Thâm nhập lãnh địa vàng “thổ phỉ” Pác Lạng (Bài 3)

Hơn 20 năm bị khai thác, bòn rút, núi vàng Pác Lạng, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn được các bưởng vàng xếp vào danh sách có nhiều đường hầm địa đạo đào vàng khủng khiếp nhất Việt Nam…

Mỗi lần giải toả, lực lượng chức năng phải ăn ngủ tại cửa hang cổ như thế này

Bài 3: Những cửa hang đi vào lòng núi

Nếu như các bãi vàng khác chỉ bị khai thác thổ phỉ theo kiểu toóc vét, nhặt nhạnh trên mặt đất, hoặc dùng máy xúc đào đất đá lên tuyển rửa lấy vàng sa khoáng hoặc đào những địa đạo vào lòng núi cắt các vỉa quặng tìm đến nẹp đá có vàng đem ra nghiền tuyển thì ở núi vàng Pác Lạng việc đào vào lòng núi được xếp vào diện qui mô nhất. Các hang tìm kiếm vàng nơi đây diễn ra từ thủa nào cũng chẳng ai hay. Chỉ từ khi cuộc thăm dò quy mô lớn tại ngọn núi này, họ mới thống kê sơ bộ được hơn 1.000 cửa hang địa đạo cả “xưa và nay”, nông thì vài chục mét, sâu thì hàng chục km vào lòng núi…

Theo những tài liệu cóp nhặt qua công tác khảo sát, thì kể từ khi Liên danh Công ty Archipelago Resources Plc của nước Anh (gọi tắt ARP); Tổng công ty Khoáng sản Vinacomin và Công ty cổ phần khoáng sản Bắc Kạn đặt bút phê về việc Liên kết thăm dò vàng gốc tại mỏ vàng Pác Lạng, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn, công việc đầu tiên họ tìm đến, là các cửa hang cũ (dân làm vàng gọi là hang cổ). Chỉ vì cửa hang trên núi Pác Lạng cũng chẳng giống nơi nào. Có cái thì mới đào, có cái đã đào từ thủa nào cũng chẳng ai hay, cũ quá không ai biết nó hình thành từ thời kỳ nào thì người ta cứ đặt tên là hang cổ.

Trong hang cổ cũng có hàng loạt những câu chuyện thần bí khác. Sự việc được kể truyền tai rằng: Năm 1990 của thế kỷ trước, người dân bản địa phát hiện những ngọn lửa sáng phát ra vào lúc nửa đêm từ một cửa hang có tên là hang Ma Nu. Một số người tò mò theo dõi thì phát hiện được tại khu vực cửa hang đó có nhiều hòn đá có bám vàng. Họ đập đá ra, và dùng chày sắt giã nhỏ rồi tua qua nước lấy được những hạt vàng nhỏ li ti. Khi sự việc bại lộ, người đào vàng đục sâu theo lối vào hang cổ phát hiện có cả những bộ xương người, có những hộp sọ còn nguyên và người dân bản địa sống gần đó cả trăm năm nay cũng chẳng biết nơi đó được khai thác từ khi nào và ai là người khai thác. Chỉ biết rằng, cửa hang cổ ở dưới khu vực Vườn Cam thuộc thôn Khau Liêu, xã Thượng Quan vẫn còn có kè đá xây cao dựng đứng, chắn đất đá sạt. Theo những suy tính của đoàn khảo sát việc người xưa khai thác vàng sa khoáng tại dòng suối Ma Nòn, họ đánh ngược theo vỉa vàng lên lũng núi. Khi đến đất tẩy có vỉa vàng phun trào, họ tiếp tục đào hang, đặt đường goòng bằng sắt đi sâu hàng trăm mét tiến vào trong lòng núi đào đá nghiền giã lấy vàng.

Thời gian qua đi, cây rừng mọc to mấy người ôm che chắn, dân làm nương rẫy ngay gần đó mấy chục năm cũng chẳng ai hề hay biết. Chỉ từ khi những người làm vàng phát hiện ra, họ đào quanh những chỗ sạt trong lòng núi lấy ra rất nhiều thanh sắt đường ray han rỉ, cùng với cuốc xẻng, dụng cụ đào đãi vàng bằng gỗ đã mục nát, thì mới biết đó là ổ vàng gốc đã bị ai đó khai thác từ rất lâu rồi.

Khi núi vàng Pác Lạng bị phát lộ, người làm vàng khắp nơi đến đào địa đạo từ sườn núi đi thẳng cắt ngang thân quả núi. Mục đích là để cắt qua các thân vỉa đá. Khi nào tìm gặp những nẹp đá mang vàng, họ gia sức đánh đuổi theo, đánh cuốn chiếu rồi thả giếng chặn đánh hết những nẹp đá có mang vàng. Cách làm bằng lao động thủ công, dùng mũi khoan tạo lỗ, rồi đặt mìn phá đá mở đường. Chiếc xe rùa, xe cải tiến nhỏ là phương tiện vận chuyển đất, đá thải và quặng vàng ra cửa hang.

Mặc dù chỉ làm thủ công, thế nhưng sự miệt mài của hàng trăm thậm chí hàng nghìn con người trong khu vực này đã tạo ra một lòng núi trống hoắc. Các cửa hang thì đếm rất dễ, vì ngoài mặt đất nên được các chủ bưởng chia khoảng cách đặt cửa hang vừa đảm bảo sản xuất, nhất là bãi đổ thải, đồng thời cũng đảm bảo khoảng cách để làm các công trình phụ như nơi ở, bếp, sân thể dục, nhà ăn, chuồng trại chăn nuôi, bể ngâm ủ hoá chất, máy nghiền, hệ thống điện máy nổ, nước sinh hoạt… Còn phía trong lòng núi thì mạnh ai đấy đi. Đội nào có nhiều tiền thì đào được địa đạo vào các hang giếng trong hang dài hơn. Đội nào ít quân, tiềm lực kém thì đào được đường đất ngắn hơn. Một quy định bất thành văn ở tất cả các mỏ vàng là chỉ chia ranh giới trên mặt đất, còn dưới lòng đất thì tranh nhau đào, mạnh ai đấy làm, đến khi nào các đội “gặp nhau” thì phải dừng lại. Nơi đó sẽ được quân cửu vạn của cả hai bên dùng ngọn đèn đất đánh dấu vào vách đá để biết là cụt đường vì đã chạm tới đường đi của đội khác. Chính vì vậy, việc nổ mìn trong lòng núi diễn ra liên miên ở Pác Lạng nhưng chẳng mấy ai bị mìn của đội bạn làm bị thương hay chết chóc.

Núi vàng Pác Lạng không chỉ bị đào bới ở phần thân quả núi, mà từ thời xa xưa, con người đã khám phá nơi đây, họ tổ chức khai thác kim loại quí này ở dưới dòng suối thuộc chân núi Pác Lạng. Trong câu chuyện với các bưởng vàng, được họ tiết lộ: Năm 2008, khi có Công ty Archipelago Resources Plc (Anh Quốc) vào khảo sát, doanh nghiệp đã chi tiền giúp chính quyền Bắc Kạn thuê một Công ty có chức năng làm công tác Bảo vệ dùng đến mấy chục người lên núi vàng Pác Lạng để dựng trại, cắm chốt nhằm ngăn chặn nạn khai thác thổ phỉ. Tuy nhiên, công ty bảo vệ này cũng bị dân vàng “qua mặt”, vì dân làm vàng không chỉ có tiền của, họ có cả quan hệ tốt với người dân bản địa, chính quyền cơ sở. Hơn nữa, lực lượng làm vàng hùng hậu gấp trăm lần nhóm bảo vệ thuê kia, bản lĩnh sống thì càng gấp nhiều lần, nên việc khai thác lén lút vẫn cứ diễn ra, tất nhiên không đông như lúc mỏ được cấp phép khai thác tận thu.

Thấy khai thác thổ phỉ lén lút trên núi ít hiệu quả, một nhóm thợ vàng đã dùng máy xúc khai quật phía chân núi Pác Lạng gồm hai dòng suối chảy từ Khuổi Bốc, Khuổi Mạn ra Ma Nòn, xã Thượng Quan. Cuộc đào đãi đó tuy trái phép nhưng diễn ra quy mô, ngoài việc đánh trúng ổ vàng sa khoáng, các thợ vàng đã gặp rất nhiều các công trình khai thác vàng của “người xưa” bỏ lại, hiện vật là những chiếc chớp loại đất đá lọc vàng bằng gỗ, nằm dưới độ sâu khoảng 3 mét dưới lòng suối.

“Lúc máy xúc đào phá, chúng tôi thấy các cụ ngày trước đãi vàng cũng rất tỷ mỉ, họ dùng đá đắp thành những đập dâng nước rồi đặt chớp chảy lọc đất đá cát sỏi để lấy vàng” - Thắng, một thợ vàng giải nghệ cho hay.

Ông Đinh Quang Hiếu – Bí thư huyện uỷ Ngân Sơn thừa nhận rằng: “Việc bảo vệ tại núi vàng Pác Lạng bây giờ sẽ rất là khó khăn, vì cửa hang nhiều, lòng núi Pác Lạng đã rỗng hết, lực lượng chức năng có vào truy đuổi, họ đem đồ đạc vào hang cất giữ. Khi nào ta rút họ lại tổ chức khai thác. Nếu Pác Lạng vẫn cơ cấu giao cho huyện trông coi như bây giờ rất tốn kém tiền của nhà nước nhưng rất khó giữ được tài nguyên. Vì trông coi vàng là khó lắm”.

Ông Dương Thanh Bình – Giám đốc Cty TNHH Thanh Bình, người đã nhiều năm gắn bó với núi vàng Pác Lạng khẳng định rằng: “Ở núi vàng Pác Lạng chắc chắn có trên 2.000 km đường lò trong lòng núi. Chỉ cần nhìn bề ngoài mặt đất đã có trên 1.000 cửa hang. Làm được bao nhiêu kg vàng thì chỉ có các chủ lò mới nắm rõ. Còn tôi đã tính nhẩm từ năm 1998 đến 2007, được gọi là thời kỳ rực lửa của việc áp dụng công nghệ mới vào khai thác, người đến làm vàng tại Pác Lạng đã lấy đi từ ngọn núi vàng này khoảng từ 6 đến 8 tấn vàng. Người đã trúng ổ vàng vài chục kg là chuyện bình thường. Lúc đó vàng rẻ lắm, chưa đến 4 triệu đồng/cây. Nếu không được vàng thì anh em chúng tôi lấy đâu ra tiền để thuê người đào đường hầm lò rỗng cả lòng núi. Vì theo giá nhân công của năm 1998, tôi phải thuê 1 triệu đồng cho 1 mét đường lò, khoảng 1,2 triệu đồng cho một mét thả giếng trong hang, chỉ tính các ngõ ngách tại một chiếc hang của tôi làm cũng dài đến mấy km ấy chứ… ”.

(Còn nữa)