Tản mạn về điện thoại thông minh

Smart phone hay điện thoại thông minh (ĐTTM) có kết nối internet ngày càng phổ biến vì gọn nhẹ và cài đặt được nhiều phần mềm ứng dụng tiện lợi, sinh động, thú vị. ĐTTM hiện nay được nhiều ngân hàng triển khai như một thẻ tín dụng điện tử thông qua các ứng dụng internet banking (như smart OTP của VCB chẳng hạn). Chiếc ĐTTM được nhiều người nâng niu ôm ấp cả khi làm việc, khi họp hành, khi ăn, khi ngủ cả khi cafe tán gẫu cùng bạn bè, gắn bó khăng khít như người yêu vậy. Lẽ thường một khi đã yêu, thì sẽ có lúc tình yêu phản bội lại bạn. Vậy chiếc ĐTTM sẽ phản bội bạn khi nào?

Đó là khi nó được cài phần mềm gián điệp (Spy software).

1. Phần mềm gián điệp có thể được cài trên những điện thoại nào?
iOS, Android, Blackberry, Symbyan… nói chung là tất tần tật. Thời gian cài đặt trong vài phút.

2. Phần mềm gián điệp làm được gì?
Tất cả! Ghi lại được mọi hoạt động của chủ điện thoại và gửi cho người theo dõi: Tin nhắn, các cuộc trò chuyện điện thoại, vị trí GPS, các cuộc chát qua iMessage, WhatsApp, Facebook, Viber, BBM, Skype, truy cập và gửi ảnh, video, thư điện tử, các website chủ điện thoại truy cập…và nói chung là tất cả!

3. Ngoài ra phần mềm gián điệp còn có thể làm gì?

  • Tự động ghi lại các phím được gõ từ bàn phím,
  • Tự động ghi lại các mật khẩu.
  • Ghi âm các cuộc điện thoại,
  • Ghi âm tiếng động xung quanh,
  • Bí mật kích hoạt camere để chụp ảnh, quay phim,
  • Tự động định kỳ chụp màn hình.

Toàn bộ thông tin được bí mật gửi về địa chỉ người theo dõi bất cứ khi nào ĐTTM có kết nối 3G hoặc wifi.

4. Vai trò của ĐTTM bị cài phần mềm gián điệp
Nói tóm lại, phần mềm gián điệp khi được cài lên ĐTTM sẽ có vai trò như chủ nhân trong bóng tối của chiếc điện thoại, điều khiển chiếc điện thoại như chủ nhân thực thụ và gửi thông tin cho người cần theo dõi. Nguy hiểm hơn, nó còn có thể tắt bật micro phone, camera để do thám mọi hoạt động xung quanh chiếc điện thoại bất cứ khi cần.

5. Chiếc điện thoại thông minh bị cài đặt phần mềm gián điệp khi nào?

  • Được người khác cho, tặng (cái này xảy ra nhiều).
  • Cài phần mềm game hoặc phần mềm tiện ích miễn phí và không rõ nguồn gốc, phần mềm gián điệp sẽ được tự động cài đặt vào ĐTTM (cái này cũng xảy ra nhiều).
  • Cho người khác mượn điện thoại.
  • Mang ra cửa hàng sửa.
  • Mua điện thoại giá rẻ của các nước lạ thì có sẵn phần mềm gián điệp âu cũng là chuyện thường tình.
  • Điện thoại jailbreak.

6. Phần mềm gián điệp có thể bị phát hiện bởi người dùng?
Đa phần các phần mềm gián điệp hoàn toàn trong suốt với người sử dụng và không thể phát hiện được, người dùng chỉ có thể cảm nhận khi tự dưng thấy chiếc máy điện thoại nóng ran.

7. Ai có thể sử dụng phần mềm gián điệp?
Bất cứ ai! Các phần mềm gián điệp này được bán đầy trên mạng với giá cả cũng khá phải chăng, từ vài trăm đô đến vài chục đô la. Chỉ cần lên google gõ mSPY, Highster Mobile, iKeyMonitor, FlexiSPY…là ra đủ. Chúng được quảng cáo là sử dụng để bố mẹ theo dõi con cái dùng điện thoại, hoặc để các ông chủ công ty theo dõi hoạt động của nhân viên dưới quyền. Thế nhưng nếu có ai đó sử dụng phần mềm gián điệp này để theo dõi và truy cập vào tài khoản internet banking của một số ngân hàng ở VN hiện nay, thì chuyện này cũng đâu phải quá khó khăn.

Và rất nhiều phần mềm gián điệp khác được thiết kế riêng, không bán, không quảng bá, phục vụ cho những mục đích cũng rất riêng mà mình không tiện kể.

Đó là lý do nhiều ngân hàng thường hạn chế hạn mức chuyển tiền online ở mức thấp và không sử dụng cơ chế smart OTP tùy tiện. Cách đây 10 năm Singapore có ý định triển khai smart wallet dùng ĐTTM, nhưng phải là điện thoại của ngân hàng cung cấp.

8. Có thể tránh được phần mềm gián điệp?

  • Mua máy chính hãng,
  • Cập nhật các bản vá lỗi thường xuyên.
  • Cài đặt phần mềm bản quyền và chính hãng.

Tất nhiên không có chiếc điện thoại nào an toàn tuyệt đối.
Mọi thứ nghe có vẻ hoang đường? Tiếc rằng đó là thực tế mà mọi người sử dụng ĐTTM cần phải nhận thức được nếu muốn dấn thân vào thế giới công nghệ đầy rối rắm và vi diệu.

Trung Nguyen