạt 30% người dùng phương tiện công cộng vào năm 2010. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, việc xử phạt các phương tiện gây ô nhiễm cũng chưa thực hiện được vì chưa có tiêu chuẩn phát thải đối với xe gắn máy; còn hệ thống xe buýt thì chỉ mới đáp ứng được nhiều nhất là 5% nhu cầu đi lại của người dân.
Đưa ví dụ về kiểm soát ô nhiễm do xe cộ được quy định trong chương trình năm 2002, ông Nguyễn Đinh Tuấn nhấn mạnh: “Chúng ta đã quy hoạch kiểm soát ô nhiễm do xe cộ từ lâu nhưng rồi thực hiện không đồng bộ và chậm trễ. Bây giờ đã lạc hậu và cần điều chỉnh lại”.

Mục tiêu giảm bụi nhỏ và benzen

Trong một chương trình phối hợp khảo sát nghiên cứu giữa Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Chi cục Bảo vệ môi trường TP HCM, nồng độ bụi PM10 được cho là nhân tố liên quan trực tiếp đến bệnh hô hấp gia tăng. Vì thế, trong chương trình dự thảo giảm thiểu ô nhiễm không khí của Chi cục Bảo vệ môi trường, vấn đề cần giảm hàng đầu vẫn là bụi. “Thế giới người ta quan tâm đến bụi PM2.5 (kích thước nhỏ hơn 2.5mm), ít nhất chúng ta cũng phải quan tâm đến bụi PM10”. Khí benzen cũng nằm trong dạng được quan tâm đặc biệt vì “hiện benzen đã cao hơn so với tiêu chuẩn từ 3-8 lần cho phép (TCVN năm 2005)”. Và cũng bởi vì “benzen là một chất có khả năng gây ung thư cao”.
Đồng tình với quan điểm và mối lưu tâm đặc biệt đối với 2 thành phần bụi và benzen, TS Phạm Tiến Dũng, Phân viện Bảo hộ lao động TP HCM, cho rằng: “Cần phải đưa ra chỉ số và định lượng giảm thiểu cụ thể để biết được chúng ta đã làm được gì và chưa làm được gì”.
Còn TS Lê Hoàng Nghiêm, Khoa Môi trường Trường ĐH Bách khoa TP HCM, cho rằng ngoài benzen và bụi nhỏ, chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường của TP HCM từ nay đến năm 2010 và định hướng đến 2020 cần phải bổ sung thêm mảng quan trắc về CO và O3. Vì “ô nhiễm ô zôn đang là vấn đề nhức nhối của các nước đang phát triển và chắc chắn không loại trừ Việt Nam”.

Kẹt xe làm gia tăng ô nhiễm

Nguyên nhân TP HCM trở thành một đô thị ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất, theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, chủ yếu là do hoạt động giao thông và sản xuất công nghiệp.
PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Viện Nhiệt đới và Bảo vệ môi trường TP HCM, cho biết chỉ 10%-15% cơ sở sản xuất công nghiệp có xử lý khí thải. “Hàng chục ngàn tấn khí thải đã được xả vào không khí TPHCM mỗi ngày”.

Kẹt xe là chuyện hàng giờ

Nhưng nguyên nhân chính làm mức độ ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng hơn, theo TS Nguyễn Văn Quán, Khoa Môi trường và Bảo hộ lao động Trường ĐH Tôn Đức Thắng, là kẹt xe. Bởi theo ông, “chạy nhanh thì khí thải xe cộ có thể giảm”. Vì thế, những nơi giao thông thưa thớt thì ô nhiễm không khí ít hơn so với những điểm giao thông tấp nập.
Một lý do rất khách quan làm cho không khí TP ngày càng “khó thở” hơn, theo các cấp quản lý, là do công tác phối hợp giữa các sở, ban ngành còn hạn chế.
Đề cập đến vấn đề “chương trình giảm thiểu ô nhiễm không khí có hiệu quả như mong muốn hay không”, ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, cho rằng: “Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành với nhau, đặc biệt là giữa cơ quan môi trường với giao thông công chính”.

Tàu điện ngầm, tàu điện trên cao mới là giải pháp

PGS-TS Nguyễn Đinh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TP HCM, cho rằng nếu làm tốt công tác đăng kiểm cũng có thể ổn định được mức độ ô nhiễm không khí. Nhưng hiện nay, việc phát thải khí của xe cộ hầu như chưa được thực hiện. Xe buýt được cho là giải pháp trực tiếp nhằm giảm kẹt xe vốn là nguyên nhân gia tăng ô nhiễm không khí. Nhưng, theo PGS-TS Nguyễn Đinh Tuấn, hệ thống xe buýt hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn vì đường sá quá hẹp. Vì thế, để giảm thiểu ô nhiễm do kẹt xe nên tính đến việc xây tàu điện ngầm và tàu điện trên cao.
(Mỹ Dung, NLĐO)