Thần thánh và bươm bướm (trích)

Tiểu thuyết Thần thánh và bươm bướm của Đỗ Minh Tuấn viết về nông thôn Việt Nam thời hội nhập với những buồn vui, hy vọng, ảo vọng và mặc cảm của một nông thôn phải quằn quại chia tay với nền văn hoá ký ức để háo hức hướng về tương lai, với những phận người xoay đảo quanh thần thánh và bươm bướm. Nhân vật chính là Thao, một cựu chiến binh ở làng Bái. Thao có cậu con trai bỗng nhiên xưng Thánh, nổi tiếng về bói toán, với những hoạt động chữa bệnh bằng nghi lễ và tình dục lôi kéo Thao vào những tình huống hài hước và tội lỗi. Sau khi thần thánh bỏ cậu con trai mà đi, Thao lại lao theo tự ái của người lính trong cuộc đua thầm lặng với Jôn, người yêu của con gái mình là con trai một cựu binh Mỹ nay là Nghị sỹ. Nhưng cuộc đua này cũng dang dở vì Thao lại bị tình đồng đội cuốn đi trong cuộc đấu tranh giữ cây bưởi lạ bốn mùa ra hoa, không cho người ta đốn đi làm sân Golf vì nó là nguồn sống của đứa bé con người đồng đội của Thao, nạn nhân chất độc màu da cam... Hành trình sống của Thao gắn liền với cuộc phiêu lưu của những người nông dân đuổi theo thần thánh và bươm bướm với bao nhiêu hy vọng đổi đời...

Đỗ Minh Tuấn từng đoạt Giải Nhất cuộc thi thơ Báo Văn Nghệ năm 1989-1990, đã XB Những cánh hoa tiên tri, Tỉnh giấc, Thơ tình, Con chim giấy, tập phê bình và tiểu luận Ngày văn học lên ngôi và cuốn chuyên luận Nghệ thuật trữ tình của Nguyễn Du trong Truyện Kiều. Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tay mở ra một chân trời sáng tạo mới của anh. Trước khi NXB Hội Nhà văn cho in sách, Dongtac xin trân trọng giới thiệu với độc giả phần đầu.

Chương 1

Cây gạo đầu làng bỗng nhiên dở chứng, đỏ ối hoa suốt cả bốn mùa. Gần Tết, thầy đồ Bảo bấm quẻ nói với thằng cháu chủ tịch xã:
- Hôm qua tao nằm mơ thấy cây gạo đầu làng chảy máu ròng ròng, sáng ra bóc thử vỏ cây thấy nhựa đỏ thật. Thế là có động. Hữu động hữu đoán, tao bấm thử gặp quẻ Khổn, chủ lo âu. Tam yếu linh ứng thấy toàn điềm gở tang tóc với lại oan khuất. Vậy cháu nên bàn với Đảng uỷ, Uỷ ban làm lễ cúng giải hạn đi...

Nửa đêm, trời đột nhiên trở lạnh. Sáng ra mưa lây rây ướt đẫm cả vạt tre làng, con đường đất sẫm uốn lượn giữa những bụi hoa mua tím nhạt, đâm thẳng vào cái điếm hoang đầu làng nơi cây gạo uy nghi đỏ ối một màu hoa cô quạnh và rùng rợn. Những bông hoa dai dẳng trái mùa rụng xuống vạt cỏ thành từng đống đỏ ối, đỏ phây phây không chịu rữa nát. Trẻ chăn trâu vật nhau trên đống hoa gạo làm tung lên những đám bông gòn, cuốn tròn theo lốc, phủ trắng toát các mái nhà trong làng như rắc vôi bột lem nhem. Mặt mũi bọn trẻ như phết một lớp sơn loang lổ. Những hôm trời mưa to, từ những cánh hoa dập nát ứa ra thứ nước đỏ như máu, loang xuống mấy cái ao quanh đó làm nước đỏ quạch như phẩm nhuộm. Mấy đàn vịt của nhà Thao nhà Cảnh bị nhuộm đỏ lông trở thành đàn vịt quái gở, người ta bảo đó là vịt ma. Không ai dám mua, chủ không dám thịt. Những cây khoai ráy, bèo tây, bèo dâu cũng bị nhuộm đỏ hết. Sau cơn bão số chín, bông gòn phủ khắp làng như rắc vôi bột. Từ trên núi Thuý nhìn xuống làng chỉ còn hai màu đỏ rực và trắng toát.

Cậu Chiến Chủ tịch xã đã học qua lớp sơ cấp triết học Mác-Lênin nên không tin có chuyện thần linh, ma quỷ. Năm ngoái, tự tay cậu đã đập vỡ mười chín cái bát hương dân làng đặt ở gốc gạo, rồi gom hết chân hương vào, bó lại, đem về để ở tủ kính Uỷ ban xã, rút dần ra làm đóm hút thuốc lào để tỏ rõ thái độ coi thường. Có lần, thằng con trai cậu nghịch ngợm thò tay vào tủ kính lấy trộm chân hương đem đi chơi trò búng que với trẻ ngoài sân đình, rồi hý hoáy cầm chân hương ngoáy tai, vô phúc bị hai đứa đuổi nhau xô vào chọc thủng màng nhĩ máu chảy ròng ròng. Dân làng bảo thần linh báo hại, vì bố nó báng bổ. Chủ tịch Chiến tức lắm phát biểu rất dài trên loa phóng thanh nói về chủ nghĩa duy vật khoa học, về chủ trương của Đảng uỷ xã bài trừ mê tín dị đoan và tuyên bố kiên quyết "gô cổ" những người ngoan cố tiếp tục reo rắc mê tín dị đoan. Nhưng trong thâm tâm Chiến cũng bắt đầu sờ sợ một cái gì thật bí ẩn mơ hồ. Mỗi khi nghe bọn trẻ trêu đứa con bị chân hương đục thủng màng nhĩ là thằng "Lực bình hương" thì chủ tịch điên tiết lên đánh con vì những lý do rất vu vơ.

Chị vợ Chủ tịch thì ngược lại, luôn tin rằng có thần linh ma quỷ, nhưng vì sợ chồng nên không dám lễ bái công khai. Sau hôm thằng Lực bì chân hương đâm thủng tai, cô ta lẻn đi ra gốc gạo vào nửa đêm, đặt xôi gà thắp hương xì xụp cúng bái. Không ngờ cậu chủ tịch biết, lặng lẽ bám theo, nấp ở điếm canh chờ cho vợ châm hương xong đang chổng mông cúng vái thì đột ngột xuất hiện đằng sau đá mạnh vào đít vợ làm cô ta ngã dúi đầu vào mâm xôi gà, hét lên kinh hãi tưởng sắp ngất xỉu vì sợ hãi. Cái mỏ gà ngậm bông hồng đâm vào trán chị vợ, làm máu cháy ròng ròng. Sau đêm ấy, chị vợ gần như bị tâm thần, luôn hoảng loạn nằm mơ thấy những con gà khổng lồ mổ vào trán mình. Con gà nào cũng có mào hình bông hoa gạo đỏ ối. Có lần chị ta mơ thấy trên cây gạo lủng lẳng toàn gà trống, chúng vỗ cánh điên dại và gáy vang trước mỗi cơn gió nhẹ, làm lông bay tung mù mịt một góc trời. Có lúc chị lại mơ bị một con gà trống khổng lồ đuổi theo mổ chị, quắp chị vào mỏ như cắp một con giun.

Chủ tịch thoạt đầu cho là vợ luyên thuyên nhảm nhí nên đánh cho một trận thừa sống thiếu chết, nằm vật ốm liền hai tuần. Sau có ông bác sĩ quân y người làng đi commăngca về ăn giỗ, nghe kể biết bệnh liền kê đơn cho chủ tịch mua thuốc điều trị bệnh thần kinh cho vợ. Lúc đó chủ tịch mới tin. Dù sao thì người ta cũng là bác sĩ nhà nước, lại là sĩ quan đeo lon trung tá, nhà mấy đời bần nông, người ta nói có khoa học, đâu có mê tín quàng xiên như đám thầy đồ, thấy cúng. Chủ tịch họp Đảng uỷ ra nghị quyết về việc chống mê tín dị đoan triệt để, kiên quyết không để bất kỳ ai lễ bái ở gốc gạo đầu làng. Chủ tịch cử dân quân ngày ngày khoác súng đứng canh quanh gốc gạo. Lẽ ra thì chỉ cần cử một người gác thôi cũng được, nhưng Đảng uỷ sợ tình trạng có người lợi dụng phiên gác tranh thủ cho người trong nhà trong họ đến lễ rồi thì lại tỵ nạnh kiện cáo, tố giác nhau, nên đã nhìn xa cử mỗi phiên bốn dân quân đứng gác. Lúc đầu, bốn anh còn nghiêm chỉnh ôm súng gác, sau rồi không biết ai đầu têu, bốn anh dân quân lập phỏm chúi đầu vào chơi tá lả ăn tiền ngay dưới gốc gạo. Lạ lùng là ai ngồi tự lưng vào gốc gạo là ù liên tục. Lúc đầu mọi người không biết điều đó, nên đun đẩy nhau ngồi phía gốc gạo, về sau, một cậu ù liền năm ván làm cả bọn hết hồn đòi đổi chỗ của cậu. Sau khi đổi chỗ, người ngồi vào chỗ của cậu ta lại ù liền bảy ván. Thế là mọi người quả quyết ngồi tựa vào gốc gạo được âm phù. Đem chuyện kể cho làng, các cụ bảo ù nhiều là đúng rồi vì ngày xưa trong làng có một ông quá đam mê cờ bạc phải bán hết trâu bò, vườn tược để đánh tổ tôm, xóc đĩa, một lần đi lễ bà Chúa Kho về, rẽ ngang qua phố huyện uống rượu say, khi về đến đầu làng ngồi tựa lưng vào gốc gạo nghỉ chân và nhổ cỏ may trên ống quần, bị trúng gió chết, đến sáng hôm sau dân làng mới biết.

Sau khi biết sự tích này, mấy anh dân quân không dám ngồi chơi bài dưới gốc gạo nữa vì hễ cứ chia bài lại bị ám ảnh bởi ý nghĩ có người âm xen vào cuộc chơi. Rốt cục, vác súng ra canh gốc gạo không cho dân làng cũng bái nhưng mấy anh dân quân lại gác súng thắp hương cúng bái. Kíp này đổi kíp kia, lần lượt các dân quân du kích trong làng thay nhau cúng vái. Thành ra, tiếng là xã nghiêm cho dân quân vác súng chống tự do tín ngưỡng, nhưng thực tế là quá nửa gia đình trong làng đều có người vác súng ra gốc gạo công khai cúng bái.

Các vị trong Uỷ ban xã biết thực tế đó, nhưng cũng lờ đi vì chính các vị cũng có người nhà là dân quân du kích. Chỉ có mấy gia đình ông già bà cả không có người tham gia đội du kích là thiệt thòi không được tham dự vào guồng tham nhũng tâm linh tập thể của làng. Không ai được vái gần thì các cụ vái vọng, bắc lễ ở sân vái về phía cây gạo, chứ không ai đâm đơn kiện cáo hay thắc mắc. Thắc mắc gì? Người ta là du kích, khi giặc giã đến người ta xả thân ra chiến đấu bảo vệ các cụ, lúc ấy các cụ có thắc mắc không? Đám thanh niên chúng nó lễ bái cho là may, chúng nó mà vô đạo tỉnh khô trước hương khói bàn thờ thì rồi có ngày chúng nó bỏ cả giỗ ấy chứ! Thế là, cái trò tá lả ăn tiền và cái thói truyền miệng dân gian thêu dệt chuyện xưa lại tạo nên một vòng quay chính thống cho cái sự run rẩy tâm linh bấy lâu vốn bị coi là nhảm nhí, tà đạo. Phải cảm ơn khẩu súng trường của những người dân quân gác gốc gạo. Nhờ có nó, những nén hương công khai của đám du kích cờ bạc trở nên đứng vững trên mảnh đất của làng. Và đến cái ngày thầy đồ khuyên cậu Chiến chủ tịch xã làm lễ giải hạn thì cậu đã có thể yên tâm đặt vấn đề ra trong cuộc họp Đảng uỷ bàn về chống mê tín dị đoan. Và Đảng uỷ đã ra nghị quyết tổ chức tế lễ quy mô ở gốc gạo dưới hình thức tưởng niệm các liệt sĩ chết trận càn năm 1949. Thầy đồ tính âm dương, bảo phải có bốn chín cụ tuổi ngoài bảy mươi làm lễ tế thần thì mới giải được hạn cho làng. Nhưng huy động hết lão làng mới chỉ có bốn mươi sáu cụ tuổi từ bảy mươi đến tám tư. Thầy đồ xin âm dương hỏi xem có được mượn ba cụ từ làng khác không. Thánh bảo được. Uỷ ban lập tức cử người đi sang làng Bái Thượng ký hợp đồng với Hội cựu chiến binh thuê ba cụ biết tế trong một ngày rưỡi, mang theo quần áo lễ. Ba cụ rất hồ hởi đi giúp làng Bái Hạ, thời buổi thị trường phải hợp đồng kinh tế chặt chẽ vậy, chứ tiền chúng tôi cũng xung vào quỹ Hội, cái truyền thống mới là cái trọng.

Vào trước hôm làm lễ chính thức một tuần, cụ Đồ chọn ngày Nhâm Tuất để các cụ họp lại nhẩm qua bài tế khớp với bài tế của làng Bái Thượng. Bài tế của hai làng chỉ khác nhau bốn chỗ, một chỗ làng Bái Hạ quỳ thì làng Bái Thượng đứng, một chỗ làng Bái Hạ "Hương bái" thì làng Bái Thượng lại đi giật lùi. Hai chỗ khác thì hai làng quay về hai hướng ngược chiều nhau. Tranh cãi mãi, không làng nào chịu theo làng nào. Cụ Đồ giở sách Tàu ra lập lý theo Bát Quái rằng làng Bái Hạ hướng Nam thuộc quẻ
Ly nên bước thứ ba mươi sáu phải động, tức là tướng quẻ Chấn, mới sinh. Lại nữa, hoa gạo cũng thuộc Ly, đến vòng ba phải lùi về hướng Bắc thì mới không bị quẻ trùng Ly làm vượng hoả thêm. Ba cụ làng Bái Thượng tự ái nói thẳng là bài tế này các cụ truyền lại từ đời Lê, không tự tiện sửa được. Sách cụ Đồ cũng là sách Tàu thôi, bây giờ độc lập rồi, khoa học tấn tới, mình phải dẹp đi mấy cái chữ Nho cổ hủ. Cụ Đồ giận lắm bỏ về nhà. Thằng cháu cụ là phó chủ tịch xã giở hợp đồng ra chỉ vào điều sáu nói thẳng là thời buổi thị trường phải có tinh thần luật pháp, hợp đồng đã ký giấy trắng mực đen là các cụ đi tế thuê, làm công ăn lương, "nhất nhất phải tuân theo những yêu cầu chi tiết của bên đi thuê" chứ! Đây, chữ ký của ông chủ tịch Hội Cựu chiến binh đây! Ta cứ quen cái kiểu nông nghiệp lạc hậu, phải rèn tác phong công nghiệp văn minh như Tây chứ! Bây giờ Việt Nam đang được coi là con hổ rồi, các cụ phải tân tiến lên mới được. Phải có đầu óc pháp luật, cứ ôm mãi cái lệ làng thì, xin lỗi các cụ chứ, chỉ suốt đời làm cái anh Lý toét xã xệ, bao giờ mới hoá hổ, hoá rồng như Thái, như Sing!

Ba cụ giận tím mặt, đập chén rượu chỉ mặt anh phó chủ tịch mắng xa xả. Anh đừng có mà đem tiền, đem hợp đồng hợp điếc ra cột chúng tôi vào nhé! Chúng tôi đi tế cho làng anh không phải vì tiền, cũng không phải vì thành tích. Chẳng qua là cái tình. Thanh niên bây giờ hỏng hết, chỉ biết tiền nong thuê mướn, không có nề nếp, không biết trọng cái truyền thống. Thế thì xin lỗi các cụ, chúng con ký duyệt chi tiền ra làm lễ đề làm gì? Ba con lợn, hai tạ gạo nếp và sáu tư cái chiếu, chưa kể vàng hương, hoa quả, tiền triệu có ít đâu? Không trọng truyền thống, không chiều các cụ thì con cho du kích chặt phéng cây gạo...

Đôi co mãi cuối cùng các cụ cũng nhất trí là theo quy định tế lễ của làng Bái Hạ, nhưng các cụ không mặc áo tế mang theo mà bắt bên thuê tế phải thuê áo mới. Chúng tôi mặc áo của làng may, chúng tôi phải lễ theo bài bản các cụ tổ làng truyền lại. Bây giờ kinh tế thị trường chúng tôi chấp nhận tế thuê theo bài bản của làng bỏ tiền thuê, nhưng các anh phải may hoặc thuê áo mới cho chúng tôi. Uỷ ban xã phảI họp lại để quyết định chi thêm ba trăm sáu mươi ngàn thuê áo cho các cụ. Có thế chứ! Ba cụ làng Bái Thượng hãnh diện lắm. Kinh tế thị trường nhưng vẫn phải giữ lấy cái gốc của mình. Chứ mất gốc thì giàu mấy cũng không vui, vì nhục lắm, mình trở thành con rối của người ta thì bao nhiêu tiền cũng chẳng thấy vui….

*

Một lần nhà Thao có khách từ Bắc Ninh sang chơi, bí quá không có gì đãi bạn nên chủ nhà liền thịt con vịt đỏ rán lên nói dối là nhuộm phẩm theo công thức Tàu do ông Đồ dạy. Khách tên Đồng, vốn là dân đào vàng cùng buôn vàng cốm với Thao từ năm 82, nay xoay sang đánh bạc chuyên nghiệp. Lúc rượu say Thao nói đùa: Món vịt này chế theo công thức của người Tàu ở Ma Cao nên ông ăn một miếng lộc vào mười cây. Trúng quả to nhớ chia, kẻo tôi mất lộc. Sớm dậy, Đồng thấy đàn vịt đỏ bơi giữa ao bèo đỏ, tự nhiên sởn gáy hỏi Thao:
- Đêm qua ông cho tôi ăn cái thứ vịt quái quỷ này đấy à?
- À, làng tôi có mấy lò nhuộm, thải nước xuống ao nên cây cối thú vật cũng tự nhiên đổi màu thế thôi, không có gì độc - Thao cười.
- Dạ dày lòng ruột của tôi mà cũng bị nhuộm thì tôi bắt đền đấy!
- Yên tâm đi!

Đồng về rồi, Thao thắp hương khấn thổ công, thịt một con vịt luộc lén mang ra cây gạo cúng ma quỷ, thần linh chờ tàn hương rồi bỏ lộc đấy không mang về. Nửa đêm con chó nhà Cảnh tha con vịt luộc vào vườn chuối xơi già nửa, còn non nửa phía phao câu nằm vương vãi cạnh gốc sung. Bà Cảnh trông thấy chửi ầm lên, cho là nhà Thao chơi xỏ, bỏ bùa. Đêm ấy, con chó nhà Cảnh cứ hồng hộc rồi tru lên thảm thiết. Sáng hôm sau con chó lăn ra chết cạnh cầu ao. Nhà Cảnh hoảng hồn nhờ thầy Đồ tính quẻ, chọn đất táng con chó xấu số. Thầy Đồ bảo con chó chết vào giờ Đại Cát, đầu quay về hướng Tây thuộc Kim, chủ phát lộc, nên chọn huyệt tài bạch trong vườn để mai táng con chó. Thầy còn dặn phải đào sâu một mét bốn lăm. Nhà Cảnh răm rắp làm theo, chỉ thằng con sốt ruột nói: "Vẽ chuyện, đào một vài gang vùi kín là xong việc, xác con vật rồi cũng thối thành phân bón cây thôi!". Nhưng ông Cảnh chửi con: "Đồ toi cơm!" rồi ông giằng lấy mai tự tay đào. Thằng con chửi thể:"Mẹ kiếp! Thời buổi chôn chó cẩn thận hơn chôn người". Ông Cảnh bậm môi phập mai xuống cạnh bàn chân nó làm bà vợ ông kinh hãi kêu lên như chính bà bị lưỡi mai xén vào chân vậy. Đào đúng một mét bốn lăm thì lưỡi mai chạm vào vật gì đánh kịch. Ông Cảnh vội quẳng mai thò tay bới đất thì thấy một cái hũ sành, nắp vỡ đôi vì bị lưỡi mai tông vào. Ông Cảnh dùng xà beng cạy nắp ra thì thấy hũ đựng đầy vàng thoi. Vợ chồng Cảnh mừng rỡ, bí mật cất vào thùng thóc, bảo nhau không nói với ai, chỉ biếu riêng cụ Đồ một thoi và nói với cụ là đào được ba thoi. Cụ Đồ độn Mai hoa nói là phải đào được 99 thoi mới đúng, nếu không là hoạ lớn. Nhà Cảnh sợ quá sụp lạy như tế sao rồi thú thật sự việc. Cụ Đồ trả lại thoi vàng nói là lộc này trời cho riêng nhà Cảnh nên cụ không lấy được, chỉ xin chín cái lông ngỗng để viết chữ nho. Nhà Cảnh về thịt ngay con ngỗng đầu đàn đem biếu cụ cả gói lông dễ đến mấy lạng, cụ Đồ chỉ lấy đúng chín cái. Thằng Giác con trai ông Cảnh biết chuyện chửi đổng:
- Có chín cái lông ngỗng mà phải thịt cả con ngỗng năm cân, sĩ diện! Sao không để đến hôm giỗ cụ hãy thịt?
- Chờ giờ thì đến bao giờ. Chuyên ơn nghĩa mà tính toán gì - Bà Cảnh ôn tồn giải thích.
- Sao không nói trước tôi tổ chức liên hoan mời mấy thằng bạn đến chơi? Đến nhà chúng nó ăn mãi, không làm được một bữa thịt ngỗng mời chúng nó. Đéo mẹ nó chứ! Đời bạc như chó ấy!
- Mày chửi ai thế hả? Thằng ôn vật kia!

Ông Cảnh cầm cái ghế nhỏ lẳng vào lưng thằng Giác đánh hự. Thằng Giác điên lên chạy vào nhà bưng bát hương trên bàn thờ chạy ra sân quát to:
- Tôi đập mẹ nó cái bát hương này nhé!
- Kìa, làm sao thế? - Bà Cảnh rối rít - Giác ơi, mẹ van con.
- Mày đập tao giết! - Ông Cảnh thét.
- Chửi tôi câu nữa xem tôi có đập không! - Thằng Giác tuyên bố.
- Giời ơi! Mẹ xin con, mẹ lạy con đấy! Ông đi vào trong nhà đi!.
- Có giỏi chửi nữa đi! Thằng này không có ngán nhé! Nhất là bét, sợ gì! - Thằng Giác hùng hổ thách thức.

Ông Cảnh lùi lúi vào nhà. Bà Cảnh xông vào gỡ bát hương trên tay con:
- Thôi, mẹ xin... mẹ xin - Chấp làm gì bố mày, ông ấy say rượu nói bừa... Thôi đưa đây cho mẹ...

Thằng Giác miễn cưỡng buông bát hương cho bà Cảnh. Bà mang vào đặt lại trên bàn thờ rồi thắp hương rì rầm khấn vái. Thằng Giác bỏ đi sang nhà Chí đánh tổ tôm, uống rượu với lạc rang. Cái ngón võ khủng bố tổ tiên của nó thế mà hiệu nghiệm. Nó học được ngón ngày sau khi xem băng hình phim Mỹ về một vụ bắt cóc con tin. Lần đầu tiên Giác áp dụng võ khủng bố tâm linh vào năm 97. Sau khi nó bỏ trường thể thao Từ Sơn về quê lêu lổng, bị bố mẹ mắng rát mặt quá, nào là xấu hổ với tổ tiên, làm nhục dòng họ, nó điên tiết nói sỗ rằng chuyện nó bỏ học là chuyện hôm nay, đừng có lôi các cụ tổ vào bắt nó phải "tay bo" với tổ tiên. Ông Cảnh điên tiết quát: “Mày nói năng mất dạy thế à? Mới đi học vài tháng đã nhiễm cái thói du côn, "tay bo" với ai? Mày còn nói với bố mày cái giọng chợ búa ấy thì tao tuốt xác mày ra!”. Thằng Giác vừa nốc rượu vào nên nghe bố chửi phũ nó càng điên tiết. Nó vặc lại ông Cảnh: “Này ông đừng có giở giọng phong kiến ra với con cái thế nhé! Bây giờ không phải là cái thời lạc hậu mà các cụ..”. “Câm ngay!”- Ông Cảnh cầm cái cán chổi lao đến vụt vào lưng thằng Giác, cắt ngay lời nó. Thằng Giác nhảy chồm lên giường vớ lấy bát hương dơ lên: “Ông đánh nữa tôi đập bát hương ngay! Nào, có giỏi đánh đi!”

Ông Cảnh chịu thua. Từ đó, mỗi lần ông điên tiết mắng chửi nó, nó lại doạ đập bát hương làm ông phải thoả hiệp, xử nhũn. Thằng Giác được thể càng nghênh ngang. Nó khoe với bạn bè là nó có "bom hạt nhân", các cụ thích đối đầu thì nó "bấm nút" ngay. Tương quan lực lượng đổi rồi. Lớp trẻ bây giờ phải có bản lĩnh đòi quyền sống chứ. Thằng Chí thấy nó huênh hoang chửi lại rằng: "Mày chỉ là bọn khủng bố Hồi giáo cực đoan". Bọn thanh niên trong làng bây giờ nói chuyện với nhau toàn ngôn ngữ chính trị sinh động và sắc bén. Cùng dán mắt vào ti vi, anh nào biết cách học từ nhân loại những bài học đáng giá thì anh ấy sống. Thằng Giác tự hào nghĩ vậy. Nó còn vỗ ngực tuyên bố là nó mang dòng máu truyền thống dân tộc, tiếp thu có sáng tạo những tinh hoa nhân loại để vận dụng vào cuộc sống làng quê. Thử hỏi, có ai biết "dĩ độc trị độc", lấy quá khứ trị quá khứ, dùng bát hương để khống chế các cụ, đưa các cụ vào trật tự của bọn nó chưa?

Thằng Giác vẫn mơ một chiếc xe Win 250 phân khối từ khi nó còn học ở trường thể thao Từ Sơn, vừa rồi được thằng bạn cho mượn phóng về Hà Nội mấy lần, rồi lại được ngồi sau lưng nó tham gia vào mấy cuộc đua xe Wold Cup France 98. Từ ngày về quê, nó cũng đã mấy lần đi xe Win cùng mấy đứa xóm trên phóng lên tận Lào Cai, Sa Pa. Có lần nó mơ thấy cưỡi xe Win phóng thẳng lên trời, lướt trên các ngọn cây rồi leo qua cầu vồng y như chàng lực sĩ phóng xe bay trong mục quảng cáo dầu nhớt của hãng BP. Mẹ kiếp, con nhà Thảo học dốt như bò, người như cá mắm mà bố nó mua cho con Win ngon lành quá. Chẳng bù cho bố mình mở miệng ra là tổ tiên, roi vọt. Nó ức lắm. Từ khi bố nó đào được hũ vàng, nó đã mừng thầm, chờ cơ hội xin bố chục cây mua xe nhập vào hội đua xe của xã. Nhưng quan hệ bố nó luôn căng thẳng. Tháng này nó đã ba lần phải doạ đập bát hương rồi. Nó nghĩ đến chuyện phải lấy cắp một ít vàng để thực hiện ước mơ làm người hùng như trong các phim Găngxtơ của Mỹ. Nó đã phác ra nhiều kế hoạch, nhưng đều không có cơ hội thực hiện.

Bỗng một hôm bố mẹ đi sang làng Vồng dự đám cưới con người bạn, hai thằng em đi học, chỉ có bà cụ già yếu mắt kém và con em út ở nhà. Nó cho con út hai ngàn bảo đi đến nhà Mai mà chơi điện tử. Con bé mừng rú chạy vội đi. Thằng Giác chờ lúc bà nó băm rau lợn dưới bếp, lẻn vào buồng cạy thùng thóc lấy vàng trong đó.
Không may thanh gỗ bị bửa ra và cả thóc, cả vàng tràn đầy nhà. Thằng Giác hoảng hồn vội lấy đinh đóng lại. Bà nó nghe thấy búa đập chan chát lần sờ lên nhà hỏi:
- Ai làm gì trên nhà đấy!
- À, cháu đóng cái đinh...- Thằng Giác nói quấy quá
- Đóng đinh gì mà ầm ầm lên thế, bố mày về rồi lại ầm ĩ cả nhà lên...

Thằng Giác không trả lời, cứ lẳng lặng làm tiếp. Bà cụ cũng không nói gì thêm. Thằng Giác lấy mười thoi vàng đem ra vườn chôn. Ông Bổng đi vớt bèo qua vườn trông thấy thằng Giác lụi cụi đào đất tiện mồm hỏi:
- Mày đào gì đấy Giác?

Giác hơi sững người, nhưng nó cũng nghĩ ra câu trả lời:
- Cháu ươm hạt mít!
- Phải lấy cật nứa cứa vào hạt cháu ạ! - Ông Bổng nói rồi cắp rổ bèo đỏ quạch đi.
Thằng Giác không yên tâm, bớt đất lên lấy vàng nó vừa làm vừa lẩm bẩm chửi ông Bổng: "Tiên sư thằng già, tự nhiên ám mình". Xong việc, nó vào nhà tu hết nửa ấm nước rồi xuống bếp răn đe bà cụ:
- Bố con cháu đang lục đục, bà đừng làm căng thẳng thêm nữa nhé!
- Tao làm gì mà bố con mày căng thẳng? - Bà cụ hỏi.
- Ấy là nói thế...

Thằng Giác vẫn thấy không an tâm. Nó ngồi thừ ở thềm một lát rồi nghĩ thế nào đó nó xách dao sang nhà ông Bổng. Ông Bổng đang nấu cám lợn thấy thằng Giác hầm hầm xách dao đi vào đã linh cảm thấy có chuyện không lành nên dè dặt hỏi:
- Trồng xong rồi hả cháu?
- Cháu đang định chặt hết cây trong vườn cho bõ tức đây - Thằng Giác chém phập dao vào bậc cửa rồi ngồi xuống.
- Mày tức cái gì? - Ông Bổng hỏi.
- Bố cháu suốt ngày mắng chửi. Cháu phải doạ đập bát hương mấy lần ông ấy mới thôi. Lúc ấy mà có đứa nào thối mồm đưa chuyện là cháu đâm cho ngay một nhát..
- Chuyện gì mà đưa? Chuyện gì chẳng thế! Bất cứ chuyện gì đến tai ông ấy cũng thành ngòi nổ chiến tranh. Ông ấy ghét cháu, chỉ cần có cớ là gây sự. Bây giờ bác kể chuyện cháu trồng mít trong vườn là ông ấy lại tế cháu một trận ra trò ngay..
- Trồng cây tốt quá, tế gì? - Ông Bổng thật thà.
- Sao không tế? Ông ấy sẽ rỉa rói về việc cháu bỏ học, nào làm kỹ sư không muốn, chui đầu vào vườn làm anh nông dân hót cứt. Mày có nghề có ngỗng bố mày còn mát mặt, còn được nhờ được vả, chứ trồng mít trồng na thì bố mày chết thành giun trước khi nó bói quả rồi! Đấy, đại loại là thế... - Thẳng Cảnh nói một lèo, giọng sôi sục.
- Bố mày cũng quá đáng, để tao bảo nó!
- Thôi, tốt nhất là bác im, đừng nói gì về cháu với bố cháu hay với bất kỳ ai. Chả có đứa chó nào tốt đâu, rồi chúng nó lại đưa chuyện đến bố cháu. Cháu mà điên lên cháu băm vằm nó ra! Rồi lại liên lụy tới bác.

Nói xong nó đứng dậy phủ quần đi về. Đi qua bể nước nó tiện tay chém vỡ cái vại đựng nước gạo làm bắn tung cơm, rau và cà pháo ra sân. Ông Bổng không hiểu cái thông điệp răn đe của nó, quát với theo:
- Cái thằng Giác, mày say rượu đấy à?

Giác lừ lừ không nói. Về đến nhà nó lại thấy bất an, vì cái tiếng quát lúc cuối của ông Bổng vẫn ám ảnh nó, thức dậy trong nó một ấn tượng về sự vô tâm của ông lão. Lẽ ra, ông phải im đi. Thế thì sẽ có lúc lão ta trống miệng bô bô về việc mình đào ngoáy ở trong vườn? Thằng Giác hoang mang. Nó cầm dao gạch vu vơ lên bức tường gạch trong ngõ, rồi tự nhiên có một cái gì mơ hồ thẳm sâu thôi thúc, nó chợt vung dao chém mạnh vào gạch như để xả bớt cái bức bối vô hình trong tâm trí.

Chương 2

Cách đây chừng hai năm, trước khi đi đại học, thằng Giác đã một lần vác dao chém vào cây gạo chỉ vì bà nó cà kê kể chuyện động thai của mẹ nó ngày xưa. Dạo ấy, mùa hoa gạo đỏ ối, mẹ nó đi chợ bán rau lang. Đi đến gốc gạo đầu làng, tự nhiên bụng mẹ nó đau quặn, cái thai bốn tháng bị động vì gánh nặng. Ông Bổng đi bốc mộ về trông thấy mẹ nó ôm bụng quằn quại bên gánh rau khoai lang vội cõng về nhà. Bà nó cho uống mấy thứ lá lảu trong vườn, rồi mang hương ra gốc gạo cúng, đến đêm thì mẹ nó dứt cơn đau. Mỗi lần nó gân cổ cãi bố mẹ, cãi bà, bà nó lại nhắc lại chuyện động thai, rằng mang thai nó cực khổ trăm đường, không có ông Bổng xốc vác đưa về và sau đó bà nó lo lễ bái chu đáo thì nó cũng bị ma cây gạo bắt rồi. Hoá ra cái đời nó chỉ là bãi mửa của con ma nào đó trong gốc gạo. Nó điên lắm.
- Ông bà với bố mẹ vất vả tôi còn ơn chứ đừng hòng bắt tôi nhớ ơn con ma chết tiệt nào. Thằng này không phải đồ ngu nhé!
- Mày nói ai là đồ ngu? - Ông bố gầm lên - Cái thằng đốn mạt kia, mày chửi bà mày như thế đấy à?
- Tôi không chửi bà, tôi chửi đứa nào phịa ra cái chuyện ma chuyện quỷ để bà bắt tôi ơn, ơn cái con... c... tôi đây này!- Giác khùng lên.
- À, cái thằng vô đạo kia! Mày chửi cả làng đấy hả? Mày... Mày định làm cho bố mày lụn bại suốt đời hả? Thằng khốn nạn kia! -Ông Cảnh điên tiết chửi như tát nước vào mặt con.
- Này, ông mà nói nữa tôi vác dao ra chém cây gạo đấy!
- Tao thách mày! - Ông Cảnh rít lên.
- Giời ơi! Mẹ van con - Bà mẹ rên rỉ.
- Thách à! Được thử xem nó có vật được tôi không?

Thằng Giác vớ dao phay trên nóc chạn chạy phăng phăng ra đầu làng chém lia lịa vào gốc gạo. Ông Cảnh vác đòn càn chạy theo vụt mạnh vào tay nó làm băng con dao phay xuống vệ. Thằng Giác ôm tay lăn ra gốc gạo vừa khóc vừa chửi: “Đ.mẹ đứa nào bịa ra con ma làm khổ bố mày nhé! Hu hu!... Ông giết tôi đi, tôi đéo thiết nữa đâu!...”. Mẹ nó lao vào can, giằng lấy đòn càn từ tay bố nó. Bà nó thì cứ đứng sau bố mẹ nó chắp tay vái cây gạo lia lịa xin tha thứ cho thằng cháu dại mồm.

Sau hôm đấy thằng Giác trở nên đối địch với cả làng. Trong làng, từ già đến trẻ ai cũng có lý do để kính trọng hay sợ hãi những bóng dáng vô hình cư trú trong cây gạo, dù đó là bóng dáng trong ký ức hoang tưởng. Chỉ riêng thằng Giác vô cảm trước những điều thiêng liêng bí ẩn trong gốc gạo, thậm chí, nó còn căm thù những bông hoa đỏ và khinh ghét cả làng vì đã vô tình đày nó vào một miền ký ức mông lung, biến nó thành kẻ tội đồ trong cái vương quốc của quá khứ và hoang tưởng. Nó thấy tương lai có bao điều hấp dẫn mà nó có thể lựa chọn. Nhưng ngay cả quyền lựa chọn của nó cũng bị câu thúc, kết tội. Nó muốn có một chiếc xe Win 250 phân khối. Đó là cái hình ảnh tương lai mà nó đã nhìn rõ trên ti vi. Còn cái ảo ảnh quá khứ mà bố mẹ nó và cả làng tôn thờ nó đã bao giờ nhìn thấy? Thật ngu xuẩn! Nó càng nghĩ càng điên tiết, muốn chặt phéng cây gạo để cho làng biết nó có một sức mạnh giản đơn có thể xoá sổ cái thế giới rối rắm của ảo ảnh ma quỷ. Thậm chí, nếu nó có chém chết một người nào đó trong làng thì cũng là sự thách thức của hảo hán: Tôi cho thêm các người một con ma như chấp các người một con xe trên bàn cờ tướng, thử xem các người có thắng được tôi không? Thích thú với ý nghĩ ấy, thỉnh thoảng thằng Giác cầm dao chém đứt ngang cây chuối để thưởng thức cái khoái cảm của sự khẳng định. Đằng sau mỗi nhát chém ấy của nó không có sự khoái cảm của anh hùng khi thấy mình giống như những thám tử võ sư sát thủ trong các phim hành động Mỹ, Hồng Kông mà còn là niềm lạc thú khi nhìn thấy sức mạnh của một lẽ sống, một niềm tin. Các người tin có ma, có thần, có những cõi linh thiêng, còn tôi chỉ tin vào những gì tôi nhìn thấy và sờ thấy. Cái các vị tin thì làm các vị run sợ. Còn cái tôi tin làm cho tôi mạnh mẽ. Đừng có láo, tao cho một nhát!

Đó là tất cả xúc cảm phức tạp và nhạy bén đang quẫy lộn sau cái nhát chém vô thức của thằng Giác làm bửa đôi viên gạch trên tường. Dám làm thì sẽ thành công. Nó tin chắc như vậy. Nếu nó có cái xe Win 250 phân khối, nó có thể làm cho bọn choai con trên huyện phải bái phục vì kỷ lục mới về tốc độ và sự mạo hiểm. Nghĩ đến lúc ngồi trên xe rú hết ga phóng như bay trên đường quốc lộ, nó thấy phấn chấn hẳn lên và nguôi đi những lo âu ám ảnh với hình ảnh lão Bổng vác rổ bèo đỏ ối đi ngang qua rặng ruối. Nhưng chẳng mấy chốc, cái hình ảnh chiết tiệt ấy lại vòng trở lại tâm trí nó và nó lại tưởng tượng thấy mình phóng xe bay qua ao đâm bổ vào lão Bổng làm rổ bèo tung lên như một trận mưa hoa.

Chiều tối ông Cảnh đi đám cưới về mang cho thằng Giác bảy điếu thuốc ba số ông khoe hồn nhiên:
- Bàn bên cạnh các bà không hút tạo định lấy cả bao về cho mày nhưng đông quá bất tiện, chỉ lấy được mấy điếu ở bàn tao.
- Cưới có dàn nhạc sống không?- Thằng Giác hỏi.
- Chả biết, thấy nói có đĩa gì đấy, loa to lắm! - Bố nó vừa cởi quần vừa đáp.
- Đĩa DVD hả? Hình như thế! Nghe cứ như bò rống vượn hú, điếc cả tai. Được cái rượu nhà nó ngon.
- Thời đại mới nhạc phải thế chứ cứ ư ử chầu văn như các cụ thì khác gì đưa đám - Thằng Giác châm thuốc phì phèo - Thế chúng nó có nhảy không?
- Úi giời ơi láo nha láo nháo, tao với mẹ mày uống rượu xong đi xuống chơi nhà cụ Khế, ở đấy nhức cả đầu...
- Bao giờ cưới con, phải có ban nhạc Hoa Súng ngoài tỉnh về chơi mới máu! - Thằng Giác thở khói khoan khoái.

Ông Cảnh cúi xuống gầm bàn lấy điếu cày chợt thấy thóc rơi vãi ngạc nhiên hỏi:
- Sao thóc ở đâu vương vãi đầy nhà thế này?
- Đâu? Con không biết, hỏi cái Tỉnh xem - Thằng Giác nói rồi bỏ đi ra ngõ
- Tỉnh! - Ông Cảnh gọi giật - Sao thóc lại vãi ra đây?

Cái Tỉnh đang nấu cám lợn cầm cả que cời chạy vội lên:
- Cái gì hả bố?
- Mày nhìn xem! - Ông Cảnh chỉ tay xuống gầm bàn.
- Con không biết! - Cái Tỉnh ngơ ngác
- Không biết là thế nào? Cái nhà này có ma hay sao. Bà ơi! - Ông Cảnh gọi với vào buồng - Chiều có ai đem thóc đến nhà mình không mà vãi đầy cả ra đây thế?
- Có ai đâu? Chỉ có thằng Giác đóng đinh gì trên đó kỳ cạch suốt.

Linh cảm thấy chuyện chẳng lành, ông Cảnh chạy lại nhìn hòm thóc và ngay lập tức phát hiện ra mảnh gỗ vừa bị cạy ra. Ông hốt hoảng mở nắp hòm kiểm tra lại số vàng rồi lớn tiếng gọi cô con gái:
- Con Tỉnh đâu! Mày đi tìm thằng Giác về đây cho tao!

Thằng Giác vừa quay về, ông Cảnh túm ngay cổ nó dúi vào tủ thóc:
- Mày lấy trộm của tao mười thỏi, muốn sống thì đem trả lại đây không tao giết!
- Bố đừng có vớ vẩn nhé! Tôi biết đâu tiền bạc của ông!
- Không mày thì ai vào đây? Chiều nay đứa nào cạy tấm gỗ này ra hả?
- Tôi không cạy! - Thằng Giác cãi.
- 
Không này! - Vừa nói ông Cảnh vừa bất ngờ tạt tai thằng Giác làm nó ngã dúi dụi. –
- Ông không được phép đánh tôi. Vi phạm nhân quyền! - Thằng Giác vừa quệt máu mũi vừa lu loa.
- Này thì nhân quyền này! - Ông Cảnh điên tiết xông tới đấm đạp thằng Giác làm nó ngã dúi ngã dụi vào góc bàn - Này láo này! Ăn cắp này!..

Mỗi cú đấm đá là một câu dằn dọng. Thằng Giác tránh đòn nhảy phóc lên giường, nhao tới bàn thờ bưng bát hương giơ lên:
- Ông mà đánh nữa tôi đập đây này!
- Này thì doạ này.

Ông Cảnh càng điên tiết hơn, cầm cái điều cày phang vào sườn thằng Giác làm nó co rúm người lại mặt đằng đằng sát khí:
- Tôi đập thật đấy!

Ông Cảnh nhảy lên giường đạp cho nó một đạp bắn ra ngoài cửa chúi đầu vào cột, suýt nữa thì ngã đập mặt xuống hè. Nó gượng dậy né người tránh đòn, tay dơ cao bát hương chạy ra sân đập "choang" một cái. Tro bay mù, chân hương rơi lả tả. Bà cụ chưa hiểu chuyện gì thấy bát hương bị đập thì thét lên: "Giời ơi! Thằng Giác!". Ông Cảnh hơi sững người một giây, rồi cơn điên lại trào lên, ông vớ lấy cái đòn gánh đuổi theo thằng con thẳng cánh phang vào vai nó. Thẳng Giác cắm cổ chạy ra vườn. Ông Cảnh không đuổi theo mà lẳng đòn gánh, quay vào túm tóc con Tỉnh lôi ra sân chỉ mặt mắng xa xả:
- Con đĩ! Mày ở nhà không lo chăm lo nhà cửa, tớn lên đi chơi điện tử! Con gái con đứa nhớn bằng này tuổi đầu mà không được tích sự gì! Phí cơm ông! Cuốn xéo đi chơi điện tử đi! Đừng có về đây mà hốc nữa!

Ông Cảnh dúi đầu nó vào cột chuồng trâu rồi buông tay làm con bé ngã dúi vào đống rơm. Ông Cảnh bỏ vào nhà ngồi thừ, như người mất hồn. Bà già bảo con Tỉnh:
- Xin bố mày tha cho rồi cho lợn ăn đi cháu!
- Không khiến! Bảo nó cuốn xéo đi! Ngứa mắt tôi! - Ông Cảnh quát vọng ra.

Con bé lùi lũi ra bờ ao ngồi khóc tức tưởi. Bà già lụi cụi ngồi nhặt mảnh bát hương và chân hương. Ông Cảnh rít thuốc lào xong, phả khói rồi mắng luôn bà cụ:
- Bà ở nhà mà để cho chúng nó làm loạn như thể người lớn chết hết cả rồi!
- Khổ quá! Thì tao mải băm rau lợn, thấy nó kỳ cạch hỏi nó thì nó bảo đóng đinh làm gì đó, ai biết đâu...- Bà cụ rân rấn nước mắt.

Đêm ấy, thằng Giác bỏ nhà đi lang thang ngoài bờ sông. Lần đầu tiên nó cảm thấy bơ vơ, trống trải, thiếu một cái gì đó như là nơi nương tựa bấy lâu vẫn tạo cho nó một sự hăng hái, quyết liệt, vững tin. Nó cố tìm kiếm xem cái đó là cái gì, nhưng bất lực trước cái mơ hồ bí ẩn đang lung lạc huỷ hoại nơi đáy sâu tâm hồn nó. Nó thấy tinh thần ủ rũ như tàu lá chuối vừa hơ trên lửa. Cái vũ khí ghê gớm nhất của nó đã được tung ra, bát hương đã vỡ tan, mà nó không làm cho bố nó hoảng hốt như những lần nó doạ dẫm. Cái tâm trạng trống rỗng lạnh lẽo của nó có cái gì giống như thế giới hoang mạc sau ngày quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima. Và nó thấy sờ sợ một cái gì. Mới lúc chiều, nhát dao đầy sinh khí của nó chém vào tường gạch toé lửa, khiến nó thấy như có một sức mạnh bí ẩn như cuồng dại, như lốc cuốn có thể chém hàng loạt người không thấy ghê tay. Thế mà, sau cuộc xung đột với bố nó, thằng Giác cảm thấy nó trở nên yếu ớt, run tay nếu có để con gà trên thớt cho nó chặt thì chắc nhát dao cũng ngập ngừng, chuệch choạc. Thật lạ lùng, thằng Giác có thức dậy cái sức mạnh điên dại lúc chiều, tìm kiếm lại cái sát khí đầy tự tin vẫn rạo rực trong đường gân thớ thịt lâu nay, nhưng vô ích. Có lẽ, nó không còn nguyên cái thù hận cuộc đời, tâm hồn nó đã bị một cái gì như mặc cảm tội lỗi bao vay nhẹ nhàng êm ả, huỷ hoại đi những dũng khí của kẻ hận đời. Nó trải nghiệm cái yếu ớt của những cảm xúc lương thiện. Nó tiếc cái khí thế tự tin mãnh liệt khi nó cầm dao chém vào vỡ cái chum nhà ông Bổng. Đó là cái sinh khí Trời cho, các anh hùng xưa nay cũng chỉ là những người giữ mãi được những cơn điên ấy chứ có phải ai cũng đúng cả đâu! Thằng Giác bỗng khao khát tìm lại những cơn điên cũ. Nhưng khi nó đi tới gốc gạo những đoá hoa đỏ rự tự nhiên làm nó muốn khóc. Không ngờ cái màu hoa rực rỡ kia không đem thêm cho nó một tia lửa nào, mà chỉ làm cho nó thêm rũ rượi, ngã gục trước một ký ức tuổi thơ bất chợt quá bí ẩn và mong manh.

Một ngày nào đó trong tuổi thơ của nó, bố nó làm cho nó một cái diều bằng nan tre và giấy bản. Bố nó chém vào gốc sung, lấy nhựa vào vỏ con trai đem về dán diều. Bố nó bắc ghế lấy những ống giang gác ở bếp bám đầy bồ hóng để vót làm nan diều. Nó ngửa mặt lên bị một xâu mộc nhĩ treo lủng lẳng trên gác bếp rơi trúng mặt, bồ hóng đầy mắt. Rồi hai bố con ra vườn chùa chặt cành cây sữa về làm sáo diều. Bố nó gọt cành sữa thành miếng gỗ tròn rồi dùng cái dao khoét nõ điếu khoét miệng gỗ, sau đó lấy giấy bản tẩm nhựa sung để gắn hai miếng gỗ có miệng vừa khoét vào hai đầu ống nứa thành cái sáo diều. Có lần hai bố con ra gò đầu làng thả diều cái diều dứt dây lảo đảo rơi mắc vào cành hoa gạo. Bố nó trèo lên cây hoa đầy gai, bò nhích ra đầu cảnh với bằng được cái diều. Khi nó đứng ở dưới nhìn lên, trong con mắt của cậu bé sáu tuổi là hình ảnh người cha đang trườn trên một bầu trời xanh trong vắt, đỏ rực hoa. Tay bố nó vừa chạm chiếc diều, một bông hoa gạo rơi xuống xoay tít như chong chóng.
Cái khoảnh khắc hằng quên ấy tự nhiên thức dậy trong tâm hồn thằng Giác, làm nó rùng mình, ứa nước mắt. Lúc nó vung dao chém vào cây gạo, nó đâu có nhớ gì tới cánh diều kia! Thỉnh thoảng, có lúc trí nhớ dạt về buổi tuổi ấu thơ, trong tâm trí nó chỉ loáng thoáng những chiếc lá sấu vàng trong vườn chùa, mấy bông hoa rong riềng nơi chúng nó vẫn chui vào chơi trốn tìm, mấy bông hoa trắng đỏ giạt khi nó cưỡi trâu bơi qua hồ sen...Ký ức mơ hồ rời rạc và lộn xộn, không có lớp lang gì, đôi khi xâu chuỗi lại bằng một mùi hương bất chợt hay rối rít quẫy lộn trong tâm trí như một đàn chim thấy động vụt bay lên, làm thằng bé ngẩn ngơ không biết đuổi theo con chim nào nữa.

Thằng Giác đi vào trong cái điếm hoang giữa đồng nằm sóng sượt. Đêm ấy, nó mơ thấy mình phóng trên chiếc xe Win bay trên bầu trời đầy hoa gạo, trên ghi đông xe buộc sợi dây diều. Nó rú ga bay vút lên cao nhưng không bao giờ cao hơn chiếc diều. Nó vòng xe đi ngược gió, tóc áo bay phần phật, nhưng cánh diều lôi xe vòng lại làm nó ngã nhào khỏi xe và cứ thế từ trên trời rơi xuống.

Thằng Giác giật mình tỉnh giấc, cơn sợ hãi vẫn còn choáng ngợp. Cái điếm hoang lạnh lẽo giữa đồng không mông quạnh trong đêm làm nó thấy rờn rợn. Nó nhắm mắt cố ngủ lại, nhưng tiếng dế, tiếng ếch ộp và hàng đàn ý nghĩ không dầu không cuối cứ ào ra lởn vởn trong tâm trí làm nó không thể ngủ được. Bà nó kể, cái điếm này thờ một vị anh hùng từ xưa, một dũng tướng của Hai Bà Trưng khi bị địch chém đã xách đầu mình chạy về đến đây mới chịu gục ngã. Hình ảnh huyền thoại ấy bỗng nhiên hiện lên lừng lững trong trí tưởng tượng của nó, câm lặng và ám ảnh, khiến nó rùng mình sợ hãi dường như người xưa đang hiện hình sống chập chờn đâu đây cạnh nó. Ngày xưa, khi nó nằm trên ổ rơm đón nghe từ hơi thử mùi trầu của bà những chuyện cổ tích, những sự tích về người anh hùng, nó cũng tưỏng tượng ra người anh hùng cụt đầu, nhưng nó đâu có sợ! Thậm chí, sau đó nó còn xách quả dừa chạy dọc vườn chùa la hét ầm ĩ: "Chúng mày ơi! Tao là anh hùng đây! Tao xách đầu tao đây!" Mẹ nó nghe thấy quát: "Giác! Gở cái mồm mày! Có câm đi không?" Nó hồn nhiên: "Bà bảo có ông tướng đánh nhau bị chém rơi đầu chôn ở ngoài điếm mà?!" Mẹ nó bảo bà: "Bà đừng kể những chuyện mê tín, cháu nó tưởng thật". "Ai bảo mày đấy không phải là chuyện thật? Không thật mà người ta lại xây cái điếm!"."Thật ít, bịa nhiều, mê tín dị đoan đấy! Uỷ ban xã chẳng nói trên loa về chuyện nhà Hiển lập điện cúng bài là gì!". "Ôi giào, thắng Chiến con bố Đấu chứ Uỷ ban gì!"- Bà nó thong thả nói. Mẹ nó gắt: "Bà cứ nói thế chú ấy nghe thấy lại ghét nhà mình. Bây giờ khoa học rồi, có như các cụ ngày xưa đâu mà!..."

Lớn lên, đi học thằng Giác hiểu thêm những điều mẹ nó và bà nó hay cãi vã. Nó thấy đúng là các cụ lẩm cẩm, thiếu hiểu biết về khoa học thật. Sau này, được xem vô tuyến, băng hình, chơi trò chơi điện tử, nó thấy khoa học của Tây người ta còn phù phép bằng vạn mấy ông thần, mấy ông tướng trong chuyện bà nó kể. Cái xe Win, cái máy bay lại không bằng mấy cái con ngựa sắt mà ông Thánh Gióng cưỡi ấy à? Đi máy bay trên trời có ghế êm, có dây an toàn, có nhân viên phục vụ bia, Coca tận tay, chẳng sạch sẽ thiên thần gấp vạn lần ngồi chênh vênh trên cái con ngựa sắt. Ấy vậy mà bên làng An Đức có dự án đầu tư, các cụ không chịu cho phá chùa để xây sân golf. Lạc hậu u mê quá! Giữ làm gì cái chùa tối om, mù mịt khói hương và toàn các bà già ê a lễ bái. Trên VTV3 người ta chiếu nhiều cảnh chơi Tennis, chơi golf trên thế giới, chứ có mấy khi chiếu cảnh cầu kinh gõ mõ đâu! Nó mà có quyền nó đập sạch mấy cái chùa, cái điếm đầy rêu xanh, gỗ mục và những chuyện hoang đường....

Vậy mà, bây giờ nằm giữa miếu hoang, nó thấy những chuyện hoang đường bấy lâu vùi sâu trong tâm trí nó bỗng cựa quậy sống dậy, với những ảnh hình rõ nét như trên Tivi, làm nó rùng mình. Nó nép người vào tường, quan sát xung quanh với mặc cảm tội lỗi của kẻ vô đạo quen báng bổ thánh thần, dường như thần linh đọc được hết những ý nghĩ của nó lâu nay, sắp báo thù nó. Nó rợn người khi một con đom đóm lập loè bay tới. Nó thầm khấn: "Lạy ông Ngài, ngài tha lỗi cho con đã dại dột báng bổ ngài"...