Thần Sa với những dấu tích người nguyên thủy

Ảnh: Đường vào di tích Thần Sa

Từ TP Thái Nguyên, theo quốc lộ 1B Thái Nguyên - Lạng Sơn chừng 22 km, đến ngã ba La Hiên, rẽ trái đi tiếp chừng 15 km chúng ta sẽ đến một vùng núi đá vôi đẹp hùng vĩ, một vùng non xanh nước biếc, sơn thủy hữu tình của đất Võ Nhai (Thái Nguyên).

Hai chữ Thần Sa, gợi sự liên tưởng về một vùng đất có nhiều quặng xa khoáng quý hiếm. Sử sách cho biết, từ thuở nhà Lê, nhà Mạc, Thần Sa đã có mỏ khai thác vàng sa khoáng. Từ những năm 80 của thế kỷ trước việc khai thác vàng sa khoáng ở Thần Sa lúc cao trào, lúc bình lặng.
Ở đây có những bãi vàng nổi tiếng: Kim Sơn, Bản Ná, Tu Lườn, Boon Say... song điều đó không làm cho mọi người chú ý. Ðiều mà Thần Sa được nhắc tới nhiều hơn chính bởi nơi đây là khu di tích nổi tiếng. Khu di tích này nằm gọn trong địa phận xã Thần Sa (còn hệ thống núi đá vôi với các hang động kỳ thú kéo dài hàng chục km nữa thuộc địa phận các xã: Nghinh Tường, Sảng Mộc của vùng này). Những dãy núi đá vôi dày đặc thuộc phần cuối của sơn hệ Bắc Sơn, những dải thung lũng rất hẹp dọc theo đôi bờ sông Thần Sa là đặc trưng của địa hình nơi này cũng như điều kiện cư trú của con người. Cách đây gần 30 năm, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện được một loạt các di chỉ khảo cổ có niên đại từ 30.000 năm đến 10.000 năm. Phát hiện ấy là ở hang Phiêng Tung, ở Mái đá Ngườm, Nà Ngùn, Thắm Choong, Hạ Sơn 1, Hạ Sơn 2...

Nếu đến thăm nơi có những di chỉ khảo cổ, chúng ta xuyên qua bản người Tày Trung Sơn, đi dọc sông Thần Sa khoảng một km sẽ tới chân núi Mèo. Hang Phiêng Tung nằm ở độ cao 50 m của núi này. Phiêng Tung tiếng Tày nghĩa là vừa cao vừa bằng phẳng.

Từ xa nhìn lên núi Mèo thấy cửa hang (nơi người Việt cổ sinh sống, giống hình miệng con hổ nên còn có tên gọi là hang miệng hổ). Hang này rộng và thoáng, có hai tầng. Tầng dưới cao 10 m, rộng 10 m, sâu 20 m là nơi thuận tiện cho người nguyên thủy cư trú. Bốn đợt khai quật những năm vừa qua của các nhà khảo cổ học đã thu thập được 659 công cụ đá với nhiều loại hình công cụ có kỹ thuật chế tác khác nhau.

Các nhà khảo cổ phân ra: Công cụ hòn cuội, công cụ mũi nhọn, công cụ mảnh cuội, công cụ mảnh tước. Cùng với hang miệng hổ, di chỉ Mái đá Ngườm cách Phiêng Tung chừng một km về phía nam, theo các nhà khảo cổ đây là di chỉ quan trọng nhất của Thần Sa. Mái đá Ngườm là một mái đá khổng lồ, rộng chừng 60 m, cao 30 m, nằm ở độ cao 30 m so với mặt sông Thần Sa chảy ngang trước mặt. Nơi đây có bốn địa chỉ tầng văn hóa khảo cổ. Những di vật đá thu được đặc trưng của các nền văn hóa Bắc Sơn, Hòa Bình, Sơn Vi nằm ở tầng một và tầng hai, ở tầng ba các công cụ đặc trưng của Mái đá Ngườm. Ở tầng bốn là hàng vạn công cụ đá kiểu Phiêng Tung. Như vậy, từ Phiêng Tung và Ngườm các nhà khảo cổ học xác định được ở Thần Sa có một nền văn hóa khảo cổ học - Văn hóa Thần Sa. Ngoài Phiêng Tung và Ngườm còn tìm thấy gần 10 di chỉ khác là nơi cư trú của người nguyên thủy. Kết luận khảo cổ học cho thấy Thần Sa là nơi người nguyên thủy đã sống trong thời gian dài vài chục nghìn năm.

Khu di tích khảo cổ học Thần Sa đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

(Theo Nhân Dân)