Psychology

Tâm lý học là gì

- Môn học về tâm hồn con người như một cá thể riêng biệt và về tương tác của nó với những chức năng bẩm sinh, tri giác, tình cảm, trí tuệ, cũng như nghiên cứu về hành xử của loài người nói chung.

Ngành này tập trung vào loài người, tuy một vài khía cạnh của động vật cũng thỉnh thoảng được nghiên cứu. Động vật ở đây có thể được nghiên cứu như là những chủ thể độc lập, hoặc – một quan điểm gây tranh cãi hơn – được nghiên cứu như một cách tiếp cận đến sự hiểu biết bộ máy tâm thần của con người (qua tâm lý học so sánh).

Tâm lý học thường được xếp vào các ngành Nhân văn và định nghĩa một cách rộng rãi như là "khoa nghiên cứu những hành xử và những tiến trình tâm thần của con người". Mỗi nhà tâm lý học có thể hành nghề một cách khoa học hoặc phi khoa học. Tâm lý học chính thống nói chung ngày nay được đặt nền tảng trên thuyết thực chứng, thông qua các phân tích định lượng và sử dụng các phương pháp khoa học để thử và bác bỏ hoặc khẳng định các giả thuyết. Tâm lý học thực hành có khuynh hướng chiết trung, sử dụng và tiếp thu kiến thức thu thập được từ nhiều ngành khoa học khác để hiểu, lý giải và điều chỉnh hành xử của con người.

Ở phương Tây hiện nay tâm lý học có 3 trường phái lớn:

- Thứ nhất là trường phái phân tâm của Freud cho rằng, những ham muốn bị dồn nén trong vô thức quyết định hành vi của con người, con người không có cách gì kiểm soát hành vi của mình.

- Thứ hai là trường phái hành vi, cho rằng con người luôn bị tác động bởi bên ngoài. Theo đó, con người không thể quyết định hành động của mình một cách độc lập.

- Trường phái thứ 3 là tâm lý học nhân văn, xuất hiện từ thập kỷ 60, dựa trên nền tảng khác với hai trường phái trên. Tâm lý học nhân văn cho rằng con người có thể nhận thức và kiểm soát được hành vi của mình (chứ không phải do vô thức quyết định) và con người có thể độc lập quyết định về hành vi của mình (chứ không phải hoàn toàn do tác động bên ngoài).

Những ngành liên quan đến tâm lý học

- Tin học: Nghiên cứu về biểu thị, xử lý, lưu trữ, chuyển tải, diễn giải... thông tin bằng các công cụ nhân tạo.

- Ngôn ngữ học: Nghiên cứu về các thứ tiếng nói tự nhiên.

- Kinh tế học: Nghiên cứu về sự sản xuất, sự phân phối cùng sử dụng sản phẩm, và sự phục vụ của loài người.

- Chính trị học: Nghiên cứu về sự hình thành và phương cách tổ chức của một nền hành chính và quản trị của loài người.

- Sinh vật học: Nghiên cứu về hệ thống và cách vận hành của các loài vật.

- Nhân loại học: Nghiên cứu về nguồn gốc và sự phát triển về văn hóa và xã hội của loài người.

- Xã hội học: Quan sát các giống người về cách tổ chức trong xã hội, đặc biệt chú trọng đến sự hoạt động của những nhóm người.

- Bệnh học tâm thần: ngành y học nghiên cứu những hành vi bất thường và những bệnh tâm thần nghiêm trọng.

- Toán thống kê ứng dụng: vận dụng toán học vào kiểm nghiệm hay xác định tính khác biệt và độ sai số chấp nhận.

- Triết học: dựa trên quan điểm nào nghiên cứu về tâm lý ví dụ như triết học duy vật biện chứng, triết học duy tâm, duy vật, siêu hình, hiện sinh,...phụ thuộc niềm tin của những tác giả nghiên cứu hay các học thuyết khác nhau.

Nguồn gốc của thuật ngữ "tâm lý học" (tiếng Latin: psychologia) là từ tiếng Hy Lạp "psyche" (tâm hồn, linh hồn). Quả thực, tâm lý học trước đây đã được coi như một ngành nghiên cứu về linh hồn (với ý nghĩa tôn giáo của thuật ngữ này) trong thời kỳ Thiên Chúa Giáo làm chủ mọi khoa học. Tâm lý học được xem là một ngành y khoa khi Thomas Willis nhắc đến nó trong cuốn Doctrine of the Soul với các thuật ngữ về chức năng não, một phần của chuyên luận giải phẫu năm 1862 của ông là "De Anima Brutorum" ("Hai thuyết trình về Linh hồn của Brutes").

Lịch sử phát triển

Người sáng lập của ngành tâm lý học cận đại có lẽ là Wilhelm Wundt. Vào năm 1879 ông thiết lập phòng thí nghiệm tâm lý học đầu tiên ở Leipzig (Đức), tách Tâm lý học ra khỏi các khoa học khác thành một khoa học độc lập. Ông là người theo chủ nghĩa cấu trúc gestal, quan tâm đến những gì tạo thành ý thức và mong muốn phân loại não ra thành những mảng nhỏ khác nhau để nghiên cứu từng phần riêng biệt. Ông sử dụng phương pháp xem xét nội tâm, yêu cầu một người tự nhìn vào nội tâm và ý thức của bản thân để nghiên cứu. Những người theo chủ nghĩa cấu trúc cũng tin rằng một người phải được huấn luyện để có thể tự xem xét nội tâm của mình.

Những người đóng góp cho tâm lý học cận đại trong những ngày đầu tiên bao gồm Hermann Ebbinghaus (người tiên phong nghiên cứu trí nhớ), Ivan Petrovich Pavlov (người Nga đã phát hiện ra quá trình học hỏi thông qua những điều kiện kinh điển-phản xạ có điều kiện, là khái niệm quan trọng trong nghiên cứu tâm lý cấp cao con người - ("sinh lý thần kinh cấp cao") và Sigmund Freud. Freud là người Áo đã có rất nhiều ảnh hưởng đến môn tâm lý học, mặc dù những ảnh hưởng này thiên về sinh vật hóa hơn là đóng góp cho ngành khoa học tâm lý. Thuyết của Freud cho rằng cấu trúc hành vi con người được thúc đẩy bởi các thành tố cơ bản là ý thức-tiềm thức-vô thức, dựa trên cơ chế "thỏa mãn và dồn nén".

Ngày nay, vị trí tâm lý học có vai trò quyết định đến sức khỏe con người. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã định nghĩa sức khỏe là sự tương tác của mối liên hệ giữa Xã hội-Thể chất-Tinh thần con người. Xây dựng liệu pháp tâm lý phải dựa trên hoạt động tích cực của cá nhân và phương tiện trong cấu trúc hoạt động có đối tượng của cá nhân trong môi trường nhất định.