Tăng học phí - ba nghịch lý

Sinh thời ông Trần Bạch Đằng đã viết: GS-TS Dương Thiệu Tống và Nguyễn Chung Tú bảo tôi “Nói làm gì, chẳng ai nghe đâu” (Báo Văn nghệ số 36 ngày 7-9-2002). Nhưng là một nhà giáo, tôi mạnh dạn nêu lên suy nghĩ của mình về việc tăng học phí sắp tới vì đây không phải là việc riêng của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tờ trình dự thảo về tăng học phí chưa có cơ sở lý luận và thực tiễn, có thể nói là ngụy biện và nghịch lý ở những điểm sau:

1. Tăng học phí để tăng chất lượng giáo dục?

GS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nói: “Tiền đầu tư thấp thì có thể tăng nhưng tôi cực lực phản đối quan niệm cho rằng, tiền nào của nấy, tiền nhiều thì chất lượng cũng tăng”.

— Ngân sách quốc gia dành cho giáo dục tăng liên tục mấy năm qua, năm 2007 là 66.770 tỷ đồng cộng thêm nguồn lực xã hội hóa thì tổng chi phí cho giáo dục lên tới 8,3% GDP nhưng chất lượng giáo dục - đào tạo đâu có tăng?

— Tại sao thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ nước ta còn rất nghèo, học sinh, sinh viên không phải đóng học phí mà chất lượng giáo dục được nhân dân tự hào, được bàn bè thế giới mến mộ.

— Thực tế từ xưa đến nay biết bao những học trò nghèo lại học giỏi. Kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua hầu hết những thủ khoa của các trường đại học “có tiếng” lại là con em của những gia đình nghèo đời sống gặp nhiều khó khăn. Các em tự học là chính đâu có tiền học thêm hay có tiền “quà cáp” gì cho thầy, cô giáo.

— Tại sao nhiều nước giàu có lên người ta lại giảm học phí và miễn học phí như Thái Lan, Trung Quốc đã có chính sách miễn học phí cho học sinh nông thôn?

2. Đề án có nói đến tăng học phí hợp lý, vừa sức cũng chỉ là ngụy biện

Lại nói học sinh nghèo được miễn học phí, được học bổng thì còn lâu. Với tình trạng nền hành chính ở cơ sở như hiện nay, chạy cho được giấy tờ để được miễn học phí, để có học bổng là hết sức khó khăn. Có khi đây là một cơ hội để phát sinh tiêu cực, rồi lại nói chính sách đúng nhưng cách làm sai v.v...

Thực tế vào đầu năm học chỉ em nào đóng góp đầy đủ các khoản mới có giấy nhập học. Thậm chí có học sinh không đóng khoản phí thi tốt nghiệp cho trường cũng không được thi. Còn căn cứ vào thu nhập hiện nay bình quân là 6USD/người/ngày để tính học phí thì có vẻ khoa học, nhưng lại là ngụy biện.

Vì hàng triệu người về hưu, hàng triệu nông dân lao động và 80% dân số là nông dân đã có bao nhiêu người thu nhập 6USD/ngày. Lương thực tế bình quân của gần 1 triệu nhà giáo và CBQL là 1.500.000 đồng/tháng thì có được 6USD/ngày/người không?

Cái kiểu tính bình quân như vậy nhiều người không biết và không dám phản đối vì đâu có đủ tư liệu quốc gia và thời gian để tính. Một nông dân thật thà nói rằng không hiểu thu nhập bình quân là gì? Ông chỉ hiểu rằng: Một người ăn cả con gà, một người khác chỉ đứng nhìn người ta ăn. Vậy chẳng lẽ bình quân mỗi người được nửa con gà?

3. Tăng học phí để tăng lương cho giáo viên?

Điều này vừa thiếu tình lại không đạt lý.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Quốc hội ngày 3-10-2007 tỷ lệ chi lương chiếm 85% tổng chi thường xuyên. Con số này đã có từ ít nhất là 30 năm qua.

Thời kỳ xuống cấp của giáo dục giai đoạn 1987-1988 đến 1991-1992 số học sinh trung học phổ thông từ 1 triệu chỉ còn 0,5 triệu, hàng chục nghìn giáo viên bỏ nghề nhất là ở miền Nam.

Nếu với kinh phí như hiện có mà dành 80-85% chi lương thì mỗi giáo viên sẽ được thêm hơn 2 triệu đồng một tháng. Vậy thì hà tất phải tăng học phí để chi lương.

Mặt khác lương của giáo viên là trách nhiệm của Nhà nước đối với những người làm nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý chứ học phí có đáng là bao? Nhiều thầy giáo và những người có lòng tốt còn mở những lớp học tình thương để dạy cho trẻ em nghèo cơ nhỡ, mồ côi.

Có thầy nói mình có được thêm mấy đồng lương mà lấy từ những học sinh nghèo thì cũng chẳng vui sướng gì. Ngay việc thu học phí hiện nay nhất là ở nông thôn cũng gặp khó khăn phức tạp, có khi vì mấy nghìn đồng mà làm sứt mẻ cả tình nghĩa thầy trò.

Ở quê tôi học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày mỗi em chỉ phải đóng thêm 5.000đ/tháng mà có nhiều em không có tiền nộp chỉ học 1 buổi miễn phí thôi.

Tóm lại trong điều kiện hoàn cảnh nước ta hiện nay, miễn giảm học phí các trường công lập là thượng sách. Tăng học phí là lợi bất cập hại.

Giải pháp về vấn đề học phí hiện nay

— Xóa bỏ ngay học phí cho vùng bị thiên tai ở miền Trung, ở vùng sâu, vùng xa và cho học sinh nông thôn. Xóa bỏ học phí cho các trường lớp thực hiện phổ cập giáo dục theo Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII của Đảng.

— Miễn giảm học phí và có học bổng cho trường phổ thông chất lượng cao, đồng thời với việc mở rộng trường ngoài công lập để thu hút nguồn đầu tư và đáp ứng nhu cầu học của một bộ phận người có thu nhập cao. Nhà nước không quy định mức học phí ở các trường này chỉ quản lý về nội dung giáo dục.

— Nhà nước có ngay chính sách để các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp kết hợp với các xí nghiệp, doanh nghiệp vừa tạo thêm nguồn lực cho nhà trường vừa nâng cao chất lượng, thực hiện nói không với đào tạo không đáp ứng yêu cầu thực tế như trường Đại học Lạc Hồng - Đồng Nai đang có hướng đi đúng đắn.

— Tiến hành kiểm tra kinh phí dành cho giáo dục, đặc biệt là việc sử dụng đồng vốn có hiệu quả. Tránh hội họp quá nhiều. Thực hiện triệt để tiết kiệm, chống lãng phí trong việc sử dụng ngân sách Nhà nước, nguồn thu của dân và các dự án. ổn định chương trình sách giáo khoa.

— Đẩy mạnh đầu tư cho vùng dân tộc, vùng cao, vùng sâu sao cho trường lớp gần dân, học sinh đi lại dễ dàng như xây cầu Chôm Lôm ở Nghệ An chẳng hạn.

— Quan tâm đến đời sống giáo viên trước hết ở vùng cao như thực hiện bằng được chế độ luân chuyển, có nhà công vụ để ở. Hãy nói ít nhưng phải làm bằng được một số việc như giáo viên ở vùng xuôi công tác ở miền ngược. 3 năm đối với nữ, 4 năm đối với nam là được chuyển vùng...

Nhà giáo Trần Hữu Trù
(Nguyên chuyên viên cao cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo)