"Thảo nguyên xanh tươi" ở Bãi Giữa

Một bộ phim tài liệu về cuộc sống của những cư dân xóm nhà thuyền Bãi Giữa sông Hồng (Hà Nội) do chính những em nhỏ sống ở đây đảm nhiệm tất cả các khâu, từ quay phim đến biên kịch, đạo diễn, đã hoàn thành sau 6 tháng miệt mài làm việc. Bộ phim kể về chính cuộc đời của các em, sắp được công chiếu rộng rãi trên sóng truyền hình.

Thông điệp của nhóm làm phim gồm 6 em gái và một em trai tuổi từ 10 đến 15, được tuyển chọn trong dự án My Life - My View (Đời tôi - Mắt tôi), liệu có giúp chúng ta thay đổi cái nhìn về cộng đồng?

Trẻ em xóm nhà thuyền

Trần Thị Hiền, 10 tuổi, sống với gia đình trên một nhà thuyền ở Bãi Giữa từ năm lên 3 và cùng 19 hộ dân khác tạo thành một cộng đồng nhỏ, gần như biệt lập với nội thành Hà Nội, nơi mà nguồn điện lấy từ những chiếc máy phát chạy dầu hay những chiếc ắcquy; nước sinh hoạt lấy từ ngay từ dòng sông đậm đặc phù sa. Hàng ngày, Hiền và các bạn đồng trang lứa đi học ở lớp "Mái ấm 19.5" nhưng cũng không biết mình có được học lên quá lớp 3 đang học hay không.

"Thiệt thòi lớn nhất của những người dân nơi đây, đặc biệt là những em nhỏ là họ không có kênh thông tin nào để thể hiện suy nghĩ, đóng góp ý kiến như những công dân bình thường khác, thậm chí là về chính cuộc sống của họ" - Phan Ý Ly - người khởi xướng dự án chia sẻ.

Sinh năm 1981, Phan Ý Ly đã có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực phát triển xã hội với Liên Hợp Quốc và các tổ chức phi chính phủ. Sau khi hoàn thành khoá học thạc sĩ "Nghệ thuật và truyền thông trong công tác phát triển cộng đồng" theo chương trình học bổng Chevening tại Anh, cô làm cố vấn độc lập trong lĩnh vực đã theo học.

Phan Ý Ly kể về ý tưởng của mình thế này: "Qua tìm hiểu, tôi và một số cộng sự biết ở đây trẻ em lao động cực nhọc, cái đói, cái nghèo lên xuống theo mực nước sông Hồng. Cộng đồng này hầu như không nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương hay các tổ chức phi chính phủ, vì một lẽ đơn giản họ không phải là những người cư trú hợp pháp. Tôi lập ra dự án này với mong muốn sẽ được xã hội biết đến, để trẻ em ở đây biết yêu và phấn đấu cho cuộc sống của mình".

"Thảo nguyên xanh tươi"

Dự án đã tập hợp được 7 em, Trần Thị Hiền là một trong số đó. Lần đầu tiên, những đứa trẻ như Hiền biết đến chiếc máy quay, hình dung ra một bộ phim tài liệu là thế nào và quan trọng hơn cả, lần đầu tiên các em được nói với mọi người: Đây là cuộc sống của tôi và gia đình tôi. Nhóm làm phim đã được học qua những kỹ năng cơ bản nhất về sử dụng máy quay. Những khái niệm, thuật ngữ chuyên môn được diễn đạt rất dễ hiểu. Các em đặt cho máy quay là "Oenđy" - "một nhân vật hoạt hình em đã được xem trên tivi" - Hiền giải thích.

Nhóm làm phim có 2 tháng rưỡi để ghi lại những gì các em thích, chỉ với một chiếc máy quay và không có bất kỳ sự tác động nào từ phía thành viên dự án. Đến cuối tháng 9 vừa qua, bộ phim đã hoàn thành và sắp được trình chiếu, với cái tên giản dị, nhưng đầy ý nghĩa "Thảo nguyên xanh tươi". "Khi nhắc tới Bãi Giữa sông Hồng, những người trên phố chỉ nghĩ đến kim tiêm, rác rưởi... và cho rằng dân ở đây toàn là trộm cắp, nhưng thực ra không phải như vậy. Đối với chúng em, nơi đây là thảo nguyên, giống như chốn thiên đường" - các em lý giải việc đặt tên cho bộ phim.

"Chị Ly có hỏi 5 năm nữa em muốn làm gì? Lúc trước, em muốn làm hoạ sĩ, nhưng bây giờ em thích trở thành nhà quay phim". Ước mơ của Hiền đã thay đổi, nhưng có trở thành hiện thực hay không, thực khó đoán trước. Cũng như cuộc sống của cư dân xóm nhà thuyền vậy, chưa chắc đã có đổi thay tích cực sau khi tự giới thiệu về mình. Nhưng dù vậy, "Thảo nguyên xanh tươi" cũng sẽ giúp xóm nhà thuyền được xã hội biết đến nhiều hơn. Còn các cư dân nhỏ ở đây có những tháng ngày đầy ắp niềm vui, kỷ niệm đẹp.

(Theo TN, LĐ)