Thái Bình hưng bảo: đồng tiền đầu tiên của Việt Nam

Bước vào kỷ nguyên độc lập, cùng với việc xây dựng chính quyền, quân đội... các triều đại phong kiến Việt Nam khẳng định nền tài chính dân tộc riêng bằng cách đúc và lưu thông những đồng tiền của triều đại mình.

Tiền biểu hiện tư duy cội nguồn

Thái Bình Hưng Bảo: kiểu chữ Chân, đọc chéo, lưng tiền không có chữ Đinh (ảnh BTLS)

Triều đại độc lập đầu tiên Ngô Quyền, chúng ta chưa tìm thấy được đồng tiền Việt Nam riêng. Đến thời Đinh Tiên Hoàng, sau khi dẹp loạn các sứ quân, thống nhất lãnh thổ, xây dựng chính quyền tập quyền trung ương "dựng đô mới, đắp thành, đào hào, xây cung điện đặt triều nghi" (theo ĐVSKTT, tr 211), ông đã cho phát hành đồng tiền riêng của triều đại mình đó là đồng Thái Bình Hưng Bảo.

Tiền Thái Bình Hưng Bảo đúc từ chất liệu đồng, khá mỏng, có hình tròn đường kính 2,2 - 2,35cm, bên ngoài có riềm tròn rộng, phẳng. Chính giữa là lỗ có hình vuông, chữ được viết nổi đối xứng qua lỗ vuông (Thái trên - Bình dưới; Hưng bên phải, Bảo bên trái).

Đồng tiền "Thái Bình Hưng Bảo", mặt sau có chữ "Đinh". Thế kỷ 10
Thái Bình Hưng Bảo: kiểu chữ Chân, đọc chéo, lưng tiền có chữ Đinh phía dưới lỗ vuông (ảnh BTLS)

Hình dáng tiền có thể biểu hiện tư duy cội nguồn về vũ trụ: Trời tròn, đất vuông, bắt nguồn từ thuở Vua Hùng dựng nước. Sau lưng đồng tiền có một chữ Đinh. Các nhà nghiên cứu tiền cổ đều thừa nhận, đó là đồng tiền nhà Đinh sản xuất lưu hành, không thể nhầm với bất kỳ đồng tiền nào khác trong và ngoài nước.

Tiền Thái Bình Hưng Bảo là đồng tiền đầu tiên của Việt Nam, góp phần khẳng định nền độc lập tự chủ của dân tộc trên các lĩnh vực. Tiền lần đầu tiên xuất hiện nên số lượng tìm được chưa nhiều và hạn chế bởi không gian chủ yếu tìm thấy ở Hoa Lư - vùng kinh đô cũ và đồng bằng Bắc Bộ.


Thái Bình Hưng Bảo: kiểu chữ Chân, đọc chéo, lưng tiền có chữ Đinh phía trên lỗ vuông

Khẳng định giá trị tiền tệ của nhà nước độc lập

Thời Tiền Lê (năm 984) trước nhu cầu phát triển của nền kinh tế và giao thương trao đổi, Lê Hoàn cho lập xưởng đúc tiền Thiên Phúc trấn bảo.

Tiền Thiên Phúc kế thừa hình dáng và kích thước như tiền thời Đinh, có hình tròn, đường kính 2,2 - 2,4cm. Giữa có lỗ hình vuông, mặt trước có chữ viết chân phương niên hiệu của triều đại. Mặt sau lưng có chữ Lê, chữ đúc gọn nổi sắc nét.

Tiền Thiên Phúc sau này tìm được ở nhiều nơi: cố đô Hoa Lư, thành Thăng Long, thương cảng Vân Đồn và nhiều nơi khác, những trung tâm kinh tế của đất nước thời bấy giờ. Sự có mặt của tiền Thiên Phúc ở nhiều nơi, không gian lưu thông rộng cho thấy, tiền được đúc và sử dụng nhiều, khẳng định giá trị tiền tệ của nhà nước độc lập.


Thiên Phúc Trấn Bảo: kiểu chữ Chân, đọc chéo, lưng tiền có chữ Lê phía trên lỗ vuông

Bên cạnh những đồng tiền do nhà nước độc lập Việt phát hành, các đồng tiền Trung Quốc cũng được sử dụng trong thông thương trao đổi với tư cách là "ngoại tệ". Trong các hoạt động kinh tế, thương mại hai đồng tiền Việt Nam và Trung Quốc được sử dụng song song, nhất là các vùng thương cảng biên viễn.

Sự có mặt của các đồng tiền Việt Nam ngay từ buổi đầu giành độc lập, đã góp phần khẳng định ý thức dân tộc, tinh thần độc lập tự chủ của các triều đại Việt Nam. Đây là những cơ sở ban đầu để sau này tiền tệ Việt Nam được các triều đại sau phát huy và phát triển.

Theo Lê Đình Phụng (BEE)